Khi loài gấu chạy trốn khỏi rừng taiga

TƯỜNG ANH 07/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Con người thực sự đã cận kề những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi châu Âu rên xiết trong đợt nắng nóng mùa hè (ở Pháp có lúc lên hơn 45oC), thì ở vùng cực Bắc, những trận cháy rừng dữ dội đang hoành hành bắc Siberia (Nga), bắc bán đảo Scandinavie, Alaska (Hoa Kỳ) và Greenland (Đan Mạch).

Cháy rừng ở Đông Siberia. Đến 16/7, diện tích rừng bị cháy ở Đông Siberia lên tới 350 nghìn hecta. Ảnh: rosbalt.ru
Cháy rừng ở Đông Siberia. Đến 16/7, diện tích rừng bị cháy ở Đông Siberia lên tới 350 nghìn hecta. Ảnh: rosbalt.ru

Theo các chuyên gia sinh thái, những trận cháy rừng ở vùng Bắc cực vốn là một phần tự nhiên của hệ sinh thái, mang lại những ưu thế nhất định cho môi trường. Tuy nhiên, cường độ của những đám cháy hiện nay cũng như quy mô rộng lớn mà chúng bao phủ đã khiến hiện tượng này trở nên bất thường.

Cháy rừng quy mô chưa có tiền lệ

Chuyên gia Trung tâm giám sát khí quyển Copernik (Cams) Mark Parrington cho rằng những đám cháy với quy mô và thời gian lâu như vậy ở vĩ độ cao như thế vào tháng 6 là “không bình thường” và “chưa từng có tiền lệ”. Vùng đất khô và nhiệt độ nóng hơn trung bình, kết hợp sấm sét và gió mạnh đã dẫn đến việc lan rộng đáng kể hỏa hoạn. Đám cháy tiếp tục được duy trì do đất rừng chủ yếu là từ than bùn dễ cháy.

Phó đại diện chính thức của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Fahran Haq hôm 12-7 xác nhận, kể từ đầu tháng 6 năm nay, những trận cháy rừng chưa từng có đã xảy ra ở vùng Bắc cực: hơn 110 vụ. Ở Siberia, ngọn lửa lan rộng trên diện tích 30.000km2.

Ông chỉ ra vòng luẩn quẩn: lý do của những trận cháy rừng hiện nay do phía Bắc của Trái đất nóng lên nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh, sức nóng này đã gây ra hoặc tiếp tay cho hỏa hoạn.

Đến lượt mình, ngọn lửa đã thải carbon vào khí quyển, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục tăng: chỉ trong tháng 6, các vụ hỏa hoạn đã thải vào khí quyển 50 megaton carbon dioxide, tương đương lượng khí thải hằng năm của Thụy Điển. Những mảnh vụn rắn của các đám cháy này cuối cùng sẽ lắng xuống ở bề mặt băng tại phương Bắc, khiến tăng nhanh tốc độ tan chảy của các lớp băng.

Siberia và Viễn Đông của Nga là những nơi báo động về quy mô cháy rừng hiện nay: gần 2 triệu hecta rừng đã bị thiêu rụi, ở một số khu vực của Siberia, nhiệt độ đã cao hơn 10oC so với giai đoạn 1981 - 2010. Chỉ trong vùng Krasnoyarsk (thuộc Siberia), tổng diện tích rừng bị cháy hiện là 746.000ha, tại tỉnh Irkurtsk: 458.000ha, ở Yakutia: 557.000ha...

Để so sánh, cả năm 2018 ở Nga có 9.900 vụ cháy tự nhiên trên diện tích 3,2 triệu hecta; năm 2017: 9.200 vụ trên 1,4 triệu hecta. Những người dân Krasnoyarsk sống gần rừng Taiga tường thuật đã thấy gấu bỏ chạy khỏi rừng. Tại các công sở, ngày làm việc được rút ngắn, một số chuyến bay phải hoãn hoặc không thể hạ cánh.

Những cánh rừng cháy ở Siberia nhìn trên bản đồ. Ảnh: fires.ru
Những cánh rừng cháy ở Siberia nhìn trên bản đồ. Ảnh: fires.ru

Trông chờ mưa thu

Vấn đề là hầu như người Nga không dập lửa cháy rừng, mặc dù, theo báo cáo của TASS, gần 3.000 nhân viên cứu hỏa đã được huy động cùng gần 350 đơn vị kỹ thuật chữa lửa trên mặt đất và 28 máy bay. Do phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra ở những địa điểm khó tiếp cận, chi phí dập tắt vượt quá mức thiệt hại tiềm tàng, nên người ta chỉ ưu tiên dập lửa trong trường hợp có đe dọa khu dân cư hoặc cơ sở hạ tầng địa phương.

Cố vấn của lãnh đạo Cục Lâm nghiệp liên bang Nga Aleksandr Agafonov thí dụ: “Cứ tính xem: cứ điểm gần nhất của máy bay chữa cháy nằm cách đám cháy trong rừng Taiga 500km. Nó bay đi - về chỉ để thả một khối lượng nước nhỏ so với đám cháy. Chúng tôi sẽ phá sản nếu sử dụng hàng không cho mục đích như thế”.

Người đứng đầu chương trình phòng chống cháy “Greenpeace Russia” Grigory Kuksin cho biết những trận hỏa hoạn thế này sẽ tác động vào thời tiết. Những khối không khí nóng và khói bốc lên sẽ hình thành những “chiếc mũ” bị nung nóng ổn định trên một vùng lãnh thổ rộng lớn.

Những “chiếc mũ” này sẽ tác động đến thời tiết cũng như sự chu chuyển của khí quyển, lốc xoáy, khiến những cơn mưa bỏ qua những nơi này nhưng có thể gây lũ lụt ở những vùng khác, thậm chí có thể kích hoạt bão. Đó là lý do những ngày qua mưa lụt đã xuất hiện ở Krasnoyarsk nhưng không xảy ra ngay trong vùng rừng cháy. Theo ông, hiện chỉ có thể trông chờ những trận mưa mùa thu!

Khói của những trận cháy rừng đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của cư dân địa phương. Đến ngày 22-7, khói đã bao phủ hoàn toàn các tỉnh Novosibirsk, Tomsk, Kemerovo, Khakasia, vùng Altai. Không khí các nơi này bị ô nhiễm đáng kể: nồng độ bụi mịn và carbon dioxide đều vượt mức cho phép. Cư dân Siberia đã đề nghị chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi chính phủ “bảo vệ rừng của chúng ta, nước của chúng ta và nhân dân chúng ta”.

Những trận cháy rừng ở Krasnoyarsk hầu như không được dập tắt vì những lý do kinh tế. 
Ảnh: kurer-sreda.ru
Những trận cháy rừng ở Krasnoyarsk hầu như không được dập tắt vì những lý do kinh tế. Ảnh: kurer-sreda.ru

Tuy nhiên, đại diện toàn quyền của tổng thống ở vùng Siberia Sergey Menyailo cho biết chỉ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi nồng độ các chất có hại vượt quá định mức. Hiện nay chế độ này mới được ban bố ở một số khu rừng tại Krasnoyarsk, Irkurtsk, ở hai quận của Buryatia và ba quận Yakutia. Ở một số khu vực khác chỉ mới ban bố “tình trạng phòng chống cháy đặc biệt”, theo đó cấm đốt cỏ khô, còn ở một số khu vực, chế độ “bầu trời đen” đã có hiệu lực, các doanh nghiệp bị giới hạn phát thải.

Sự ấm lên đồng thời và toàn cầu

Chúng ta thường xuyên nghe nói về sự nóng lên toàn cầu, nhưng nhiều người cũng đồng thời nhớ rằng ta đã có những giai đoạn nóng lên và lạnh dần. Ở đây không nói về Kỷ băng hà toàn cầu, kéo dài trong vài triệu năm, mà là những cú dao động của khí hậu tương đối ngắn.

Thí dụ, giai đoạn ấm lên giữa những năm 250 trước Công nguyên và năm 400 sau Công nguyên, được gọi là giai đoạn khí hậu tối ưu của La Mã. Hoặc thời kỳ băng hà nhỏ (từ thế kỷ 14 - 19). Những giai đoạn này đến rồi đi, không gây ra thảm họa gì đặc biệt, vậy có cần quá lo âu cho giai đoạn nóng lên hiện tại?

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã lưu ý là tất cả những cú dao động khí hậu trong 2.000 năm qua đều không có tính toàn cầu. Trong một bài báo trên tạp chí Nature, các chuyên gia của Đại học Bern và các trung tâm nghiên cứu thế giới khác đã tìm hiểu nhiệt độ Trái đất thay đổi ra sao bắt đầu từ năm đầu tiên của kỷ nguyên chúng ta.

Họ sử dụng dữ liệu được tổ chức nghiên cứu quốc tế chuyên về biến đổi khí hậu PAGEs 2k thu thập, nghiên cứu chúng từ góc độ lịch sử. Trong các dữ liệu này có: 1/ phân tích cấu trúc của băng sâu trong sông băng có thể ghi lại những thay đổi nhiệt độ trong quá khứ, 2/ có các số đo vòng cây hằng năm (thích ứng khác nhau tùy theo khí hậu), 3/ phân tích cấu trúc các nhũ đá và măng đá trong các hang động.

Ngoài ra, ta không được quên rằng từ một cột mốc thời gian nhất định, con người mới bắt đầu thường xuyên đo nhiệt độ không khí và những ghi chép này được tiếp tục đến tận ngày nay.

Các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến một số thời kỳ khí hậu, như thời kỳ khí hậu tối ưu La Mã, thời kỳ băng hà nhỏ, thời kỳ khí hậu khắc nghiệt tiền Trung Cổ (giai đoạn lạnh dần tiếp sau thời kỳ tối ưu La Mã) và thời kỳ khí hậu tối ưu Trung Cổ trong các thế kỷ 10 và 13. Mô hình hóa khí hậu, các tác giả đã sử dụng các phiên bản tính toán khác nhau, nhưng theo phiên bản nào họ cũng nhận được kết quả là những sự lạnh dần và ấm lên này không mang tính đồng thời và toàn cầu.

Theo cổng thông tin ScienceNews, trong thời kỳ băng hà nhỏ, phần trung tâm và phía đông của Thái Bình Dương đã đạt đến nhiệt độ tối thiểu vào đầu thế kỷ 15, trong khi ở tây bắc châu Âu và đông nam Bắc Mỹ nhiệt độ chỉ hạ xuống tối thiểu vào hai thế kỷ sau đó, tức thế kỷ 17.

Sự nóng lên thời Trung Cổ đạt tối đa ở tây bắc châu Âu và đông nam Bắc Mỹ vào thế kỷ 16, nhưng ở Thái Bình Dương đã ấm hơn vào vài thế kỷ trước đó, trong khi ở Nam Mỹ sự ấm dần đạt nhiệt độ tối đa vài thế kỷ sau. Có nghĩa, những thay đổi khí hậu trước đây đều không phải là toàn cầu, nhiệt độ không tăng hoặc giảm cùng lúc ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Không thể nói điều này với sự ấm dần hiện nay: bài báo của Nature cho biết trên khắp Trái đất, nhiệt độ cao nhất đã xảy đến vào cuối thế kỷ 20.

Còn trong bài báo trên tờ Nature Geoscience dựa trên dữ liệu của PAGEs 2k, các nhà nghiên cứu cho rằng sự ấm dần hiện nay phát triển nhanh hơn những đợt biến đổi khí hậu khác từng diễn ra trên Trái đất 2.000 năm qua.

Tị nạn sinh thái?

Và cuối cùng, cũng trên bài báo đăng ở Nature Geoscience, các nhà nghiên cứu đã mô tả những nguyên nhân dẫn đến những cú dao động khí hậu trong quá khứ. Nguyên nhân chính là do sự phún xuất của núi lửa khiến lúc đầu gây ra sự lạnh dần, nhưng sau đó là sự phục hồi nhiệt độ.

Lần phục hồi cuối cùng này bắt đầu từ cuối thời kỳ băng hà nhỏ vào giữa thế kỷ 19, trùng với thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp, khí gây hiệu ứng nhà kính bắt đầu thải vào khí quyển. Do đó sự nóng lên hiện tại mà chúng ta đang là chứng nhân trông rất không tiêu chuẩn, diễn ra cùng lúc, ở khắp nơi và phát triển nhanh hơn những biến động khí hậu từng xảy ra trước đó.

Các biến đổi này đang được hiển thị trên một lượng dữ liệu cực lớn, cho các chính phủ một lý do nữa để suy nghĩ nghiêm túc về tương lai khí hậu của hành tinh: loài người có thể đang đối mặt giai đoạn nóng lên toàn cầu đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Trong khi đó, các cuộc vận động phi carbon hóa nền kinh tế và yêu cầu các chính sách khí hậu khẩn cấp đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Một số người dân tự xử lý vấn đề theo quan điểm cá nhân: ấn bản Meduza.io ngày 13-6 cho hay: người dân ở thị trấn Kiselevsk (tỉnh Kemerovo - Siberia) đã gởi thư video yêu cầu cấp cho họ quy chế tị nạn ở Canada. Lý do: điều kiện sinh thái yếu kém của thị trấn, tỉ lệ bệnh ung thư cao, tuyết đen vào mùa đông và thiếu nước sạch.

Người dân Krasnoyarsk mang mặt nạ tránh khói bụi vì cháy rừng. Ảnh: sibreal.org
Người dân Krasnoyarsk mang mặt nạ tránh khói bụi vì cháy rừng. Ảnh: sibreal.org

Một trong các công dân này, ông Vitali Shectakov, khẳng định than trong lòng đất cạnh khu dân cư của họ đang cháy. Ông này đã bị phỏng chân khi đưa nhà báo tới xem xét hiện trường. Bộ Công dân và tài nguyên Canada đã trả lời (qua báo chí) sẽ xem xét đơn của họ chỉ trong trường hợp họ ở ngoài lãnh thổ nước Nga. ■

Sau Siberia là Alaska với những đám cháy rừng quy mô lớn: chỉ trong năm nay đã ghi nhận gần 400 vụ cháy tự nhiên, với một vụ cháy mới mỗi ngày. Nhiệt độ không khí cũng vượt mọi kỷ lục: lên tới 32oC ngày 4-7.

Ở phía tây Greenland, thời tiết ấm và khô ráo suốt một thời gian dài. Vào ngày 10-7, nhiệt độ không khí ở đây gần 20oC, mặc dù thông thường nhiệt độ cao nhất vào tháng 7 là 10oC. Chính vào ngày này đã bắt đầu trận cháy rừng đầu tiên, điều bất thường ở đây, theo NASA. Trung tâm đám cháy nằm cách làng Sarfannguak 18km về phía tây bắc, ở một lều du lịch, nguyên nhân có thể do con người, và đến ngày 14-7 đám cháy vẫn chưa dừng lại.

Tại Alberta (Canada), một trong những đám cháy lan đến một diện tích tương đương 300.000 sân bóng đá.

Siberia là khu vực kinh tế hùng mạnh của Nga ở phía đông, tổng diện tích 13,1 triệu km2 (chiếm 77% diện tích Nga), có 36 triệu dân (khoảng 25% dân số Nga, tính theo dân số năm 2019).

Tổng diện tích rừng của Siberia là 2,6 triệu km2, trong đó 84% nằm ở đông Siberia, 16% ở tây Siberia. Bình quân mỗi người dân Siberia có 12,8ha rừng, riêng ở tỉnh Irkurskt nơi bao phủ nhiều rừng nhất (và cũng đang bị cháy rừng dữ dội) - tới 21ha. (So sánh: ở Nga nói chung: 5ha/người, ở Canada: 9ha, các nước Scandinavie: 3ha).

Các mỏ dầu khí lớn nhất được khám phá trong những tầng đá trầm tích của các vùng Tyumen và Tomsk, nơi một trong những tỉnh giàu dầu mỏ nhất thế giới được phát hiện - nằm ở phía tây Siberia. Riêng tây Siberia sở hữu 4/5 trữ lượng khí đốt tự nhiên Nga và 1/4 trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới, 70% tổng trữ lượng dầu trong nước và 35% của thế giới. Ở phía đông Siberia, triển vọng phát triển bền vững gắn với việc sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng thiên nhiên mang lại. Các doanh nghiệp trong tổ hợp công nghiệp gỗ Siberia chiếm 1/4 tổng khối lượng sản xuất tất cả các sản phẩm gỗ và giấy ở Nga.

Vào những năm khác nhau, hỏa hoạn đã thiêu cháy từ 0,1 - 2,5 triệu hecta rừng Siberia, tiêu hủy từ 15 - 250 triệu thước khối gỗ. Thiệt hại của các vụ cháy rừng hằng năm có thể hơn 500 triệu USD. Trong khi đó, việc duy trì các dịch vụ phòng và chữa cháy rừng, chỉ riêng tỉnh Irkurtsk đã lên tới 90 triệu rúp/năm (gần 1,5 triệu USD), và trên toàn Siberia là 400 triệu rúp /năm (gần 7 triệu USD). Tổng diện tích rừng Siberia bị cháy tính đến ngày 29-7 đã lên tới 2,6 triệu ha.

Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, từ chủ nhật 28-7, hàng không đã đưa máy bay vào chữa cháy rừng ở Siberia. Các máy bay IL-76 và các thủy phi cơ Be-200 đã được huy động.

Theo RIA Novosti, ngày 28-7, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã huy động nhiều máy bay tham gia chữa cháy rừng ở Siberia. Ảnh: ria.ru
Theo RIA Novosti, ngày 28-7, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã huy động nhiều máy bay tham gia chữa cháy rừng ở Siberia. Ảnh: ria.ru

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận