Yêu một cánh rừng trong phố biển

VĨNH QUYỀN 30/04/2019 02:04 GMT+7

Điều gì đã và đang xảy ra với Sơn Trà, với lũ voọc năm màu được các nhà nghiên cứu xưng tụng “nữ hoàng linh trưởng”? Sẽ ra sao trong tương lai gần khi các dự án kinh tế du lịch được cấp phép tiếp tục mở rộng xây dựng trên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà?

Sau gần một ngày loanh quanh trong rừng Sơn Trà chụp ảnh voọc chà vá chân nâu và sau ba tiếng đồng hồ im lặng thu mình sau mành lưới ngụy trang, hồi hộp đợi khoảnh khắc may mắn có thể quay phim hoét đen, được cho là chim di trú đến từ bắc Nhật Bản, thường về tắm suối vào cuối ngày, Jun, nhà báo người Mỹ gốc Nhật, đề nghị tôi tìm một nơi có thể vừa uống bia vừa ngắm rừng Sơn Trà.

Với giọng khoa trương, tôi bảo ở đâu trong trung tâm thành phố Đà Nẵng cũng thấy được cánh rừng này. “Tuyệt!” - Jun kêu lên với vẻ mặt vui thích, rồi nói các bạn ở đây thật hạnh phúc.

Không biết bao lần nghe điều tương tự từ khách phương xa, từ những người Đà Nẵng cùng sở thích chụp ảnh động vật hoang dã tình cờ gặp nhau trong rừng và từ chính bản thân nói ra lời, hoặc viết thành câu chữ, hay chỉ giữ trong tâm tưởng, vậy mà tôi vẫn xúc động khi nghe Jun.

Rừng vốn là quý, Jun tiếp, quý hơn khi rừng gối biển, quý hơn nữa khi rừng cùng biển nằm sát thành phố và giữa cơn lốc đô thị hóa như Đà Nẵng.

Ảnh: Vĩnh Quyền
Ảnh: Vĩnh Quyền

Jun bất ngờ hỏi tôi đã thăm đền Meiji (Minh Trị) ở Tokyo chưa.

Tôi gật đầu, bảo hơn mười năm rồi, mùa thu 2008 và còn giữ khá nhiều ảnh về kiến trúc ngôi đền cùng những hoạt động nghệ thuật đậm sắc văn hóa Phù Tang, thích nhất màn biểu diễn nhạc trống ấn tượng của hàng trăm thanh thiếu niên trong lễ phục truyền thống Thần đạo.

Ánh mắt Jun sáng lên khi nói vậy là ông đã có dịp đi dạo trên những con đường lát đá cuội dưới tán rừng mang tên Meiji.

Sau đó, tôi thích thú với chuyện của Jun, về nơi tôi từng đến nhưng nghe như mới.

Meiji băng hà năm 1916. Người Nhật dựng đền cực lớn thờ phụng vị thiên hoàng thực hiện thành công công cuộc canh tân vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản, sớm đưa đất nước mặt trời mọc bước vào kỷ nguyên hiện đại, trở thành một đế quốc lừng lẫy thế giới.

Nói người Nhật chứ không riêng triều đình và hoàng gia, bởi đã có hơn một trăm nghìn thanh niên tự nguyện đem các giống cây quý và phù hợp từ khắp mọi miền đất nước đến trồng quanh vị trí được chọn xây dựng đền, dưới sự chỉ huy của kiến trúc sư trưởng Honda Seiroku, khởi đầu phong trào dâng cúng cây xanh trong dân chúng. Kết quả là hơn trăm năm qua, diện tích bảy mươi hecta quanh ngôi đền đã trở thành khu rừng xanh nổi tiếng ngay giữa thủ đô Tokyo san sát nhà chọc trời.

Giọng Jun xúc động khi hồi tưởng kỷ niệm gia đình: “Thời niên thiếu trước khi du học, hằng năm vào dịp giỗ cụ cố, tôi đều theo gia đình viếng đền Meiji. Sau lễ, chúng tôi tìm đến cây sồi đại thụ do ông cụ trồng năm ông hai mươi tuổi, ngồi quây quần bên nhau dưới tán lá mát lành nhắm rượu sakê, ôn lại lịch sử của rừng xen lẫn chuyện đời của người trồng rừng...”.

Với vẻ chiêm nghiệm, Jun nói: “Tôi bắt đầu biết yêu rừng, quý từng cây rừng như vậy đó. Tất cả bắt đầu từ một khu rừng thiêng có nguồn gốc nhân tạo”.

Rồi Jun trở lại cánh rừng tôi vừa đưa anh ra khỏi: “Vì vậy, tôi nói các bạn hạnh phúc khi được tự nhiên ban tặng một ngọn núi lớn, một cánh rừng đẹp như Sơn Trà ngay trong lòng thành phố của các bạn”.

Chim trên Sơn Trà. Ảnh: Vĩnh Quyền
Chim trên Sơn Trà. Ảnh: Vĩnh Quyền

***

Jun giúp tôi nhớ ra gần đây tôi tự nhiên có thói quen nhìn lên Sơn Trà, nhất là mỗi sớm mai, xem thử hôm nay trên đó xanh trong hay mây mù che phủ, hoặc liệu có thời gian đi thăm lũ voọc, lũ chim và chụp ảnh?

Trước đây, tôi từng ngạc nhiên khi gặp những người bị cho là “phát cuồng vì Sơn Trà”. Một lần thăm rừng về muộn, khi bóng tối bắt đầu dâng mờ cảnh vật, chợt nghe âm thanh cửa trập máy ảnh bật giòn giã sau lùm cây, tôi ngoái nhìn. Người bạn dẫn đường giục: “Đi thôi, nếu không phải Lê Văn Thọ báo Thanh Niên thì cũng Đặng Thu Thủy của Đài DRT, hai người nớ là rứa đó”. Rồi anh chép miệng: “Tối thui rồi, không biết chụp để làm chi nữa!”.

Giờ, sau hơn một năm thường xuyên gặp “hai người nớ”, tôi chỉ thấy yêu mến. Họ chụp ảnh không hoàn toàn vì ảnh. Chỉ là họ luyến tiếc phút giây được sống với rừng, với đàn voọc của họ.

Ở đó, tôi còn gặp những người yêu rừng theo cách riêng. Như một thanh niên có nickname Facebook Trung Đào đã hơn tám năm chuyên thu gom rác của du khách thiếu ý thức vứt bỏ trên những cung đường xuyên rừng.

Trung Đào nhặt rác trên Sơn Trà 8 năm qua. Ảnh: NVCC
Trung Đào nhặt rác trên Sơn Trà 8 năm qua. Ảnh: NVCC

Như facebooker Trần Văn Dũng lặng lẽ “săn” những bức ảnh “độc”, “lạ”: đàn voọc băng qua đường bêtông bất chấp xe máy, ôtô cận kề; hoặc gia đình voọc bốn cá thể ngồi ủ rũ trên đầu tường rào kẽm gai thuộc một đơn vị quân sự ở cửa rừng, sát bến cảng tấp nập xe tải, xe container...

Bằng hình ảnh, Dũng kể câu chuyện buồn và bất thường tại Sơn Trà, báo động tình trạng sinh cảnh rừng xuống cấp. Chùm ảnh khiến người xem bức xúc với những câu hỏi: Điều gì đã và đang xảy ra với Sơn Trà, với lũ voọc năm màu được các nhà nghiên cứu xưng tụng “nữ hoàng linh trưởng”? Sẽ ra sao trong tương lai gần khi các dự án kinh tế du lịch được cấp phép tiếp tục mở rộng xây dựng trên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà?

Gia đình voọc 4 con trên tường rào một ngôi nhà. Ảnh: Trần Văn Dũng
Gia đình voọc 4 con trên tường rào một ngôi nhà. Ảnh: Trần Văn Dũng

Câu trả lời, về phía công chúng yêu quý di sản thiên nhiên, hẳn là bất an khi điểm lại vài mốc “lịch sử” mang tính sống còn đối với Sơn Trà:

Năm 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định số 41 bảo vệ Sơn Trà theo chế độ rừng cấm, diện tích 4.439ha.

Năm 1992, Bộ Lâm nghiệp công nhận Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, diện tích 4.400ha.

Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định số 2163 đưa 1.056ha thuộc diện tích khu bảo tồn thiên nhiên vào dự án khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Năm 2017, thói lạm quyền và nạn lợi ích nhóm cố tình thực hiện sai lệch tinh thần quyết định 2163, băm nát một góc Sơn Trà với 40 móng bêtông biệt thự xây dựng trái phép, dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của giới trí thức, của báo chí toàn quốc. Kết quả là dự án phải dừng lại, hơn chục quan chức Đà Nẵng lần lượt ra tòa, vào tù.

Những ngày này, sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 43, trong đó khẳng định chủ trương tiếp tục xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà, lại nóng lên câu hỏi tương lai của Sơn Trà, không chỉ ở Đà Nẵng.

Có thể xem phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước trích dẫn trên báo Nhân Dân Điện Tử ngày 10-4 là chỉ đạo cần thiết để tránh vết xe đổ năm 2017 khi tiến hành các dự án kinh tế có khả năng tác động xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà: “Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, quyền lực trong Đảng cho tốt, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”; thực hiện kiểm tra, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, kiểm tra trên xuống, kiểm tra dưới lên; nhân dân giám sát bằng nhiều kênh để chống lạm quyền”.

Ảnh: Vĩnh Quyền
Ảnh: Vĩnh Quyền

***

Khi tôi sắp cạn cốc bia thứ hai, Jun vẫn mải mê chụp ảnh núi và biển đang bừng sáng lần cuối trong ráng đỏ hoàng hôn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận