Áo mới cho Vành đai - con đường

NHẬT ĐĂNG 03/05/2019 22:05 GMT+7

TTCT - Trong hình hài mới, Sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của Trung Quốc mang tham vọng bao trùm mọi thành tố, cố gắng thoát khỏi hình ảnh một chiếc “bẫy nợ”.

Ảnh: Straits Times
Ảnh: Straits Times

Xét về mặt truyền thông, Trung Quốc đã thành công khi tổ chức diễn đàn Sáng kiến Vành đai - con đường vì hợp tác quốc tế lần thứ hai, diễn ra cuối tháng 4. Rất nhiều thay đổi xuất hiện so với diễn đàn tổ chức lần đầu vào năm 2017. Và nó khiến báo giới các nước tốn nhiều giấy mực để tìm hiểu chiến lược sắp tới của Trung Quốc là gì.

Rũ bỏ hình ảnh “bẫy nợ”

Sau một năm 2018 hứng chịu chỉ trích và hoài nghi về khái niệm “ngoại giao bẫy nợ” quanh công tác thúc đẩy đầu tư cho BRI, Trung Quốc đã sử dụng diễn đàn năm nay cho một mục tiêu duy nhất: định nghĩa lại BRI.

Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhiều tuyên bố đáng chú ý, trong đó nhấn mạnh tầm bao phủ rộng lớn hơn cho BRI, từ lợi ích hợp tác đa phương, cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển song hành cùng bảo vệ môi trường, cho tới mạnh dạn điểm lại tất cả những quan ngại với sáng kiến này. Ông Tập lưu ý về các thỏa thuận trị giá 64 tỉ USD được ký kết tại diễn đàn, nhưng không đưa ra chi tiết về việc ký kết với ai.

Bruno Sergi, giảng viên kinh tế nghiên cứu về các thị trường mới nổi và kinh tế - chính trị Nga, Trung Quốc tại Đại học Harvard (Mỹ), nhận xét: “Có vẻ như đây là sự điều chỉnh cho BRI. Không tham nhũng, xanh, đa phương, chất lượng, bền vững... là những thuật ngữ mới của chủ tịch Trung Quốc. Các cam kết mới này dĩ nhiên đi đúng hướng”.

Thực tế vào năm 2017, Trung Quốc đã có động thái đáng chú ý là thay tên cho sáng kiến. Từ Một vành đai, một con đường trở thành Vành đai - con đường. Chữ “một” được giản lược với mục đích có thể hiểu là cách Trung Quốc loại trừ những phân tích họ cho rằng sai lệch, khiến các nước hiểu lầm về tham vọng thống trị toàn cầu.

BRI, trong hình hài mới, nhấn mạnh hợp tác đa phương và lợi ích chung nhiều hơn, điều được thể hiện trước hết qua những câu chữ, ở một xứ sở vốn nổi tiếng bởi triết thuyết “chính danh - định phận”.

Một điểm đáng chú ý trong các phát biểu của ông Tập là cam kết chống tham nhũng. Yếu tố này liên quan trực tiếp đến thách thức với một số dự án BRI trên toàn thế giới, bao gồm ở Malaysia, Sri Lanka hay Myanmar. T

rung Quốc cũng cố gắng tỏ ra đây không chỉ là một động thái để trấn an và làm đẹp, khi ông Tập hứa mời 10.000 đại diện “các chính đảng, cơ quan nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ”, mở rộng tiếp cận thị trường và nhấn mạnh việc bảo vệ tài sản trí tuệ...

Động cơ địa chính trị?

Tóm lại, thay vì bị định hình là một loạt dự án nhằm hỗ trợ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng trên “Con đường tơ lụa mới”, Trung Quốc giờ đây hướng BRI thành một sáng kiến bao trùm, mang tham vọng lớn hơn về phát triển bền vững dựa trên hợp tác liên chính phủ, bao phủ gần như mọi ngóc ngách của nền kinh tế.

Với tham vọng này, BRI vô tình càng giống một dự án đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific) của Mỹ. Đây là điều Trung Quốc luôn phủ nhận. Điển hình, tờ Global Times ngày 25-2 vừa rồi từng có bài viết bác bỏ nhận định này, lưu ý rằng BRI đã ra đời 6 năm, lâu hơn nhiều so với chiến lược đối ngoại mới của Mỹ, vốn chỉ định hình từ thời Tổng thống Donald Trump.

Dễ hiểu là phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn nhìn BRI với con mắt đầy nghi kỵ, với những lập luận phổ biến là dự án giương ra “bẫy nợ”, với nguồn vốn nhà nước, và có ý đồ chính trị. Nay thì Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh dựa trên những phê bình đó. Họ muốn tỏ ra rằng BRI không phải là một kế hoạch cho vay trá hình, có sự tham gia đầy đủ và tích cực của lĩnh vực tư nhân, cũng như cố gắng minh bạch ở mức độ có thể.

Với rất nhiều nước đang tham gia vào đại kế hoạch này, bao gồm cả các nước giàu có ở châu Âu như Ý và châu Á như Singapore, một lựa chọn thực tế là điều dễ hiểu, nếu như điều đó không phương hại gì tới mối quan hệ đối ngoại chung của họ.

“Khi lựa chọn là nhận hay không nhận tiền, người ta sẽ luôn chọn nhận tiền” - chuyên gia về Trung Quốc Joshua Eisenman, trợ lý giáo sư tại Trường chính sách công Lyndon B Johnson, Đại học Texas, gút lại về BRI.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận