Những lá đại kỳ tiếp lửa cho bóng đá Việt

NGUYỄN VŨ 02/09/2019 17:09 GMT+7

TTCT - Đúng dịp kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam lên đường sang Thái Lan để thi đấu trận đầu tiên trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 World Cup 2022, khu vực châu Á.

Ảnh: Nguyên Khôi
Ảnh: Nguyên Khôi

 

Kể từ khi đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo gặt hái thành công liên tục làm nức lòng người Việt, thì các cổ động viên “máu lửa” lại càng sát cánh cùng thầy trò ông Park. Đặc biệt, không chỉ bỏ thời gian và tiền túi đi cổ vũ cho bóng đá VN, các CĐV và các hội CĐV còn làm thêm những lá cờ kích thước cực lớn để cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các tuyển thủ thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Mang đại kỳ đi khắp nơi

Bóng đá VN hiện có hai hội CĐV lớn là Hội CĐV bóng đá Việt Nam (VFS) và Hội Ngôi sao vàng Việt Nam (Vietnam Golden Star, VGS).

VFS được chính thức thành lập vào tháng 3-2014, dù đã cổ vũ sôi động từ trước đó. Cho đến giờ, hội đã không ngừng lớn mạnh với hàng ngàn hội viên khắp cả nước, luôn là đầu tàu cổ vũ một cách chuyên nghiệp cho bóng đá VN. Đem đại kỳ đi cổ vũ cũng là sáng kiến của những người đứng đầu VFS nhằm khơi gợi tinh thần chiến đấu và lòng tự hào dân tộc của các cầu thủ hơn nữa.

Từ lá đại kỳ đầu tiên tự may với chi phí gần 15 triệu đồng vào năm 2014, cho đến nay, VFS đã có 8 đại kỳ nhiều kích thước khác nhau. Trong đó lớn nhất là 3 lá cờ Tổ quốc kích thước 17x27m và 1 lá kích thước 15x25m luôn sẵn sàng ở hai đầu TP.HCM và Hà Nội, khi cần thì mang ra sử dụng, thay vì cứ phải đóng gói và vận chuyển theo đường hàng không liên tục như thuở ban đầu.

“Chúng tôi có được bao nhiêu tiền từ bán áo và khăn cổ vũ của hội là mang đi đặt may đại kỳ với đủ kích cỡ khác nhau, nhằm có thể phủ cờ lên bất kỳ khán đài nào”, chủ tịch VFS Trần Hữu Nghĩa chia sẻ.

Đại kỳ đầu tiên có kích cỡ 15x25m, nhưng chỉ may một mặt, khá bất tiện khi ra sân cổ vũ lần đầu tiên ở giải U19 quốc tế 2014 trên sân Thống Nhất. Vì khi có bàn thắng, phấn khích bất ngờ giương lên thì dễ bị trái mặt, chỉ hiện mặt đỏ mà không có ngôi sao. Nên những đại kỳ sau đều được đặt may hai mặt, dĩ nhiên chi phí cũng cao hơn (gần 20 triệu đồng).

Nhớ lại quãng thời gian đặt may đại kỳ thứ hai vào năm 2015, ông Nghĩa kể: “Đại kỳ đầu tiên hội tự may sau một năm đi khắp nơi cổ vũ cùng hội đã xuống sắc khá nhiều do thời tiết và những cuồng nhiệt khi cổ vũ. Vì thế, chúng tôi phải đi tìm nơi may đại kỳ thứ hai chất lượng hơn. Bất kỳ lá cờ nào dù lớn dù nhỏ cũng là hình ảnh của đất nước, nên không thể để quốc kỳ lem nhem, rách rưới hay bạc màu.

Nói thật, nơi nhận may cờ thì nhiều, nhưng may cờ nhỏ để các hộ gia đình treo nhân dịp lễ, tết hoàn toàn khác với may đại kỳ. Nhưng nơi quen may những gì khổ lớn thì lại không biết may cờ, nên chúng tôi phải bám sát để cân chỉnh ngôi sao cho thật đúng chuẩn. Sau này quen rồi thì họ may chỉ mất gần hai ngày, thay vì cả chục ngày như trước”.

Giống VFS, VGS sở hữu một đại kỳ kích thước lớn 20x30m để đi cổ vũ cho các trận đấu của bóng đá VN. Lá đại kỳ được may trước SEA Games 2017 tại Thái Lan, vài tháng sau khi hội thành lập vào ngày 3-5-2017. Chi phí may cờ được gom góp từ các thành viên trong hội, đủ để mua vải về tự may cho rẻ.

Hội trưởng VGS Võ Hoàng Yến Phúc (được biết tới với tên Võ Hoàng Yến) lý giải: “Tôi kêu gọi tài trợ thì VGS sẽ có tiền ngay để đặt may đại kỳ. Nhưng chúng tôi muốn làm một đại kỳ có ý nghĩa với hội, làm từ tiền đóng góp và tự may của các CĐV. Chúng tôi may mất hai ngày. Cực nhưng sau đó thì sung sướng khi nhìn thấy đại kỳ trên khán đài trong mỗi chuyến cổ động của hội”.

Bóng đá VN trong 5 năm qua đã có sự tiếp sức không nhỏ từ những đại kỳ đó của hai hội VFS và VGS. Hai kỳ SEA Games 2015 và 2017, AFF Cup 2016 và 2018, Asiad 2018, VCK U23 châu Á 2018 hay Asian Cup 2019, đại kỳ VN đã tiếp lửa từ trên khán đài cho các cầu thủ ngay ở đất khách quê người.

 

 

Khó khăn không kể hết

Thời gian đầu đem đại kỳ theo, các thành viên VFS phải tận dụng các mối quan hệ, đặc biệt là ở sân bay, để xin thông cảm vì hàng gởi quá cồng kềnh, lại quá ký cho phép. Sau này, biết việc mua hành lý thể thao khi gởi, mắc hơn chút so với mua hành lý thông thường, thì mọi chuyện dễ hơn nhiều.

Nhưng đó chỉ mới là việc đưa đại kỳ đi, việc đem vào sân cũng trần ai không kém. Đại kỳ có kích thước lớn, nên thời gian đầu, các CĐV VN thường gặp trục trặc với lực lượng an ninh ở sân, nơi này chỉ sang nơi kia để xin phép, rất mất thời gian.

Anh Nguyễn Xuân Mạnh, thành viên VFS, kể: “Mang được đại kỳ sang đến nơi đã gian nan. Liên hệ trước để mang vào sân thì không được vì không có giấy phép. Khi đó, chúng tôi lại phải tìm người giúp đưa tới đại sứ quán VN xin can thiệp để có thể mang vào được sân cổ vũ”.

Anh Mạnh đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng để sang UAE cổ vũ cho đội tuyển VN tại Asian Cup 2019 hồi đầu năm. Nhóm anh đi trước chỉ có 3 người (sau sang 40 người), nhưng phải mang vác nào đại kỳ, nào trống, và thêm cả 60kg thức ăn cho các cầu thủ VN vì sợ họ không ăn được đồ ăn bên đấy. Mệt nhưng anh rất hào hứng.

“Chúng tôi rất tự hào và hãnh diện được mang đại kỳ đi tiếp sức cho bóng đá VN. Đi với đại kỳ cũng khó khăn vì di chuyển cùng nhiều đồ đạc. Nhưng vì màu cờ sắc áo, anh em hỗ trợ nhau để mang đại kỳ đi cho bằng được chứ không ngại khó”, anh Mạnh giải thích.

Mới nhất, anh Mạnh lại cùng các thành viên VFS mang đại kỳ (loại trung, do ít người) sang Chonburi (Thái Lan) để cổ vũ cho đội tuyển nữ VN đánh bại đội chủ nhà trong trận chung kết Đông Nam Á 2019.

Với VGS, kỷ niệm lần đầu mang đại kỳ sang SEA Games 2017 tại Malaysia cũng cực kỳ đáng nhớ, vì phải rất vất vả chạy xin khắp nơi mới được mang vào. Võ Hoàng Yến Phúc kể: “Chúng tôi bị ban tổ chức sân làm khó dễ khá nhiều, không cho mang vào sân, khiến anh em trong hội phải tìm đủ cách để mang vào được. Sau này có kinh nghiệm thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

Trước một giải đấu ở nước nào đó, hội làm đơn gởi ban tổ chức xin phép trước nửa tháng về việc mang lá cờ lớn vào sân và hẹn ngày hội sẽ đến để cho họ kiểm tra và giúp đỡ. Chỉ khi nào đại kỳ vào đến sân, lúc đó chúng tôi mới yên tâm và bắt đầu cổ vũ trên đất khách”.

Sức nặng của mỗi đại kỳ tùy thuộc từng kích thước, nhưng với đại kỳ có kích thước 20x30m, khối lượng lên đến 43 ký. Vì thế, để các CĐV mang vác đại kỳ ra nước ngoài, đi đến sân và leo lên các bậc khán đài cao rồi trải rộng, giương cao là điều không hề dễ dàng.

Trời mưa hay sân lộng gió cũng là những khó khăn không nhỏ của CĐV VN mỗi khi giăng đại kỳ để cổ vũ. Mưa khiến lá cờ trở nên rất nặng. Còn sân lộng gió thì xếp cờ rất cực, luôn phải huy động tối thiểu 20 người để xếp đại kỳ một cách ngay ngắn, trang trọng. ■

Ảnh: Nguyên Khôi
Ảnh: Nguyên Khôi

 

Tiếp lửa Chiến binh sao vàng

Một ngày trước trận gặp Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022, dự kiến có 200 CĐV thuộc VFS sẽ lên đường cùng với lá đại kỳ cỡ trung sang Bangkok tiếp lửa cho thầy trò HLV Park Hang Seo.

Một “vũ khí” hạng nặng của thầy trò ông Park chính là tinh thần thi đấu ngoan cường. Chính vì vậy, dư luận người hâm mộ bóng đá châu Á mới đặt biệt hiệu cho tuyển VN là Những chiến binh sao vàng. Biệt danh đó có lẽ có sự đóng góp không nhỏ của những lá đại kỳ - vật chứng thể hiện tình yêu đội tuyển vô bờ bến của các hội CĐV.

Nhiều tuyển thủ như Xuân Trường, Xuân Toàn, Duy Mạnh… đều nhiều lần khẳng định với báo chí rằng khi thi đấu, ngước lên khán đài thấy lá đại kỳ, thấy các CĐV thân thương, thì tinh thần của họ phấn chấn hơn hẳn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận