Valparaíso - thành phố mỹ thuật của Nam Mỹ

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN CHÍ LINH 03/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Tùy vào góc nhìn và sự yêu mến của mỗi người mà phố biển của UNESCO ở Chile có nhiều tên gọi khác nhau như: “kinh đô nghệ thuật”, bởi chính từ nơi đây nghệ thuật graffiti đường phố đã lan truyền khắp lục địa Nam Mỹ; “thành phố của những áng thơ”, khi ông Pablo Neruda nhận giải thưởng Nobel văn học vào năm 1971; “thành phố của những đoàn thủy thủ”, bởi vào mỗi mùa hè do có ít nhất 50 hãng tàu quốc tế từ nhiều quốc gia ghé qua… Các thủy thủ gọi Valparaíso là “hòn ngọc Thái Bình Dương”, một cách gọi thật đúng nghĩa, bởi ở Valparaíso chưa từng diễn ra mua bán nô lệ mà là nơi để các thương gia, giới mỹ thuật, học giả, bác sĩ và tầng lớp giàu có tìm đến…

Góc phố người Tây Ban Nha.
Góc phố người Tây Ban Nha.

Tôi trọ qua đêm trong khu phố người Ý và anh chủ nhà nghỉ mách bảo: hãy nhìn hình dáng ô cửa sổ, kiến trúc bancông và cả tên loài hoa được đặt dưới mái hiên nhà thì tôi có thể phân biệt được phố của ai trong lòng Valparaíso. Anh khuyên tôi nên quay lại Valparaíso vào ngày giao thừa để năm mới thật trọn vẹn khi ngắm nhìn những chùm pháo hoa tuyệt đẹp được bắn lên từ lòng Thái Bình Dương bên ly rượu vang...

Chiếc nôi dòng nghệ thuật Graffiti ở Tân thế giới

Tôi gọi Valparaíso là “thành phố đa sắc màu” bởi khung cảnh phố nằm cong hình bán nguyệt bên bờ biển được rắc bằng các loại bột màu không nề nếp. Ngẫu hứng theo chủ nghĩa Bohemian từ năm 1830, các nghệ sĩ đường phố có khi vui, có khi buồn nên Valparaíso xệch xẹo sắc màu, dụ dỗ đứa trẻ đi lạc như tôi bằng những viên kẹo sáng tạo.

Valparaíso từng là thương cảng đắc địa của hoàng đế Inca ở Chile, xuyên qua các con ngõ hẹp, tôi cũng những tưởng mình đang rong chơi theo lối mòn Inca. Tưởng chừng những dãy phố na ná nhau trong một bức tranh nghệ thuật khổng lồ, nhưng các khúc đường quanh co nối phố lại là ranh giới không khoảng cách giữa các tộc người đã đến Valparaíso định cư.

Cuộc đổ xô tìm vàng ở California, Mỹ đã giúp đoàn người sinh tồn thấu hiểu giá trị “máu và nước mắt” lẫn lãnh thổ định cư. Tiếng lành đồn xa, người Anh, Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Đức lần lượt rời bỏ các mỏ vàng tuyệt vọng, xuôi đoàn tàu về phương Nam để đến thành phố có 42 ngọn đồi, được tướng quân Tây Ban Nha Juan de Saavedra đặt tên tưởng nhớ quê nhà. Valparaíso được đoàn người yêu mến gọi là “Tiểu San Francisco”.

Vẽ trước lối vào nhà.
Vẽ trước lối vào nhà.

Không có những thỏi vàng óng ánh được tìm thấy từ lòng núi đá, mà giá trị vàng của “Tiểu San Francisco” có được là vì nó trở thành trung tâm văn hóa ở thế giới mới Patagonia. “Nấm mọc sau mưa” là câu nói ngụ ý những nét vàng son mà Valparaíso có được khi người châu Âu đến đây. Người Pháp nhanh chóng tạo dựng phố biển theo đường lối riêng để Valparaíso trở thành vương quốc Junta từ năm 1810. 

Thương cảng luôn có ý nghĩa với người Chile bởi đó là mảnh đất cội nguồn để lập pháp vào năm 1844 và là tổng hành dinh của hải quân đến ngày nay. Rảo bước trong chiếc nôi nghệ thuật Valparaíso, mãi khi về nhà tôi mới hiểu phong cách Bohemian phóng khoáng do người Anh, Pháp và Đức mang đến đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ Mestizo như thế nào. Các bạn trẻ Nam Mỹ cho rằng hơi thở cuộc sống thường nhật là bóng đá, âm nhạc và các cuộc vui ái ân.

Kiến trúc phố Valparaíso thấm đẫm đường nét mỹ thuật châu Âu, gói gọn cổ kính vào lòng. Việc phân biệt nét điêu khắc riêng tư, màu sắc, biểu tượng trên từng dãy phố để xác định nơi chốn của mỗi tộc người cũng đủ làm tôi thú vị quên bẵng thời gian trôi. Sau quảng trường trung tâm, mỗi khu phố đều có trường học, bệnh viện và ngôi giáo đường riêng biệt về kiến trúc.

Chúng đan xen các sợi chỉ nghệ thuật dệt nên bức tranh đa sắc màu văn hóa không buồn chán ở Valparaíso. Trong hơi thở tự do và khí hậu ôn hòa, sóng biển Thái Bình Dương từng in dấu chân ít nhất mười hai nhân vật có tầm ảnh hưởng của châu Mỹ trong các lĩnh vực: chính trị, nghệ sĩ, tiểu thuyết gia, giới hội họa đến Valparaíso cư ngụ cả cuộc đời.

Tờ nhật báo El Mercurio de Valparaíso đang giữ kỷ lục xưa nhất của thế giới khi phát hành số đầu tiên bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha vào năm 1827. Tôi ghé qua phố Cerro Concepcíon để ngắm nhìn quận trung tâm lịch sử phần lớn được điều hành bởi người Anh và Thụy Sĩ với ngân hàng, tòa án, nhà thờ, dinh thự, cơ quan làm việc và cả những nghĩa địa buồn.

Góc phố người Pháp.
Góc phố người Pháp.

Tòa nhà thị trường chứng khoán và thư viện cộng đồng là hai dấu ấn kiêu hãnh của Valparaíso khi được xây dựng đầu tiên trên lục địa Nam Mỹ. Khi ấy, thương cảng Valparaíso nhộn nhịp trao đổi rượu vang, kim loại đồng cùng các sản phẩm nông nghiệp và giảm dần giá trị giao thương khi kênh đào Panama được thiết lập năm 1914.

Trên đồi Bellavista, tôi lang thang trong lòng Museo a Cielo Abierto được gọi là bảo tàng mở ngoài trời. Nghệ thuật graffiti với ý nghĩa đơn giản “vẽ hình lên tường” được người Ý mang đến Valparaíso cũng thật rắc rối khi tôi cố công tìm hiểu. Mãi đến năm 1970, khi thành phố New York đón nhận và công nhận nghệ thuật mới vào năm 1973 bằng cuộc thi hoành tráng, thì khái niệm “mỹ thuật tội lỗi” mới được công chúng xí xóa.

Không còn là những bức tường gây mất mỹ quan đường phố, nghệ thuật graffiti ngày càng phát triển với những tác phẩm có nội dung phức tạp, khổ tranh và xuất sắc nhất là vẽ 3D. Museo a Cielo Abierto xứng đáng khi được phong tặng bởi tất cả các tác phẩm trên đồi Bellavista do những họa sĩ lừng danh nhất của Valparaíso đảm trách.

Những bức vẽ trên các bậc cầu thang lên phố.
Những bức vẽ trên các bậc cầu thang lên phố.

Món xúp Caldillo de Congrio

“Tiểu San Francisco” còn hiện lên trong hình ảnh những chiếc xe điện (trolleybus) màu xanh trắng, có từ năm 1953 thong dong qua phố. Hệ thống Trolleybus Valparaíso đứng thứ hai về sự cổ kính chỉ sau thành phố Mendoza, Argentina ở lục địa Nam Mỹ. Tôi ghé qua Caleta Portales, làng đánh cá xưa nhất, cũng là nghề truyền thống của thổ dân da đỏ trước khi đoàn tàu viễn chinh Tây Ban Nha đến đây.

Caleta Portales đã trở thành khu ẩm thực dành cho những ai mê hải sản, nhưng với người địa phương đó vẫn là ngôi chợ cá truyền thống vào mỗi sớm mai. Tôi chọn xúp Caldillo de Congrio thưởng thức bởi nhà thơ đoạt giải Nobel vào năm 1971, Pablo Neruda, từng ca ngợi món ăn nức tiếng ở Valparaíso bằng khổ thơ Ode Hi Lạp cổ.

Trong lúc chờ phục vụ, anh nhân viên giải thích cho tôi ý nghĩa sâu xa của từ “Porteño - người nam” và “Porteña - người nữ” theo cách gọi của người Tây Ban Nha. Là trung tâm văn hóa mới của lục địa Nam Mỹ với sự thịnh vượng từ thương cảng, những cư dân Valparaíso cũng đã được gọi tên bằng thương hiệu. Không cần phải trả lời tôi đến từ đâu, chỉ cần nụ cười tự hào thốt lên “Porteño” hay “Porteña”.

Xúp đầu cá chồn
Xúp đầu cá chồn

Caldillo de Congrio theo ngôn ngữ Tây Ban Nha nghĩa là xúp đầu cá chồn. Mực nước sâu ở Valparaíso là nơi lý tưởng để cá chồn tìm đến trú ẩn, sinh sôi dù chúng có thể sống khắp nơi trong lòng Thái Bình Dương ấm áp. Xúp nóng bốc khói trong chiếc nồi gang nhỏ thật kích thích vị giác khi ngoài trời se lạnh. Cũng thật đúng gu, bởi sở thích của tôi là được gặm đầu cá, nhất là các loài cá biển mà ta luôn tìm thấy hương vị béo rất lạ, mằn mặn đậm đà trong từng thớ sụn.

Thịt cá chồn dưới phần đầu trắng ngần, béo hương vị riêng nhưng không gây ngấy. Tỏi, củ hành trắng, tiêu, ngò rí, ớt xanh Andes làm nước xúp thật thơm. Anh phục vụ cho biết tỏi và củ hành trắng được ngâm vào xốt cà, đem nướng liu riu trên bếp than hoa trước khi cho vào nước hầm. Cà rốt làm tăng độ ngọt thực vật thanh tao và cũng làm nước xúp óng ánh màu vàng đỏ bắt mắt.

Thịt cá chồn rất ngon nên người châu Âu thích thưởng thức bằng việc hấp chín thân cá, rưới lên trên xốt nấm tiêu. Đảng Cộng sản Chile chọn xúp Caldillo de Congrio trứ danh này là món ẩm thực truyền thống để thết đãi cánh nhà báo mỗi khi công bố sự kiện mới hay tổng kết cuối năm. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận