“Gập ghềnh” chương trình Sữa học đường: Người cần chưa có...

TTCT - Nếu tính dấu mốc đầu tiên của chương trình Sữa học đường là từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi bắt đầu thí điểm đưa sữa vào học đường từ năm 2006, thì đến nay đã có 16 tỉnh thành trên cả nước tham gia chương trình Sữa học đường. Đó là một hành trình triển khai thực tế đủ dài để cho thấy còn quá nhiều vấn đề phải điều chỉnh và giải quyết để chương trình này thực sự đạt được mục tiêu quan trọng nhất của nó là "cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em".

 

Những khởi đầu chậm

Từ đầu tháng 11 này, chương trình Sữa học đường đã chính thức thực hiện tại các trường mầm non, tiểu học (đối với học sinh khối lớp 1) trên địa bàn TP.HCM. 

Có hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 trên địa bàn 10 quận huyện (quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh) sẽ được uống sữa học đường (dung tích 180ml/lần/ngày, với 5 lần/tuần).

Nhưng từ 13 năm trước, năm 2006, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa sữa vào học đường. Từ đó đến nay, ngân sách của tỉnh này đã chi hàng trăm tỉ đồng cho đề án.

Mỗi năm có khoảng 60.000-80.000 trẻ em của tỉnh này được thụ hưởng đề án Sữa học đường. Trong đó, mỗi trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non được uống 8 hộp/tháng; trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng có được 16 hộp/tháng; trẻ trong các trung tâm bảo trợ xã hội được nhận 30 hộp/tháng.

Năm 2013, tỉnh Bắc Ninh đưa chương trình Sữa học đường vào các trường mầm non, thí điểm triển khai từ năm học 2013-2014, tới năm học 2015-2016 thì triển khai đồng loạt. Đến năm học 2018-2019, tỉnh này có 211 trường cùng triển khai chương trình.

Tại Bến Tre, chương trình Sữa học đường được triển khai hai năm qua. Ông Nguyễn Hữu Phước, người gắn bó với chương trình này từ đầu với cương vị là trưởng Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường (hiện đã nghỉ hưu), cho biết chương trình sẽ được mở rộng ra toàn tỉnh. Năm 2017, tỉnh này thí điểm đưa sữa về 4 trường mầm non của 4 xã thuộc huyện Thạnh Phú, cho các bé độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Năm 2018, chương trình triển khai thêm tại 3 huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách. Đến năm 2019, chương trình triển khai tại 8/9 huyện, trừ thành phố Bến Tre. Kết quả sau 2 năm triển khai chương trình, số học sinh được uống sữa là 50.981 em.

Ở khu vực Tây Nguyên, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết năm học 2019-2020, tỉnh này mới triển khai thí điểm chương trình Sữa học đường tại 8 trường mầm non, tiểu học ở 4 huyện (Kbang, Kông Chro, Krông Pa và huyện Ia Pa). Theo kế hoạch này, sẽ có 1.317 học sinh mầm non và 2.732 em tiểu học được uống 3 hộp/em/tuần.

Gia Lai có gần 250.000 học sinh tiểu học và mầm non, trong đó có trên 46% em là con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng khó khăn của tỉnh. Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em độ tuổi từ 0-5 tuổi ở đây ở mức cao: 2,33% trẻ em ở nhà trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 6,39% suy dinh dưỡng ở độ tuổi mẫu giáo. 

Tương tự, tình trạng suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở độ tuổi nhà trẻ là 3,55%, tuổi mẫu giáo là 7,44%.

Những đón nhận tích cực

“Hiệu quả rõ nhất của chương trình là cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ gia tăng rõ rệt. Các cháu đã cao thêm trung bình 2,3cm/em/năm”, vị đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết.

Với BR-VT, đưa sữa vào học đường đã chứng minh sống động sự cần thiết và ảnh hưởng tích cực của sữa học đường lên thể trạng học sinh. 

Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, 100% trẻ tăng cân, tăng chiều cao và trí tuệ phát triển tốt; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 3,71% (năm 2012) xuống còn 1,61% (năm 2015), trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 4,66% (năm 2012) còn 2,84% (năm 2015).

Kế hoạch của BR-VT là năm 2019 giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 0,69% (giảm 0,1% so với năm 2018), giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 5,88% (giảm 0,2% so với năm 2018).

Ngay cả với những đô thị giàu có như TP.HCM, sữa học đường tới đúng tay những đứa trẻ đang thực sự cần tới nguồn dinh dưỡng này cũng cho thấy hiệu quả tích cực kịp thời của nó. Chị Thu (huyện Bình Chánh), thuộc diện hộ nghèo, kể về niềm vui của con mình: “Mấy hôm nay bé út nhà mình thích đi học lắm vì ngày nào đi học cũng được uống sữa miễn phí rất ngon”.

Chị Thu một mình nuôi 2 đứa con đang đi học vì chồng mất sớm, cho biết với hai con chị, sữa là thứ xa xỉ: “Tôi ưu tiên chi tiêu để 2 con được ăn no và mua sách vở đầy đủ để học hành. Thỉnh thoảng có dư chút ít tôi mới mua cho con uống. Tôi hi vọng chương trình này được thực hiện lâu dài để 2 con tôi cải thiện được chiều cao của bản thân”, chị mong mỏi.

Sữa là một trong những nhu yếu phẩm của trẻ. Ảnh: Nguyễn Công Thành
Sữa là một trong những nhu yếu phẩm của trẻ. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Những cách làm khác nhau

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 (quyết định số 1340).

Theo đó, Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình này.

Mục tiêu sức khỏe rất cụ thể: giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm. Và tăng chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) từ 1,5cm-2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

Chương trình này cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90%-95%; tăng tỉ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%.

Dựa vào quyết định trên, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành sẽ ban hành nghị quyết quy định đối tượng học sinh được hưởng chương trình Sữa học đường, lượng sữa được uống mỗi ngày hoặc mỗi tuần, mức hỗ trợ tiền mua sữa từ ngân sách nhà nước… để áp dụng. Ngoài đối tượng quy định chung là học sinh mẫu giáo và tiểu học thì lượng sữa trẻ em được uống tùy theo độ tuổi, hoàn cảnh… Riêng số tiền hỗ trợ tùy theo ngân sách của mỗi địa phương.

Bởi sự hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình ngân sách của từng địa phương nên các chương trình Sữa học đường được thực hiện mỗi nơi một khác. Tại TPHCM, gói thầu sữa học đường dự kiến chỉ riêng cho học kỳ 1 năm học 2019-2020 là gần 140 tỉ đồng (trong đó ngân sách nhà nước bỏ ra hơn 42 tỉ đồng, cha mẹ học sinh đóng góp gần 70 tỉ đồng, các doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp hơn 28 tỉ đồng).

Với tỉnh BR-VT, giai đoạn thí điểm đầu tiên, từ 2006-2011, tỉnh này chi hơn 80 tỉ đồng từ ngân sách cho chương trình Sữa học đường. Tới giai đoạn 2012-2016, số tiền ngân sách chi là hơn 100 tỉ đồng.

Và giai đoạn 2017-2021, nguồn ngân sách phê duyệt cho đề án là hơn 160 tỉ đồng. Việc chọn nhà thầu cung cấp sữa cho đề án tại tỉnh này được đấu thầu công khai và đấu thầu từng năm một, thay vì cho cả 5 năm. Nhờ đó đã tiết kiệm được cả chục tỉ đồng cho ngân sách.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ngân sách tỉnh cũng đã chi tới 178 tỉ đồng trong giai đoạn 2013-2017 cho chương trình Sữa học đường. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Ninh, chương trình Sữa học đường đến năm 2020 sẽ được triển khai để toàn bộ trẻ mầm non và tiểu học (mức 3 hộp 180ml/cháu/tuần) được uống sữa. Các hộ nghèo sẽ không phải đóng góp khoản tiền này mà ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ hoàn toàn.

Vấn đề của tỉnh Gia Lai rất khác. Tổng kinh phí triển khai trong đợt thí điểm tại 8 trường mầm non từ năm học 2019-2020 chỉ trên 2,7 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh là 70%, còn lại là đơn vị cung ứng sữa tài trợ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, bà Bùi Khoa Nghi, giải thích về cách làm của tỉnh này: “Sau khi thí điểm, ngành GD-ĐT và các ngành liên quan sẽ đánh giá kết quả, hướng triển khai tiếp theo của chương trình này để nhân rộng toàn tỉnh, nhưng sẽ phải thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, ban đầu ở các vùng khó khăn, sau đó lan tỏa ra địa bàn có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Chúng tôi dự kiến chương trình này sẽ gặp khó khăn khi đến giai đoạn triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh bởi nó cần tới nguồn kinh phí rất lớn, hàng trăm tỉ mỗi năm, song nguồn thu của tỉnh không cao. Do đó, chúng tôi đã tính đến phương án kêu gọi xã hội hóa, hi vọng các doanh nghiệp, phụ huynh sẽ đóng góp”.

Những trục trặc khác nhau

Trong khi tài chính cho chương trình Sữa học đường ở từng nơi là trong tình trạng "liệu cơm gắp mắm" tùy thuộc năng lực chi trả của ngân sách từng tỉnh thành, bản thân sự tiếp nhận chương trình Sữa học đường ở từng địa phương cũng diễn ra rất khác nhau.

Với BR-VT, quá trình triển khai đề án Sữa học đường đã xảy ra chuyện “tồn sữa”. Năm 2017, có hơn 80.000 hộp sữa tồn, chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đô thị có dân số cơ học nhiều và có sự biến động trẻ ở độ tuổi mầm non. Việc đề xuất cấp tăng, giảm sữa của các trường không kịp thời cũng là một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng sữa tồn này.

Gần đây, lượng sữa tồn đã giảm đáng kể vì ngành giáo dục rà soát, lập danh sách những trẻ không có nhu cầu uống sữa học đường để không cấp sữa. Các trường cũng đã chủ động xin giảm hay tăng trước khi sữa phát về.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non Châu Thành (TP Vũng Tàu), cho biết trước khi sữa học đường do kinh phí nhà nước phát về, nhà trường thông báo để phụ huynh không mang sữa của gia đình đến trường cho con em.

Ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh BR-VT, cho biết khác với những địa phương khác, nơi phụ huynh thường đóng tiền “xã hội hóa” sữa cho nhà trường và trường mua, các phụ huynh ở BR-VT thường muốn tự chọn loại sữa theo sở thích của con và điều kiện kinh tế gia đình hơn.

Vấn đề của BR-VT là việc triển khai đề án Sữa học đường đang gặp khó khăn lớn nhất ở các trường mầm non ngoài công lập, tư thục bởi giáo viên của các trường này do chủ trường tuyển, không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. (tại TP Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ, số trường mầm non ngoài công lập chiếm từ 60-70% tổng số trường trên địa bàn). Vì vậy, triển khai chủ trương sữa học đường thông qua đội ngũ giáo viên gặp nhiều bất lợi hơn so với các trường công lập.

“Thời gian đầu, khi chúng tôi cho phụ huynh đăng ký thì chỉ có gần 30% học sinh sẽ tham gia chương trình. Sau đó, nhà trường tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của việc uống sữa, ưu việt của chương trình (phụ huynh chỉ phải đóng 50% giá tiền)…thì có thêm một số người nữa đăng ký.

Một số phụ huynh khác thì đặt nghi vấn: không biết đơn vị cung cấp sữa có uy tín không, có bảo đảm chất lượng sữa không… Khi biết đơn vị cung cấp sữa là Vinamilk thì có thêm một số phụ huynh đăng ký, nhưng tổng cộng cũng chỉ có hơn 50% học sinh khối lớp 1 uống sữa học đường mà thôi” - thầy Nguyễn Minh Sang, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Cơ, quận 12 (TP.HCM), cho biết.

Theo thầy Sang, nguyên nhân chủ yếu là do một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc uống sữa; một số phụ huynh khác thì cho rằng con mình chỉ học 1 buổi ở trường (100% học sinh khối lớp 1 Trường Trần Quang Cơ đều không học bán trú do nhà trường thiếu phòng học - PV) nên không cần phải uống thêm sữa. Một số phụ huynh từ chối tham gia, cho biết do con họ đã ngán sữa và đang thừa cân…

Tương tự, cô Phạm Thị Nguyên Ly, chủ nhiệm một lớp mẫu giáo ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết đa số phụ huynh đều thích chương trình này vì giá mua sữa rẻ, chỉ 3.025 đồng/hộp 180ml. Và bình thường mỗi bé sẽ mang từ 1-2 hộp sữa đi học để uống dặm thêm mỗi ngày.

Tuy nhiên, chỉ có chưa tới 30% học sinh tham gia “sữa học đường” vì phụ huynh cho rằng con em họ thích mỗi ngày uống một loại sữa khác nhau để không ngán. Trong khi đó, “sữa học đường” thì chỉ có 2 loại: sữa tươi 100% có đường hoặc không đường. "Trẻ em bây giờ không như ngày xưa, hầu hết các bé được ăn uống đầy đủ nên rất khảnh ăn uống - cô Ly nói - Vì vậy, nhiều phụ huynh vẫn cho con mang sữa đến trường”.

 140 tỉ đồng

Đó là dự kiến gói thầu sữa học đường học kỳ 1 năm học 2019-2020 của TP.HCM, trong đó ngân sách nhà nước hơn 42 tỉ đồng, cha mẹ học sinh gần 70 tỉ đồng, doanh nghiệp cung cấp sữa hơn 28 tỉ đồng…

Năm nay là năm thứ hai cô con gái út của chị Nguyễn Bích Ngọc ở quận Hoàng Mai, Hà Nội tham gia chương trình Sữa học đường. Con chị Ngọc 10 tuổi, đang học năm cuối cấp tiểu học và thuộc diện còi cọc. Trước đó, chị Ngọc vẫn phải thường xuyên cho cháu mang thêm một hộp sữa/ngày để dùng ở lớp.

“Nhiều phụ huynh cùng trong lớp con tôi không đăng ký cho con dùng, tỉ lệ dùng sữa học đường của trường khoảng 80%, lớp con tôi chỉ 60%. Có mẹ cũng băn khoăn về chất lượng sữa học đường, muốn con mang cả vỏ hộp sữa về xem, nhưng cô giáo phát sữa tại lớp và trông các con uống luôn sau khi phát. Chỉ khi có bé bị ốm, cô sẽ dành lại khẩu phần sữa những ngày con nghỉ ốm, các cháu mới mang về.

Năm ngoái, phụ huynh tranh cãi nhiều về chương trình này, họ gửi link các bài báo xung quanh chương trình Sữa học đường vào nhóm cho chúng tôi, nhưng vẫn có đông người tham gia hơn năm nay”, chị Bích cho biết.

Trẻ em uống sữa học đường tại Trường mầm non Châu Thành, TP Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trẻ em uống sữa học đường tại Trường mầm non Châu Thành, TP Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Chuyện “lộn xộn” trong chất lượng sữa học đường

Ngày 25-3-2019, 25 học sinh lớp 4 ở Trường tiểu học Nhã Lộng, Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bị đau bụng, buồn nôn phải vào trạm y tế xã, sau đó 23/25 em được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình. Các em này đều uống sữa học đường (và là loại sữa đậu nành) trước đó.

Một số địa phương cũng sử dụng sữa dạng lỏng không phải sữa tươi như quy định của Chính phủ vào chương trình sữa học đường. 

Những giàu - nghèo trăn trở

Theo hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Tân Phú (TP.HCM), chương trình Sữa học đường chỉ thực sự cần thiết đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền mua sữa cho con em uống mỗi ngày.

"Với những gia đình giàu có, việc họ không tham gia là dễ hiểu, vì con em họ có khi đang uống sữa ngoại nhập chứ không uống sữa sản xuất tại Việt Nam - ông nói - Hiện chỉ có những học sinh có sổ hộ nghèo và cận nghèo ở TPHCM mới được uống sữa miễn phí. Trường tôi có khá nhiều học sinh nghèo nhưng hộ khẩu lại ở các tỉnh khác, chỉ tạm trú ở TP.HCM nên những em này không thuộc diện được uống sữa miễn phí, rất tội".

Vị hiệu trưởng này cho biết sữa học đường đã được trợ giá nên mỗi tháng phụ huynh chỉ phải đóng thêm hơn 100.000 đồng để con uống sữa mỗi ngày, nhưng đây cũng đã là vấn đề lớn với nhiều gia đình buôn gánh bán bưng, thu nhập không ổn định.

"Họ phải chi rất nhiều khoản: tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, học phí của con, ăn uống, gửi về quê trả nợ… nên việc đóng thêm hơn 100.000 đồng mỗi tháng khiến họ băn khoăn, có người quyết định không cho con mình tham gia là vì vậy” - ông cho biết.

Với thầy Nguyễn Minh Sang, Trường tiểu học Trần Quang Cơ (quận 12, TPHCM), ông mong ước các học sinh khó khăn diện tạm trú cũng được uống sữa miễn phí. "Ở các trường vùng ven, ngoại thành TP.HCM hiện nay, học sinh khó khăn thuộc diện tạm trú rất nhiều, số học sinh có hộ khẩu TP.HCM thuộc diện hộ nghèo ít lắm. Ở trường tôi có 475 học sinh lớp 1 mà chỉ có 11 em khó khăn có hộ khẩu TP được uống sữa miễn phí mà thôi”.

Bến Tre cũng gặp những vấn đề nan giải riêng. Đến năm 2019, chương trình triển khai tại 8/9 huyện, trừ thành phố Bến Tre. Kết quả sau 2 năm triển khai, số học sinh tham gia chương trình chỉ đạt hơn 51% (50.981 em) so với kế hoạch.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Hữu Phước, là do ban chỉ đạo các cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chưa tốt; việc triển khai tại các huyện, xã, các trường học chưa chặt chẽ; các cơ sở giáo dục bán trú chưa chủ động điều chỉnh, bố trí lịch uống sữa cho phù hợp. Đặc biệt là công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa làm cho người dân hiểu được ích lợi của việc cho con em mình uống sữa.

Nhưng khó khăn phổ biến nhất mà các huyện nêu là số lượng học sinh uống sữa giảm một phần do các em “ngán” sữa, phần khác do hộ gia đình khó khăn về kinh tế, hộ nghèo vừa thoát nghèo không có điều kiện tham gia.

Kinh phí thực hiện chương trình này được Nhà nước hỗ trợ 10%, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ từ 25% trên giá trị hộp sữa. Với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh vận động từ các nguồn tài trợ để các em được uống sữa, những trẻ thuộc diện còn lại do phụ huynh đóng góp.

Ở tỉnh Gia Lai, theo bà Bùi Khoa Nghi, phương án huy động phụ huynh và các đơn vị cùng chung tay thực hiện chính sách nhân văn này ở những vùng khó khăn không đơn giản vì người dân không có điều kiện. Ở những vùng có điều kiện kinh tế khá hơn thì có trẻ thiếu dinh dưỡng, có trẻ thừa cân, việc triển khai sữa học đường đại trà sẽ không được mọi phụ huynh đồng tình. Chưa kể không thể để tình trạng có học sinh được uống sữa, học sinh khác chỉ nhìn.

“Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc và hướng đến sự phát triển bình thường của trẻ trong toàn tỉnh, nên phải quyết liệt thực hiện từ bây giờ. Hiệu quả sẽ chỉ thấy rõ rệt ở tương lai 10-20 năm sau” - bà Nghi nói. ■

Sẽ đề xuất cho học sinh khó khăn không có hộ khẩu TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Gia Thụy, phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết số học sinh tham gia chương trình Sữa học đường thay đổi theo từng ngày. Khi phụ huynh thấy cần thiết thì họ có thể đăng ký tham gia chương trình bất cứ lúc nào và ngược lại. Hiện các đơn vị liên quan đang nắm bắt thông tin sau một thời gian thực hiện chương trình. “Sở GD-ĐT TP sẽ đề xuất cho những học sinh khó khăn, gia đình có sổ hộ nghèo ở các tỉnh được uống sữa miễn phí” - ông Thụy nói.

Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.HCM được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Đối với các em có điều kiện khó khăn, thành phố và Công ty Vinamilk sẽ hỗ trợ uống sữa miễn phí hoàn toàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận