Hai đấng trung niên vô hình

TRẦN VIỆT HOÀNG 01/05/2019 02:04 GMT+7

Đừng phấn đấu để trẻ, để đẹp nữa, vô vọng lắm. Chỉ cần đặt ra tiêu chí “vô hình mà có ích” thôi.

Minh họa
 

Chiều thứ sáu ấy, chị H. cùng chị P. sau khi ăn cơm Huế, uống cà phê cùng các bạn thì khoác tay nhau đi dạo. Rảo rảo từ Mạc Thị Bưởi sang Ngô Đức Kế, vắt ngang Đồng Khởi, chui ra Nguyễn Huệ, đi qua những tòa nhà lồng lộng gió, chui vào những cầu thang chung cư cũ kỹ để bước vào những cửa hàng xinh đẹp bé nhỏ trong các căn hộ trên cao. Hai chị xách những túi giấy túi vải to đùng bên trong đựng những cốc sứ, đĩa sứ xinh đẹp bán giảm giá đến 60%, không mua lần này thì muôn đời đừng hòng sờ tới.

Nhìn sang một chung cư cũ không thang máy, thấy tít bên trên vẫn có những quán xá, chị P. uất ức vung điếu thuốc, bảo cao thế chỉ có lũ thanh niên chứ bọn mình lên “thế chó nào được!”. Chị H. bảo phải leo lên tới đó thì khớp rụng hết rồi. Chị P. nói em ghét cái tuổi 40, thà trẻ thì trẻ hẳn, già thì già hẳn đi, lỡ cỡ thế này.

Chị H. gần như suốt cả một ngày ra đường để ý thấy chẳng ai nhìn tới mình, từ ông già tới trẻ con. Lúc vào các shop, liếc qua những cái gương trong veo, chị thấy mình như một đống giẻ gọn gàng, thấy hài lòng là mình có “giẻ” nữa cũng chẳng ai để mắt tới. Chị bảo với chị P.: “Đây là tuổi sung sướng, em phải hưởng đi. Tuổi 40 ta như người vô hình, nhưng mắt còn tinh. Không ai thấy ta, nhưng ta thấy mọi sự. Ta muốn làm gì cũng được. Ta xấu mấy cũng được. Mọi việc vẫn ổn tới khi ta làm đẹp...”.

Vậy là hai đấng vô hình mua hai cái bánh phô mai nướng, ra ghế đá phố đi bộ vừa nhấm nháp vừa ý thức “mỡ bụng mình nhiều nhưng không sao!”. Trong gió chiều, họ sung sướng chẳng cần nói chuyện với nhau. Rồi chiều tàn, cả hai, kẻ taxi, người xe ôm, len lỏi đường đông về với tổ ấm.

***

Phần chị H. về tới nhà rồi, trong lúc thay nước lọ hoa bỗng vướng phải một cuộc đấu tranh tư tưởng: vứt hay giữ lại những bông loa kèn này đây? Chị đã cắm được vài ngày, từ lúc những cánh trắng như ngọc lộng lẫy ngay cả trong đêm tối tới lúc hoa đã chuyển ngà ngà, nhụy vàng lả tả phấn quanh chân lọ. Một màu vàng của tàn phai luẩn quẩn quanh khu vực cắm hoa...

Chị H. tự nhủ: “Tuổi trung niên là đây”. Là những bông hoa đã cắm một số ngày, vứt ngay đi thì cảm giác có lỗi rằng mình phí phạm, mình bạc bẽo với thiên nhiên và với người tặng, nhưng để thì hơi nhem nhuốc, vẫn gọi là đẹp nhưng không còn đủ đẹp.

“Phải đẹp” có lẽ là hai từ ám ảnh với nhiều nữ trung niên, kể cả trung niên xấu. Nếu hiện tại không đẹp thì ngày xưa cũng “phải đẹp”, dẫn tới hệ quả là mọi người được tha hồ xem ảnh ngày xưa của nhau (ngày ấy ai cũng gầy, mắt ai cũng sáng, ai cũng vui mà nghiêm trang. Có lẽ do phim ảnh thiếu, mỗi lần chụp ảnh là một lần ý thức về lưu giữ khoảnh khắc...). Lại có những người hồi trẻ không xinh, đến già bỗng nhiên đẹp. Nhưng vẫn không hài lòng, vẫn đưa ảnh cũ lên và luyến tiếc. Đến đây, nữ trung niên H. nhận ra thủ phạm khiến bạn bè mình khủng hoảng: đó là ám ảnh về chữ “trẻ”, về thời gian.

“Gừng càng già càng cay” nhưng đồng thời tuổi tác đúng là cái thùng rác trên tàu hỏa, càng đi lâu càng tích tụ nhiều thứ xấu xí, không dùng được. Trung niên là đối diện cái xấu đi, cái thoái hóa của người khác và của chính mình. Một tiến trình không cưỡng lại được, nên gặp nhau một tí là bắt đầu nói chuyện hoài cổ và bi quan. Cách tốt nhất là gì, chị H. nghĩ: “Là bớt để người khác thấy mình. Chỉ để lại “dịch vụ” của mình, kiểu cô Tấm. Trong lúc đó, vui hưởng sự “vô hình” như hồi chiều đã thuyết với P.”.

***

Từ đó, chị H. càng củng cố thêm đường hướng ấy. Không dự liên hoan lớp 10 cũ, đại học cũ nữa, không ảnh lên “phây”, không trả lời điện thoại “mồ ma” bồ bịch cũ. “Đi làm gì?” - chị nói với con. Trước khi đi đánh mãi son không đủ thắm, mắt đầy chân chim cười nhiều trông càng tội. Đến nơi tay bắt mặt mừng đấy, nhưng trong lòng nổi lên toàn những mệnh đề so sánh, mà không phải điều nào cũng an ủi mình. Khi về chỉ thấy não nề, ăn đấy nói đấy nhưng thực là một cuộc đưa tang những ngày tươi trẻ.

“Chẳng lẽ cứ thế mãi đến lúc chết sao?” - chị P. hỏi chị H. sau vài tháng gặp lại.

Thì cứ để cho qua hết tuổi trung niên này đã, chị H. bảo. Cái tuổi vẫn sóng gió mà lại không còn sức để chèo. Đừng phấn đấu để trẻ, để đẹp nữa, vô vọng lắm. Chỉ cần đặt ra tiêu chí “vô hình mà có ích” thôi. Chị rủ chị P. “học một môn gì đó; một môn gì khó cho não nó vận hành nhiều”, cũng là một cách giết thời gian, không bổ ngang cũng bổ dọc. Chịu khó đi rồi chẳng mấy lúc sẽ được bước sang tuổi già. Cái tuổi ấy chẳng còn kỳ vọng gì nữa nên (hình như) vui, cứ nhìn các cụ ở nhà thì chị thấy rất vui là đằng khác.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận