Tuổi nhỏ, hành động lớn vì môi trường

TRÚC ANH 30/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Có nhiều cách để mỗi cá nhân hành động vì môi trường. Trường hợp một “chủ nhà băng” 14 tuổi ở Peru và một nhà hoạt động môi trường 11 tuổi ở Thái Lan là hai câu chuyện như vậy.

Lilly. Nguồn: Khaosodenglish
Lilly. Nguồn: Khaosodenglish

Khuyến khích trẻ em thu gom rác tái chế để đổi lấy tín dụng trong ngân hàng và tác động thẳng vào các doanh nghiệp lớn để thay đổi ý thức về đồ nhựa dùng một lần là cách mà hai bạn trẻ này thành công trong việc “cứu Trái đất”.

Đắc nhân tâm

Ralyn Satidtanasarn, biệt danh là Lilly, năm nay mới 11 tuổi nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm hoạt động vì môi trường. Cô nữ sinh lớp 6 có hai quốc tịch Mỹ và Thái Lan mỗi tuần dành 3-4 ngày đến chia sẻ tại các trường học khác và gặp gỡ quan chức chính phủ, chủ doanh nghiệp để kêu gọi thay đổi nhận thức, giảm rác thải nhựa, theo báo Thái Khaosod.

Lilly bắt đầu quan tâm đến môi trường vào năm 8 tuổi, khi lần đầu đến một bãi biển ở Thái và sốc với số rác thải khổng lồ ở đó. Mẹ của cô bé, Saisie, kể từ chuyến đi hồi năm 2016 đó, Lilly bắt đầu “sống xanh” và tìm cách lan tỏa nỗ lực của mình. Lilly kêu gọi bạn bè, gia đình, các nhà thờ, trường học và tiểu thương ở chợ địa phương tái chế đồ nhựa hoặc ngưng hẳn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Dù khi ấy chưa đầy 10 tuổi, Lilly hiểu rằng cần tác động đến cấp cao hơn nên đã gửi email kiến nghị đến một văn phòng chính phủ địa phương. Tuy nhiên, hai tháng sau, em nhận được câu trả lời rằng cơ quan nhà nước này không phụ trách vấn đề rác nhựa và em nên liên hệ với các doanh nghiệp thì hơn.

Saisie sau đó dắt Lilly đến khu ẩm thực Central Food Hall thuộc Tập đoàn Central Group và yêu cầu được nói chuyện với ban quản lý. Lilly mở một bài thuyết trình bằng PowerPoint, giải thích tầm quan trọng của việc giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đó là lần đầu tiên một doanh nghiệp lắng nghe và bị thuyết phục bởi nhà hoạt động nhỏ tuổi này.

Sau buổi gặp với Lilly, Central Group tiến hành các chiến dịch “sống xanh”, chẳng hạn chương trình mỗi tháng 1 ngày không dùng túi nilông khởi động hồi tháng 7-2018. Khu ẩm thực Mall and Villa cho ra chương trình tương tự và Tập đoàn Central Group quyết định ngưng việc tự động bỏ hàng vào túi nilông, trừ khi khách yêu cầu, tại các trung tâm mua sắm trong hệ thống của mình.

Chỉ bằng cách trò chuyện, kêu gọi và “đắc nhân tâm”, thuyết phục người khác, Lilly lại có thể làm được nhiều hơn các nỗ lực, chiến dịch kêu gọi bảo vệ môi trường khác. Các chuỗi siêu thị, cửa hàng như Tesco Lotus, Big-C và 7-Eleven chỉ mới dừng lại ở việc thu phí túi nilông để không khuyến khích khách hàng sử dụng, chứ chưa thể hoàn toàn nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần này.

Hôm 4-6, Lilly đã đến Văn phòng thủ tướng Thái Lan và xin gặp Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha “để nhờ ông ấy giúp đỡ”. Cuối cùng, em đã không gặp được người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên, cô bé 11 tuổi này vẫn đang bận rộn với nhiều kế hoạch khác, chẳng hạn gặp gỡ các quan chức giáo dục để vận động đưa thêm các bài học về môi trường vào chương trình học ở Thái.

Nhân Ngày môi trường thế giới, Lilly kêu gọi người dân Thái Lan bắt đầu hành động từ những thay đổi nhỏ nhất như mang theo túi vải khi đi siêu thị hay cửa hàng tạp hóa. “Tôi chỉ là một cô bé 11 tuổi và tôi có thể làm điều này. Nếu tôi có thể làm được thì bạn cũng có thể làm được. Chỉ cần từng bước nhỏ một là chúng ta có thể đạt được mục tiêu làm thế giới sạch hơn”.

José Adolfo Quisocala. Nguồn: remezcla.com
José Adolfo Quisocala. Nguồn: remezcla.com

Dạy trẻ em tiết kiệm

Cách Lilly nửa vòng Trái đất, José Adolfo Quisocala, 14 tuổi, cũng đang góp phần bảo vệ môi trường theo một cách riêng và rất “hoành tráng”: em điều hành một ngân hàng đặc biệt, không chỉ dạy khách hàng nhỏ tuổi biết tiết kiệm mà còn khuyến khích các em tham gia tái chế rác thải nhựa.

José thành lập “ngân hàng học sinh” Bartselana ở thành phố quê nhà Arequipa (Peru) vào năm 2012, khi mới 7 tuổi và các bạn cùng trang lứa vẫn còn mơ thành cầu thủ bóng đá, lính cứu hỏa hay ngôi sao ca nhạc.

Ngân hàng Bartselana chuyên cho vay, hỗ trợ tín dụng nhỏ và cung cấp các dịch vụ tài chính khác, hiện có hơn 2.000 khách hàng, tuổi 10-18, theo báo Anh The Guardian ngày 31-5.

Khi thấy một số bạn cùng trường bỏ bữa sáng và phung phí số tiền ít ỏi ăn sáng vào việc mua kẹo hoặc sưu tầm thẻ in hình cầu thủ, José muốn tìm cách để các bạn biết tiết kiệm. Khi thấy nhiều trẻ em cùng lứa vì nghèo mà phải lao ra đường bán hàng rong hoặc ăn xin thay vì đến trường, José muốn tìm cách để giúp các em có tiền mà không phải vất vả mưu sinh.

Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền, cậu bé 7 tuổi José đã có thể chính thức đăng ký thành lập ngân hàng Bartselana để giải quyết cả hai mục tiêu đó. Nhà băng của José khuyến khích trẻ em đến gửi tiền tiết kiệm để sau này có thể tự mình mua xe đạp hay máy tính.

Tuy nhiên, đa số khách hàng nhí chỉ đến mở tài khoản tiết kiệm với số tiền chỉ vài xu. “Tôi nghĩ phải có cách để giúp trẻ em kiếm tiền nhiều hơn và rồi nghĩ đến rác: chúng ta đều thải ra rác và tôi cho rằng đây chính là giải pháp” - ông chủ nhà băng nhớ lại.

Ngân hàng Bartselana bắt đầu “ăn nên làm ra” khi áp dụng ý tưởng khuyến khích trẻ em gom giấy vụn và rác nhựa tái chế được để đổi lấy tiền trong tài khoản.

Trẻ em được khuyến khích mang chai nhựa, sách bài tập đã làm và báo cũ đến kiôt do ngân hàng Bartselana mở ngay tại trường. Nhân viên ngân hàng sẽ cân số rác tái chế này và cộng vào tài khoản của các em số tiền mua lại chỗ “ve chai” tương ứng.

Số rác thu được này được bán lại cho các công ty tái chế. José đã thỏa thuận với các công ty tái chế và thuyết phục họ đồng ý mua lại phế liệu từ các học sinh với giá cao hơn thông thường một chút. Các doanh nghiệp đồng ý ngay, vì đây là cách họ góp phần vào nỗ lực bảo vệ môi trường của ngân hàng Bartselana.

Ngân hàng Bartselana hiện tái chế khoảng 4 tấn rác mỗi tháng, đặt kiôt tiếp nhận phế liệu tại 7 trường học ở Arequipa và chắc chắn còn mở rộng mạng lưới. Nhiều trường ở khắp Peru và thậm chí nước ngoài cũng đang muốn áp dụng mô hình này của Bartselana.

Bộ Môi trường Peru đã biết được việc làm của José và quyết định biến việc thu gom rác tái chế được tại nhà thành một chiến dịch chủ chốt. Quốc gia Nam Mỹ này mỗi ngày tạo ra 18.000 tấn rác thải rắn, một nửa trong đó không được đưa đến bãi rác mà thải ra đường, bãi biển và các con sông.

Bộ trưởng Môi trường Peru Lucía Ruiz cho biết José Adolfo Quisocala đã mang đến thay đổi phi thường nhờ kết hợp được việc hỗ trợ tài chính với tái chế và xử lý rác thải.

“Cậu bé không chỉ mang đến hỗ trợ tài chính cho trẻ em và trẻ vị thành niên, mà còn giúp giảm lượng rác thải ở đất nước mình” - Ruiz nói khi cùng tham gia một sự kiện với José.

Ông chủ nhà băng nhỏ tuổi yêu môi trường này nói gì về việc mình đang làm? “Mọi thứ có vẻ quá sức với một đứa trẻ 14 tuổi, nhưng tôi đam mê việc tôi làm” - cậu nói.

The Guardian cũng tiết lộ rằng José phải theo học các khóa học trực tuyến vì không còn thời gian để đến trường. “Con tôi đã từ bỏ nhiều thứ liên quan đến tuổi thơ, các trò chơi điện tử hay những thứ mọi đứa trẻ bình thường khác vẫn làm - bố của José nói - Song nó vẫn là một đứa trẻ bình thường, chỉ là nó nhìn mọi thứ khác và nghĩ khác số đông mà thôi”.■

Khác biệt làm nên thay đổi

Dù nhiều phong trào biểu tình, tuần hành vì môi trường đã diễn ra ở Thái Lan, nhưng Lilly và mẹ chọn cách liên hệ, kết nối với các chủ doanh nghiệp. “Tôi không muốn tham gia biểu tình vì sợ - Lilly chia sẻ thật lòng - Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với người khác”.

Thành công của Lilly có lẽ đến từ suy nghĩ sau: “Tôi cho rằng chạm vào trái tim người khác tốt hơn là hò hét và giương biểu ngữ về phía họ. Tôi muốn trò chuyện với họ và họ sẽ nhận ra thông điệp mình muốn nói”.

Trong khi đó, cách nghĩ khác làm khác của José Adolfo Quisocala chính là “thay vì để trẻ em phải ra đường nhặt rác, tôi tìm cách để các em ngăn rác sinh hoạt không bị thải ra đường. Ngay trong nhà các em đều có thùng cactông, giấy vụn, chai nhựa đã dùng, các em không cần ra đường vất vả, mà chỉ cần ở nhà thu gom chúng và số rác này sẽ trở nên có giá trị”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận