Miền Trung: Nhiều địa phương “khát nước”

LÊ TRUNG - ĐOÀN CƯỜNG 07/05/2019 03:05 GMT+7

TTCT - Tài nguyên nước đang cạn kiệt dần do biến đổi khí hậu, do sự lãng phí trong khai thác và sử dụng, do các dự án nhà máy thủy điện chặn dòng, do sản xuất và sinh hoạt gây ô nhiễm... Chuyện “tranh chấp” nguồn nước sạch không chỉ đang xảy ra ở Sa Pa (Lào Cai) mà còn ở nhiều địa phương khác. Mới đầu mùa khô nhưng nhiều tỉnh thành ở miền Trung đã phải căng mình với hạn.

Một con sông ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cạn khô nước, ghe thuyền không di chuyển được. Ảnh: LÊ TRUNG
Một con sông ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cạn khô nước, ghe thuyền không di chuyển được. Ảnh: LÊ TRUNG

Thượng nguồn kiệt nước

Xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã nhiều ngày qua không có mưa. Những con suối, khe cạn kiệt, tình trạng thiếu nước xảy ra trên diện rộng. Ở vùng núi này, người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước từ khe suối, nên giờ đi tới đâu cũng nghe dân than thở chuyện thiếu nước.

Dưới cái nắng oi ả, bà Nguyễn Thị So (70 tuổi, thôn 4, xã Trà Bui) dùng can lấy nước từ đường ống bắc từ suối cao về bản. Bà So than từ tết đến nay tại đây liên tục nắng mà chẳng có giọt mưa nào, các con suối nơi đây đều cạn kiệt. Mấy chục hộ dân phải dùng chung một đường ống nước rất nhỏ bắc từ suối và chỉ có thể hứng được nước vào buổi sáng. Nước chảy yếu, họ phải đợi rất lâu mới hứng được vài can nước để dành nấu ăn.

Rất nhiều người phải đến những con suối xa hơn tìm nước. Một vài hộ dân thậm chí đã phải chuyển nhà đến nơi có nguồn nước để sinh sống. Cô Hồ Thị Danh, giáo viên điểm trường mẫu giáo tại thôn 4, cho biết nhà trường phải mua nước đóng bình cho học sinh uống, nước để tắm rửa thì không có.

Suối cạn, đến sông cũng khô. Ông Nguyễn Dương Thi, phó chủ tịch UBND xã Trà Bui, cho biết nhiều con sông nhỏ trên địa bàn cạn khô, nước uống ở nhiều thôn còn thiếu, nước tưới cây trồng càng không có. Có tới 8 công trình nước tự chảy ở xã này bị hư hỏng, khiến hàng ngàn hộ dân thiếu nước trầm trọng hơn. “Nếu nắng cứ tiếp tục kéo dài thế này, dân không biết lấy nước đâu mà uống” - ông Thi lo lắng.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, trên địa bàn có 725ha đất lúa nhưng vụ hè thu 2019 chỉ đưa vào gieo sạ 620ha vì không chủ động được nguồn nước tưới. Phóng viên TTCT ghi nhận trực tiếp việc nhiều con sông hạ lưu của đập thủy điện như Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, A Vương đều cạn kiệt...

Người dân huyện miền núi Bắc Trà My, Quảng Nam phải xách can nhựa đi hứng nước tự chảy ở các con suối về dùng. Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân huyện miền núi Bắc Trà My, Quảng Nam phải xách can nhựa đi hứng nước tự chảy ở các con suối về dùng. Ảnh: LÊ TRUNG

Hạ lưu đương đầu với đợt mặn kỷ lục

Tại Đà Nẵng, người dân cũng đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt. Chị Nguyễn Ánh Hằng, ở phường Hòa Xuân, Đà Nẵng, bức xúc: “Tôi đi làm cả ngày, tối về mở nước để tắm rửa, nấu ăn nhưng không có một giọt. Chờ cho đến khuya nước mới chảy nhưng rất yếu”.

Ông Hồ Hương, tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết hiện lượng nước cấp cho TP Đà Nẵng cao nhất là 283.544m3/ngày, trong đó Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay chiếm phần lớn, với 268.220m3/ngày. Tuy nhiên từ ngày 2 đến 16-4, nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nhà máy nước bị nhiễm mặn gần như liên tục.

Tính từ đầu tháng 2 đến ngày 16-4, đã có 71 ngày nước nhiễm mặn, độ mặn cao nhất có lúc lên đến 2.112mg/lít (quy chuẩn là 250mg/lít) nên lượng nước thô cung cấp cho nhà máy xử lý cũng giảm theo, không ổn định như trước. Khi độ mặn vượt quy chuẩn, các nhà máy đã không thể xử lý nước để cấp cho dân, phải chờ nước ở thượng nguồn xả về để “đẩy” mặn.

“Những ngày qua, nguồn nước từ thượng nguồn về ít hơn ngày thường nên có lúc phải đóng cửa thu nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ và bơm nước từ An Trạch (lấy nước từ hệ thống sông Vu Gia) về để xử lý, cấp cho dân” - ông Hương cho biết.

Do vậy, các khu vực cuối nguồn nước thường xuyên bị yếu, còn một số khu vực địa hình cao thì không có nước. “Thời gian tới, nếu độ mặn tiếp tục duy trì ở ngưỡng trên 1.000mg/lít thì tình trạng thiếu nước sẽ tiếp tục” - lãnh đạo Dawaco nói.

Theo Sở TN-MT Đà Nẵng, việc vận hành các hồ chứa một số ngày không đảm bảo về lưu lượng, thời gian xả không theo đúng quy định do yêu cầu tích nước lại trong hồ để đảm bảo phát điện và phải tiết kiệm nước trước diễn biến nắng nóng sẽ còn diễn ra gay gắt trong thời gian tới.

Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, phó phòng phụ trách Phòng tài nguyên nước (Sở TN-MT Đà Nẵng), cho biết theo số liệu cập nhật vào ngày 26-4, ba hồ chứa từ thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (hồ A Vương, hồ Đắk Mi 4, hồ Sông Tranh 2) hiện thiếu gần 100 triệu m3 nước.

Đắp đập trên sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để tăng lượng nước cung cấp và giúp TP Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Cường
Đắp đập trên sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để tăng lượng nước cung cấp và giúp TP Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Cường

“Căn ke” dòng nước

Vừa trải qua một mùa mưa 2018 nhưng lại thiếu... mưa, thượng nguồn của Quảng Nam, Đà Nẵng cũng thiếu nước. Mâu thuẫn nảy sinh: thủy điện cần tích nước để chuẩn bị đương đầu với mùa khô hạn 2019, đảm bảo nguồn điện nhưng hạ du lại cần nước để đẩy mặn và phục vụ sản xuất. Các bên đang phải “căn ke” với nhau trên một trữ lượng nước eo hẹp.

Ông Ngô Xuân Thế, phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cho biết mực nước tại thủy điện A Vương đang thấp hơn quy định, họ đang tiến hành tích nước để chuẩn bị cho cao điểm mùa khô tháng 6 tới tháng 8.

Ông Thế nói mùa mưa năm 2018 là sự bất thường trong gần 40 năm qua, bởi đây là đợt kiệt nước nặng nề nhất của thủy điện A Vương. Nhà máy này đã phải gửi văn bản thông báo đến tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng về tình hình kiệt nước, dự kiến sẽ tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt... của người dân trong năm nay.

Từ chiều ngược lại, ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lại gửi văn bản yêu cầu các đơn vị thủy điện thượng nguồn phối hợp xả nước để đẩy mặn cho TP Đà Nẵng. Văn bản này đồng thời đề nghị các thủy điện A Vương, Đắk Mi, Sông Bung theo dõi sát sao diễn biến, dự báo lưu lượng nước đến hồ... để Đà Nẵng chỉ đạo việc sử dụng nước trên địa bàn cho phù hợp.

Các công ty này cũng nhận yêu cầu phải tuân thủ việc vận hành xả nước về hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ TN-MT... để đảm bảo an toàn cấp nước cho Đà Nẵng.

Đà Nẵng cũng phải tự tìm kế hoạch đảm bảo an ninh nguồn nước. Ông Đặng Việt Dũng cho biết đang triển khai nâng cấp (giai đoạn 2) Nhà máy nước Cầu Đỏ nhằm đưa khả năng cung cấp nước 210.000m3/ngày, đêm lên 310.000m3/ngày đêm.

Thành phố đặt ra một loạt mục tiêu: đầu tư nâng cấp hạ tầng để trạm bơm An Trạch bơm với công suất 210.000m3/ngày đêm, triển khai xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên và nghiên cứu xây dựng thêm nhà máy nước tại khu vực phía nam đường Vành đai phía Nam để cung cấp nước cho quận Ngũ Hành Sơn... “Khi các dự án trên hoàn thành và đưa vào sử dụng thì thành phố sẽ bảo đảm được an ninh nguồn nước” - ông Dũng nói.

Ở Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết vụ hè thu năm 2019 dự báo sẽ chịu tác động của các đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày, lượng sử dụng nước cho cây trồng sẽ tăng cao. Do vậy có khả năng cuối vụ hè thu năm 2019 sẽ xảy ra thiếu nước tại các khu tưới cuối kênh, ở xa công trình đầu mối.

Ông cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, tập trung sử dụng bộ giống ngắn ngày và trung ngày. Một loạt giải pháp cũng được đặt ra, các tổ chức, cá nhân quản lý công trình thủy lợi phải kiểm tra, đánh giá nguồn nước tại các sông, suối nhỏ, kênh tiêu để xây dựng kế hoạch lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến nhằm tận dụng nguồn nước hồi quy để bơm chống hạn...■

Đắp đập ngăn mặn trên các sông

Ông Lê Trí Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đắp đập tạm trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) và sông Bà Rén (huyện Quế Sơn) để khống chế mặn xâm nhập. Đối với nước sạch nông thôn, tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức sửa chữa các đường ống cấp nước sinh hoạt cho dân. Trong điều kiện thiếu nước nghiêm trọng phải có kế hoạch chở nước sạch về cấp cho dân sử dụng tại các điểm tập trung.

Huế: hàng trăm hecta trồng lạc có nguy cơ mất trắng

Ông Trương Văn Giang, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hơn 500ha trồng lạc trên địa bàn có nguy cơ mất trắng do hạn hán kéo dài. Theo đó, diện tích lạc bị thiệt hại nặng chủ yếu nằm ở địa bàn thị xã Hương Trà gồm các phường Hương Xuân, Hương Văn, Hương Vân với hơn 130ha thiệt hại trên 70%.

Hầu hết các vùng trồng lạc nêu trên đều không thể chủ động được nguồn tưới tiêu để chống hạn. “Chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con dùng máy bơm nước để kéo nước về tưới tiêu chống hạn tại chỗ cho cây lạc. Tuy nhiên, theo dự báo, nắng nóng ở Huế tiếp tục kéo dài thì nguy cơ mất trắng vụ lạc năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra” - ông Giang nói.

Theo ông Giang, việc hướng dẫn bà con dùng máy bơm để kéo nước về tưới cho lạc chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, sở sẽ đề nghị các cấp xem xét đầu tư hệ thống thủy lợi, phục vụ tưới tiêu chống hạn về các vùng trồng lạc nói trên. Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất trung ương hỗ trợ 90 tỉ đồng nhằm khắc phục hậu quả, đối phó tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế, đây là đợt nắng nóng kéo dài “lịch sử” được ghi nhận tại Huế vào đầu mùa hè. Điểm nhiệt cao nhất mà trung tâm đo được tại huyện Nam Đông là 41,6oC, TP Huế là 41oC. Ngưỡng nhiệt độ trung bình trong 3 tháng đầu năm ở Huế cao hơn so với năm ngoái 3oC.

Theo ông Hùng, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên dự báo ở Huế sẽ tiếp tục diễn ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài đến hết tháng 7-2019. Ông Hùng dự báo nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài như vậy, dòng nước nguồn chảy vào các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ bị thiếu từ 20-30% so với mọi năm.

NHẬT LINH

Người dân xã A Xing phải ra mép suối Ka Đắp gần nhà đào hố lấy nước sinh hoạt vì sáu tháng qua vùng này gần như không có mưa. Ảnh: H.T.
Người dân xã A Xing phải ra mép suối Ka Đắp gần nhà đào hố lấy nước sinh hoạt vì sáu tháng qua vùng này gần như không có mưa. Ảnh: H.T.

6 tháng liền không mưa, dân đào hố bên suối lấy nước

Sáu tháng qua, vùng Lìa - một vùng dân cư gồm 7 xã thuộc huyện biên giới Hướng Hóa, Quảng Trị hầu như không có mưa. Hàng ngàn hộ dân vùng này đang từng ngày đối mặt tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nước ở những con suối cũng cạn, họ phải đào những hố nhỏ ven suối, chờ lắng chất bẩn để tích nước uống. “Dân bản không còn lựa chọn nào” - chị Hồ Thị Non, thôn Cu Rông nói.

Hạn hán mấy năm qua không còn là chuyện lạ với người dân vùng Lìa. Nhưng mức độ thiếu nước ngày càng nghiêm trọng hơn. Xã A Xing - nơi tập trung khoảng mấy trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều - cũng là nơi mà nguồn nước sinh hoạt đang ở mức báo động nhất.

Khoảng một tháng nay, người dân thôn Cu Rông và A Máy phải thức dậy từ 3h-4h sáng để đến khu vực đầu nguồn các con suối tìm nước sạch. Con suối Ka Đắp chảy qua xã vốn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân bao đời nay nhưng quá lâu không có mưa, con suối này cũng đã cạn kiệt, chỗ sâu nhất giờ cũng chỉ hơn một gang tay và đã có nhiều dấu hiệu ô nhiễm.

Ông Hồ Văn Ta Nga, phó chủ tịch UBND xã A Xing, cho biết chỉ vài hộ dân trong các bản có điều kiện đi mua nước bình lọc loại 21 lít để ăn uống qua ngày, còn lại đều phải dùng nước suối. Khoảng tháng nay nước suối cạn, người dân phải lên đầu nguồn cách bản khoảng mấy cây số để lấy nước.

Và cũng không phải ai cũng có điều kiện để đi xa như vậy, ngoài những hộ có xe máy và có chút tiền đổ xăng. Những cái hố tạm đào trước nhà vẫn là chỗ dựa chính cho họ. “Chỉ khi nào Nhà nước đầu tư được hệ thống nước sạch như dưới xuôi thì dân vùng này mới thoát cảnh này” - ông Nga nói.

QUỐC NAM

Một công trình thủy lợi ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đang ở mực nước thấp, nguy cơ thiếu nước. Ảnh: ĐỨC TRONG
Một công trình thủy lợi ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đang ở mực nước thấp, nguy cơ thiếu nước. Ảnh: ĐỨC TRONG

Bình Thuận: nhờ Đồng Nai hỗ trợ

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, Bình Thuận đón đợt nắng nóng gay gắt, nguồn nước phục vụ sinh hoạt đang thiếu tại một số nơi. Các công trình thủy lợi cung cấp nước thô như hồ Sông Mống, hồ Tà Mon... đã có dấu hiệu hụt nước.

Dọc quốc lộ 28, đoạn qua xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc là những cây rừng trụi lá. Nước sinh hoạt phần lớn được người dân mua về dùng. Nhà nào khá giả nhìn là biết, bởi họ có thùng lớn trữ nước. Nhà chị Hoàng Thị Lịch dù đã đào giếng tích trữ nhưng nước nhiễm phèn, mỗi ngày chị phải mua 3 can (30 lít/can) nước cho 4 người dùng.

Đại diện UBND xã Thuận Hòa cho biết hiện có hơn 340/1.706 hộ dân phải mua nước giếng, nước máy để sinh hoạt với giá cao khoảng 180.000 đồng/m3. Ở những nơi có hệ thống cấp nước sạch, vẫn có không ít hộ dân phải mua nước sạch do nhà máy không cung cấp đủ. Giá nước sinh hoạt dao động từ 2.000-3.000 đồng/can loại 15 lít (khoảng 130.000-200.000 đồng/m3).

Ở các vùng có địa hình cao và xa nhà máy nước, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng. Hầu hết nhà máy cấp nước sinh hoạt tại Bình Thuận đã vận hành vượt công suất thiết kế từ 150-200%.

Tại huyện đảo Phú Quý, hai nhà máy trên đảo này chỉ được phép khai thác khoảng 680m3/ngày nên không cấp nước thường xuyên, chỉ vận hành từ 14h-22h hằng ngày.

Trung tâm Nước sạch - vệ sinh môi trường Bình Thuận phải đề nghị các đơn vị liên quan như Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận và Chi nhánh cấp nước La Gi, Hòa Thắng, Phan Thiết tăng lưu lượng để cung cấp nước cho dân. Nhưng tất cả các nhà máy nước của Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận cũng đang vận hành quá tải.

Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết vừa hoàn thành đấu nối thêm một tuyến ống để bổ sung nguồn nước từ Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc (Đồng Nai) cấp cho một địa phương giáp ranh tỉnh này, với khoảng 120-150m3/ngày, so với nhu cầu khoảng 400-500m3/ngày. Sở này đã phải lên kế hoạch giảm còn 15.000ha sản xuất lúa vụ hè thu. Nếu sắp tới trời không mưa, diện tích lúa này sẽ tiếp tục giảm, tất cả để nhằm bảo đảm cho nguồn nước sinh hoạt.

ĐỨC TRONG

Bến Tre: tiền mua nước sạch tốn hơn tiền gạo

Nằm ở hạ nguồn các nhánh sông Mekong nhưng nhiều năm qua Bến Tre cũng chật vật với chuyện thiếu nước sinh hoạt. Nhiều nơi, đặc biệt là những nơi giáp biển hiện phải dựa vào “ông trời”.

Chị Lâm Thị Kim Thoa (xã An Thủy, huyện Ba Tri) cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, chị phải mua nước sinh hoạt do xe máy cày chở tới với giá 120.000 đồng/1,2m3. Cứ ba ngày gia đình chị phải mua một xe nước sạch như vậy. “Tính ra tiền nước còn nhiều hơn cả tiền gạo” - chị nói.

Xung quanh nhà chị Thoa, người dân trồng dưa hấu cũng khổ vì thiếu nước tưới, họ phải mua và chỉ dám tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây. Mỗi vụ dưa họ tốn tiền triệu để mua nước tưới.

Càng đi về phía biển, cuộc sống của người dân càng khó khăn hơn vì nguồn nước sinh hoạt khan hiếm. Tại huyện Bình Đại, hàng trăm hộ dân ở cồn Chày Mười, xã Thới Thuận những ngày này đang chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Do nằm giáp biển, đường sá không thuận lợi, dân cư thưa thớt nên đường ống dẫn nước chưa tới nơi, nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu mua từ nơi khác thỉnh thoảng được chở tới bằng ghe.

MẬU TRƯỜNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận