Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên: Trở lại ván bài 6 tay?

DANH ĐỨC 03/05/2019 18:05 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp thượng đỉnh Vladimir Putin - Kim Jong Un hôm 25-4 có vẻ đã thành công mỹ mãn do nhiều điểm “tương đồng” giữa hai ông này!

Ông Kim Jong Un (trái) và ông Vladimir Putin. Ảnh: AP
Ông Kim Jong Un (trái) và ông Vladimir Putin. Ảnh: AP

“Theo lời mời của Vladimir Putin, Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm Liên bang Nga vào nửa cuối tháng 4” - Điện Kremlin loan báo ngắn gọn lúc 14h ngày 18-4. Một tuần sau, ông Kim sang đến nơi, đảo Russky trong vịnh Pie Đại Đế, mà vào năm 1860 nhà Thanh đã ký nhượng cho đế chế Nga một phần Ngoại Mông.

Nhiều kỷ niệm

Lời chào đón của ông Putin không đơn thuần xã giao: “Ngài Chủ tịch, tôi rất vui được gặp ngài ở Nga. Các đồng nghiệp của chúng ta đã đồng ý tổ chức cuộc họp này từ lâu”. “Từ lâu” chính xác là từ lúc nào? Hôm nay có phải là đã muộn không? Không hề trách móc, câu đó nghe như thể “không sao, chúng tôi vẫn đủ kiên nhẫn”.

Được biết năm ngoái 2018, Nga đã 3 lần mời ông Kim sang thăm. Lần đầu, tháng 5-2018, Ngoại trưởng Sergei Lavrov chuyển thư mời của Tổng thống Nga tới ông Kim Jong Un. Sau đó, hôm 14-6-2018, khi gặp chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Triều Tiên bấy giờ là ông Kim Yong Nam tại Matxcơva, ông Putin một lần nữa gửi lời mời ông Kim Jong Un.

Đến 15-8-2018, trong bức điện gửi Bình Nhưỡng, Tổng thống Putin cho biết ông đã sẵn sàng cho cuộc gặp mặt ông Kim Jong Un trong thời gian gần nhất. Thời điểm tháng 8-2018 ấy, hội nghị “lịch sử” Trump - Kim vẫn còn “nóng sốt” những ấn tượng “lần đầu” cùng ánh đèn sân khấu chính trường thế giới đang rọi lên hai ông Trump và Kim. Cũng đáng nói là trong suốt cuộc phiêu lưu “solo” năm ngoái của ông Kim, ông đã “tham vấn” ông Tập những bốn lần, nhưng không một lần “tham vấn” ông Putin, cho dù Tổng thống Nga đã chịu khó “tam cố thảo lư”!

Câu trả lời của ông Putin cho câu hỏi “từ lâu” đến ngay sau đó: “Về vấn đề này, tôi xin lưu ý rằng năm ngoái chúng ta đã đánh dấu 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta. Người sáng lập CHDCND Triều Tiên đã có chuyến thăm đầu tiên tới Matxcơva vào năm 1949. Tôi cũng nhớ chuyến thăm của tôi đến đất nước của ngài. Phụ thân của ngài là một trong những người đi đầu trong việc ký kết hiệp ước hữu nghị giữa hai nước chúng ta, vốn là một công cụ cơ bản”.

Nhắc lại chuyện “giao hảo ba đời” như thế, ông Putin quả quyết rằng, muộn còn hơn không: “Chuyến thăm Nga ngày hôm nay sẽ giúp phát triển hơn nữa quan hệ song phương, giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức mang lại một giải pháp cho bán đảo Triều Tiên, những gì chúng ta có thể làm cùng nhau, và những gì nước Nga có thể làm để tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình tích cực này”.

Diễn nôm ra là cho tới nay, quan hệ Nga - Triều chưa đủ, nên chưa hợp lực, hợp trí tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên; ông Kim đã hai lần thử tự tìm giải pháp “solo”, song kết quả có vẻ không khả quan; bởi thế giờ cần cùng nhau nhìn nhận vấn đề, tìm cách giải quyết, và đừng quên “những gì nước Nga có thể làm”.

Thông điệp của ông Putin nhằm thuyết phục ông Kim là một chuỗi lý luận mà ngữ pháp gọi là thể trần thuật (diễn tả hành động có thật, chắc chắn xảy ra trong hiện tại, quá khứ, tương lai): Nga đã làm thế nọ, kết quả là thế kia; Nga sẽ làm thế kia, kết quả sẽ là thế nọ..., nghe hiện thực hơn so với thông điệp của ông Trump ở Singapore tháng 6 năm ngoái, vốn là thể điều kiện trong ngữ pháp (diễn tả khả năng xảy ra của hành động phụ thuộc vào điều kiện nhất định).

Cuốn phim tuyên truyền quảng cáo về một tương lai thịnh vượng cho đất nước Triều Tiên, xét cho cùng, vẫn chỉ là một chuỗi lý luận “nếu - thì”, nếu không muốn nói là “phải - thì mới” khó nghe hơn nhiều.

Chuyện cũ và chuyện mới

Có chút tương đồng giữa tình hình năm 2019 này với năm 1994. 25 năm trước, cha ông Kim Jong Un là ông Kim Jong Il quá cố đã thỏa thuận với chính quyền Mỹ dưới trào Bill Clinton về việc đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều. Tức ông Kim Jong Un không phải người đầu tiên khởi sự đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Tháng 3-1994, ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), tức ông nội ông Kim Jong Un, đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà Bình Nhưỡng tham gia từ ngày 12-12-1985. Nhưng ngày 8-7-1994, ông Kim Il Sung qua đời. Ông Kim Jong Il lên thay và 4 tháng sau, Bình Nhưỡng thỏa thuận với Washington một “giải pháp trọn gói”.

Có thể thấy, điều ông Kim Jong Un đang mưu tìm hiện nay không mới mẻ, và khả năng một cuộc thương lượng tay đôi Mỹ - Triều thành công có lẽ cũng chẳng cao hơn nhiều so với thời cha ông mới lên nhậm chức và muốn “thay đổi”.

Thực ra, sự đổi thay của ông Kim Jong Un, nếu có, còn là chậm hơn cha mình: nếu ông Kim Jong Il chỉ mất 4 tháng để nêu ra vấn đề đối thoại trực tiếp với Mỹ, thì con trai ông chỉ có thể bắt đầu nói chuyện tay đôi 4 năm sau khi kế vị. Cỗ bài Triều Tiên từ lâu đâu chỉ chia có hai hay ba “tay”!

Trong cuộc họp báo sau đàm phán hai bên ở Vladivostok, một nhà báo hỏi ông Putin một câu rất “tổng hợp tình hình”, cứ như thể ông này sẽ cầm trịch mọi đàm phán sắp tới: “Thưa Tổng thống, bước ra từ các cuộc đàm phán này, theo ông, triển vọng thực sự của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là gì? Và để Bình Nhưỡng và Seoul cải thiện quan hệ, cần phải làm gì? Những bước cần được thực hiện và những rào cản nào sẽ phải vượt qua? Điều gì ngăn cản các bên đạt được điểm chung?”.

Ông Putin: “Điều quan trọng nhất, như chúng tôi đã thảo luận hôm nay, là khôi phục luật pháp quốc tế và trở lại vị trí mà sự phát triển toàn cầu được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế thay vì bởi quy tắc vũ lực. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là bước đầu tiên và quan trọng để giải quyết các tình huống đầy thách thức như tình huống trên bán đảo Triều Tiên”.

Đến đây, ông Putin nhấn mạnh giùm cho ông Kim: “Vậy phi hạt nhân hóa là gì? Điều đó ngụ ý giải trừ vũ khí của Triều Tiên ở một mức độ nhất định nào đó. Đương nhiên, tôi đã lưu ý điều này trong nhiều dịp và có thể xác nhận một lần nữa, phía Triều Tiên cũng đang nói về điều này”. Tức ông Kim không định phá bĩnh, theo lời ông Putin.

Nhưng kèm theo là điều kiện sách: “CHDCND Triều Tiên cần được bảo đảm về an ninh và chủ quyền của mình. Nhưng những đảm bảo nào khả dĩ đây, ngoại trừ những đảm bảo dựa trên luật pháp quốc tế? (Vấn đề là) những bảo đảm này sẽ đáng kể đến mức nào, và chúng sẽ đáp ứng lợi ích của CHDCND Triều Tiên đến đâu?... Vẫn còn quá sớm để nói về điều này ngày hôm nay, nhưng cần phải thực hiện những bước đầu tiên để củng cố niềm tin”.

Sự lịch duyệt giang hồ của một nhà lãnh đạo đã nắm quyền tối cao ở Nga từ năm 2000 tới giờ, dài bằng cả 4 trào tổng thống Mỹ (Clinton, Bush, Obama, Trump) cộng lại không cho phép ông Putin “phán bừa” như ai kia. Ông tỉ mẩn nói lại chuyện xưa: “Năm 2005, Hoa Kỳ và Triều Tiên ký hiệp ước và hiệp định có liên quan.

Vì một số lý do, các đối tác Mỹ của chúng ta đột nhiên quyết định rằng các điều khoản do Hoa Kỳ quy định và phối hợp là không đầy đủ, và cần phải thêm thắt điều gì đó. Những khía cạnh này được đưa vào hiệp ước và Triều Tiên ngay lập tức rút lui”.

Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2005 là ông Bush “con”. Cứ thế, ông Putin vạch ra bài học cho những “tập sự viên” (The Apprentice?) của môn “đàm phán Triều Tiên” khóa mới: “Nếu chúng ta lại hành động như vậy, và nếu cứ tiến một bước rồi lùi hai bước, thì chúng ta sẽ không đạt được kết quả mong muốn.

Nhưng cuối cùng sẽ có thể đạt được mục tiêu, nếu chúng ta tiến lên dần dần và tôn trọng lợi ích của nhau, ở đây tôi đang nói về tất cả các bên liên quan đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên hoặc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Một phóng viên hỏi ông về “tâm trạng” của ông Kim Jong Un, và ông Putin cũng đã thay mặt trả lời: “Trước hết, ông quyết tâm bảo vệ đất nước của mình vì lợi ích quốc gia và duy trì an ninh. Nếu các đối tác của Triều Tiên, tôi đang nói về người Mỹ, tỏ ra mong muốn đối thoại xây dựng, thì tôi tin rằng cuối cùng sẽ không còn cách nào khác ngoài đối thoại. Tốt hơn, nên hỏi ông ấy về những gì ông ấy có thể hoặc không thể đồng ý”.

Sau rốt, ông Putin nêu ra quan điểm của một tay chơi trong cuộc: “Nếu đã làm hết cách rồi mà vẫn không được, thì mô hình 6 bên nhất định sẽ đáng tin cậy hơn trong việc triển khai một hệ thống đảm bảo an ninh quốc tế cho Triều Tiên”. Tức là, các cuộc họp song phương, dù là Hàn - Triều, Mỹ - Triều, Trung - Triều hay giờ là Nga - Triều, sẽ không thể giải quyết rốt ráo một vấn đề có quá nhiều tính lịch sử và tương quan phức tạp như vấn đề Triều Tiên.■

Dù đã không cản trở các lệnh trừng phạt Triều Tiên ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga cũng không hẳn là tuân thủ chặt chẽ các quy định cấm vận này. Các công ty Nga vẫn tái nhập khẩu than đá từ Triều Tiên và vận chuyển xăng và dầu sang một bên thứ ba để chuyển cho Triều Tiên. Nga cũng cho phép hàng chục nghìn người lao động Triều Tiên sang Nga làm việc.

Tuy nhiên, thương mại Nga - Triều năm 2018 chỉ ở mức rất khiêm tốn 34 triệu USD, giảm 56% so với năm 2017, và không bằng số lẻ so với thương mại Trung - Triều năm 2018, ước tính 2,43 tỉ USD. Nga có quan hệ lịch sử với Triều Tiên từ thời Liên Xô, với nhiều người nói tiếng Nga trong lớp lão thành cách mạng ở Triều Tiên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận