Bệnh tim mạch: Tử thần trên sân bóng

HUY ĐĂNG 24/05/2019 03:05 GMT+7

Thế giới bóng đá phải một phen hú hồn khi thủ môn lừng lẫy Iker Casillas đột quỵ vì đau tim trong một buổi tập cùng đội Porto. Những lo ngại cho mạng sống của thủ môn người Tây Ban Nha là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào danh sách các nạn nhân xấu số trong làng túc cầu của căn bệnh tim quái ác.

Kanu và những bệnh nhi được anh cứu giúp. Ảnh: Kanu Heart Foundation
Kanu và những bệnh nhi được anh cứu giúp. Ảnh: Kanu Heart Foundation

Một thống kê của ĐH London (Anh) cho thấy cứ 100.000 cầu thủ sẽ có khoảng 7 người tử vong đột ngột vì bệnh tim!

Đừng như Faty Papy!

Chỉ cần tìm kiếm trên Wikipedia, bạn sẽ thấy một danh sách dài những danh thủ qua đời vì đau tim trên sân cỏ. Và kể từ trường hợp gây bàng hoàng của Marc Vivien Foe - tuyển thủ Cameroon ở Cúp Liên lục địa 2003, danh sách này còn có thêm Antonio Puerta, Daniel Jarque (Tây Ban Nha), Naoki Matsuda (Nhật Bản), Cheick Tiote (Bờ Biển Ngà)…

Chỉ một tuần trước cơn đột quỵ bất ngờ của Casillas, làng túc cầu thế giới đã đón nhận một câu chuyện đau buồn khác mang tên Faty Papy. Cựu cầu thủ người Burundi qua đời sau khi lên cơn đau tim trong một trận đấu cấp CLB ở châu Phi. Anh bất tỉnh sau khi bóng lăn được 15 phút, và dù được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng vẫn không qua khỏi. Điều đáng nói là Papy vốn từng nhiều lần được bác sĩ nhắc nhở về tình trạng sức khỏe của anh.

Hồi tháng 12-2005, Papy từng ngất xỉu trong một trận giao hữu ở Johannesburg. Trước đó, các bác sĩ từng cảnh báo việc chơi bóng cường độ cao sẽ rất nguy hiểm với bệnh tim của anh, nhưng Papy phớt lờ để tiếp tục theo đuổi đam mê. Và rồi anh nằm xuống…

Faty Papy

Papy không phải cầu thủ duy nhất trả giá vì bỏ qua những lời khuyên của bác sĩ. Trong một chương trình tầm soát tim mạch khổng lồ của nước Anh, khoảng 11.000 cầu thủ được xét nghiệm kỹ càng. Có 42 người được kết luận là bệnh trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hầu hết trong số họ nghe theo lời bác sĩ, hoặc giải nghệ, hoặc tiếp tục thi đấu nhưng luôn điều trị kỹ càng. Chỉ có 2 người phớt lờ hoàn toàn, và cả 2 đều đã qua đời trên sân bóng.

Papy để lại một bài học quá đắt. Và ngay khi Casillas phải nhập viện, nhiều người hâm mộ lên tiếng khuyên thủ thành Tây Ban Nha nên giải nghệ hẳn vì sự an toàn của chính anh.

Bệnh tim không phải dấu chấm hết

Nhưng có phải căn bệnh tim đồng nghĩa với việc phải chấm dứt sự nghiệp bóng đá? Làng túc cầu thế giới cũng từng chứng kiến nhiều danh thủ vượt qua những khó khăn tim mạch để tiếp tục theo đuổi đam mê, nổi tiếng nhất là Cristiano Ronaldo và Nwankwo Kanu.

Để có được sự nghiệp đồ sộ như hiện tại, Ronaldo từng đối mặt nguy cơ giải nghệ từ năm 15 tuổi. “Tim nó đập nhanh kể cả khi không chạy. Cả gia đình chúng tôi từng lo sợ Cristiano sẽ phải giải nghệ. Cả nhà thống nhất cần có một cuộc phẫu thuật, và rồi mọi thứ tốt đẹp. Cristiano sau đó có thể chạy nhanh hơn mà không lo sợ việc tim đập mạnh nữa” - bà Dolores Aveiro, mẹ của Ronaldo, kể.

Trường hợp bệnh tim của Ronaldo khá nhẹ, nhưng Kanu thì không may mắn như vậy. Cựu danh thủ người Nigeria phải mổ tim khi anh 20 tuổi - một ca thay thế van động mạch và Kanu mất hẳn một năm mới có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng anh không bao giờ lấy lại được phong độ đỉnh cao như trước nữa. Ở tuổi 20, Kanu được xem như một trong những “viên ngọc thô” sáng giá nhất thế giới. Sau ca mổ tim, anh vẫn chơi rất hay nhưng không bao giờ có thể trở thành một siêu sao đích thực được nữa.

Khoa học vẫn bất lực trong việc dự đoán những hiểm họa từ bệnh tim.

Nỗi lo lơ lửng

Từ rất nhiều bằng chứng trong quá khứ có thể khẳng định, những cầu thủ phớt lờ lời khuyên của bác sĩ về quả tim bất thường của mình sẽ phải trả giá. Nhưng những người được trấn an rằng sức khỏe của họ ổn định thì sao?

Từ cuộc tầm soát khổng lồ của bóng đá Anh trong giai đoạn 1996 - 2016, 11.168 cầu thủ trẻ đã được tư vấn về tình trạng sức khỏe tim mạch. Chỉ 8 người trong số đó đột tử vì bệnh tim sau này. Và đáng nói ở chỗ 6/8 người này có kết quả tốt từ cuộc tầm soát. Họ được khẳng định có quả tim ổn định, nhưng rồi vẫn gục ngã trên sân cỏ vì bệnh tim.

Giáo sư Sanjay Sharma - người đứng đầu chương trình này - phải thừa nhận khoa học vẫn còn bất lực trong việc dự đoán những hiểm họa từ bệnh tim. “Chúng tôi cần phải trung thực thừa nhận rằng tỉ lệ tử vong vì bệnh tim là thấp nhưng không thể dự đoán chính xác được. Kết quả này thực sự rất quan trọng, nó cho chúng tôi thấy rằng những tầm soát ở tuổi vị thành niên như vậy là chưa đủ, cần phải tiếp tục có những kiểm tra tiếp nối” - ông Sharma nói.

Kết luận của giáo sư Sharma gây tranh cãi lớn trong giới y học. Nhiều bác sĩ danh tiếng khác - như Naomi Kertesz, người đứng đầu trung tâm tim mạch của Bệnh viện nhi Columbus, Ohio, Mỹ - cho rằng việc tầm soát tim mạch cầu thủ đang làm lãng phí tiền bạc, bởi kinh phí tầm soát cho mỗi cầu thủ trẻ là khoảng 350 USD. Thậm chí theo bà Kertesz, việc dự đoán trước những nguy cơ về tim mạch với cầu thủ là gần như không thể, thay vào đó những người làm bóng đá nên đầu tư cho việc cấp cứu.■

Sau khi giải nghệ, Kanu thành lập quỹ từ thiện mang tên “Trái tim Kanu”, với mục đích hỗ trợ phẫu thuật cho các bệnh nhi, giúp các em trải qua quá trình điều trị lâu dài để có cuộc sống thực sự an toàn sau đó. Sau 18 năm, quỹ từ thiện của Kanu đã cứu giúp 542 bệnh nhi và xây dựng nên nhiều bệnh viện tim mạch ở châu Phi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận