Mùa hè trẻ con mê nhất… đá bóng

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG 29/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Mùa hè này trẻ chơi môn thể thao gì? Câu trả lời nhiều nhất có lẽ là bóng đá. Không chỉ được vận động nhiều, chi phí rẻ mà bóng đá còn được các em nhỏ hâm mộ cuồng nhiệt sau thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm qua.

Các cầu thủ nhí của Saigon Football Academy được chơi bóng với Trọng Hoàng. Ảnh: A.T.
Các cầu thủ nhí của Saigon Football Academy được chơi bóng với Trọng Hoàng. Ảnh: A.T.

Tính riêng tại Hà Nội, đến thời điểm này có gần 100 trung tâm bóng đá cộng đồng phục vụ các em nhỏ với số lượng học viên lên tới vài chục ngàn. Khắp các sân cỏ tự nhiên lẫn nhân tạo, từ sáng sớm đến tối khuya chỗ nào cũng chật ních các cầu thủ nhí với quần áo, giày vớ chỉnh tề tham gia tập luyện.

Thích đá bóng vì U23 Việt Nam

Chủ nhật ngày 9-6, Hà Nội nóng 380C nhưng tại SVĐ Hàng Đẫy, hàng trăm em nhỏ từ 3-14 tuổi vẫn có mặt từ sáng sớm đến giữa trưa để được tập bóng, giao lưu với các thần tượng của mình trong một hoạt động do CLB Hà Nội tổ chức.

Điều ngạc nhiên là trong số đó có nhiều em nhỏ tận Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cũng được bố mẹ đưa xuống Hà Nội để được chơi bóng. Nhiều bé gái lần đầu mặc trang phục bóng đá còn vô cùng lạ lẫm, nhưng niềm vui không vì thế mà giảm bớt.

Chị Nguyễn Thị Tuyến có con gái Đặng Ngọc Bích 10 tuổi là một trong các tuyển thủ nhí có mặt ở sân Hàng Đẫy hôm đó. Chị Tuyến cho biết nhà tận Thái Nguyên, nhưng con gái rất mê bóng đá, biết có chương trình tập bóng đá, gặp gỡ các cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Phạm Thành Lương… nên con xin đi bằng được. Hai mẹ con dậy từ sáng sớm để đi ôtô về Hà Nội cho kịp tham gia buổi tập lúc 8h sáng.

Bé Ngọc Bích chia sẻ: “Trước con ít xem bóng đá, nhưng từ khi U23 giành HCB châu Á con rất hâm mộ. Con thường chơi bóng đá với đám bạn trong làng chứ không có điều kiện đến các trung tâm bóng đá để học. Con mong được đi tập bóng đá như các bạn ở Hà Nội và được gặp các thần tượng của mình”.

Có hai cậu con trai và hai cháu trai ở độ tuổi từ 4-10, anh Trần Trung Dũng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cả bốn đứa đều theo tập bóng đá tại một trung tâm bóng đá cộng đồng ở quận Thanh Xuân.

Anh Dũng nói: “Ngoài học thêm ngoại ngữ trong mùa hè, bóng đá là môn mà gia đình tôi lựa chọn cho con theo học. Các cháu học 2 buổi/tuần tại sân trường Đại học Hà Nội, do một trung tâm bóng đá cộng đồng tổ chức. Chi phí học bóng đá rẻ, chỉ 1,5 triệu cho 3 tháng hè, con tôi vừa thích lại vừa được vận động nhiều cho khỏe người”.

Sân bóng đá Học viện Kỹ thuật quân sự ngày cuối tuần của một trung tâm bóng đá cộng đồng có đến 100 em nhỏ học trong một ca kéo dài 1 tiếng rưỡi. Trên sân, các em nhỏ được chia làm 4 lớp với các độ tuổi khác nhau, bé nhỏ nhất mới 5 tuổi, còn lớn nhất là 14.

Trong sân các em tập bóng dưới cái nắng nóng 37-38 độ C, ngoài đường biên hàng trăm phụ huynh ngồi chờ đợi. Đây cũng là quang cảnh của hầu hết các sân bóng cỏ nhân tạo những ngày hè tại Hà Nội.

Cơ hội phát triển các trung tâm bóng đá cộng đồng

Trong số hàng trăm trung tâm bóng đá cộng đồng ở Hà Nội hiện nay, có nhiều trung tâm do chính các cựu danh thủ lập ra và quản lý, như Trung tâm bóng đá Phù Đổng (cựu danh thủ Triệu Quang Hà), Starfootball (Vũ Như Thành), Vietfootball, Bluesky, Vietgoal…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Tuấn, ủy viên ban chấp hành, trưởng ban bóng đá phong trào của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cho biết thành tích của đội tuyển Việt Nam đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các bạn trẻ đến với bóng đá. Nhiều bạn học những môn khác, nhưng 2 năm qua đã chuyển sang tập bóng đá, tạo điều kiện cho các trung tâm bóng đá cộng đồng phát triển rất nhanh.

Ông Tuấn nói: “Theo thống kê, số lượng trung tâm bóng đá cộng đồng riêng ở Hà Nội đã lên tới gần 100. Số học viên đang tập luyện tại các trung tâm này lên tới vài chục ngàn.

Ngay như trung tâm của tôi là Vietfootball mùa hè này có đến khoảng 1.000 em nhỏ đến tập luyện ở 10 địa điểm tại Hà Nội. Bóng đá cộng đồng thực sự được phát triển mạnh như vậy nhờ cộng hưởng từ thành tích của đội tuyển Việt Nam”.

Anh Nguyễn Hoài Nam, quản lý Trung tâm bóng đá cộng đồng Vietgoal, cho biết mùa hè là thời điểm số học viên đăng ký học bóng đá tăng vọt. Anh Hoài Nam chia sẻ: “Từ đầu năm 2018 đến nay trung tâm của tôi tăng 35-40% học viên và dịp hè là giai đoạn cao điểm của mùa tuyển sinh. Hiện trung tâm Vietgoal có khoảng 6.000 học viên trên cả nước. Địa điểm tập luyện là các sân cỏ nhân tạo tại các khu chung cư, trường học, công viên…”.

Các cầu thủ nhí tham gia khóa học bóng đá vào mùa hè tại Trung tâm VietGoal, Hà Nội. Ảnh: Đăng Huỳnh
Các cầu thủ nhí tham gia khóa học bóng đá vào mùa hè tại Trung tâm VietGoal, Hà Nội. Ảnh: Đăng Huỳnh

Hứng thú với cuộc sống cầu thủ

Ở Sài Gòn, mùa hè cũng là mùa bùng nổ các lớp học bóng đá, khi các HLV mở ra nhiều hình thức tập luyện đặc biệt để phụ huynh lựa chọn cho con em. Thú vị nhất chính là những trại hè bóng đá và các tour “du đấu”.

HLV Nguyễn Thành Nam của Trung tâm bóng đá Thăng Long cho biết cứ đến thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 mỗi năm, chương trình trại hè bóng đá do anh mở lại “cháy vé”. Tham gia chương trình kéo dài 12 ngày này, các cầu thủ nhí được trải nghiệm đầy đủ cuộc sống của một cầu thủ chuyên nghiệp tại sân vận động Lê Minh Xuân (Bình Chánh).

“Các em học viên sẽ ăn ngủ ngay trong sân. Chúng tôi đã xây sửa lại phòng ốc trong sân sao cho tương tự với đời sống cầu thủ mà chúng tôi từng trải qua. Tại đây, các học sinh ngoài chuyện tập luyện sẽ tự mình trải nghiệm thế nào là cuộc sống của một cầu thủ chuyên nghiệp, các em phải tự mình làm mọi thứ”, anh Nam cho biết.

Thời khóa biểu của các cầu thủ nhí như sau: 6h sáng thức dậy, 8h ra sân tập luyện, 10h về phòng lo chuyện ăn uống, giặt giũ, vệ sinh, 14h lại ra sân tập, 17h trở về tham gia buổi học nhóm về chiến thuật, dinh dưỡng, chấn thương…

Liên tục trong 12 ngày, các cầu thủ nhí khi vào trại hè rất háo hức, nhưng khi kết thúc mới rã rời vì “nếm mùi” cuộc sống chuyên nghiệp khắc nghiệt.

Thú vị là thế nên đợt trại hè nào cũng chật cứng phụ huynh đăng ký cho con học, dù số lượng chỉ giới hạn ở mức 50 em. Anh Lê Minh Vĩ, phụ huynh Lê Minh Khôi, cho biết: “Con tôi học bóng đá cũng lâu rồi, có dạo còn muốn trở thành cầu thủ nữa nên cho vào đây để “nếm mùi”.

Tuy cu cậu vỡ mộng lâu rồi nhưng cũng nhờ chương trình này mà biết thế nào là đời sống cầu thủ, rất nhiều chuyện phải tự lập, chẳng hạn như giặt giũ, tự xén cỏ… chứ các cháu chỉ biết đến các ngôi sao qua tivi thôi. Các giờ sinh hoạt ngoại khóa về chấn thương, dinh dưỡng cũng rất thực tiễn”.

Nếu trung tâm của HLV Thành Nam đưa cầu thủ nhí đến với đời sống cầu thủ chuyên nghiệp thì Saigon Football Academy của cựu thủ môn Nguyễn Thế Anh lại mang những ngôi sao đến với lớp học bóng đá. Các em rất hứng thú khi giao lưu với các tuyển thủ VN như Nguyễn Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải…

Nhiều cầu thủ đàn em của Thế Anh sẵn sàng dành thời gian để thi thoảng lại đến giao lưu cùng các cầu thủ nhí. Vào mùa hè, chương trình của lớp bóng đá nơi đây càng sôi động khi các HLV tổ chức cả những chuyến “du đấu” đến các tỉnh miền Trung. Với nhiều chương trình đa dạng như vậy nên mức học phí dù không rẻ (khoảng 1 triệu đồng/tháng, tuần 2 buổi), lớp học vẫn nhanh chóng thu hút hơn 200 học viên đăng ký chỉ sau 3 tháng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận