Công nghệ và ứng phó dịch bệnh: Hỗ trợ đắc lực từ trí tuệ nhân tạo

HOA KIM 22/02/2020 05:02 GMT+7

TTCT - Thời điểm dịch SARS bùng phát vào những năm 2002-2003, Windows XP là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, ổ cứng di động USB vừa mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi, và Nokia là hãng điện thoại bán chạy số 1 toàn cầu. Những tiến bộ công nghệ của 17 năm sau đã thay đổi cách thế giới nhận biết và ứng phó với người “chị em” của SARS - dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV).

Ảnh: Mashable
Ảnh: Mashable

Khi một dịch bệnh “lạ” bùng phát, việc thu thập thông tin về bệnh và điều phối một chiến dịch ứng phó quy mô quốc gia một cách nhanh chóng luôn là thách thức đối với chính phủ và giới chức y tế tại nơi có dịch. 

Nhưng “vũ trang” của các nước trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp do 2019-nCoV đã khác xưa rất nhiều: từ trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị bay không người lái cho đến robot thông minh - công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực đẩy lùi bệnh dịch.

Cách ly thời đại số

Chính quyền một số nơi tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã ứng dụng AI để sàng lọc người có nguy cơ nhiễm 2019-nCoV. Những người thuộc diện nguy cơ cao sẽ nhận được cuộc gọi “hỏi thăm” từ nhà chức trách để kiểm tra các thông tin như danh tính, tình trạng sức khỏe, nơi cư trú…

Những cuộc gọi như thế được thực hiện hoàn toàn bằng AI với khả năng nhận dạng giọng nói, ghi lại và phân tích nội dung câu trả lời để đưa ra khuyến cáo hoàn toàn tự động, theo Xinmin Evening News.

“Dựa vào tình trạng của bạn, bạn được khuyến cáo tự cách ly tại nơi cư trú trong vòng 14 ngày. Chúng tôi sẽ gửi thông tin của bạn cho các trung tâm y tế cộng đồng để tiếp tục theo dõi” - tổng đài thông minh dặn dò một người thuộc diện cần phải cách ly qua điện thoại.

Theo báo SCMP, ứng dụng AI nói trên chỉ mất 5 phút để thực hiện khoảng 200 cuộc gọi cùng lúc, trong khi một tổng đài viên thông thường có thể mất 2-3 giờ để hoàn thành khối lượng công việc tương tự. “Nhân viên ảo” này còn có khả năng phân loại thông tin và hoàn thiện báo cáo trong tích tắc, giúp đẩy nhanh quá trình theo dõi sự lây lan của virus, theo truyền thông Trung Quốc.

Robot tự hành cũng được sử dụng ở quốc gia tỉ dân này để thay thế nhân công làm việc bên trong khu vực cách ly nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Như robot vệ sinh do Công ty công nghệ Shanghai Lingzhi Technology phát triển có thể hoạt động liên tục trong 3 giờ để phun thuốc khử khuẩn tại bệnh viện.

Tại một khách sạn ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), robot mang tên Little Peanut được sử dụng để giao thức ăn và thuốc đến tận phòng của những người bị cách ly.

“Chúc quý khách ngon miệng. Nếu cần gì thêm, xin quý khách vui lòng nhắn tin cho nhân viên khách sạn thông qua ứng dụng WeChat” - có thể xem Little Peanut “trò chuyện” với khách trong đoạn video được truyền thông Trung Quốc đăng tải. Những robot tương tự được bố trí tại 16 tầng của khách sạn, hạn chế tối đa tiếp xúc gần giữa nhân viên và người bị cách ly, theo Reuters.

Công nghệ không chỉ được ứng dụng trong chống dịch ở những thành phố hiện đại. Tại những vùng hẻo lánh hơn, chính quyền địa phương đã bắt đầu sử dụng flycam có trang bị loa để giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh của người dân nơi công cộng.

Trong video được trang Twitter của báo Global Times chia sẻ, một phụ nữ lớn tuổi ở khu tự trị Nội Mông bị giọng nói phát ra từ flycam “nhắc nhở” vì ra đường mà không đeo khẩu trang: “Bà nên về nhà và nhớ rửa tay nhé”.

Đáp lại lời kêu gọi từ Trung Quan Thôn - được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc nằm ở quận Hải Điến, Bắc Kinh - các công ty công nghệ đã trình làng nhiều hệ thống AI giúp chính quyền các thành phố lớn giải quyết bài toán kiểm tra thân nhiệt hành khách tại các sân bay và nhà ga, nơi có lượng hành khách khổng lồ khiến các thiết bị đo thân nhiệt cầm tay, hay thậm chí máy quét thân nhiệt, hoạt động kém hiệu quả.

Một thách thức lớn của máy quét thân nhiệt là xác định đối tượng có thân nhiệt cao mà máy phát hiện là hành khách nào giữa biển người di chuyển trong sân ga. Hệ thống AI do Công ty Megvii phát triển có thể đo thân nhiệt hành khách ở cự ly trên 3m với sai số 0,3oC, theo Tân Hoa xã.

Khi một hành khách bị nghi ngờ có triệu chứng sốt, hệ thống tự động phát đi cảnh báo, công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp lực lượng chức năng nhanh chóng định vị chính xác đối tượng để tiến hành cách ly.

Theo Megvii, hệ thống của họ có thể phát đi 15 cảnh báo mỗi giây, và một hệ thống duy nhất có thể kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại 16 làn di chuyển khác nhau mà chỉ cần một nhân viên túc trực để vận hành.

Tại ga xe lửa Thanh Hà ở Bắc Kinh, nơi đón hơn 30.000 lượt hành khách mỗi ngày vào mùa cao điểm, hệ thống quét thân nhiệt AI của Công ty Baidu được triển khai từ ngày 1-2 cũng cho phép đo thân nhiệt số lượng lớn hành khách với sai số cực nhỏ - chỉ 0,05oC.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Giữa lúc dân chúng hoang mang về nguy cơ lây nhiễm, Công ty Internet của Trung Quốc Qihoo 360 đã bắt tay với một công ty công nghệ khác là NoSugar Tech để trình làng nền tảng cho phép người dùng kiểm tra lịch sử đi lại để xem họ từng ngồi cùng chuyến bay hoặc tàu với người đã được xác nhận nhiễm virus corona hay chưa, theo SCMP.

Người dùng chỉ phải nhập ngày giờ, mã hiệu chuyến bay hoặc tàu vào nền tảng là có thể biết những trường hợp xác nhận nhiễm virus trên cả nước có cùng hành trình với mình hay không, dựa trên lịch sử di chuyển mà các bệnh nhân này khai báo với cơ quan chức năng.

NoSugar Tech thu thập thông tin từ các nguồn chính thống như đài truyền hình quốc gia và hãng thông tấn nhà nước để nạp vào kho dữ liệu dùng để đối chiếu. Trong khi đó, công nghệ AI và big data của Qihoo 360 đảm bảo những thông tin trên hệ thống luôn là mới nhất và đáng tin cậy nhất. Theo truyền thông Trung Quốc, dịch vụ này thu hút hơn 21 triệu người dùng chỉ trong 2 ngày sau khi ra mắt.

AI còn có thể giúp dự báo sớm dịch bệnh. Như trường hợp của 2019-nCoV, hãng công nghệ chuyên về sức khỏe công cộng BlueDot của Canada cho biết họ đã tiến hành “giám sát bệnh truyền nhiễm tự động” bằng công nghệ AI và phát đi cảnh báo đến khách hàng về một chủng mới của virus corona từ cuối tháng 12-2019.

Vài ngày sau đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra lưu ý chính thức đầu tiên về chủng virus mới này, theo WIRED.

Kamran Khan - nhà sáng lập và CEO của BlueDot, đồng thời là một bác sĩ bệnh truyền nhiễm - cho biết hệ thống cảnh báo sớm của công ty sử dụng AI với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy.

AI này có thể đọc và phân tích khoảng 100.000 bài báo được viết bằng 65 ngôn ngữ khác nhau mỗi ngày để theo dõi hơn 100 bệnh truyền nhiễm. Dữ liệu thu thập được cho phép công ty cảnh báo với khách hàng về sự xuất hiện một bệnh mới hoặc lây lan của một bệnh đã biết.

Tất nhiên, những kết quả do máy tính đưa ra phải được kiểm định bởi đội ngũ nghiên cứu trước khi đến tay khách hàng. Mục tiêu là đưa thông tin đến những người trong ngành y tế càng sớm càng tốt để cách ly kịp thời những trường hợp nghi mắc bệnh.

“Thông tin chính thức không phải lúc nào cũng kịp thời” - Khan nói với trang tin công nghệ Recode. Hệ thống cảnh báo sớm còn sử dụng nhiều dữ liệu khác về khí hậu, nhiệt độ hay thậm chí là quy mô đàn gia súc, gia cầm ở địa phương để dự báo khả năng bùng phát dịch.

Theo Khan, năm 2016 BlueDot đã dự báo chính xác sự xuất hiện của virus Zika ở bang Florida của Mỹ 6 tháng trước khi virus này được ghi nhận trên thực tế.

AI còn là cánh tay đắc lực của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu virus corona chủng mới. Gã khổng lồ Baidu tuyên bố sẵn sàng cung cấp thuật toán phân tích trình tự ARN mang tên LinearFold của mình cho các công ty thí nghiệm gen, trung tâm dự phòng dịch bệnh và các viện nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới để đối phó với 2019-nCoV. Công ty cho biết thuật toán của họ cho phép rút ngắn thời gian phân tích cấu trúc bậc hai ARN của virus corona xuống còn 27 giây so với thời gian thông thường là gần 1 giờ.

Tương tự, công ty theo dõi dịch bệnh Metabiota có trụ sở tại San Francisco từng đánh giá Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan là những quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ lây nhiễm chủng virus corona mới cao nhất, một tuần trước khi các ca mắc đầu tiên được ghi nhận tại những nơi này.

Đến nay, cả 4 đều nằm trong top 6 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục có số ca xác nhận nhiễm 2019-nCoV cao nhất thế giới. Giống như BlueDot, Metabiota cho biết AI của họ tổng hợp và phân tích thông tin trên báo chí về dịch bệnh để đưa ra cảnh báo.

Công ty này cũng đang nghiên cứu phát triển công nghệ tương tự dành cho các thông tin lấy từ mạng xã hội cũng như làm việc cùng Chính phủ Mỹ và các công ty bảo hiểm để đánh giá các rủi ro tài chính của dịch bệnh.■

Theo trang TechInAsia, dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người Trung Quốc bị “mắc kẹt” trong chính nhà mình. Các công ty công nghệ cũng buộc phải sáng tạo để có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người dùng trong thời bệnh.

Dễ đoán các dịch vụ giao đồ ăn qua app sẽ bận rộn trong thời điểm không ai muốn ra khỏi nhà. Vì người giao hàng cũng sợ dính bệnh, Công ty Meituan đã ra mắt dịch vụ giao hàng qua app “không tiếp xúc”: thức ăn sẽ được nhân viên mua và đặt tại các điểm quy định, người mua chỉ việc đến lấy.

KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc cũng có dịch vụ tương tự, và ngay cả các sàn thương mại điện tử cũng đã có “giao hàng không tiếp xúc”, theo Bộ Thương mại Trung Quốc. Ngoài ra, các lớp học cũng được chuyển thành học trực tuyến, người dân đăng ký các dịch vụ xem phim trực tuyến thay vì ra rạp, và lượt tải các game di động tăng đột biến vì người dân giam mình trong nhà muốn tìm cách diệt buồn chán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận