Ô nhiễm không khí lâu dài:Làm thay đổi hành vi con người?

HỒNG VÂN 12/05/2019 20:05 GMT+7

TTCT - Tiếp xúc với ô nhiễm không khí (ONKK) lâu dài có thể thay đổi hành vi của chúng ta. Cảnh báo này đáng lo ngại trong bối cảnh hơn một nửa dân số trên thế giới đang sống trong môi trường đô thị.

Ô nhiễm bụi ở một số cung đường khiến người dân nín thở. Ảnh: NGUYỄN MINH TÂN
Ô nhiễm bụi ở một số cung đường khiến người dân nín thở. Ảnh: NGUYỄN MINH TÂN

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo 9/10 người trên thế giới thường xuyên hít thở không khí ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm. ONKK đã giết chết khoảng 7 triệu người trên thế giới mỗi năm.

Ô nhiễm làm tăng tội phạm

Năm 2011, nhà nghiên cứu Sefi Roth, PGS.TS khoa kinh tế môi trường ĐH Kinh tế London, tự hỏi: Ngoài làm tăng số người nhập viện và tử vong, ONKK còn gây ra những tác động nghiêm trọng nào khác? Ông Roth bắt đầu nghiên cứu xem ONKK có ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động nhận thức hay không.

Roth và nhóm nghiên cứu phân tích các bài kiểm tra của một nhóm sinh viên trong những ngày khác nhau, đối chiếu với mức độ ô nhiễm trong không khí của những ngày thực hiện bài kiểm tra đó. Tất cả các tham số khác được giữ nguyên: các sinh viên học cùng năm, bài kiểm tra thực hiện ở cùng một địa điểm trong nhiều ngày khác nhau.

Ông Roth nhận thấy sự biến thiên trong kết quả trung bình khác biệt đến sửng sốt. Những ngày ONKK nhất có sự tương liên với những bài kiểm tra có điểm thấp nhất. Trong khi đó vào những ngày chất lượng không khí sạch nhất, các sinh viên làm bài tốt hơn.

TS Roth cho biết: “Chúng ta thấy kết quả các bài kiểm tra giảm rõ rệt trong những ngày mức độ ô nhiễm cao hơn hẳn. Chúng tôi không ghi nhận các ảnh hưởng khi ONKK xảy ra vài ngày trước hoặc sau (thời điểm có bài kiểm tra), nó chỉ thực sự ảnh hưởng trong ngày các sinh viên làm bài kiểm tra và điểm số thấp một cách đáng kể”.

TS Roth tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu những ảnh hưởng nào sẽ xảy ra trong thời gian 8-10 năm sau. Trong nghiên cứu xuất bản năm 2016, ông cảnh báo hậu quả lâu dài về kinh tế của những bài kiểm tra mang tính quyết định đối với học sinh do sự dịch chuyển ONKK.

Theo đó, những người có kết quả bài kiểm tra thấp nhất trong những ngày ONKK nhất có nhiều khả năng chỉ được nhận vào các trường đại học xếp hạng thấp. Họ kiếm được ít tiền hơn do kỳ thi đó tình cờ lại quá quan trọng và mang tính chất quyết định với việc học trong tương lai. “Do đó, dù chỉ là một tác động ngắn hạn do ONKK nhưng nếu nó xảy ra đúng vào một giai đoạn quan trọng của cuộc đời, ảnh hưởng sẽ là dài hạn”, ông Roth nhận xét.

Năm 2016, một nghiên cứu khác do Matthew Neidell từ ĐH Columbia (Mỹ) và cộng sự tiếp tục khẳng định những khám phá ban đầu của TS Roth, rằng ONKK có thể làm giảm năng suất lao động của công nhân. Phát hiện này gợi ý cho TS Roth thực hiện một nghiên cứu mới.

Năm 2018, nhóm nghiên cứu của ông phân tích dữ liệu tội phạm trong 2 năm của hơn 600 phường được lựa chọn ở London. Họ phát hiện có nhiều vụ phạm pháp vặt xảy ra trong những ngày ONKK nhất ở cả những phường giàu có cũng như những phường nghèo. Dĩ nhiên, chúng ta cần thận trọng trước khi kết luận sự liên hệ của hai vấn đề, nhưng theo các tác giả, có bằng chứng về sự liên hệ nhân quả giữa hai yếu tố.

Theo BBC, trong tương lai, cảnh sát và các đơn vị ngăn ngừa tội phạm có thể cần để mắt đến mức độ ONKK để triển khai nhân sự ở các khu vực bị ô nhiễm nhất.

Ảnh hưởng đến trí não, tâm lý

Các nghiên cứu mới cho thấy ONKK có liên hệ với những phán đoán thiếu chuẩn xác, vấn đề sức khỏe tâm thần, học tập kém ở trường và đáng lo ngại nhất có lẽ là tỉ lệ tội phạm cao hơn. Mặc dù các dữ liệu của TS Roth không cho thấy ONKK có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự gia tăng của các tội phạm nghiêm trọng như giết người hay hãm hiếp, một nghiên cứu năm 2018 đã cho thấy sự liên hệ này có thể xảy ra.

Nghiên cứu do tác giả Jackson Lu của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) thực hiện đã kiểm tra số liệu trong 9 năm của hầu như toàn bộ hơn 9.000 thành phố ở Mỹ. Các tác giả phát hiện “chỉ số ONKK có thể được dùng để dự báo 6 nhóm tội phạm chính”, bao gồm: giết người, hiếp dâm, cướp của, trộm xe hơi, trộm cắp nói chung và tấn công người khác.

Những thành phố bị ONKK nhiều nhất cũng có tỉ lệ tội phạm cao nhất. Đây lại là một nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tuyến tính, nhưng nó bao gồm các yếu tố như dân số, tỉ lệ người có việc làm, độ tuổi và giới tính, trong đó ONKK là dấu hiệu chỉ báo đối với sự gia tăng tỉ lệ tội phạm.

Các bằng chứng tiếp theo đến từ một nghiên cứu về hành vi tội phạm (bao gồm nói dối, trốn học, ăn cắp, phá hoại và sử dụng ma túy) ở hơn 682 thanh thiếu niên. Nhà nghiên cứu Diana Younan của Trường ĐH Nam California và các đồng nghiệp đã nghiên cứu ảnh hưởng của bụi siêu mịn PM2,5 - loại vi bụi có đường kính nhỏ bằng 1/40 đến 1/100 sợi tóc và xem xét tác động tổng hợp của việc tiếp xúc với bụi siêu mịn trong thời gian hơn 12 năm. Một lần nữa, những hành vi xấu có khả năng xảy ra ở những khu vực bị ô nhiễm nặng với kết quả mang ý nghĩa thống kê.

Để chắc chắn sự liên hệ nói trên không đơn thuần là do ảnh hưởng của tình trạng kinh tế - xã hội, nhóm nghiên cứu của Younan đã xem xét yếu tố trình độ học vấn của phụ huynh, yếu tố nghèo đói, chất lượng của khu dân cư và rất nhiều tham số khác để tách riêng những tác động của bụi siêu mịn khỏi những tác động chúng ta đã biết về tỉ lệ tội phạm.

Bà Younan cho biết phát hiện trên đặc biệt đáng lo ngại vì chúng ta đều biết cách hành xử của một cá nhân ở thời niên thiếu là dự báo thuyết phục về cách hành xử của người đó khi trưởng thành. Những người chểnh mảng thường có khả năng học kém, và về sau có nguy cơ thất nghiệp cao, dễ sa ngã vào việc lạm dụng ma túy. Do đó, các can thiệp sớm ở độ tuổi sớm cần được ưu tiên.

Có rất nhiều cơ chế có thể giải thích vì sao ONKK lại ảnh hưởng đến hành vi đạo đức của chúng ta. Tác giả Jackson Lu đã chứng minh suy nghĩ về ONKK có thể ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta thông qua những khía cạnh tiêu cực gắn liền với nó. Do không được phép yêu cầu người tham gia nghiên cứu tiếp xúc với ONKK, nhóm của Lu đề nghị họ tưởng tượng mình phải sống với ONKK.

Trong một thử nghiệm, họ đưa các hình ảnh của những thành phố cực kỳ ô nhiễm và đề nghị người tham gia (Ấn Độ và Mỹ) tưởng tượng mình sống ở những thành phố này, họ cảm thấy thế nào và cuộc sống của họ sẽ ra sao. Sau trải nghiệm tâm lý này, ông Lu nhận thấy sự lo lắng của người tham gia tăng lên và họ tập trung vào bản thân nhiều hơn - hai yếu tố được biết là có thể làm tăng các hành vi hung hăng và thiếu trách nhiệm.

“Theo cơ chế tự vệ, chúng ta đều biết rằng khi bồn chồn lo lắng, chúng ta dễ có khả năng đấm vào mặt người khác hơn là khi bình tĩnh. Vì đẩy cao sự lo lắng của con người, ONKK có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đến hành vi”. Trong thí nghiệm tiếp theo, nhóm nhận thấy những người tham gia trong điều kiện ONKK có xu hướng gian lận trong nhiều nhiệm vụ và đánh giá quá mức thể hiện của mình để nhận thưởng.

Nghiên cứu này mới chỉ là khởi đầu. Có thể có nhiều lý do khác giải thích các tác động này ngoài việc ONKK làm chúng ta lo lắng và tập trung vào bản thân hơn như Lu mô tả, trong đó không loại trừ những thay đổi sinh lý trong não bộ.

Hít không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến lượng ôxy chúng ta đưa vào cơ thể tại một thời điểm và có thể làm giảm lượng không khí chất lượng đến não. Làm mũi, họng khó chịu, gây đau đầu… tất cả đều làm giảm sự tập trung của chúng ta. Một điều rõ ràng nữa là tiếp xúc với nhiều chất ô nhiễm khác nhau có thể gây viêm trong não, làm hỏng cấu trúc não và các liên kết thần kinh.

Theo bà Younan: “Điều có thể xảy ra là chất ô nhiễm trong không khí có thể phá hủy vùng thùy trước trán - một khu vực quan trọng kiểm soát sự kích động, xử lý công việc và tự kiểm soát”. Bên cạnh khả năng làm tăng tỉ lệ phạm tội, ONKK còn có thể làm suy giảm đáng kể đến sức khỏe tâm thần.

Một nghiên cứu công bố tháng 3-2019 cho thấy những thiếu niên tiếp xúc với ONKK độc hại có nguy cơ cao đối với các vấn đề loạn thần như ảo thanh, ảo giác. Joanne Newbury, trưởng nhóm nghiên cứu của ĐH King ở London, cho biết dù chưa thể khẳng định chắc chắn nhưng các phát hiện thống nhất với các nghiên cứu khác, rằng có sự liên hệ giữa ONKK và sức khỏe tâm thần.

Bà nói: “Phát hiện của nghiên cứu củng cố các bằng chứng về sự liên hệ của ONKK với các vấn đề sức khỏe và chứng mất trí nhớ. Nếu ONKK có hại cho cơ thể, có cơ sở để nghi ngờ nó cũng có hại cho não”.■

“Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh các tác động xảy ra với các nhóm dân số khác ở những độ tuổi khác”, bà Younan gợi ý. Trước mắt, chúng ta có thể kiểm soát việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm của mình hằng ngày bằng cách theo dõi chỉ số chất lượng không khí nơi mình sống và hạn chế ra ngoài khi ONKK ở mức cao; cân nhắc những thứ mình mua, phương tiện đi lại… vì chúng đều là những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận