Mỹ-Trung: Một cuộc chiến tranh lạnh mới?

CHIÊU VĂN 04/06/2019 02:06 GMT+7

TTCT - Thương mại từ lâu đã là chiếc mỏ neo cho mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng sóng gió đang nổi lên dữ dội trong thời gian qua, và sức neo giữ của quan hệ thương mại tỏ ra không còn đủ nữa.

Từ khi Trung Quốc đổi mới mở cửa khoảng 40 năm trước, những cơ hội kiếm tiền là nền tảng chủ chốt cho sự ổn định trong mối quan hệ giữa hai bờ Thái Bình Dương. Giới cầm quyền ở cả Bắc Kinh lẫn Washington đã không ít lần gác lại những khác biệt chính trị để vẫn còn làm ăn được với nhau.

Bao nhiêu tiền cũng không đủ

Tuy nhiên, khá đột ngột, việc kiếm tiền không còn là một cái mỏ neo đủ vững nữa. Vài năm qua, đối thoại và nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới mà hai siêu cường có thể chung sống hòa bình đang có những dấu hiệu chệch hướng rõ rệt, với nhiều viện dẫn lịch sử.

Ở phương Tây, các học giả nói về năm 1914, khi hai đế quốc Anh và Đức, dù có quan hệ thương mại sâu sắc và lâu đời, đã lao vào cuộc chiến giành quyền bá chủ hoàn cầu.

Ở Trung Quốc, giới phân tích ám ảnh với “bẫy Thucydides”, học thuyết chính trị cho rằng sớm muộn một siêu cường đã thiết lập và một siêu cường mới nổi cũng sẽ phải đối đầu với nhau, như Athens và Sparta của thời Hi Lạp cổ đại.

Sự nổi lên của Trung Quốc sẽ gây nhiều rắc rối một phần vì tính mới mẻ của mối quan hệ hiện giờ. Nhật Bản từng gây cú sốc ở Mỹ thời những năm 1970 và 1980, khi thâm hụt thương mại hàng hóa thương phẩm của Mỹ với Nhật Bản tăng 25 lần chỉ trong một thập kỷ.

Nhưng về chính trị, đó là mối quan hệ một chiều: Nhật Bản là đồng minh phụ thuộc Mỹ về mặt quân sự. Liên Xô là một địch thủ về quân sự và ý thức hệ xứng tầm của Mỹ, nhưng thương mại song phương vào năm 1987 chỉ là 2 tỉ USD mỗi năm, không tới 0,25% tổng kim ngạch thương mại của Mỹ với thế giới. Năm 2018, thương mại hai chiều Mỹ - Trung là 2 tỉ USD mỗi ngày, hay 13% tổng kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ.

Cú sốc với Mỹ lần này nghiêm trọng hơn bởi thương mại trong công nghệ đã làm mờ đi những lằn ranh giữa việc làm ăn thuần túy và an ninh quốc gia. Sự phản đối của chính quyền Trump với Huawei sâu xa là vấn đề lòng tin. Mua giày thể thao và tivi từ Trung Quốc là một chuyện, còn mua microchip vận hành xe tự lái và máy bay là chuyện hoàn toàn khác.

Nhưng đi kèm với những toan tính chính trị luôn là rủi ro “một bức màn thép kinh tế” sẽ sập xuống, chia cắt hoàn toàn siêu cường kinh tế số 1 và số 2 thế giới, theo cảnh báo của cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson.

Hiếm người Mỹ nào có được sự tiếp cận các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tốt như Paulson, một người ủng hộ lâu năm sự xích lại gần Mỹ - Trung. Vì thế, ông đã gây nhiều chú ý khi tháng 2 vừa rồi, nhận xét rằng “cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã chuyển từ ủng hộ sang nghi ngờ và thậm chí phản đối các chính sách xích lại gần Trung Quốc”. Giới lãnh đạo kinh doanh tất nhiên không muốn có thương chiến, nhưng muốn “một cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn”, theo lời Paulson. Và họ đang có được điều đó dưới quyền Tổng thống Trump.

Cuộc thương chiến và những diễn biến đi kèm phản ánh sự điều chỉnh chính sách đối ngoại từ phía Mỹ. Tổng thống Barack Obama cũng lên án Trung Quốc và gây sức ép với nước này về thương mại, nhưng ông tập trung hơn vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân, mà ông cần sự hợp tác của Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tự hào rằng ông đặt nước Mỹ lên trên hết, và điều đó bao gồm gây tổn hại cho Trung Quốc nếu cần.

Ảnh: Washington Post
Ảnh: Washington Post

Lạc trong dòng tin tức dồn dập, nhiều diễn biến tưởng là nhỏ lẻ bị bỏ qua sẽ giúp nhìn nhận đầy đủ mối quan hệ Trung - Mỹ hiện giờ như một dòng chảy sự kiện, không có gì là đột ngột và vô cớ.

Tháng 10-2018, Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, với sự nhất trí của cả hai đảng, mời giám đốc các công ty công nghệ và sáng tạo lớn nhất nước dự một phiên điều trần khép kín kéo dài một ngày, chỉ để nói về an ninh quốc gia liên quan tới công nghệ và Trung Quốc.

Sau phiên điều trần, thượng nghị sĩ Marco Rubio, một thành viên ủy ban, tuyên bố Trung Quốc “là mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước chúng ta từng đối mặt”.

Quốc hội Mỹ thì lập tức đưa ra dự luật kiểm soát sản phẩm xuất khẩu được coi là quan trọng với an ninh và kinh tế quốc gia, nhắm thẳng vào các lĩnh vực trong kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, một đại chương trình xây dựng những công ty đẳng cấp thế giới của Bắc Kinh trong 10 lĩnh vực công nghệ cốt lõi.

Tháng 11-2018, Bộ Tư pháp Mỹ thành lập Tổ chức Sáng kiến đe dọa Trung Quốc với các công tố viên và điều tra viên FBI chỉ tập trung vào việc phát hiện những nỗ lực đánh cắp bí mật thương mại và tác động lên dư luận của Trung Quốc, nhất là ở các trường đại học.

Đồng thời, ở Bộ An ninh nội địa, Trung tâm Quản trị rủi ro quốc gia được thành lập, nhắm vào “các công ty có nguy cơ cao với an ninh quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng thiết yếu”. Trung tâm Điều phối toàn cầu, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, trước chuyên về chống khủng bố, nay chuyển sang nhiệm vụ mới: tổ chức phản tuyên truyền nhắm vào Iran, Nga và Trung Quốc.

Tháng 12-2018, trong một lệnh truy tố, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc liên quan tới một chiến dịch kéo dài của nhóm tin tặc APT10 đánh cắp các bí mật về công nghệ hàng không, vũ trụ, dược phẩm, dầu và khí đốt, hàng hải...

Tháng 3 vừa rồi, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS) yêu cầu công ty Trung Quốc Beijing Kunlun phải bán lại Grindr, một ứng dụng cho người đồng tính với 3,3 triệu người dùng mỗi ngày. Lý do: các kỹ sư của Kunlun đã tiếp cận dữ liệu và tin nhắn của hàng triệu người Mỹ, mà với một ứng dụng cho người đồng tính, có thể trở thành thông tin để đe dọa họ.

Nhưng ở Mỹ cũng có những tiếng nói thận trọng hơn. Một bài viết gần đây của Evan Feigenbaum cho Viện Paulson cho rằng cáo buộc Trung Quốc muốn làm đảo lộn trật tự toàn cầu hiện hữu là không đầy đủ. 

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Chris Coons của Đảng Dân chủ hối thúc Quốc hội đối phó với Trung Quốc “như nước này thực tế là, chứ không phải như những gì Mỹ mong muốn”. Ông cũng không nghĩ rằng Trung Quốc tìm cách thách thức trật tự dựa trên luật lệ, dù thừa nhận Bắc Kinh “đã cư xử rất tệ trên sân chơi kinh tế thế giới”. 

Lúc này ở Mỹ, những tiếng nói như của Coons đã được coi là hiền hòa.

Ảnh: Yahoo News
Ảnh: Yahoo News

Góc nhìn Trung Quốc

Nhiều học giả, và cả các quan chức Trung Quốc, thích ví von quan hệ Trung - Mỹ với một cuộc hôn nhân bất tiện. Nếu đó thực sự là một cuộc hôn nhân cơm không lành, canh không ngọt, thì một câu vẫn thường được nói ra trong những cuộc cãi cọ vợ chồng có thể tổng kết tâm trạng của Bắc Kinh với Washington lúc này: “Sao anh/cô lúc nào cũng chỉ nghĩ tới mình thế?”.

Theo đó, Hoàn Cầu thời báo cũng như Nhân Dân nhật báo đã nhiều lần đăng các bài xã luận nói rằng Trung Quốc không hề có chủ đích đối đầu hay nhắm vào việc vượt qua Mỹ. Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đơn giản vì quy mô dân số của họ và việc chính quyền muốn cải thiện cuộc sống cho người dân.

Trong khi khát vọng phát triển kinh tế là lý do khiến Trung Quốc e dè một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, đó cũng là nguyên nhân của cơn thịnh nộ nhắm vào chính sách kiềm chế từ Mỹ mà nhiều lãnh đạo Bắc Kinh đang cảm thấy lúc này.

Tâm lý chung của tinh thần dân tộc là vào lúc Trung Quốc chỉ mới hơi khá lên, một nước Mỹ đang suy yếu đã ngay lập tức tìm cách kìm hãm họ đạt tới sự cường thịnh, dù là qua việc xây dựng quân đội hay công nghệ hiện đại.

Những tiếng nói chính thức khác lập luận rằng Trung Quốc đã không hề thay đổi hành vi trên sân khấu quốc tế, chỉ là nước này đang trở nên lớn hơn về kinh tế và thành công hơn về chính trị. Họ đặt câu hỏi nếu như Trung Quốc là một kẻ xâm hại trật tự quốc tế nghiêm trọng như thế, thì tại sao phương Tây trước đó chưa bao giờ ca thán?

Chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với các nhà đầu tư nước ngoài rằng ông thất vọng với sự thiếu nhất quán của Hoa Kỳ. Ở một hội nghị thượng đỉnh tháng 7-2018, ông Tập nói Mỹ trên thực tế đã vô hiệu hóa các vòng đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngay khi Trung Quốc cuối cùng cũng được phép gia nhập vào năm 2001.

Tương tự, tổng thống Obama đã thuyết phục Trung Quốc tham gia nghị định thư Paris về biến đổi khí hậu, để rồi ông Trump lại rút nước Mỹ ra gần như ngay sau đó.

Rất rõ ràng, lòng tin ở cả hai bờ Thái Bình Dương đang suy yếu nghiêm trọng, và quả thật giống như trong các cuộc hôn nhân, không phải tình yêu hay khối tài sản, mà chính lòng tin mới quyết định cuộc chung sống vợ chồng có bền vững hay không.■

Trao đổi giáo dục chậm lại

Trong khi số lượng sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học vẫn tăng suốt một thập kỷ qua, tốc độ tăng đã chậm lại rất nhiều. Nếu niên khóa 2008-2009, tỉ lệ tăng là hơn 21% so với năm trước thì niên khóa vừa rồi, 2017-2018, tỉ lệ tăng chỉ còn không tới 3,6%. 

Ở Đại học Iowa chẳng hạn, số học sinh Trung Quốc theo học tăng 5 lần giai đoạn 2007-2015, đạt đỉnh vào năm 2015 và tới năm 2018 đã giảm 39%. Các sinh viên Trung Quốc học ngành công nghệ cao đặc biệt khó xin thị thực du học ở Mỹ và những người tốt nghiệp khó tìm được việc làm hơn.

Với các viện Khổng Tử (CIS) từng được mở ở nhiều đại học Mỹ, các tiếng nói phản đối cũng ngày càng lớn hơn. Năm 2018, thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã hối thúc mọi đại học ở bang nhà của ông Florida đóng cửa và không chấp nhận các CIS trong học xá. Khắp nước Mỹ, ít nhất 10 viện đã đóng cửa trong năm qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ngừng cấp tiền cho mạng lưới các trung tâm văn hóa Mỹ ở những đại học Trung Quốc. Về phần Mỹ, số sinh viên học tiếng Hoa đã giảm 13% vào năm 2016 so với 2013, xuống còn 53.000 người.

Cuộc đua trên không gian

Năm ngoái, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói các chương trình vệ tinh nhân tạo ngày càng tân tiến của Trung Quốc là một trong những lý do Mỹ sẽ phải thành lập “Lực lượng không gian”, một nhánh mới của quân đội thu hút các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực.

Trong một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ vào tháng 4, William Roper, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ, nói: “Các quốc gia như Trung Quốc đã cho thấy ý định của họ mở rộng sự khiêu khích vào không gian”. Chính Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự khó chịu với việc Trung Quốc đã phóng 38 vệ tinh lên quỹ đạo trong năm 2018, nhiều hơn của Mỹ là 34. “Việc đó đáng lẽ không được phép xảy ra” - ông Trump nói.

Một đánh giá về mối đe dọa trên không gian được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ công bố vào tháng 4 mở đầu với cảnh báo của Jim Cooper, nghị sĩ Dân chủ ở Tennessee đứng đầu tiểu ủy ban các chương trình không gian ở Hạ viện: “Nguy cơ một vụ Trân Châu cảng trên vũ trụ đang tăng lên từng ngày... Không có các vệ tinh, chúng ta sẽ gặp rắc rối rất lớn trong việc tập hợp và phản công. Chúng ta thậm chí có thể không biết ai đã tấn công chúng ta, một khi chúng ta đã mù, câm, điếc và bất lực”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận