Khi du lịch hút cạn nước ngọt

HẢI MINH 08/05/2019 20:05 GMT+7

TTCT - Giữa tuần trước, chỉ vài giờ sau khi chính quyền thành phố du lịch nổi tiếng của Thái Lan Phuket ra thông cáo tuyên bố đô thị gần 400.000 dân này không hề thiếu nước, khoảng 100 cư dân đã xuống đường biểu tình trước tòa thị chính.

So sánh nước dùng cho sinh hoạt và nước dùng cho du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: The Asean Post
So sánh nước dùng cho sinh hoạt và nước dùng cho du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: The Asean Post

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền và dân bản địa ở Phuket xung đột với nhau về nguồn nước ngọt, mà dân chúng cho là được ưu tiên hết cho du lịch.

“Chúng tôi không có đủ nước dùng từ ngày 21-3 tới giờ rồi - Patiphanee Thanomsak, một cư dân Phuket tham gia biểu tình, nói với báo Phuket News ngày 23-4 - Chúng tôi phải dành tất cả tiền bạc chỉ để mua nước sinh hoạt”. Và Phuket còn lâu mới là đô thị du lịch duy nhất phải đối mặt với sự xung đột như thế.

Một xung đột phổ biến

Khắp Đông Nam Á, nơi có nhiều điểm du lịch ưa thích ở quy mô toàn cầu, vấn đề này đang lộ rõ tại những vùng mà nước ngọt vốn không quá dồi dào. Chẳng hạn, đảo Tioman ở bờ đông Malaysia lần đầu xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới sau khi được bộ phim South Pacific năm 1958 ca ngợi là “Bali Hai” và những năm 1970 được tạp chí Time nêu tên là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới. Kể từ đó, ngành du lịch bùng nổ ở đây, trong bối cảnh dân cư của đảo - giống như ở nhiều đảo nhỏ khác - vốn đã phải đối phó với tình trạng khan hiếm nước ngọt kinh niên rồi.

Tình hình thêm căng thẳng bởi tháng 9 và 10, mùa cao điểm du lịch, cũng là mùa khô hạn nhất trên đảo. Với 3.200 cư dân trên hòn đảo này, việc quảng bá đảo như một điểm đến du lịch sinh thái, vì thế, thật nực cười.

Ở Bali, Indonesia - điểm du lịch trứ danh - xung đột nguồn nước vì hoạt động du lịch còn ở quy mô ghê gớm hơn nhiều. Du lịch đóng góp 80% nền kinh tế Bali, nhưng 85% ngành này lại nằm trong tay những nhà đầu tư không phải dân bản địa.

65% nước ngầm của đảo dành cho du lịch, và quá trình khai thác quá mức đã làm cạn kiệt 260 trong hơn 400 con sông ở Bali. Mực nước ngầm ở hòn đảo rộng 5.780km2 với hơn 4 triệu dân này đã giảm 60%, gây ra nguy cơ xâm mặn không thể đảo ngược.

Một lượng lớn nguồn nước ngầm ở Bali là dành cho các khu biệt thự nghỉ dưỡng và sân golf xa hoa, trong khi dân địa phương phải chắt chiu từng thùng nước mỗi ngày. “Trước khi các du khách tới, chúng tôi vui vẻ với nghề nông của mình - Wayan (không phải tên thật), một cư dân trên đảo, chia sẻ với tờ Vice hồi tháng 2-2018.

Những cánh đồng lúa giá trị vì mang tới lúa gạo, chứ không phải vì xuất hiện trên bưu thiếp. Đó là một đời sống dễ dàng. Chúng tôi không bao giờ nghĩ tới việc làm giàu. Giờ thì ai cũng muốn nhiều hơn. Nhiều người căng thẳng vì tiền bạc”.

Wayan, 40 tuổi, nhớ vào thời thơ ấu của anh, làng Cemagi nơi anh sống chỉ cần những cánh đồng lúa để cung cấp phần lớn những gì họ cần. Ngày nay, ngôi làng là nơi có những biệt thự ven biển được bán với giá 1 triệu USD và chỉ cách đó vài kilômet có một khu nghỉ dưỡng hợp tác giữa một nhà tài phiệt người Indonesia và đối tác kinh doanh của ông, Donald Trump.

“Khi du khách đổ về, mọi thứ trở nên đắt đỏ - Wayan chia sẻ - Chúng tôi không còn mua được rau và gạo vì người dân Bali bán hết đất canh tác”.

Một thứ khác cũng ngày càng khan hiếm trên hòn đảo - nước ngọt. Các nông dân ở Bali lần đầu xây dựng những hệ thống tưới tiêu cộng đồng từ thế kỷ 9. Giờ thì truyền thống kéo dài hơn một thiên niên kỷ đó đang đứng trước thách thức lớn hơn bao giờ hết. “Trước kia chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề với nguồn nước ngọt, nhưng giờ hầu như mỗi mùa khô đều xảy ra tình trạng khan hiếm nước” - Wayan nói.

Tranh minh họa bìa báo cáo
Tranh minh họa bìa báo cáo "Bình đẳng về nước trong du lịch" của Tourism Concern.-Ảnh: Tourism Concern

Bình đẳng về nguồn nước

Theo Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) trong báo cáo “Du lịch vì phát triển” công bố năm 2018, trong khi cả ngành này chỉ chiếm lượng nhỏ trong việc sử dụng nước ngọt trên toàn cầu, du lịch có thể gây ra căng thẳng nghiêm trọng về nước ngọt ở những vùng mà nước vốn đã khan hiếm, từ các nước đang phát triển như Bali, Indonesia tới cả những nước giàu như Tây Ban Nha.

“Lượng nước sử dụng khác nhau đáng kể tùy loại cơ sở du lịch, từ 100-2.000 lít/khách một đêm lưu trú. Nhưng dù thế nào, lượng nước này thường cao hơn rất nhiều so với lượng nước cần cho sinh hoạt của dân địa phương. Nước ngọt thường bị đánh giá rất thấp khi không tính tới các chi phí môi trường của việc sử dụng thái quá - báo cáo viết.

Viện EarthCheck Research cho biết sự chênh lệch lớn này nhiều khả năng là vì việc sử dụng nước rất phóng tay ở các cơ sở lưu trú, chẳng hạn để phục vụ cho cảnh quan, hồ bơi, và các thiết kế có nước khác trong cơ sở đó - khi so với việc dùng nước sinh hoạt khiêm tốn của dân địa phương. Những sự mất cân đối như thế nêu ra quan ngại nghiêm trọng về sự bình đẳng và đạo lý của việc chia sẻ nguồn nước”.

Bình đẳng về nước (“water equity”) là một khái niệm không mới, nhưng ngày càng được nhắc tới nhiều hơn thời gian qua vì biến đổi khí hậu. Viện EarthCheck Research, trụ sở ở Brisbane, Úc, là một trong các tổ chức đưa ra phân tích bình đẳng về nguồn nước hằng năm nhằm cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về việc sử dụng nước trong tương quan dân bản địa - khách du lịch.

Phân tích của họ trong năm 2018 cho thấy Philippines, Trung Quốc và Malaysia đứng đầu bảng về lượng nước sử dụng của mỗi khách lưu trú tại khách sạn một đêm, với mức đều trên 900 lít. Ở các nước như Thái Lan, Philippines và Indonesia, lượng nước sử dụng hằng ngày của du khách nhiều hơn dân bản địa từ 5-6,5 lần.

Báo cáo “Bình đẳng về nước trong du lịch” của Tổ chức Tourism Concern, trụ sở ở Anh, năm 2014, đã khảo sát vấn đề đó ở 5 địa điểm tại các nước đang phát triển: Zanzibar (Tanzania), Goa và Kerala (Ấn Độ), Te Gambia (Tây Phi) và Bali (Indonesia).

Báo cáo rút ra những kết luận quan trọng: “Trong nhiều trường hợp, phát triển du lịch ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, sự sẵn có và dễ tiếp cận của nguồn nước ngọt với dân địa phương, xâm hại quyền của họ với nguồn nước và vệ sinh. Điều này gây ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, cản trở sự cơ động xã hội - nhất là ở phụ nữ, làm hại các khu dân cư, đe dọa an ninh lương thực và làm xói mòn sự bền vững của chính ngành du lịch”.

“Trong khi các khách sạn có tiền và nguồn lực để đảm bảo khách của họ tắm vài lần một ngày, có hồ bơi, được chơi golf, và một quang cảnh xanh tươi, những khu nhà ở của dân địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và nông dân thường xuyên phải chịu cảnh khan hiếm nước ngọt” - báo cáo viết.

Ở Zanzibar, nghiên cứu của Tourism Concern cho thấy trung bình một du khách sử dụng lượng nước gấp 16 lần một người dân bản địa. Trong khi dân địa phương trung bình sử dụng 93,2 lít nước/người/ngày. Con số đó ở các khách sạn 5 sao là 3.195 lít/phòng/ngày, và ở các nhà nghỉ bình dân là 686 lít/phòng/ngày.

Trong khi xung đột nguồn nước ở từng vùng có thể có những điểm đặc thù, báo cáo đã chỉ ra những vấn đề chung họ nhìn thấy tại 5 vùng được khảo sát: “Thiếu hụt cơ sở hạ tầng, năng lực quản trị nhà nước, thông tin và việc hoạch định, điều phối và hợp tác, cũng như các vấn đề về tư nhân hóa nguồn nước sai luật, không được quản lý, và một mức độ nhận thức thấp. Làm tăng thêm áp lực với nguồn nước là các vấn đề đô thị hóa, tăng dân số, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm chất lượng nguồn nước nói chung”.

Vấn đề không phải là hoàn toàn bế tắc. Ở Bali chẳng hạn, IDEP, một tổ chức phi chính phủ về nước, cho biết một hệ thống “các giếng tự đầy” có thể giúp trữ nước trong mùa mưa để cung cấp lại cho hệ thống nước ngầm của hòn đảo, với chi phí chỉ 1 triệu USD.

Số tiền đó không nhỏ, nhưng chỉ là số lẻ so với chi phí bỏ ra xây một khách sạn. Dẫu vậy, cả chính quyền lẫn ngành du lịch đều không có động cơ khởi động dự án này, vì giá nước với họ vẫn là quá rẻ và tư duy ngắn hạn khiến việc tiếp tục khai thác nguồn nước ngầm dễ dàng hơn nhiều.

Báo cáo “Bình đẳng về nước trong du lịch” cũng chỉ ra hàng loạt giải pháp cho từng đối tượng cụ thể trong cuộc tranh chấp này: chính quyền cần có khung pháp lý rõ ràng để đảm bảo sự bình đẳng về nguồn nước, không ưu tiên trực tiếp hoặc ưu tiên ngầm cho du lịch, cải thiện hạ tầng về nước, đánh giá các kế hoạch sử dụng đất phải gắn với sử dụng nước, nâng cao nhận thức của người dân, và tính tới các yếu tố văn hóa, lịch sử khi phân bổ nguồn nước.

Về phần ngành du lịch, họ cần thừa nhận trách nhiệm của mình với quyền về nguồn nước và vệ sinh của dân bản địa nơi họ làm ăn, để ngoài các hoạt động mang tính từ thiện, cộng đồng, còn phải ý thức về việc tiết kiệm nước ở chính cơ sở kinh doanh của mình, mở rộng các cách làm tốt về tiết kiệm nước tới từng du khách; và tất nhiên, cuối cùng là chính mỗi du khách phải ý thức về việc những lựa chọn du lịch của mình sẽ ảnh hưởng ra sao tới môi trường nói chung, và nguồn nước nói riêng tại điểm đến.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận