Để là một giống loài sống sót, hãy dạy trẻ em khả năng sống trong một thế giới đổi thay

TƯỜNG ANH 12/12/2019 18:12 GMT+7

TTCT - Hai chuyên gia về khoa học nhận thức thần kinh - Barbara Oakley (Mỹ) và Tatyana Chernigovskaya (Nga) - tại Hội nghị công nghệ giáo dục EdCrunch 2019 (Matxcơva) luận bàn về giáo dục hiện đại, những kỹ năng cần thiết trong tương lai và liệu robot hóa và khải huyền công nghệ có đe dọa nhân loại hay không, trên kênh truyền thông về công nghệ cao Hightech.fm.


 

Lượng thông tin trong thế giới hiện đại tăng theo cấp số nhân. Chỉ riêng trên Facebook, mỗi tháng có 30 tỉ nguồn mới.

Theo Công ty phân tích quốc tế IDC, lượng thông tin trên thế giới tăng ít nhất hai lần mỗi năm. Rõ ràng là không ai, ngay cả người thông minh nhất, có thể lĩnh hội dù chỉ 1% lượng dữ liệu như vậy. Hầu hết thông tin ngày nay lại rất dễ tìm trên các công cụ tìm kiếm, vì vậy giá trị của kiến thức mang tính bách khoa đang giảm dần. Vậy con người nên tư duy thế nào để hiệu quả, để cạnh tranh được với máy tính?

Ngôn ngữ - nền tảng của tư duy

Tatyana Chernigovskaya (T.C.): Các câu hỏi “Ngôn ngữ bắt nguồn từ đâu? Và nó là gì?” cũng bí ẩn không kém như tất cả những gì liên quan tới não bộ. Nếu bạn hỏi bất kỳ người nào đang đi trên đường, ngôn ngữ là gì, 99/100 người sẽ đáp đó là phương tiện giao tiếp. Đúng là thế. Nhưng phương tiện giao tiếp tồn tại ở tất cả các vật thể sống, kể cả sinh vật đơn bào. Với loài người, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, nó còn là phương tiện tư duy, công cụ xây dựng thế giới chúng ta đang sống.

Dù bạn có nỗ lực thế nào, cũng không thể dạy con gà nói ngôn ngữ của loài người. Để làm được vậy, cần một bộ não đặc biệt mà các cơ chế di truyền của nó sẽ thực hiện một công việc vượt khỏi khả năng của tất cả các nhà ngôn ngữ trên thế giới. Khi một đứa bé được sinh ra, não của nó đã phải giải bộ mã mà nó tình cờ rơi vào.

Còn một khía cạnh nữa: ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp đa nghĩa. Trong mã Morse, cái gì được truyền đi, ta nhận đúng cái đó. Ngôn ngữ thì không thế. Tất cả còn phụ thuộc vào việc ai nói và nói với ai, vào học vấn của người đối thoại, vào quan điểm của họ với thế giới và với nhau.

Barbara Oakley (B.O.): Để lĩnh hội được trình độ ngôn ngữ này, một người trưởng thành cần có bằng tiến sĩ. Học một ngôn ngữ mới khá phức tạp. Đồng thời, não bộ của bạn sẽ thay đổi rất nhiều. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra khi bạn bắt đầu ý thức về việc đọc. Trên ảnh chụp cắt lớp, rất dễ nhận ra não của một người biết đọc. Phần não chịu trách nhiệm nhận diện gương mặt di chuyển từ bán cầu não này sang bán cầu não khác, đó chính là lúc bạn bắt đầu hiểu chữ viết.

Nếu đặt một đứa trẻ vào môi trường của người lớn, đơn giản là nó sẽ nắm bắt được ngôn ngữ. Nhưng nếu đặt vào giữa một đống sách, đứa trẻ sẽ không biết đọc. Đó là lý do ta cần học tập.

Barbara Oakley (bìa trái) và Tatyana Chernigovskaya (bìa phải) tại Hội nghị EdCrunch
Barbara Oakley (trái) và Tatyana Chernigovskaya (phải) tại Hội nghị EdCrunch

Để dạy hiệu quả, cần phải hiểu quá trình học tập

B.O.: Việc đưa các ý tưởng của sinh học thần kinh và tâm lý học nhận thức vào quá trình học tập là rất quan trọng. Chính khoa học thần kinh sẽ giải thích những gì xảy ra với bộ não khi bạn học tập.

Yêu cầu các trường đại học mở khóa “Làm thế nào để học hiệu quả”, họ sẽ có các lớp trong hai tuần về việc trẻ em học thế nào, hai tuần về lý thuyết và lịch sử học tập, rồi có thể, cuối cùng họ sẽ bổ sung chút ít về việc người ta học tập ra sao. Nhưng họ sẽ không đưa vào đó sinh học thần kinh, bởi nó quá phức tạp.

Chúng tôi làm ngược lại. Bắt đầu bằng các cơ sở của sinh học thần kinh. Chúng tôi sử dụng các phép ẩn dụ để truyền đạt ý tưởng rõ hơn. Mọi người sẽ dễ dàng, nhanh chóng nhận được những ý tưởng cơ bản và rất giá trị. Khóa học này khác với những gì chúng ta quen nghĩ về quá trình học tập, nhưng cùng lúc nó rất thực tiễn và bắt nguồn trực tiếp từ sinh học thần kinh.

T.C.: Thế giới hiện đại là một môi trường trước đây chưa từng có. Chúng ta sẽ làm gì với những đứa bé hiện nay mới lên 2, chẳng bao lâu sẽ lên 6 và đi học? Chúng cần công nghệ máy tính, chúng đã biết cách thức nhận thông tin. Chúng không cần giáo viên chỉ bảo: “Đây là cuốn sách”.

Chúng sẽ không cần một người thầy, mà cần hơn một người hình thành tính cách, một nhà giáo dục. Hay anh ta sẽ dạy những gì Barbara đang nói: học cách học. Sẽ giải thích rằng quá trình giáo dục cho phép ta toàn quyền phạm sai lầm, làm những điều không chính xác, không có gì hoàn hảo, và trẻ em có quyền mắc sai lầm.

B.O.: Cần phải biết giải quyết những nhiệm vụ không rập khuôn, đa nghĩa, những câu đố. Tôi biết những sinh viên có thể dễ dàng giải toán, nhưng đến giai đoạn ứng dụng bài tập vào đời thực, họ lâm vào ngõ cụt. Điều này phức tạp hơn nhiều.

Mọi thứ lệ thuộc vào việc bạn nhận được nền giáo dục thế nào. Nếu đã quen giải quyết những bài tập không rập khuôn, so với các bài tập tiêu chuẩn và chính quy, trong đời thực bạn sẽ linh hoạt hơn khi giải quyết vấn đề.

Thí dụ, tôi yêu cầu sinh viên giải các bài tập phân phối nhị thức (phân phối xác suất rời rạc phản ánh số lượt thử thành công trong một số lần thử độc lập cụ thể, với chỉ hai kết quả: có hoặc không) nghĩ ra một ẩn dụ hài hước cho bài tập. Một số dễ dàng nghĩ ra nhiều ẩn dụ. Số khác thì không thể, thậm chí chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Tôi nghĩ trong thế giới hiện đại, việc tiếp cận một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề sẽ được đánh giá cao.

T.C.: Vài năm trước tôi phát triển một dự án hợp tác với lập trình viên tài năng. Tôi biết được họ yêu cầu những người tìm việc giải quyết một bài tập ẩn dụ. Họ không cần những người biết tính toán nhanh hay gõ chữ lẹ. Máy tính có thể xoay xở tốt với các nhiệm vụ này. Họ cần những người với cái nhìn khác, có khả năng nhìn vấn đề từ những khía cạnh bất ngờ nhất. Chỉ những người như thế mới có thể giải quyết những nhiệm vụ mà thoạt nhìn tưởng là bất khả.

Và đó là những gì chúng ta phải dạy mọi người. Nhà khoa học vĩ đại Sergey Kapitsa (nhà vật lý Liên Xô và Nga, con trai của khoa học gia đoạt Nobel Peter Kapitsa) đã nói học không phải là ghi nhớ, học là hiểu.

Còn bây giờ thi cử trông giống bài kiểm tra với một hay nhiều tùy chọn trả lời. Những phát minh vĩ đại đâu đến từ những thuật toán tiêu chuẩn. Những khám phá vĩ đại xuất hiện khi quả táo rơi xuống đầu Newton.

B.O.: Sử gia và triết gia Mỹ Thomas Kun nói những khám phá vĩ đại được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu rất trẻ, chưa đắm chìm trong một vấn đề, hoặc những người lớn tuổi hơn thay đổi lĩnh vực nghiên cứu. Khi bạn đắm mình vào một lĩnh vực nghiên cứu mới, đưa vào đó kiến thức từ lĩnh vực trước, nó cũng là một kiểu ẩn dụ. Nó sẽ giúp bạn sáng tạo, làm việc có năng suất, và đó là một phần của thành công.

T.C.: Trong các sinh viên, tôi lưu ý những người không trả lời “bằng 5” cho câu hỏi “2 cộng 3 bằng mấy”. Đó là những ai nói: “Bà hỏi để làm gì? 5 là gì? 3 là gì? Tổng cộng là gì? Bà tin rằng tổng cộng sẽ là 5 à?”. Dĩ nhiên, họ sẽ bị 2 điểm theo hệ thống giáo dục hiện nay, nhưng họ suy nghĩ không rập khuôn, và điều đó thú vị.

Liệu chúng ta có chứng kiến ngày tận thế vì công nghệ? Tất nhiên, nếu chúng ta không quay lại với cảm xúc. Các công nghệ thông minh đã vượt ngưỡng kiểm soát của chúng ta. Máy tính học mọi lúc, chúng không nhậu nhẹt, không yêu đương, không cúp học. Chúng ta không phải là đối thủ của máy tính.

Để là một giống loài sống sót, chúng ta cần phát triển ở trẻ em khả năng sống trong một thế giới thay đổi, thay đổi đến mức trong một ngày thôi, vào buổi tối thế giới sẽ không còn như buổi sáng. Còn nếu cứ cố kiểm kê mọi thứ, chúng ta sẽ thất bại.

 

Mở ra con đường trí nhớ dài hạn

B.O.: Khi tôi được hỏi rèn luyện trí não thế nào và đề nghị những phương pháp ra sao, tôi nói chẳng có kỹ thuật gì phức tạp cả. Tôi sử dụng kỹ thuật mà theo các nghiên cứu hiện nay, cho phép học nhanh và hiệu quả: những bài tập lặp lại.

Khi bạn nhận được thông tin mới, chúng sẽ rơi vào hồi hải mã (hippocampus) và tân vỏ não (neocortex). Hồi hải mã làm việc nhanh, nhưng thông tin không chứa ở đó lâu. Vùng vỏ não mới là trí nhớ dài hạn, nó nhớ rất lâu.

Nhiệm vụ của bạn: mở ra con đường trong trí nhớ dài hạn này. Hãy quay ngược thời gian, tự hỏi mình, chẳng hạn, ý tưởng chính của cuộc thảo luận hôm nay là gì? Hay những gì bạn vừa đọc được. Hãy nhìn quanh, cố gắng để kết nối thông tin đọc được với ký ức dài hạn, và điều đó sẽ xây dựng các kết nối thần kinh mới. Đó chính là lợi ích của những bài tập lặp lại.

T.C.: Tôi bổ sung một điều, nếu có điều gì não bộ không làm được, thì đó là ngừng học tập. Việc học không diễn ra sau bàn học hoặc trước bảng đen, nó xảy ra ở mọi thời điểm. Tôi luôn học. Tôi muốn thư giãn chỉ một giây. Nhưng không thể nào được.■

Tatyana Chernigovskaya là tiến sĩ sinh lý học và lý thuyết ngôn ngữ, giáo sư ngôn ngữ học đại cương, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu nhận thức, trưởng bộ môn các vấn đề hội tụ của khoa học tự nhiên và nhân văn tại Đại học Tổng hợp Saint Petersburg.

Barbara Oakley là giáo sư người Mỹ ở Đại học Auckland, New Zealand, chuyên gia về tế bào gốc và thiết kế những thiết bị kỹ thuật, nghiên cứu trong lĩnh vực sư phạm học và kỹ thuật giảng dạy.

Sinh học thần kinh là khoa học nghiên cứu cấu trúc, chức năng, sự phát triển, di truyền học và hóa sinh, sinh lý học và bệnh học của hệ thần kinh.

Tâm lý học nhận thức là khoa học nghiên cứu những quá trình nhận thức và các chức năng như trí nhớ, sự chú ý, tư duy, tưởng tượng... của não bộ. 

Các nhà tâm lý học nhận thức cũng quan tâm đến việc mô hình hóa các quá trình nhận thức: nhận dạng các mẫu, học hỏi và đưa ra quyết định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận