Miếng gân gà SEA Games

HUY ĐĂNG 08/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Ai đã đọc Tam Quốc Chí, hẳn đều biết câu chuyện Dương Tu bị Tào Tháo giết bởi cái từ “kê lặc” (gân gà). Gân gà là một thứ vô vị, khó nuốt, nhưng lỡ bỏ vào miệng rồi thì lại khó nhả ra. SEA Games 30, với chủ nhà Philippines, chả khác gì miếng gân gà của Dương Tu...

Lễ khai mạc SEA Games 30 được xem là điểm son của chủ nhà Philippines bởi sự gọn gàng và sang trọng. Ảnh: Nguyễn Khánh
Lễ khai mạc SEA Games 30 được xem là điểm son của chủ nhà Philippines bởi sự gọn gàng và sang trọng. Ảnh: Nguyễn Khánh

Từ khi bóng đá SEA Games 30 khởi tranh hôm 25-11 đến giờ, nước chủ nhà đã phải hứng chịu vô số chỉ trích. Nhưng thử đi tìm hiểu kỹ sẽ thấy họ không tệ đến mức không tổ chức nổi một kỳ đại hội thể thao khu vực.

Kỳ SEA Games lạ lùng

Trước hết, phải thừa nhận đây vốn đã là một SEA Games “kỳ cục”, ngay từ tên gọi: Philippines 2019.

Hầu hết các kỳ đại hội thể thao trên thế giới đều được lấy tên theo thành phố đăng cai chính, như Olympic Bắc Kinh 2008, London 2012, Asiad Jakarta 2018, hay SEA Games Kuala Lumpur 2017. Philippines là nước chủ nhà hiếm hoi không theo thông lệ này.

Sở dĩ như vậy là bởi họ dàn trải các địa điểm thi đấu khắp nơi. Khó thể chỉ ra đâu mới là thành phố đăng cai chính khi số lượng môn thi đấu được chia đều cho 3 khu vực lớn là Clark (19 môn), Manila (23 môn) và Subic (14 môn), chưa kể một số địa điểm khác như Cavite, Laguna... Ban tổ chức có lý do để không lấy tên một thành phố cụ thể nào cho SEA Games 2019, họ muốn thể hiện đây là một kỳ SEA Games có sự góp sức của nhiều thành phố trong nước.

Nhưng cách thức tổ chức dàn trải dẫn đến nhiều hệ quả trong công tác hậu cần. Philippines, và thành phố lớn nhất Manila, không có một khu phức hợp thể thao lớn, tổng thể dành cho các môn quan trọng như Nation Sports Complex của Kuala Lumpur, hay Gelora Bung Karno của Jakarta. Vì thế, các đoàn thể thao, cánh báo chí, và cả người hâm mộ, phải chạy loạn giữa Manila hầu như luôn trong tình trạng xe cộ đông đúc mọi thời điểm, hay vừa đi vừa hỏi đường ở những khu vực hoang vu, hẻo lánh thuộc thành phố mới Clark.

Cũng vì quá dàn trải, công tác tổ chức của nước chủ nhà rất rời rạc, thiếu chu đáo và quá nhiều sân thi đấu cùng lúc phải hoạt động. Suốt một tuần lễ đã qua, người hâm mộ đã phải chứng kiến vô số những câu chuyện bi hài về nước chủ nhà.

Miễn cưỡng đăng cai

Dù không phải là một cường quốc thể thao, nhưng Philippines cũng có những thế mạnh rõ rệt. Chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Mỹ, người Philippines đặc biệt đam mê các môn thể thao như boxing, bóng rổ, MMA... Những sự kiện võ thuật ở Philippines có thể sánh ngang với Thái Lan về độ hoành tráng. Quốc gia này cũng sở hữu những VĐV tầm cỡ thế giới như tay đấm quyền anh Manny Pacquiao.

Hệ thống các giải thể thao sinh viên của Philippines (UAAP) mang màu sắc tương tự NCAA nổi tiếng của làng đại học Mỹ. Ban tổ chức VGU - giải thể thao sinh viên đang manh nha ở Việt Nam - cho biết họ đã học hỏi kinh nghiệm tổ chức từ UAAP.

Thực sự, người Philippines hoàn toàn không thiếu kinh nghiệm tổ chức những sự kiện thể thao lớn, đậm tính giải trí và chuyên nghiệp. Nhưng SEA Games 2019 ngay từ đầu đã là một kỳ đại hội mà Philippines đón nhận với thái độ miễn cưỡng. Năm 2017 từng nổ ra tranh cãi lớn quanh việc Philippines muốn trả lại quyền đăng cai để tập trung kinh phí cho việc chống khủng bố, khắc phục thiệt hại từ những cuộc tấn công của phiến quân, hay cuộc chiến chống ma túy.

Cuối cùng Philippines vẫn đăng cai, nhưng không hề nhiệt tình. Tháng 2-2019, Thượng viện nước này quyết định cắt giảm 33% chi phí tổ chức SEA Games 2019, từ 7,5 tỉ peso (khoảng 150 triệu USD) xuống còn 5 tỉ peso (khoảng 100 triệu USD). Khi những bê bối về công tác tổ chức nổ ra, ông Alan Peter Cayetano - chủ tịch Hạ viện Philippines và cũng là chủ tịch Ủy ban tổ chức SEA Games 30 - còn cho rằng lý do chính đến từ việc Chính phủ Philippines chậm trễ duyệt chi ngân sách.

Bản thân nội bộ ban tổ chức SEA Games cũng liên tục có những xáo trộn khó tin. Chỉ từ tháng 3-2018 đến nay, Ủy ban Olympic Philippines đã trải qua bốn đời chủ tịch! Ở tất cả các kỳ SEA Games, ủ̉y ban Olympic là nòng nốt của khâu tổ chức, và với việc SEA Games 2019 đã “thay tướng” ba lần trong chưa tới hai năm, dễ hiểu vì sao nước chủ nhà rơi vào tình cảnh rối loạn.

Thái độ tổ chức miễn cưỡng và kinh phí eo hẹp cũng giải thích cho việc trải rộng kỳ đại hội ra nhiều thành phố thay vì tập trung tại một địa điểm duy nhất. Để tiết kiệm chi phí, Philippines đã không xây dựng một khu tổ hợp thể thao lớn nào, họ chỉ lựa chọn những sân đấu có sẵn, đồng thời gần như không đầu tư gì cho cơ cở hạ tầng để tiếp đón khách nước ngoài đông đảo mỗi kỳ đại hội.

Thế khó của chủ nhà

Một trong những điểm khiến SEA Games trở thành kỳ đại hội “không giống ai” là số lượng môn thi đấu quá lớn: 56 môn, vượt xa tất cả những kỳ SEA Games trong quá khứ như Kuala Lumpur 2017 (38), Singapore 2015 (36), Nay Pyi Taw 2013 (34) hay Jakarta 2011 (44). “Đại hội ao làng” SEA Games nổi tiếng với việc nước chủ nhà đưa vào những môn thể thao truyền thống “chỉ mình mình chơi” để vơ vét huy chương, nhưng Philippines 2019 là một bước “đột phá” khác thường.

Hàng loạt những môn thể thao kỳ lạ được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu như arnis (võ gậy), kurash (một môn võ truyền thống), thể thao điện tử (Asiad 2018 từng đưa vào thi đấu, nhưng không tính huy chương)...

Dễ hiểu khi chỉ sau vài ngày thi đấu, Philippines đã tăng tốc vùn vụt trên bảng xếp hạng với lượng huy chương bằng tất cả các đoàn khác cộng lại. Nhưng dẫu sao, các đoàn thể thao khác cũng nên cảm thấy may mắn vì cách vơ vét huy chương của nước chủ nhà. Bởi dù sao nó cũng hơn là tổ chức ít môn rồi chèn ép khách ở những môn thuộc Olympic. Thật ra, việc đua thứ hạng toàn đoàn từ lâu đã không còn ý nghĩa ở SEA Games.

Ít ra cho đến giờ, chủ nhà Philippines mới chỉ “tận thu” huy chương dựa vào những môn truyền thống của họ như arnis hay kurash (và VN cũng “ăn theo” khi giành nhiều HCV với 2 môn võ lạ này). Ở một kỳ đại hội mãi mang tiếng “ao làng” như SEA Games, cũng khó mà chỉ trích Philippines. Các nước Đông Nam Á hầu hết đều còn nghèo, làm thế nào để đăng cai tốt một kỳ đại hội thể thao mà không rơi vào tình trạng lãng phí tiền thuế của dân luôn là một câu hỏi lớn.■

Phù hợp với chỉ số kinh tế

Công tác tổ chức các kỳ SEA Games tương thích với tầm vóc kinh tế của quốc gia đăng cai. SEA Games 2015 của Singapore được ca ngợi là kỳ đại hội tốt nhất trong lịch sử. Ở Malaysia, quốc gia nằm trong top 70 thế giới về GDP đầu người và thứ 2 Đông Nam Á, SEA Games 2017 cũng được đánh giá cao. Còn với Philippines, quốc gia nằm ngoài top 120, có lẽ khó có thể đòi hỏi gì hơn. Việt Nam, nước đăng cai SEA Games 31, hiện có GDP còn thấp hơn Philippines, ở hạng 130 thế giới vào năm 2018, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận