Kẻ tử thù mới của thể thao thế giới

HUY ĐĂNG - KHƯƠNG XUÂN 28/02/2020 21:02 GMT+7

TTCT - Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra vào tháng 7, nhưng giờ phải bàn chuyện hoãn. Nhiều giải bóng đá đã ngưng giữa chừng. Các nhà tổ chức giải chạy bộ thì kêu trời vì không phải cứ hoãn là xong…

Cuối tuần rồi, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã ra thông báo hoãn chương trình huấn luyện cho các tình nguyện viên vì e ngại tình hình dịch bệnh. Đó cũng là lần đầu tiên các quan chức thể thao Nhật Bản có động thái sau những mối đe dọa từ COVID-19.

Hoãn Olympic?

“Là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19, chúng tôi quyết định tạm hoãn các hoạt động huấn luyện tình nguyện viên thời gian tới. Chúng tôi sẽ đánh giá mức độ cần thiết với từng sự kiện xoay quanh Olympic trong các trường hợp cụ thể” - ban tổ chức Tokyo 2020 đưa ra thông báo.

Olympic Tokyo 2020 đứng trước nguy cơ hoãn vì dịch COVID-19. Ảnh: CNBC
Olympic Tokyo 2020 đứng trước nguy cơ hoãn vì dịch COVID-19. Ảnh: CNBC

Quyết định này một lần nữa làm dấy lên làn sóng kêu gọi hoãn hoặc dời địa điểm tổ chức Olympic 2020 - dự kiến diễn ra từ ngày 24-7 đến 9-8 tại Tokyo. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, truyền thông Tây phương đã liên tục tỏ ra quan ngại về khả năng tổ chức Olympic mùa hè năm nay ở Nhật - hiện là một trong những quốc gia có nhiều ca nhiễm bệnh nhất. 

Trước nhiều đồn đoán, cách đây hai tuần, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và phía Tokyo đã lên tiếng khẳng định sẽ không hoãn hay hủy bỏ Olympic 2020.

Nhưng tình hình từ đó tới nay đã chuyển biến nhanh chóng với một tâm điểm dịch bệnh mới là Hàn Quốc, một láng giềng khác của Nhật Bản. Với việc dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều người đã kêu gọi Tokyo nên cân nhắc về việc tổ chức thế vận hội. Nhiều giải thể thao ở Trung Quốc và Hàn Quốc trong khoảng thời gian tháng 3-4 đã bị hoãn.

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike thì thông báo hoãn nhiều sự kiện liên quan đến thực phẩm ở Tokyo trong thời gian tới. Các giải đấu thể thao ở Tokyo tuy chưa bị hủy bỏ hay hoãn lại nhưng cũng phải thay đổi nhiều về cách thức tổ chức. Giải marathon Tokyo diễn ra ngày 1-3 tới phải thu hẹp đối tượng tham dự, chỉ giới hạn các VĐV hàng đầu mới được đăng ký. Còn giải thử nghiệm dành cho Paralympic 2020 thì không cho phép các VĐV nước ngoài tham dự.

Shaun Bailey - ứng viên tranh cử chức thị trưởng London - thậm chí còn đưa ra phương án chọn một địa điểm an toàn thay thế Tokyo trong vai trò chủ nhà Olympic 2020. “Chúng tôi có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm. Thế giới có thể cần đến chúng tôi. Trong trường hợp cần thiết, London, như trong suốt lịch sử, sẽ sẵn sàng đón nhận trách nhiệm này” - ông Bailey thông báo.

London là thành phố chủ nhà Olympic 2012 và ý tưởng của ông Bailey - dù rất có thể chỉ là một chiêu bài tranh cử - không phải hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên, gần đây nhất, chính quyền Tokyo và Nhật Bản đã một lần nữa khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch tổ chức Olympic. “Tôi cho rằng tình hình chưa tới mức đó” - bà Koike nói đơn giản trước ý tưởng của ông Bailey. Phía IOC cũng khẳng định “Olympic Tokyo 2020 vẫn đang nằm trong kế hoạch ban đầu”.

Đối mặt thiệt hại

Có thể hiểu được động thái của Nhật Bản và IOC khi vẫn còn 5 tháng nữa Olympic mới khai mạc. Năm 2016, Brazil cũng từng gióng hồi chuông báo động về virus Zika, nhưng rồi Olympic Rio de Janeiro vẫn diễn ra bình thường vào tháng 8. Tất nhiên, dịch Zika năm đó không nguy hiểm và bùng phát như COVID-19 hiện tại.

Từ lúc này, ban tổ chức Olympic Tokyo đã có thể tính toán đến những thiệt hại mà COVID-19 sẽ gây ra cho kỳ thế vận hội của họ, đặc biệt là ở khía cạnh tài chính. Giả sử đại dịch này kết thúc trước tháng 6 và không khiến Olympic bị hoãn, vấn đề khách du lịch Trung Quốc chắc chắn vẫn gây ra nhiều tổn thất.

Nhiều năm qua, du khách Trung Quốc thực sự là một “mỏ vàng” với các kỳ đại hội thể thao. Ở Olympic Rio de Janeiro 2016, dù khoảng cách địa lý rất xa, vẫn có khoảng 3.000 du khách Trung Quốc tới Brazil theo dõi thế vận hội. Đến Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, có khoảng 200.000 du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc, chiếm 26% trong tổng số du khách nước ngoài của giải đấu.

Với diễn biến hiện tại của dịch COVID-19, dù Olympic Tokyo có được đảm bảo an toàn, chắc chắn nguồn thu bị giảm mạnh khi số du khách Trung Quốc sụt giảm, thậm chí không có một ai. Ngoài ra còn có du khách Hàn Quốc, Singapore và cả các nước châu Âu như Ý, cũng sẽ bị hạn chế.

Để tạm hình dung, ban tổ chức Giải đua xe công thức I nói họ thiệt hại khoảng 40 triệu đôla sau khi chặng đua ở Trung Quốc bị hoãn. Với một kỳ đại hội lớn như Olympic, con số sẽ còn lớn hơn. Kể từ sau Thế chiến II, chuyện hoãn hay đổi địa điểm đăng cai Olympic sát giờ G cũng không có tiền lệ.

Các nhà tổ chức chạy bộ “lãnh đủ”

Ở VN, hàng chục giải chạy bộ với quy mô hàng ngàn người tham dự đã phải lùi thời điểm tổ chức, hoặc hoãn vô thời hạn vì dịch COVID-19. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các VĐV đã bỏ tiền đăng ký dự giải mà còn khiến các đơn vị tổ chức khốn đốn.

Thông thường, để tham dự các giải chạy, VĐV phải đăng ký trước 3-6 tháng, thậm chí sớm hơn. Khi làm thủ tục đăng ký, VĐV đã phải nộp lệ phí tham dự trung bình từ vài trăm đến vài triệu đồng/giải tùy cự ly, quy mô và phương thức tổ chức. VĐV cũng phải lên giáo án tập luyện, đặt khách sạn, vé máy bay hoặc tàu, xe, bố trí thời gian để tham dự giải... Năm 2020 có hơn 20 giải chạy lớn ở VN. Mỗi giải diễn ra vào thời điểm nào đều được tính toán rất kỹ nên không phải muốn hoãn là được, vì khi đó các giải sẽ đụng lịch, gây khó cho việc tổ chức, tài trợ và cả người tham gia!

Có thể điểm qua một số giải chạy bộ đã bị lùi thời điểm tổ chức trong thời gian qua như Giải leo núi Non Vua (2-2) tại Bắc Giang đã bị đẩy lùi sang tháng 10-2020, Giải chạy bộ vượt chướng ngại vật Spartan Race Vietnam (15-2) tại TP.HCM bị lùi sang 16-5, Giải bán marathon Tây Hồ 16-2 tại Hà Nội bị lùi sang 12-7, Giải Sun Life Resolution Run (23-2) tại TP.HCM bị lùi vô thời hạn, Giải Wow Marathon Phú Quốc (1-3) bị lùi đến 2-5, Giải Ultra Trail Đà Lạt 2020 (từ 13 tới 15-3) bị lùi đến 19 tới 21-6, Giải Mekong Delta Marathon 2020 (19-4) tại Hậu Giang lùi đến 11-10...■

Bóng đá Ý điêu đứng

Serie A phải hoãn nhiều trận diễn ra ở hai vùng Veneto và Lombardy - nơi có người chết vì COVID-19. Có đến năm đội đang chơi ở Serie A thuộc hai vùng này gồm Inter Milan, AC Milan, Atalanta, Brescia (Lombardy) và Verona (Veneto). Trong đó Inter và Atalanta hiện đang chơi ở đấu trường châu lục.

Tình trạng của nhiều đội bóng ở Ý cũng gây ra hoang mang cho cộng đồng bóng đá châu Âu. Kể cả khi hai đội Inter và Atalanta đến thi đấu sân khách (Atalanta sẽ đá trên sân Valencia ở Champions League vào tuần tới), thì việc có hàng ngàn CĐV Ý vượt qua biên giới cũng gây nhiều lo ngại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận