Đường vào đại học: Rộng mở và đa dạng 

TRẦN HUỲNH 09/06/2019 18:06 GMT+7

TTCT - Theo Bộ GD-ĐT, năm nay bất luận số thí sinh tham dự kỳ thi THPT giảm gần 40.000 em (năm ngoái có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi), song số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ lại tăng hơn 10.000 (653.000 thí sinh, chiếm khoảng 74%). Có lẽ vì đường vào ĐH giờ đang rộng hơn bao giờ hết với những lựa chọn đa dạng.

Ảnh: pinterest.com
Ảnh: pinterest.com

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học tiếp tục tăng

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trên cả nước năm nay là hơn 480.000 sinh viên, tăng 7,5% so với năm 2018.

Trong đó tổng số chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH trên cả nước năm 2019 là 464.423 sinh viên, riêng khu vực các trường ĐH công lập sẽ lấy 350.138 sinh viên; khu vực các trường ĐH tư sẽ lấy 114.285 sinh viên.

Dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh tăng đáng kể như vậy nhưng theo phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Phạm Như Nghệ, mới chỉ có 28% số người trong độ tuổi đi học là đang theo học ĐH. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Thái Lan, Malaysia là 43% và 48%. Tại những nước phát triển, tỉ lệ này còn cao hơn nữa.

Cả nước hiện có khoảng 400 cơ sở giáo dục xét tuyển ĐH, CĐ. Trong số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có khoảng 400.000 thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào học ở các trường ĐH, CĐ (đạt 82-85% tổng chỉ tiêu).

Hơn 10 phương thức tuyển sinh

TS Trần Thế Hoàng, chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết mùa tuyển sinh năm 2019 đang cho thấy chưa bao giờ các trường ĐH đưa ra nhiều phương thức xét tuyển như năm nay (hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau), có trường đồng thời áp dụng đến 6 phương thức.

Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia và các phương thức kết hợp khác (xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT quốc gia, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu).

ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM còn sử dụng thêm phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế. Hiện có gần 30 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, trong đó ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hai đợt thi vào tháng 3 và tháng 7. Bên cạnh đó, nhiều trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Minh họa
Minh họa

Du học tại chỗ tăng

Giấc mơ cho con em đi du học chưa bao giờ nguội bớt trong nhiều gia đình Việt Nam. Bộ GD-ĐT tính toán và ước lượng mỗi năm người Việt chi 3-4 tỉ USD cho du học.

Nhưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế và thấu hiểu các quy trình phức tạp về thủ tục đưa con em đi du học ở nước ngoài, nên thị trường giáo dục nhạy bén đã dọn sẵn những lối đi khác cho họ. “Du học tại chỗ” ra đời với hàng loạt mô hình liên kết quốc tế đa dạng.

Sau hơn một thập kỷ xây dựng các chính sách liên quan hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục ĐH, hiện hầu hết các trường ĐH đều có chương trình liên kết quốc tế với các ĐH nước ngoài theo hình thức 2+2 (2 năm đào tạo tại Việt Nam và 2 năm đào tạo ở nước ngoài) hoặc 4+1, 3+1, 2+3.

Các chương trình này thường xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, đồng thời có thêm yêu cầu ngoại ngữ. Sinh viên có một trong các chứng chỉ TOEFL, IELTS với mức điểm theo quy định (tùy trường) thì không phải dự thi xếp lớp tiếng Anh. Nếu chưa đạt trình độ tiếng Anh sẽ phải học tiếng Anh tăng cường.

Ngoài những mô hình “lai” này, hàng loạt trường quốc tế phục vụ cho những gia đình không muốn xa con em mình nhưng vẫn muốn các em tiếp cận nền giáo dục của nước ngoài như Trường ĐH Fulbright VN, Trường ĐH RMIT, ĐH Anh quốc… ra đời.

Những nơi này giúp họ giải bài toán tài chính ĐH theo một cách thức riêng. Ông Đỗ Thanh Vi Ngân (TP.HCM), phụ huynh có khả năng đáp ứng về tài chính cho con đi du học nước ngoài nhưng vẫn chọn con đường du học tại chỗ cho con gái đầu, cho biết: “Con tôi sau khi tốt nghiệp cấp III đã đi du học tại Singapore 1 năm, trong thời gian ấy cháu đam mê các vấn đề liên quan đến lối sống thân thiện với môi trường, đã lập một trang web cổ xúy cho lối sống này.

Những vấn đề mà cháu đam mê có đất dụng võ tại Việt Nam hơn. Từ đó, cộng với việc muốn sống gần gũi với gia đình, cháu quyết định về Việt Nam và học ở RMIT. Hiện cháu đang học năm thứ ba và tôi thấy mọi chuyện rất ổn”.

Ở RMIT, mối liên hệ mật thiết với các công ty, tổ chức trong và ngoài nước, các nhà tuyển dụng khá chặt chẽ nên cơ hội việc làm dành cho sinh viên trong trường rất phong phú. Trong năm 2017-2018, hơn 1.800 thông tin việc làm và yêu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp đối tác thuộc nhiều lĩnh vực/ngành nghề được đăng trên mạng việc làm CareerHub của RMIT, hoặc mỗi sinh viên kỳ cuối có tới năm cơ hội thực tập...

“96% sinh viên RMIT tại Việt Nam có việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp, trong đó nhiều sinh viên tuy chỉ mới ra trường 2-3 năm nhưng đã giữ những chức vụ chủ chốt trong doanh nghiệp đã minh chứng hiệu quả của các chương trình liên kết này” - đại diện nhà trường chia sẻ.

Trải nghiệm quốc tế phong phú cũng là một ưu thế của RMIT thông qua các chương trình du học trao đổi, tham quan học tập, các khóa học ngắn ngày hoặc chuyển tiếp tới RMIT Melbourne hoặc hơn 200 ĐH đối tác tại hơn 40 nước bao gồm Anh, Úc, Mỹ, Canada, Nhật, Singapore, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ý... (áp dụng mức học phí Việt Nam). ■

Học phí đại học bao nhiêu?

Học phí của các trường ĐH có nhiều mức khác nhau, chênh lệch khá lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập, giữa các ngành, chương trình đào tạo trong cùng một trường.

Tại các trường ĐH công lập có các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, quốc tế, học phí là 22-60 triệu đồng/năm. Trong khi các chương trình liên kết quốc tế có mức học phí học 2 năm đầu tại VN 55-60 triệu đồng/năm, học phí các năm học còn lại ở trường liên kết tại nước ngoài do các trường này quy định.

Đối với các trường ĐH công lập được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo đề án tự chủ được phép thu học phí mức cao hơn các trường công lập khác. Mức học phí các trường này 15-20 triệu đồng/năm (tùy ngành).

Với nhóm trường ĐH ngoài công lập, mức học phí cũng khá đa dạng, được chia làm ba nhóm chính: nhóm trường có học phí 10-20 triệu đồng, nhóm trường có học phí 21-50 triệu đồng và nhóm trường từ 51-80 triệu đồng/năm.

Học phí một số trường ĐH quốc tế:

1. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM): chương trình do Trường ĐH Quốc tế cấp bằng khoảng 42 triệu đồng/năm; chương trình liên kết (chương trình du học tại các trường đối tác): giai đoạn 1 khoảng 56 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 theo chính sách học phí của trường đối tác.

2. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: chương trình dạy bằng tiếng Việt 47-54 triệu đồng/năm; chương trình dạy bằng tiếng Anh 121-132 triệu đồng/năm (tùy ngành).

3. Trường ĐH Quốc tề Miền Đông: 15-40 triệu đồng/năm (tùy ngành, chưa tính học phí tiếng Anh tối đa 42,5 triệu đồng/1.000 giờ).

4. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng: 40 triệu đồng/năm (trừ ngành răng hàm mặt 150 triệu đồng/năm); chương trình hội nhập quốc tế: 60 triệu đồng/năm; chương trình liên kết quốc tế 2+2, 3+1 giai đoạn 1 là 70 triệu đồng/năm (học tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng), giai đoạn 2 học phí xác định theo thời điểm sinh viên nhập học tại trường đối tác

5. Trường ĐH Việt Pháp (Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội): ngành kỹ thuật hàng không 98,5 triệu đồng/năm; 46,8 triệu đồng/năm các ngành khác.

6. Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, ĐH Đà Nẵng (VNUK - Trường ĐH Quốc tế Việt - Anh): 38,5 triệu đồng/năm.

7. Trường ĐH Việt Đức: 34-38 triệu đồng/năm.

8. Trường ĐH Fulbright Việt Nam: 480 triệu đồng/năm (phí ăn ở 72 triệu đồng/năm).

9. Trường ĐH RMIT: 669-833 triệu đồng cho 3 năm học (168-278 triệu đồng/năm tùy chương trình học).

Tìm cảm hứng khởi nghiệp khi còn là sinh viên

Lưu Thái Quang Khải (sinh viên năm 3 Trường ĐH RMIT Việt Nam) xuất hiện trong cuộc tọa đàm về chủ đề “Du học tại chỗ - Tại sao không?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với những phát biểu tự tin, lôi cuốn và kiến thức sâu rộng.

Hết trung học phổ thông, cũng như nhiều học sinh cuối cấp khác, Khải rất muốn được đi du học nên đã làm hồ sơ gửi một số trường. Chi phí khá lớn nếu ra nước ngoài du học khiến cậu học trò Đà Lạt này băn khoăn. Bạn tìm hiểu những lựa chọn gần gũi khác và nộp đơn cho chương trình học bổng của RMIT Việt Nam với suy nghĩ “nộp cho vui thôi chứ chắc không có khả năng cạnh tranh với nhiều bạn ở TP.HCM”.

Với “vốn trong tay” là IELTS 7.0, kết quả học tập đạt trên 9.0, cậu học trò chuyên Pháp Trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt, Lâm Đồng) được nhà trường gọi đến phỏng vấn và trao cho bạn học bổng toàn phần khóa ĐH. “Khi vào học, tôi vui khi thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn” - Khải nói.

Khải nhập học với ngành logistics - một ngành mới của trường này, nhưng khi học các học phần về marketing căn bản, bạn bị cuốn hút bởi môn học hấp dẫn này và quyết định chọn học ngành marketing. Khải tin rằng đối với ngành marketing, việc chọn học ở Việt Nam sẽ tốt hơn so với du học bởi những đòi hỏi hiểu biết về thị trường, văn hóa xung quanh mình.

“Khi chọn học marketing ngay tại Việt Nam, sinh viên sẽ được trực tiếp trải nghiệm các công việc, có được nhiều thông tin thiết thực gần gũi, ra trường chỉ cần tìm cách ứng dụng vào thực tế thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Nếu học ngành này ở nước ngoài, ra trường trở về nước sẽ mất nhiều thời gian tìm hiểu thị trường, vấp phải trở ngại do khác biệt văn hóa” - Khải nói.

Tại RMIT, sinh viên chỉ học trong 3 năm, ít hơn đa số trường 1 năm nhưng với Khải, chương trình học đầy đủ và sâu, giảm tối đa giờ lên lớp, mỗi môn sinh viên chỉ học trên lớp 3 giờ/tuần trong 3 tháng là thời gian hợp lý.

“Tôi đăng ký 3 môn chỉ học trong ngày thứ hai, thời gian còn lại tự học và đi làm. Chương trình học chú trọng đến năng lực và kỹ năng thực sự của sinh viên với yêu cầu qua việc làm đồ án các môn học. Các bài tập lớn trong mỗi môn học giảng viên giao cho sinh viên làm khá nặng, mang tính thực tế. Với môn truyền thông marketing, chúng tôi phải làm việc thực sự với khách hàng, sau đó nghiên cứu thị trường và đề ra giải pháp phát triển sản phẩm ở thị trường đó. Khi thi hết môn, sinh viên được yêu cầu làm đồ án và thuyết trình” - Khải cho biết.

Vì vậy, Khải đã có kinh nghiệm 3 năm làm đủ việc cho các công ty từ thiết kế đồ họa, chụp ảnh, làm phim, làm đồ handmade... và đã mở hai công ty. Khải giải thích: “Việc học ở RMIT là chất xúc tác lớn với tinh thần khởi nghiệp. Nhà trường có những phòng “nhân giống khởi nghiệp”, liên tục có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và tổ chức nhiều hội thảo với sự tham dự của đại diện nhiều tập đoàn lớn về trường nói chuyện, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên”.

Yếu tố Việt Nam hấp dẫn

Thời điểm này, các trường ĐH Việt Nam chỉ mới khởi động mùa tuyển sinh nhưng Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) đã hoàn tất quá trình tuyển sinh cho năm 2019 (mở đơn tuyển sinh vào tháng 9-2018) với chỉ tiêu tuyển khoảng 70 sinh viên. Bà Lê Thị Quỳnh Trâm - giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính FUV - cho biết ở cả hai mùa tuyển sinh, FUV đều nhận được khá nhiều hồ sơ của học sinh.

“Thế mạnh của những trường ĐH chất lượng quốc tế nhưng đặt ở Việt Nam là vừa có thể cung cấp cho sinh viên tri thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu nhưng đồng thời cũng là một con người có ý thức sâu sắc về danh tính, về nguồn cội, kết nối với cuộc sống, xã hội ở Việt Nam.

Khi ra trường, một trong những nhân tố giúp các bạn thành công chính là sự hiểu biết sâu sắc và khả năng kết nối với cộng đồng. Vì vậy, chương trình đào tạo tại FUV dành thời lượng và trọng tâm vào các hình thức học tập thông qua trải nghiệm thực tế, xây dựng mối quan hệ kết nối chặt chẽ giữa sinh viên với doanh nghiệp và cộng đồng ngay từ năm nhất ĐH” - bà Trâm cho biết.

Năm học “đồng kiến tạo” của FUV có 56 sinh viên trúng tuyển nhập học, theo tỉ lệ 20% từ miền Bắc, 25% từ miền Trung và 55% từ miền Nam. Có 64% nhận được hỗ trợ tài chính theo các mức khác nhau. Năm học 2019-2020 là năm mà nhà trường chính thức triển khai chương trình đào tạo ĐH và các bạn sinh viên sẽ làm thành khóa cử nhân đầu tiên của Fulbright, dự kiến tốt nghiệp vào năm 2023.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận