Tiền ảo của Facebook: Vẫn chỉ là quảng cáo

TRƯỜNG SƠN 03/07/2019 03:07 GMT+7

TTCT - Đằng nào cũng phải chờ đến năm 2020 mới biết Libra sẽ thành bại thế nào.

Ảnh: scmp.com
Ảnh: scmp.com

Ngày 18-6, Facebook công bố kế hoạch cùng 27 đối tác phát triển đồng tiền mã hóa (cryptocurrency) Libra vào năm 2020, với mục tiêu tạo ra một đồng tiền toàn cầu và hạ tầng tài chính có thể mang lại lợi ích cho hàng tỉ người dùng của mạng xã hội này.

Facebook kỳ vọng Libra sẽ giúp việc thanh toán trực tuyến cùng với giao dịch quốc tế dễ dàng, nhanh chóng và chi phí thấp chỉ với một chiếc smartphone và kết nối Internet phổ biến rộng khắp.

Các thông tin về kế hoạch phát triển Libra, chi tiết kỹ thuật về cách vận hành, bảo mật, xử lý giao dịch đã có trong sách trắng (white paper) do Facebook công bố cùng ngày. Nhưng thứ người dùng - những người quyết định thành bại của Libra - cần biết nhất có thể tóm lại một câu: tại sao phải dùng Libra?

Facebook sẽ phải có các câu trả lời khác nhau khi câu hỏi này được đặt ra bởi hai đối tượng: những người đã quen với thanh toán điện tử, dùng ví di động, có thẻ ngân hàng, tài khoản PayPal và những người thậm chí còn chưa có thẻ ngân hàng hay không dễ tiếp cận với nhà băng hoặc các dịch vụ tài chính khác.

Đã có Bitcoin sao còn cần Libra?

Bitcoin, sản phẩm tiên phong của tiền mã hóa, dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để quản lý giao dịch, từng được kỳ vọng sẽ là phương tiện thanh toán ngang hàng, không qua một cơ quan điều phối trung gian (peer to peer) của tương lai.

Song Bitcoin, ít nhất là đến thời điểm hiện tại, chưa đáp ứng được điều đó vì không dễ để sở hữu đồng tiền này: nếu mua thì phải trả giá trên trời, còn muốn “đào” thì phải bỏ tiền ra đầu tư máy móc khủng.

Nhiều nơi đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, nhưng đồng tiền này vẫn chỉ là tài sản đầu tư hơn là phương tiện thanh toán thực sự. Bitcoin cũng “khét tiếng” vì không có giá trị nội tại, không được đảm bảo bằng tài sản thực.

Giá Bitcoin không ổn định, thay đổi chóng mặt theo kiểu vừa đạt đỉnh cao đã có thể về vực sâu ngay. Hôm 22-6, Bitcoin vượt mốc 11.000 USD/đơn vị lần đầu tiên kể từ đầu năm nay, trong khi cuối năm 2018 chỉ có giá 3.200 USD/đơn vị.

Hình dung của Facebook về Libra sẽ giải quyết hết các tồn tại nói trên. Facebook gọi Libra là “đồng tiền mã hóa ổn định” (stablecoin) nhờ áp dụng cơ chế dùng một “rổ” tài sản bảo đảm để “neo” giá Libra, không để nó dao động như Bitcoin. Nhiều trang công nghệ dự đoán đó sẽ là một rổ tiền tệ gồm các đồng tiền mạnh (đôla Mỹ, bảng Anh, euro), vốn ít dao động.

Facebook và 27 đối tác lập nên Libra Association - tổ chức độc lập có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), với mỗi thành viên sáng lập có quyền quyết định ngang nhau - để quản lý phần dự trữ tài sản bảo đảm này. Sau này, nếu quỹ phát sinh tiền lãi thì sẽ dùng trang trải chi phí vận hành Libra, đảm bảo phí giao dịch thấp và cả chia “cổ tức” cho các nhà đầu tư ban đầu.

Ngoài tính ổn định thì Facebook còn vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp như gửi Libra cho nhau khi chat trên Messenger hay WhatsApp nhanh và đơn giản như gửi mặt cười. Để làm được điều này, người dùng sẽ phải cài ví di động Calibra (do Facebook sở hữu) để quản lý tài khoản Libra của mình. Calibra vừa là app độc lập vừa được tích hợp vào Messenger và WhatsApp, và các app do bên thứ ba phát triển.

Tóm lại, viết trong sách trắng, Facebook tự tin Libra là tổng hợp những gì hay ho nhất của tiền mã hóa và thanh toán điện tử: khả năng chuyển tiền nhanh chóng, tính bảo mật của blockchain, tự do chuyển tiền xuyên biên giới. “Giống như chúng ta có thể dùng smartphone nhắn tin cho bạn bè dù người đó đang ở đâu trên thế giới này đi nữa, với Libra, ta có thể làm điều đó với tiền - (gửi đi) tức thời, bảo mật và chi phí thấp” - Facebook tuyên bố.

 

 

Có thật sự bao trùm?

Thách thức của các nỗ lực phi tiền mặt hóa là đảm bảo tính bao trùm - không ai bị bỏ lại phía sau. Thế giới hiện có 1,7 tỉ người không có tài khoản ngân hàng và họ thường là đối tượng yếu thế, dễ bị gạt ra bên lề khi các công nghệ thanh toán mới được áp dụng phổ biến.

Facebook đặc biệt nhấn mạnh vào tính bao trùm của Libra, khi khẳng định người không có tài khoản Facebook lẫn trương mục trong nhà băng vẫn sử dụng được đồng tiền này. Người dùng chỉ cần cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân do chính phủ cấp là đủ điều kiện đăng ký tài khoản Calibra để sử dụng Libra. Facebook cam kết các mức phí liên quan sẽ rất thấp để đảm bảo Libra có thể được sử dụng rộng khắp.

Facebook tin rằng Libra sẽ là giải pháp cho những người không thể dùng dịch vụ thanh toán điện tử như PayPal hay ví di động như Apple Pay, vốn vẫn đòi phải có thẻ thanh toán hoặc những người ở “vùng sâu vùng xa” khó tiếp cận ngân hàng, vì chỉ cần có smartphone để giao dịch qua Internet.

Facebook vẽ nên bức tranh tươi đẹp những người xa xứ có thể gửi kiều hối về quê nhà chỉ bằng vài thao tác trên smartphone là “đầu dây bên kia” đã nhận được tiền ngay. Trong một video minh họa thao tác gửi Libra trên Calibra, Facebook cố tình đưa vào các chi tiết đáng chú ý: người gửi nhập số tiền là USD và màn hình hiện ra giá trị quy đổi sang Libra và đồng peso Mexico của người nhận, ngụ ý người dùng sẽ có thể mua Libra bằng tiền địa phương và đổi ngược trở lại dễ dàng.

Cách tiếp cận này có thể sẽ thành công ở các thị trường như Ấn Độ, khi lượng kiều hối gửi về nước trong năm 2018 lên đến 80 tỉ USD, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Chỉ cần miễn phí chuyển hoặc áp dụng phí thấp là Facebook có thể thu hút một lượng lớn người dùng Ấn Độ, vốn vẫn còn nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng và phải chịu phí giao dịch cao.

Nghe có vẻ người không có tài khoản ngân hàng rốt cuộc cũng có thể tận hưởng sự tiện lợi của thanh toán điện tử. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao người dùng có thể dùng đồng tiền quốc gia mình mua Libra để cho vào ví Calibra, và rút ra khi cần, thì chưa thấy Facebook thông tin chi tiết. Một số trang công nghệ cho rằng chuyện nạp/rút tiền Libra chắc sẽ được thực hiện như thao tác nạp thẻ di động trả trước, có thể bằng thẻ cào hoặc giao dịch tại các cửa hàng ngoài đời.

Lẽ ra Facebook cần nói rõ chuyện này nếu muốn xoáy vào chuyện giúp người không có tài khoản ngân hàng có thể tham gia thanh toán điện tử.

Ngoài ra, trong khi Facebook tin rằng những người không có tài khoản ngân hàng sẽ đón nhận Libra như vị cứu tinh giúp họ thoát khỏi các thủ tục chuyển tiền truyền thống lằng nhằng và chịu phí cao, vấn đề chính thực ra là ta có tiền hay không, chứ không phải có trương mục ở nhà băng hay không.

Trong sách trắng, Facebook dẫn thông tin từ Ngân hàng Thế giới cho rằng một trong các lý do chính khiến một người không có tài khoản ngân hàng là vì họ không đủ tiền để làm điều đó. Tài khoản ảo, đưa “ngân hàng” lên Internet hay tạo ra một đồng tiền mới cũng không giải quyết được gì cho những người thuộc đối tượng này.

Trong khi đó, với người dùng có thẻ ngân hàng và quen mua sắm online, có thể hình dung Calibra như tài khoản PayPal, nhưng thay vì dùng đồng USD (tiền pháp định) thì dùng Libra (tiền mã hóa). Vậy có lý do gì buộc họ phải chuyển sang cách mới trong khi đã quá quen và cảm thấy không có vấn đề gì với PayPal?

Chuyển tiền qua mạng bằng thao tác trên smartphone trong tích tắc như Facebook quảng cáo hiện đã có cả tá ứng dụng làm được. Trang web của Cablira cho biết ví di động này trong tương lai sẽ có thêm tính năng thanh toán hóa đơn, quét mã QR để thanh toán tại các cửa hàng, dùng thay vé giao thông công cộng, nhưng đây cũng là những thứ quá đỗi bình thường trong thời công nghệ hiện nay.

Lợi thế (giả định) duy nhất là người dùng sẽ vì sự tiện lợi mà đón nhận Libra. Facebook đã cho phép đặt bàn ăn, mua hàng, giờ có luôn thanh toán thì hoàn chỉnh hệ sinh thái khép kín - người dùng tiếp tục ở lại các sản phẩm của Facebook mà vẫn làm được nhiều việc. Ngoài ra, các đối tác của Facebook trong dự án Libra như Spotify, Uber, PayPal có thể cũng sẽ tung ra khuyến mãi hay chương trình dùng thử Libra để “chiêu dụ” người dùng.

Đằng nào cũng phải chờ đến năm 2020 mới biết Libra sẽ thành bại thế nào.■

Giữa biết bao tai tiếng về bảo mật thông tin người dùng mà Facebook lại “dám” đề nghị người dùng hãy tin mình và dùng “tiền tươi thóc thật” để bắt đầu giao dịch bằng Libra, phải chăng Mark Zuckerberg xem thường người dùng hay tự tin mình sẽ thuyết phục được họ?

Facebook khẳng định sẽ tách bạch dữ liệu tài chính Libra thao tác trên Calibra với dữ liệu trên Facebook. Nhưng ta có dám giao thông tin tài chính của mình cho một công ty từng rất cẩu thả trong việc bảo vệ dữ liệu mạng xã hội của ta?

Chuyện Libra có thể bị lạm dụng cũng đáng lưu tâm. Người dùng sẽ phải cung cấp “giấy tờ tùy thân do chính phủ cung cấp” để tạo tài khoản ví Calibra, nhưng làm sao Facebook xác minh được giấy tờ của mọi quốc gia trên thế giới?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận