Học sinh Pháp học triết để làm gì và học như thế nào?

DANH ĐỨC 30/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Những xã hội mà các công dân tương lai được giáo dục và đào tạo để có khả năng và nhu cầu tự đặt ra những câu hỏi là những xã hội còn thấy tiền đồ.

Tôi có chút may mắn đã được học triết trong “chương trình Pháp” 50 năm trước, nên mỗi năm vẫn hay tìm xem “năm nay đề ra thế nào?” để tìm về tuổi học trò, cũng để xem người ta đang sống, nghĩ như thế nào ở thời điểm này. Trong góc nhìn đó, bộ đề thi môn triết tú tài Pháp năm nay có thể coi là một bức ảnh chụp nhanh về cách hiện hữu và tư duy của xã hội Pháp vào năm 2019 này.

Có rất nhiều định nghĩa của triết học, trong đó có câu trả lời cơ bản là để đặt câu hỏi “Tại sao?”. Không ít người nhất định đặt câu hỏi đến tận kỳ cùng như là một cách tồn tại, thể hiện. Cũng có thể học triết, theo một kiểu nào đó, như sắm một thứ hành trang tiến thân không thể thiếu.

Ở những xã hội như Pháp, người ta dạy và học triết ở cuối cấp trung học vì những mục đích mà nói chung là để “làm người”, như “một cây sậy biết suy nghĩ”.

Ảnh: musee-rodin.fr
Ảnh: Bức tượng "Người suy tưởng" (The Thinker) nổi tiếng của Auguste Rodin. (nguồn: musee-rodin.fr)

HỌC TRIẾT ĐỂ MỞ RỘNG ĐẦU ÓC, CHÂN TRỜI

Stéphanie Martini - giảng sư đại học sư phạm môn triết, chuyên đào tạo các giáo sư trung học tương lai thi lấy chứng chỉ hành nghề dạy trung học (người Pháp gọi là giáo sư chớ không gọi là giáo viên) - đã thử giải thích câu hỏi “Tại sao lại học triết?” cho các học sinh lớp 12 như sau: “Học một môn học mới, năm cuối trung học, có vẻ lạ đối với các bạn: Tại sao không tiếp tục học môn tiếng Pháp? Tại sao không bắt đầu học triết sớm hơn?”.

Thay vì trả lời trực tiếp, tác giả đề nghị: “Thay vì tự đặt ra những câu hỏi đó - điều sẽ làm nảy sinh những cuộc tranh luận bất tận, tốt hơn hãy tự hỏi: điều này sẽ mang lại cho tôi điều gì? Theo tôi, môn học mới này chính là một cơ hội tuyệt vời cho các bạn, để mở rộng đầu óc các bạn, chân trời của các bạn”.

Tác giả đặt câu hỏi giùm các học sinh: “Làm thế nào học triết năm lớp 12 lại có thể mở rộng đầu óc các bạn?”. Và trả lời ngay, trong vị trí người thầy dạy triết:

“1. Môn triết cho phép chúng ta xem xét môi trường quen thuộc của chúng ta từ một góc độ hoàn toàn mới và đôi khi hoàn toàn bất ngờ. Đây chắc chắn là lý do tại sao các nhà triết học thường được coi là những người sống trong thế giới riêng của họ.

2. Trong thực tế, triết học cho phép chúng ta khám phá lại chính thế giới quen thuộc của chúng ta bằng cách khiến chúng ta nhận thức các định kiến của mình”.

Qua đây, tác giả cho các học sinh trên chặng cuối đi đến sự trưởng thành thấy rằng học triết là để mở rộng đầu óc ra một chân trời mới, với một cách nhìn “vạn vật” hoàn toàn khác cách nhìn quen thuộc vốn mang tính định kiến và “để nhận thức các định kiến của mình”. Từ nhận thức đó, người học triết, theo tác giả, sẽ có một thái độ khác trước “vạn vật”:

“3. Bằng cách dạy chúng ta nhìn thấy thế giới khác đi, triết học cũng cho phép chúng ta nhìn nhận bản thân khác đi. Triết học cho phép chúng ta tìm hiểu được nhau, bởi triết học mời gọi chúng ta nhận thức lại về những điều mà chúng ta xác quyết là chắc chắn, tương đối hóa chúng, đối chiếu với những xác quyết của những người khác. Do đó, triết học còn dạy chúng ta lắng nghe họ, để làm phong phú và hoàn thiện nhận thức của chúng ta về thực tế”.

Một khi đã nhận ra những định kiến của bản thân, người ta sẽ tương đối hóa cái nhìn cũ của mình, sẽ bỏ bớt định kiến, sẽ nhìn khác về bản thân và người khác cùng các ý kiến của họ để có thể lắng nghe người khác.

Đến đây, giáo sư Stéphanie Martini đi đến điểm tự thú: “4. Trong truyền thống cổ đại, triết học được coi là một nghệ thuật sống, một con đường để đi theo nhằm sống hạnh phúc. Nói điều đó luôn khiến các học sinh mỉm cười, khi các em nghe thấy liên hệ hạnh phúc với triết học. Cười là do cách nhìn về triết học của chúng ta đã thay đổi từ lâu rồi. Thật vậy, triết học đã không còn là một nghệ thuật sống, mà đã trở thành một môn học được dạy ở nhà trường trung học và đại học”.

Tác giả phân bua: “Việc giảng dạy môn triết mà các bạn sẽ nhận được phải chịu một số hạn chế về học thuật và nhằm chuẩn bị thi cử (và nghĩa vụ phải hoàn thành một chương trình). Đây là lý do tại sao môn này có vẻ như quá lý thuyết hoặc khô khan đối với một số người”.

Rồi ông đi đến vấn đề cốt lõi: “Họ thích có những thảo luận, tranh luận trong lớp hơn. Tuy nhiên, tranh luận theo kiểu trong đó mỗi người trong chúng ta chỉ biết đưa ra những ý kiến của mình và do đó cũng là các định kiến của người ấy, chớ không thực sự lắng nghe người khác thì điều đó chắc chắn không phải là học (làm) triết”.

Đây chính là điều làm nên sự khác biệt giữa những xã hội có học triết như là một cách mở cửa tâm hồn và những xã hội không học triết như là một hành trang vào đời, hoặc học triết theo kiểu “nhất bổn” mà kết luận đã có sẵn, thảo luận chỉ với những định kiến hoặc những lý sự gắn chặt với môi trường sống quen thuộc, không dựa trên những viện dẫn tham khảo đa giác, không dựa trên phương pháp thực chứng...

Và rồi người thầy dạy cách dạy triết giải thích cách học triết ở lớp 12: “Ngược lại, bài giảng của giáo sư của các bạn về những khái niệm nằm trong chương trình sẽ là một ví dụ “sống” về sự suy nghĩ triết học dành cho các bạn. Đừng thụ động ghi chép, mà hãy suy nghĩ về những gì đã được nói ra và đặt câu hỏi, để bắt đầu cuộc thảo luận. Ngoài ra, cũng đừng lấy các bài luận và phân tích văn bản mà các bạn sẽ phải làm như là các bài tập đơn giản ở trường, làm để đạt điểm cao trong học bạ và kỳ thi tú tài. Hãy xem chúng như những bài tập huấn luyện thành nhân cho bạn, mà ở đó các bạn sẽ phải “chiến đấu” với suy nghĩ của chính mình!”, trước khi mời gọi tự vấn: “Còn các bạn, các bạn hình dung môn triết như thế nào? Mong đợi của các bạn là gì?”.

Mở rộng ra, dường như cách học nêu trên cũng có thể được áp dụng cho việc học triết ở những cấp khác, không chỉ ở bậc trung học.

Học sinh Pháp được học triết để tự mình đặt ra câu hỏi và suy tưởng tìm câu trả lời.

NHÌN “VẠN VẬT” QUA ĐỀ TRIẾT NĂM 2019

Từ chủ trương dạy và học triết ở lớp 12 như trên, qua các phân môn luận lý học, tâm lý học, đạo đức học, các học sinh sẽ được làm quen một cách hệ thống với những tư tưởng, suy nghĩ “mới” của mấy mươi nhà triết học tự cổ chí kim, mà có khi đã trở thành những “con đường đi, sống” cùng những phương pháp suy luận mới.

Càng làm quen, càng tự trang bị những “lý đoán” tối thiểu mà nhân loại cùng chia sẻ để có thể thảo luận hiệu quả. Tỉ như các “cặp đối kháng”: Tự do - Nghĩa vụ, Công bằng - Bác ái trong đạo đức học mà cuối cùng người học sinh học triết sẽ tự mình phóng chiếu các tham khảo đó vào vấn đề đang thảo luận hay cần cân nhắc, đối chiếu để tự rút ra hoặc cùng rút ra kết luận. Tất nhiên, không còn chỗ cho các định kiến “phải như vầy”, “phải thế kia”...

Chính vì thế, ở ban văn chương, môn triết có hệ số điểm 7 (dạng “khủng”), đề thi gồm các câu hỏi sau: (1) Có thể nào thoát khỏi thời gian?; (2) Giải thích một tác phẩm nghệ thuật để làm chi?; (3) Giải thích một đoạn dài 326 chữ của Hegel, trích từ “Các nguyên tắc triết học về luật pháp” (1820).

Ở câu (1), thí sinh phải “mở mắt” nhìn và thấy thời gian là gì trong các khung cảnh khác nhau, từ cá nhân đến xã hội và tại sao người ta tìm cách thoát khỏi thời gian (Sợ già? Sợ chết? Muốn “dừng thời gian lại” để tận hưởng hoặc để “mãi mãi hóa” hiện tại - có thể từ hạnh phúc cá nhân hay thể chế...)? Có những phương tiện gì? Liệu điều đó là có thể?

Thí sinh, trong năm lớp 12, đã phải đọc một số trích dẫn của Platon, S.Kierkegaard, H.Bergson... để “lý luận” về tình yêu, về nửa kia và hạnh phúc, về các giai đoạn của cuộc đời, về thời gian..., thậm chí nhớ và đưa vào được những bài thơ danh tiếng từng học trong các năm trước...

Ở câu (2) “Giải thích một tác phẩm nghệ thuật để làm chi?”, có ý kiến cho rằng phải giải thích để cho thấy ý nghĩa của tác phẩm, bên cạnh ý kiến cho rằng một tác phẩm nghệ thuật là để cảm nhận chớ không để giải thích và rằng giải thích là tạm bợ, chủ quan, tương đối. Học sinh, theo đáp án, sẽ phải nhớ lại một chút Aristote, Schopenhauer, Nietzsche, Heidegger...

Thế các học sinh có đọc thực không? Câu (3) Đọc một đoạn của Hegel về “Các nguyên tắc triết học về luật pháp” là minh họa cho thấy các học sinh ấy đọc những gì, để làm gì, được gì.

Rút ngắn sau từ đề thi sẽ cho thấy đọc những gì: “Luật của tự nhiên không sai, mà chỉ những thể hiện mà chúng ta có mới có thể sai... Kiến thức của chúng ta không bổ sung gì cho chúng và không cải thiện chúng. Chỉ có kiến thức chúng ta có về tự nhiên có thể phát triển. Kiến thức về luật pháp, ở một số khía cạnh, cũng tương tự như kiến thức về tự nhiên, nhưng ở một số khía cạnh khác thì không. Trên thực tế, chúng ta học để biết luật pháp khi chúng được đưa ra. Tuy nhiên, điểm khác biệt là, trong trường hợp luật pháp, sự suy nghĩ dẫn đến sự can thiệp... Luật pháp là một cái gì đó được đặt để, một cái gì đó đến từ con người”. Thí sinh phải giải thích được khác biệt luật của tự nhiên và luật của loài người.

Những xã hội mà các công dân tương lai được giáo dục và đào tạo để có khả năng và nhu cầu tự đặt ra những câu hỏi là những xã hội còn thấy tiền đồ. Bởi biết tự đặt câu hỏi tức là sẽ biết tự trả lời.■

Đề triết ban kinh tế, xã hội, điểm hệ số 4, gồm các câu hỏi sau: 

(1) Đạo đức là chính sách tốt nhất? 

(2) Lao động có phân hóa con người không?; 

(3) Giải thích một đoạn dài 209 chữ của Leibniz, trích từ “Nhận xét phần chung của các nguyên tắc của Descartes” (1692).

Đề triết ban khoa học, điểm hệ số 3, gồm các câu hỏi sau: 

(1) Sự đa dạng của các nền văn hóa có gây trở ngại cho sự đoàn kết, thống nhất của loài người?; 

(2) Nhìn nhận các bổn phận của mình, liệu có phải là khước từ tự do của mình? 

và (3) Giải thích một đoạn dài 286 chữ, trích từ “Tương lai của một ảo tưởng” của Freud (1927).

Đề triết ban kỹ thuật, điểm hệ số 2, gồm các câu hỏi sau:

(1) Chỉ những gì có thể trao đổi được mới có giá trị?;

 (2) Luật pháp có thể làm cho chúng ta hạnh phúc?; 

(3) Giải thích một đoạn dài 345 chữ trích từ “Các tiểu luận của Montaigne” (1580)”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận