Xa xỉ, xịn và xanh

TRẦN PHƯƠNG 06/01/2020 19:01 GMT+7

TTCT - Các mô hình kinh tế xanh hay kinh tế sinh thái đều đòi hỏi các ngành công nghiệp quan tâm đến việc cắt giảm phát thải và nghĩ đến môi trường trong sản xuất. Với riêng ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ xa xỉ, liệu khái niệm “bền vững” hay thân thiện môi trường có chút ý nghĩa nào không?


Thời trang xa xỉ cũng có thể "sống xanh"? Ảnh: cam.ac.uk

Liệu một người bỏ ra hàng ngàn USD để mua một món hàng hiệu đẳng cấp có quan tâm đến việc sản xuất ra món đồ đó có hại cho môi trường như thế nào? Thập kỷ 2010 vừa qua đã chứng kiến thế giới hàng xa xỉ buộc phải thay đổi trước sự thức tỉnh của cộng đồng về vấn đề môi trường.

Thế lưỡng nan

Giữa mùa hè 2019, một bãi biển tuyệt đẹp ở California (Mỹ) biến thành sàn catwalk sáng rực ánh đèn để Hãng Saint Laurent giới thiệu bộ sưu tập thời trang mới nhất. Những người mẫu nam khoác những bộ cánh lấp lánh thời thượng, những đôi dép da sành điệu sải bước trên sàn gỗ đặt trên bãi cát, vốn là nơi những đàn cá grunion thường “lên bờ” trong những đợt thủy triều.

Buổi diễn vấp phải sự phản ứng giận dữ từ người dân và quan chức. Chưa kể những nỗ lực của thương hiệu này để đi đầu trong việc “xanh hóa” thời trang cũng bị đặt dấu hỏi, khi những người tham gia đã góp phần thải hàng tấn carbon khi bay đến dự buổi diễn.

Dòng thời trang Ivy Park của nữ danh ca Beyonce cũng từng bị chỉ trích dữ dội vì cáo buộc bóc lột sức lao động của người lao động trong các xưởng may ở Sri Lanka, nơi công nhân chỉ được trả 6 USD/ngày để sản xuất ra những chiếc quần bó có giá đến 80 USD/cái.

Nó cho thấy ngành sản phẩm xa xỉ đang đứng trước thế lưỡng nan: vừa phải không ngừng tổ chức những sự kiện hào nhoáng để gây chú ý và khẳng định đẳng cấp, nhu cầu ngày một lớn tại các thị trường mới như Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh sản xuất, vừa phải đối diện với sức ép của người tiêu dùng và quan chức về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thích ứng nhanh

Thập kỷ 2010 là một cột mốc quan trọng cho hành tinh mà chúng ta đang sống, khi các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu đã rõ ràng và không thể chối cãi. Khái niệm “bền vững” ngày càng cụ thể trong những lựa chọn của người tiêu dùng và thể hiện qua các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu.

Nếu đầu thập kỷ thế giới chỉ mới làm quen với khái niệm kinh tế chia sẻ, tiết kiệm qua mô hình của các ứng dụng gọi xe như Uber, thuê nhà Airbnb thì phong cách sống tối giản, bớt mua sắm đã bắt đầu thu hút quan tâm trong những năm cuối của thập kỷ qua.

Các mặt hàng xa xỉ phẩm - được coi như hiện thân của lối sống, mua sắm phù phiếm - đã không đứng ngoài làn sóng “sống xanh” đó và họ thích ứng rất nhanh. Trên toàn cầu, các nhà sản xuất sản phẩm xa xỉ từ thời trang, làm đẹp, thực phẩm, du lịch đang đưa ra những lựa chọn thân thiện với môi trường hơn.

Chẳng hạn năm 2012, Tesla Model S là mẫu xe điện cao cấp đầu tiên trình làng và sau đó hàng loạt thương hiệu như Audi, Jaguar, Porsche cũng nhanh chóng đưa ra các mẫu xe không sử dụng năng lượng hóa thạch.

Trong thế giới thời trang hàng hiệu, một trong những nhà mốt danh tiếng nhất trên thế giới - Hermes - đã tham gia phong trào từ sớm khi tái chế các vật liệu dư thành túi tote, chặn giấy hay các vật trang trí.

Thương hiệu Chanel mới đây cũng ngừng sử dụng các chất liệu da độc lạ trong bộ sưu tập của mình trong khi Prada, Gucci, Coach và Giorgio Armani là một số trong những thương hiệu đã không còn sử dụng lông thú trong thập kỷ qua. Burberry cũng tuyên bố không đốt bỏ những sản phẩm không bán được, còn các thương hiệu đồng hồ danh tiếng chuyển sang sử dụng kim cương nhân tạo, vật liệu tái chế…

Tháng 8-2019, François-Henri Pinault, giám đốc điều hành Tập đoàn Kering, dẫn đầu nhóm gồm những thương hiệu lừng lẫy như Chanel, Prada và H&M tham gia ký kết Hiệp ước Thời trang để giảm thiểu tác động của ngành công nghiệp đối với môi trường.

Việc sử dụng đồ hiệu second-hand cũng dần phổ biến. Ngày nay, thay vì lùng sục các món hàng hiệu mới ra, người ta có thể tìm đến các cửa hàng bán lẻ đồ cũ The Fifth Collection và Vestiaire Collective để chọn những món đồ đã qua tay. Các dịch vụ cho thuê quần áo thời trang như Rent The Runway và Covetella cũng cho phép người tiêu dùng khoác lên những món đồ cao cấp.

Ảnh: Mike Thompson/Fashion Studies Journal
Ảnh: Mike Thompson/Fashion Studies Journal

Xa xỉ bền vững?

Xu hướng thân thiện với môi trường cũng bao trùm lên mảng sản phẩm làm đẹp cao cấp khi các cụm từ “thuần chay”, “thiên nhiên”, “hữu cơ”… được sử dụng nhiều. Chẳng hạn, thương hiệu Chopard Parfums có các dòng nước hoa sang trọng bền vững, đảm bảo sử dụng các thành phần nhiên liệu được sản xuất có trách nhiệm và những người làm việc trong chuỗi cung ứng được chăm lo cẩn thận về phúc lợi.

“Chúng tôi không thực hiện sự bền vững để thỏa mãn khách hàng hay bán được nhiều túi xách hơn. Chúng tôi làm vậy vì không còn lựa chọn nào khác” - François-Henri Pinault chia sẻ.

Ngành sản xuất giày và túi xách, trị giá hơn 4 tỉ USD, phụ thuộc lớn vào chất liệu da. Việc chăn thả gia súc tiêu thụ khối lượng lớn tài nguyên thiên nhiên - từ đất đến nước, trong khi quá trình thuộc da truyền thống sử dụng nhiều kim loại nặng như crôm và tạo ra những chất thải nguy hiểm. Ngoài ra, PVC, một nguyên liệu được ưa chuộng trong sản xuất túi xách, cũng là một chất gây ô nhiễm môi trường.

Tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal, sở hữu các thương hiệu Kiehl, Lancome và Urban Decay, dự kiến giảm 60% dấu chân carbon (lượng phát thải carbon của cá nhân/tổ chức) tại các cơ sở sản xuất của mình vào năm tới và hướng đến chấm dứt thử nghiệm trên động vật. Thương hiệu Dior cũng dẫn đầu phong trào giảm thiểu bao bì các sản phẩm bằng cách loại bỏ giấy cactông và giấy thừa.

Xu hướng ăn chay, dù là ăn chay trường hay chỉ muốn đổi khẩu vị, cũng dần lên ngôi. Trên toàn cầu, các nhà hàng sang trọng phục vụ món chay như ABCV của đầu bếp Jean-Georges Vongerichten ở thành phố New York, Nectar của bếp trưởng Peggy Chan ở Hong Kong hay Balwoo Gongyang của đầu bếp Kim Ji Young ở Seoul đang thành công trong việc thể hiện đẳng cấp của món chay.

Trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, ngày nay du khách có thể dễ dàng tìm thấy những khách sạn xanh cao cấp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng, điều hòa, sử dụng sản phẩm tái chế… Nhiều tập đoàn khách sạn lớn nhất thế giới, bao gồm Marriott, Hyatt và InterContinental đang dần loại bỏ các lọ nhựa đựng xà phòng trong nhà vệ sinh, thay bằng các bình xà phòng treo tường, khi nào hết sẽ “châm” thêm, để giảm thiểu rác thải nhựa. Nhiều khách sạn khác cũng có các chương trình trách nhiệm xã hội tại địa phương hoặc lập quỹ tài trợ các dự án từ thiện vì môi trường và cộng đồng.

***

Tuy nhiên, bất chấp những gì đã đạt được, xu hướng bền vững vẫn còn nhiều mơ hồ. Chẳng hạn, khó mà biết được nỗ lực xanh của các công ty là thực hay chỉ nhằm mục đích tiếp thị. Hiệp ước Thời trang do Kering dẫn đầu cũng đang bị chỉ trích vì thiếu kế hoạch hành động rõ ràng, trong khi ngành thời trang cao cấp, dù đã nỗ lực giảm sử dụng lông thú, nhưng vẫn đóng góp một lượng chất thải đáng kể cho môi trường.

Ngành may mặc vẫn là nhân tố gây ô nhiễm nước bậc nhất thế giới và ngành thời trang góp phần thải ra 8% carbon toàn cầu. Xu hướng xanh cũng có nhiều mặt. Chẳng hạn, khách du lịch cũng gây ra phát thải carbon khi họ di chuyển bằng máy bay đến các địa điểm “du lịch xanh”.■

Xanh nhưng bí mật

Gucci từng cho ra dòng túi xách đặc biệt Dionysus có giá 2.400 USD, nhưng ít ai biết dòng túi này sử dụng một loại vật liệu mới thân thiện với môi trường. Thay vì sử dụng các loại da đắt tiền, loại túi này làm bằng chất liệu polyurethane được đánh giá ít gây ô nhiễm môi trường hơn PVC. Và dù đầu tư nhiều năm nghiên cứu để phát triển quy trình thuộc da không độc hại, nhưng các thông tin này hầu như chẳng được quảng cáo trong các cửa hàng của Gucci.

 

 

Tính bền vững dường như vẫn chỉ là “một mặt khác” trong thế giới xa xỉ phẩm. Yếu tố thân thiện với môi trường hầu như mờ nhạt trong các phép tính để đưa ra mức giá gần 5.500 USD cho chiếc áo khoác da của Saint Laurent, và các thương hiệu thời trang cũng không muốn thu hút sự chú ý đến yếu tố này.

“Người tiêu dùng nhìn vào các thương hiệu xa xỉ và thấy sự độc quyền, chất lượng và địa vị. Tôi không chắc chắn sự bền vững có thể chen chân vào đó” - Washington Post dẫn lời Robert Burke, nhà sáng lập công ty tư vấn bán lẻ mang tên mình tại New York, bình luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận