Umngot, dòng sông lấp lánh ánh ngọc lục bảo

BÀI & ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN 23/06/2019 02:06 GMT+7

TTCT - Crystal river (sông thủy tinh) là hương danh trong tiếng Anh của dòng Umngot. Ngọc lục bảo là sắc màu tôi tận mắt chiêm ngưỡng nơi khúc sông trong vắt ánh lên màu lớp rêu rong bám vào sỏi đá dưới đáy nước sâu.

Khúc sông thủy tinh lấp lánh ánh lam ngọc, chấm phá mấy con đò nhiều sắc... như một bức tranh thủy mặc
Khúc sông thủy tinh lấp lánh ánh lam ngọc, chấm phá mấy con đò nhiều sắc... như một bức tranh thủy mặc

Thiệt tình, bữa đó tôi đã rất sửng sốt khi tới nơi, vì không hề biết là sẽ chạm tới dòng sông quá đẹp này. 

Khi ở Meghalaya mua tour ghép đoàn đi chung thấy có nhắc sẽ ghé cửa khẩu Dawki giữa Ấn Độ - Bangladesh cũng như vài điểm khác, nhưng mục đích chính chuyến đi đó của tôi là miền đất đầy tò mò: ngôi làng sạch nhất châu Á Mawlynnong.

Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đoàn ghé đến biên giới để ngó nghiêng cảnh lạ giữa hai đất nước, hay có các cửa hàng miễn thuế để mua hàng hóa, đặc sản... như kiểu Mộc Bài mình ngày cũ, nên chẳng mấy quan tâm.

Do vậy, sau vài điểm dừng hơi vô vị như để tăng số điểm đến của tour, vừa góp doanh số cho cửa hàng lưu niệm, quà bánh, tôi chỉ chăm chú hướng tới Mawlynnong và cây cầu độc đáo đan bằng rễ cây ở làng Riwai láng giềng.

Xe đò có khách trên mui gặp nhiều, cũng đã nhiều lần ngồi, nhưng xe du lịch chở khách mà cũng có khách ngồi trên nóc thì mới thấy, mà đường rừng núi ở đây thì... ôi thôi!
Xe đò có khách trên mui gặp nhiều, cũng đã nhiều lần ngồi, nhưng xe du lịch chở khách mà cũng có khách ngồi trên nóc thì mới thấy, mà đường rừng núi ở đây thì... ôi thôi!

Ơ hờ gà gật lơ mơ ngủ trên xe, khi thấy xe xếp hàng dài cả cây số, tôi vẫn nghĩ thế là bình thường vì chuyện biên mậu tấp nập. Chỉ khi thấy không chỉ xe tải mà cả các xe hơi nhỏ chen kín trong hàng, mới tò mò. 

Rồi ngỡ ngàng thấy loáng thoáng ven đường, dưới vực một dòng xanh lạ, Umngot rực rỡ, mà sau đó mới biết là mục tiêu chính của các bạn Ấn bản địa cùng xe khi mua tour này. Tôi bỗng nhiên trở thành kẻ sung sướng nhất bởi bất ngờ được tưởng thưởng một khúc sông đẹp lạ, cùng ngôi làng và chiếc cầu rễ cây độc đáo kia.

Sau lưng con đò, trên triền cát, hòn đá tảng đó là một cột mốc biên giới giữa Ấn Độ - Bangladesh
Sau lưng con đò, trên triền cát, hòn đá tảng đó là một cột mốc biên giới giữa Ấn Độ - Bangladesh

Khi đá tảng là biên giới

Nằm cách thành phố Shillong, thủ phủ của bang Meghalaya miền đông bắc Ấn, 100km, qua khỏi cửa khẩu Dawki là đến phân khu hành chánh Sylhet, Bangladesh.

Được người Anh cho xây dựng năm 1932, lúc Ấn Độ - Bangladesh vẫn còn chung một quốc gia, đến năm 1947 cây cầu Dawki bắc ngang dòng Umngot 1947 chợt trở thành cây cầu biên giới, khi có sự tách chia - dù lúc đó Bangladesh vẫn chưa hình thành, vẫn được gọi là vùng Đông Pakistan.

Là miền biên giới heo hút thời gian dài, mãi đến năm 2017, Dawki mới bắt đầu được xây dựng để trở thành cửa khẩu ICP với cảng trung chuyển lớn. Tới tháng 2-2018 mới chính thức khai trương ICP và cảng. Đường sá đi lại thuận tiện hơn, kéo theo một lượng khách mới đổ về.

Khách du lịch ùn ùn đổ về Umngot, ken cứng cả đoạn dài hơn cây số. Ảnh: T.T.H
Khách du lịch ùn ùn đổ về Umngot, ken cứng cả đoạn dài hơn cây số. Ảnh: T.T.H

Chuyện thương mại, chính trị sẽ thu hút các đối tượng khác, với du khách, ngoài vẻ đẹp khác thường của dòng sông, những câu chuyện khác đã tạo nên điểm độc đáo, thú vị riêng cho nó, mà cục đá to đùng trên triền cát ven bờ là một ví dụ. 

Cậu bé chèo đò nói rằng đó cũng là một cột mốc biên giới giữa hai nước. Bên này cục đá là Ấn, qua bên kia là Bangladesh. Trên đường cái quan ngay đó thì có trạm kiểm soát to đùng, cảnh sát, lính gác đứng đầy, dưới sông người tắm, giặt giũ, câu cá... đầy vẻ thanh bình, đi lại bình thường qua lại cục đá như chẳng hề có cột mốc biên giới nào.

Những đoạn sông cạn thấy rõ rêu rong bám vào sỏi đá, nguồn cơn tạo hương danh của con sông ngọc lục bảo Umngot
Những đoạn sông cạn thấy rõ rêu rong bám vào sỏi đá, nguồn cơn tạo hương danh của con sông ngọc lục bảo Umngot

Rực rỡ dòng sông thủy tinh

Xuống bến sông, nơi có trạm bán vé ghe chèo tay tham quan Umngot. Vì đi một mình, tôi được ghép chung với một gia đình Ấn bốn người. Cũng a dua gật đầu theo họ khi được hỏi là ngoài việc ngược dòng bên phần đất Ấn, có quay lại đi xuôi thêm một đoạn để đến Bangladesh không, dù phải trả thêm chi phí.

Đó là cớ sự cho việc không được leo lên cây cầu ngó sông như dự định. Nhóm khách Âu Mỹ chung xe, chỉ đi bên phần Ấn, không qua phía Bangladesh.

Sông trong veo, thấy rõ đám sỏi đá dưới đáy rêu xanh phủ bám. Nhìn gần từ trên đò xuống, chỉ thấy màu trắng trong suốt của nước. Phải nhìn chụp từ xa, trên cao mới thấy được sắc ngọc lục bảo lung linh. Có vài đoạn ít rêu, nước trắng trong suốt, nhìn cứ ngỡ chiếc thuyền đang trôi bồng bềnh giữa không trung, rất độc đáo.

Bắt nguồn từ những ngọn đồi bên miệt Jaintia, rồi chạy giữa làn biên giới tự nhiên giữa hai miền sơn cước Jaintia và Khasi, dòng Umngot đoạn tới Dawki có hậu cảnh rất hữu tình. Rất gần là cây cầu treo, xa hơn là núi đồi xanh ngắt.

Một thị trấn sơn cước trên đường đến với Umngot
Một thị trấn sơn cước trên đường đến với Umngot

Treo lưng chừng sườn núi là hai ngôi làng, rất dễ nhận ra bởi không chỉ bóng hình nhà cửa mà còn nhờ dáng thẳng tắp thanh thoát khó lẫn vào cây rừng của những vườn cau, món “quốc hồn quốc túy” của người dân miệt này.

Trên con đò ngược dòng, dễ thấy trước khi tới Dawki, dòng Umngot phải khó nhọc vượt qua các bãi đá cạn mênh mông. Có lẽ đó là lý do các chất bẩn, phù sa được giữ lại để sông như trong suốt, vì chỉ vừa qua Dawki và mấy cồn cát, đoạn sông ngay bên dưới đã không còn xanh trong. Nên có thể nói khúc sông đẹp ấy chính là món quà thiên nhiên biệt đãi cho Dawki.

Chia tay sông thủy tinh ánh sắc ngọc lục bảo, chúng tôi đi ngó nghiêng ngôi làng sạch nhất châu Á, chiếc cầu bắc qua sông đan bằng rễ của mấy cây cổ thụ còn đang sống, được tưởng thưởng một hoàng hôn sơn cước tuyệt đẹp...

Một chàng ca sĩ, không biết người Ấn Độ hay Bangladesh đang ghi hình trên dòng Umngot. Ảnh: T.T.H
Một chàng ca sĩ, không biết người Ấn Độ hay Bangladesh đang ghi hình trên dòng Umngot. Ảnh: T.T.H

Xứ Ấn vì thế không phải là một chốn bẩn bụi ô nhiễm như người ta hay ta thán. Dẫu dòng sông chỉ trong trẻo ở mùa khô, từ tháng 11 tới tháng 4, na ná mùa nắng Sài Gòn, vào mùa mưa, miền đất ẩm ướt này đón nhận lượng mưa hằng năm thuộc hạng nhất nhì thế giới, nhưng vẻ đẹp trong khoảnh khắc ấy của con sông lưu dấu mãi trong lòng khách lạ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận