Khi trải nghiệm cá nhân thành thước đo thành tích học tập

PHẠM THỊ LY 09/01/2020 19:01 GMT+7

TTCT - Bước sang thập niên mới với những tiến bộ công nghệ chưa từng thấy, có lẽ không ai còn nghi ngờ gì về việc xã hội chúng ta đã và đang thay đổi mạnh mẽ thế nào, và mọi hệ thống giáo dục đều đang chật vật biến đổi để thích ứng với nó ra sao.

Ảnh: thelongandshort.org
Ảnh: thelongandshort.org

Liệu những biến đổi đó sẽ dẫn tới điều gì, sẽ định hình bức tranh giáo dục trong năm 2020 và thập niên tới như thế nào?

Những cột mốc quan trọng

Xưa kia, giáo dục chính thống nói chung là đặc quyền của tầng lớp tinh hoa, Đông hay Tây đều vậy. Ở Mỹ thời lập quốc, chỉ nam giới và người giàu mới được đặt chân vào các đại học. Họ học về tôn giáo, luật hay kinh doanh và tiếp tục trở thành giới chủ hoặc tầng lớp lãnh đạo xã hội.

Người phụ nữ đầu tiên nộp đơn xin vào Đại học Harvard là vào năm 1847, nhưng bị từ chối vì chính sách của trường không nhận nữ giới, mãi đến năm 1920. Mặc dù khoản hiến tặng đầu tiên cho Harvard là năm 1643, mãi đến năm 1934 quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên mới chính thức được thành lập, mở ra cánh cửa cho những người nghèo nhưng tài giỏi.

Ở Việt Nam, Quốc Tử Giám được thành lập năm 1076 để dạy dỗ con cái tầng lớp quý tộc. Mãi đến năm 1253, vua Trần Thái Tông mới đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện và mở rộng thu nhận cả con cái thường dân có sức học xuất sắc.

Chỉ đến thời hiện đại, trình độ giáo dục mới dần trở thành yêu cầu bắt buộc để mọi người có thể tham gia guồng máy lao động. Giáo dục phổ thông trở thành bắt buộc ở nhiều nước, và giáo dục đại học thì ngày càng trở nên đại chúng. Bằng đại học không còn là hàng hiếm, trái lại, là tấm vé bắt buộc để bước vào tầng lớp trung lưu và tiến lên trên thang bậc xã hội.

Đòi hỏi của nền kinh tế công nghiệp hóa đã biến nhà trường thành nơi chuẩn bị cho lực lượng lao động tương lai. Vì thế, mọi hoạt động của nhà trường bắt đầu được chuyên nghiệp hóa, được vận hành với những quy trình quản trị gần giống một nhà máy hay doanh nghiệp, và mô hình đó tồn tại mãi đến ngày nay.

Hệ thống giáo dục đó dựa trên sự chuyên nghiệp hóa nghề giáo, hệ thống quản lý, chương trình, sách giáo khoa và đánh giá kết quả học tập. Nó chuẩn bị người học cho những nghề nghiệp cụ thể. Trường học về cơ bản vẫn là nơi truyền thụ tri thức và giáo dục nhân cách.

Khái niệm về đại học nghiên cứu tập trung cho hoạt động nghiên cứu và sáng tạo ra tri thức mới chỉ có từ đầu thế kỷ 19, khởi đi ở Đức, rồi đến Mỹ. Mãi đến những năm 1960, các đại học nghiên cứu ở Mỹ mới thực sự trở thành những mô hình mẫu mực toàn cầu và đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ.

Internet, dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo (AI) và kinh tế số đã làm thay đổi xã hội mạnh mẽ chưa từng thấy và đang vượt xa khả năng tự điều chỉnh của con người, bắt đầu vào khoảng năm 2007, với sự ra đời của mạng xã hội và điện thoại thông minh. Trước đây, cần khoảng cách một thế hệ, tức 20 năm, để khối lượng kiến thức/thông tin tăng gấp đôi.

Ngày nay, khoảng cách đó là 10 tháng. Nhà trường thay đổi khá chậm trong bối cảnh ấy. Cho đến nay, chúng ta vẫn thấy hầu hết giáo viên tin rằng kiến thức họ biết là điều học sinh nhất thiết phải biết.

Trong khi không ai trong chúng ta, dù thông minh tới đâu, đủ khả năng để biết hết mọi kiến thức đã có dù chỉ trong một lĩnh vực hạn hẹp. Chúng ta ngày càng lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ bởi chúng có trí nhớ và làm nhiều việc tốt hơn chúng ta cả ngàn, cả triệu lần, ví dụ như tìm đường ở một thành phố xa lạ chẳng hạn.

Điều này có nghĩa rất nhiều công việc trước nay do con người đảm nhiệm sẽ được chuyển dần cho máy. Đã có thí nghiệm chứng minh rằng AI chẩn đoán bệnh chính xác không thua các bác sĩ tài giỏi nhất, với tốc độ cao hơn cả ngàn lần.

Tương tự với luật học và nhiều ngành khác, kể cả sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết và bình duyệt bài báo khoa học. Vì thế, giáo dục theo lối hầu hết chúng ta đang làm hiện nay không còn thích hợp cho bức tranh tương lai. Vậy giáo dục sẽ phải thay đổi thế nào?

 

 Minh họa Con người của tương lai (Roland Begger)

Con người của tương lai

Về bản chất, con người không phải là cỗ máy vô tri giác và vì thế không thích hợp với những việc lặp đi lặp lại mà máy móc có thể làm được và làm tốt hơn. Điều làm con người khác với máy móc là sự tò mò ham hiểu biết và khả năng sáng tạo. Những đặc tính chỉ có ở con người sẽ là những đặc tính để con người tiếp tục tồn tại và phát triển trong một thế giới mà robot đã làm hầu hết mọi công việc.

Trong một cuốn sách nghiên cứu về bản chất của đổi mới sáng tạo, Tony Wagner cho rằng mô hình giáo dục hiện tại của chúng ta đã quá lạc hậu và chẳng thiết thực chút nào với công việc và cuộc sống của hầu hết mọi người.

Ông nói: “Thế giới không hề quan tâm tới việc bạn biết những gì, mà chỉ quan tâm tới việc bạn làm được gì với những thứ bạn đã biết... Những người đi học chỉ biết làm tốt những thứ hệ thống giáo dục đang đòi hỏi - bảng điểm tốt, làm bài thi ngon lành và lấy được tấm bằng tốt nghiệp - sẽ không còn là những người có nhiều khả năng thành công nữa. Muốn đi lên trong thế kỷ 21, người ta cần năng lực thực sự, một thứ xa hơn nhiều so với bảng điểm đẹp hay bằng cấp sáng ngời”.

Vậy thì con người như thế nào sẽ có nhiều khả năng thành công hơn?

Thông tin mà chúng ta có sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cách chúng ta suy nghĩ và ra quyết định. Nan đề của con người ngày nay không phải là thiếu thông tin, mà là quá nhiều thông tin, trong đó có vô số thông tin kém chất lượng. Vì thế, kỹ năng cơ bản nhất và là kỹ năng sống còn trong xã hội tương lai là tìm kiếm, đánh giá và chọn lọc thông tin.

Khả năng đặt câu hỏi: Khi tìm kiếm câu trả lời không phải là vấn đề quá khó thì đặt câu hỏi mới là điều quan trọng. Cách đặt câu hỏi, tức là lối suy nghĩ của bạn, sẽ quyết định con đường bạn đi và những việc bạn làm.

Nếu trước một việc bạn chỉ có câu hỏi: Ta sẽ thắng hay sẽ thua? Sẽ được gì hay mất gì? Người khác sẽ đánh giá việc đó như thế nào? thì nhiều khả năng là bạn sẽ mất phần lớn thời gian cuộc đời vào việc che giấu khuyết điểm và chứng tỏ với người khác.

Thay vì thế, nếu bạn đặt câu hỏi việc đó có ý nghĩa gì với mục đích sống của bạn, bạn sẽ tập trung vào việc có thể làm gì để vượt qua nhược điểm và để tất cả tiềm năng của bạn trở thành hiện thực. Vì thế, có khả năng đặt câu hỏi một cách xác đáng là bạn đã đi được một nửa đường rồi.

Khao khát học tập và học suốt đời: Giáo dục chính thống dù tốt đến đâu cũng sẽ không bao giờ là đủ trong bối cảnh tương lai. Mọi kiến thức chúng ta được học sẽ rất nhanh trở nên lạc hậu. Những kỹ năng cần thiết của hôm nay có thể chẳng còn ý nghĩa gì vào ngày mai. Vì thế, người có thể tồn tại và vươn lên được trong tương lai là những người ham học và ít lệ thuộc vào giáo dục chính thống.

Có khả năng truyền cảm hứng, hợp tác và thuyết phục người khác, nói cách khác là có trình độ cao về trí thông minh cảm xúc và kỹ năng giao tiếp. Đây là điều nói lên rõ nhất bản chất xã hội của con người, trong đó tích hợp nhiều năng lực khác nhau.

 Nhà trường của chúng ta được thiết kế dựa trên một giả định cho rằng có những bí quyết cho tất cả mọi thứ trong đời, và chất lượng cuộc sống tùy thuộc vào việc biết nhiều hay ít những bí quyết ấy

Ivan Illich, Deschooling Society (tạm dịch: Giải thoát xã hội khỏi trường học)

Giáo dục trong những thập niên tới

Những đề bài đó khiến hệ thống giáo dục hiện nay buộc phải thay đổi để thích ứng bởi nếu không, nó không còn lý do để tồn tại nữa.

Thay đổi rõ ràng nhất sẽ là mục tiêu giáo dục. Khi giáo dục đã trở thành đại chúng và số người có bằng cấp cao ngày càng nhiều, tấm bằng không còn đủ bảo đảm một tương lai tươi sáng nữa. Mục tiêu học để thi và lấy tấm bằng trong tương lai sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Giáo dục chính thống sẽ phải tập trung vào việc hỗ trợ người học tạo ra những năng lực cơ bản nói trên.

Từ trước đến nay, cả hệ thống giáo dục được xây dựng trên những hứa hẹn hoặc công khai hoặc ngầm ẩn về giá trị của tấm bằng. Nhưng niềm tin ấy không đúng. Thành quả thực sự của việc học không phải là kết quả của việc nghe giảng, mà là của những trải nghiệm cá nhân.

Tony Wagner nói rằng hầu hết các nhà làm chính sách và quản lý giáo dục không biết một tí gì về việc cần phải có lối giáo dục như thế nào để tạo ra những con người có thể suy nghĩ thấu đáo, sáng tạo, giao tiếp hiệu quả và có tinh thần hợp tác, thay vì tạo ra những người chỉ biết làm sao để đạt điểm thi cao trong bài kiểm tra.

Những thay đổi về mục tiêu giáo dục tất yếu sẽ dẫn tới thay đổi trong phương pháp sư phạm, cách đánh giá kết quả học tập và quản lý trường học. Ý tưởng cho rằng phải đến trường mới có thể học được một kiến thức nào đó đang trở nên ngày càng lạc hậu với bất cứ ai tiếp cận được Internet.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc kiểm soát sẽ tạo ra sự tuân thủ (hoặc phản kháng), còn sự tự chủ sẽ tạo ra gắn kết. Điều này đúng với cả người học lẫn người dạy. Thật khó mà tin một sự thật là hệ thống giáo dục ngày nay đang cho thấy chúng ta tin rằng cách tốt nhất để giáo dục trẻ là bắt buộc nó ở trong một môi trường làm cho nó chán nản, buồn bã, lo lắng và cảm thấy đầy áp lực. Sự thật là chính sự cưỡng bức học tập đã giết chết khao khát học hỏi tự nhiên của con người. Nhà trường tương lai nhất thiết phải thoát ra khỏi lối tư duy ấy để không bị đào thải.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận