Malaysia: Ân oán xưa thâm sâu...

DANH ĐỨC 13/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Cuối cùng thì một chính phủ mới ở Malaysia cũng đã được công bố với đặc điểm là không có ghế phó thủ tướng nào, như để phòng ngừa hậu họa đã có... tiền lệ là phó thủ tướng cứ sáng chói đe dọa tới cả thủ tướng, như thời ông Anwar Ibrahim và ông Mahathir Mohamad đã hơn 20 năm về trước.

Hai ông Muhyiddin (trái) và Mahathir thời còn mặn nồng. Ảnh: The Straits Times
Hai ông Muhyiddin (trái) và Mahathir thời còn mặn nồng. Ảnh: The Straits Times

Tới đầu giờ chiều thứ hai 9-3, tờ Free Malaysia Today vẫn còn chạy tít “Muhyiddin tìm cách gặp Mahathir”, đăng lúc 5h07 chiều hôm trước, kèm câu trả lời của ông Mahathir ba tiếng sau (8h05 tối): “Tiến sĩ M nhắn gửi Muhyiddin: Cắt đứt quan hệ với (đảng) Umno tham nhũng trước đi”. 

Tất cả cho thấy đang có dùng dằng giữa tân thủ tướng 73 tuổi Muhyiddin vừa được quốc vương Malaysia bổ nhiệm hôm 28-2 với ông thủ tướng 94 tuổi vừa tự ý từ chức hôm 24-2. Sự dùng dằng đó giải thích tại sao 8 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức (vào ngày 1-3), tân thủ tướng Muhyiddin Yassin vẫn chưa công bố được thành phần chính phủ mới.

Về mặt kỹ thuật, hệ thống đa đảng kiểu Malaysia rất phức tạp. Ông Muhyiddin phải liên hệ với đủ các đảng mà ông dự trù sẽ tiếp tục tạo thành phe đa số trong Hạ viện thuộc liên minh Pakatan Harapan, để đàm phán chia chác các ghế trong nội các sao cho hội đủ số đại biểu Quốc hội.

Chia chác xong xuôi, mới có thể công bố danh sách chính phủ gồm những ai, và thuộc đảng nào. Nhưng lý do còn quan trọng hơn là bởi tân thủ tướng đang bị “trưởng lão” Mahathir cản bước bằng cách ra điều kiện nói ông Muhyiddin phải từ bỏ Umno.

...Làm sao bình tâm phủi hết?

Tuần lễ cuối tháng 2 vừa qua là bảy ngày của những đảo điên “không biết đâu mà lần” trên chính trường Malaysia, vốn tưởng là đã yên ổn sau cuộc bầu cử ngày 18-5-2018 sau khi liên minh Pakatan Harapan (PH, tức “hi vọng”) thắng cử với chiêu bài “Malaysia Baru” (Malaysia dân chủ và không tham nhũng), qua đó hạ bệ được Đảng Barisan Nasional (BN, Mặt trận quốc gia) đã cầm quyền suốt 61 năm từ khi lập quốc.

PH chiến thắng nhờ phần lớn vào hình ảnh cá nhân của lãnh tụ cựu trào Mahathir, người công khai thách thức thủ tướng đương quyền lúc đó Najib Razak, thề rằng sẽ đưa ông này ra tòa vì tội tham nhũng. Ông Mahathir đã thắng một canh bạc được ăn cả. Ông không chỉ lên làm thủ tướng, mà còn đưa ông Najib xộ khám với cáo buộc biển thủ của công những 700 triệu đôla qua một quỹ đầu tư quốc doanh.

Đang ngon trớn, bỗng dưng liên minh PH tan rã trong tích tắc khi ông Mahathir bất ngờ đánh lá bài từ chức. Điều gì đã xảy ra buộc ông Mahathir phải sử dụng “đòn hi sinh”? Trên bề nổi, có vẻ đang có những thúc hối ông Mahathir thực hiện lời hứa trước cuộc bầu cử là sẽ chỉ tạm thời nhận chức thủ tướng, rồi sẽ nhường chỗ cho ông Anwar Ibrahim, một chính khách gạo cội từng theo phò ông Mahathir từ thời xa xưa, song cũng phải ngồi tù chính dưới thời ông Mahathir năm 1997 vì một tội danh khó tin: “kê gian” (quan hệ tình dục kiểu “phi truyền thống” là bất hợp pháp ở đất nước Hồi giáo Malaysia).

Ông Anwar “bóc lịch” tới năm 2004, ra tù lại làm chính trị, và đến năm 2015 lại vào tù tiếp, cũng vì tội danh trên (!), dù lần này là dưới trào thủ tướng Najib. Đến tháng 5-2018, ông được ân xá, rồi đắc cử đại biểu Quốc hội đơn vị Fort Dixon.

Thế là ông Mahathir cứ giữ chức thủ tướng, còn ông Anwar thì cứ “yên tâm tư tưởng” làm đại biểu Quốc hội, đừng thắc mắc bao giờ sẽ được “nhường ngôi”, bất chấp lời hứa trước bầu cử. Càng sắp đến cái mốc hai năm tính từ ngày ông Mahathir nhậm chức (14-7-2018), càng nổi lên những tiếng bấc tiếng chì từ liên minh Umno cầm quyền cũ, nay thành phe đối lập, lẫn trong nội bộ PH cầm quyền, khiến ông Mahathir lên tiếng sẽ trao quyền cho ông Anwar sau khi Malaysia tổ chức xong hội nghị APEC tại Kuala Lumpur vào tháng 11 tới (ngược lại, cũng có những tiếng nói trong PH nài nỉ ông Mahathir làm hết nhiệm kỳ 5 năm).

Thiệt ra, không nhất thiết phải là một chuyên gia về chính trường Malaysia mới hoài nghi lời hứa bàn giao của ông Mahathir hoặc ông Anwar thực tâm tin lời hứa ấy. Lẽ thường cũng khiến người ta nghĩ rằng sau chừng ấy năm thân bại danh liệt của một đời người, ông Anwar khó mà thôi oán hận.

Nói chung, tình hình là rất... lộn xộn. Mới cuối tháng 2, ông Mahathir còn nói ông sẽ nắm quyền tới tháng 11, và ngay cả sau đó ông vẫn có thể chưa chuyển giao. Ông Anwar thì thừa nhận ông “sẽ phải kiên nhẫn”.

Nhưng đến 24-2, ông Mahathir lại đột ngột tuyên bố từ chức với lý do đã không còn được liên minh cầm quyền ủng hộ, đồng nghĩa có vẻ đã xảy ra đảo chính trong PH, mà gương mặt của phe “sĩ quan trẻ” muốn lật “ông già thủ cựu” chính là Muhyiddin.

Trong khoảng hai tuần từ 24-2 tới 9-3 vừa qua, phe cầm quyền đã nghiêng ngả giữa Mahathir, Anwar và Muhyiddin cho tới khi quốc vương tuyên bố ông Muhyiddin là thủ tướng, rồi giờ nội các mới đã ra mắt.

Từ giờ trở đi sẽ là cuộc đấu giữa tân thủ tướng một bên và Mahathir - Anwar (cũng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng) bên kia. Ông Mahathir từng bác bỏ tuyên bố của ông Muhyiddin rằng ông đã được đa số trong Quốc hội ủng hộ và tuyên bố sẽ kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm ông này ngay khi Quốc hội họp lại, dự kiến là 18-5.

Dân tình chán ngán

Có một thực tế rõ như ban ngày là khi quyết định từ chức thủ tướng và rút Đảng Bersatu của mình ra khỏi liên minh cầm quyền PH, ông Mahathir cũng đã rút theo 26 ghế trong Quốc hội của đảng này. Và không phải ngẫu nhiên mà ông Muhyiddin bị gọi là “kẻ bội phản”: ông chính là phó chủ tịch Bersatu cho ông Mahathir khi đảng này thành lập năm 2016, lúc ông Mahathir rời Umno.

Ông “chuẩn” thủ tướng Anwar cũng rút 11 đại biểu Quốc hội thuộc Đảng Keadilan của ông. Đùng một cái, liên minh cầm quyền PH bỗng dưng hụt mất 37 ghế, không hội đủ 112 ghế để chiếm đa số trong Hạ viện 222 ghế. Thiếu hai đảng đó, ông Muhyiddin phải quay sang viện tới sự ủng hộ của Umno, điều giải thích cho cả hai nhận định về ông: “kẻ thay áo” và “người được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ nhất”.

Càng phức tạp hơn bởi có tin ông Mahathir đang tính thành lập một liên minh mới nhằm loại bỏ ông Anwar khỏi vai trò “kế vị”. Tờ South China Morning Post 29-2 tóm tắt diễn biến bằng tựa đề: “Ông Mahathir thí quân để giữ ván cờ trò chơi quyền lực”.

Theo đó, pha từ chức của ông Mahathir lúc đầu có vẻ là một kế hoạch thông minh sẽ làm ông hùng mạnh hơn. Song, giờ nhìn lại giống như một nước cờ lạc quẻ. “Nếu có một quy tắc bất di bất dịch trong trò chơi vương quyền ở Malaysia, thì nó là thế này: đừng bao giờ tin rằng ông ta [Mahathir] sẽ ra đi”.

Nhận xét trên của SCMP rằng ông Mahathir “tự thí” đặng xóa bài làm lại cũng tương đồng với một số dư luận báo chí Malaysia. Tờ Free Malaysia Today 27-2 chạy tít tương tự: “Mahathir, cuộc khủng hoảng do chính ông ta tạo ra”. Có vẻ như một phần dư luận Malaysia - nhiều ít chưa rõ - không ham hố trò chơi vương quyền ngoài đời thực như loạt phim HBO rất ăn khách ở xứ này.

Cũng Free Malaysia Today ngày 4-3 đăng một bài của nữ tiến sĩ Sharifah Munirah Alatas trong chuyên mục “Ý kiến” tỏ rõ sự chán ngán đó: “Những diễn biến chính trị gần đây gây ra sự đổ vỡ không cần thiết. Việc tìm hiểu tại sao một số nhà lãnh đạo chính trị đã làm những gì họ làm không còn quan trọng nữa. Bản thân tôi không còn quan tâm xem liên minh nào cai trị”.

Bà mô tả một thực tế mới: “Người dân bây giờ quan tâm nhất đến việc mấy ông, mấy bà trong chính phủ cư xử sao cho có đạo đức. Thật không may, lịch sử chính trị của chúng ta cho đến giờ hoàn toàn bất cần ước nguyện này.

Quả là thất vọng, chán nản và nhục nhã!”. Bà kết lại bằng một lời kêu gọi: “Làm ơn, đừng chơi trò “chính chị chính em” nữa, đừng mưu mô thủ đoạn nữa, đừng hận thù nữa. Chúng tôi kêu gọi quý vị hợp tác với nhau và đưa Malaysia ra khỏi tình trạng khó khăn hiện thời”.

Không nặng lời như thế, tờ New Strait Times sáng 10-3 đăng một bài bình luận nhẹ nhàng hơn: “Ừ thì chính phủ nào cũng được, nhưng phải nhớ tới dân tình”. Đầu tiên là vấn đề dịch tễ đang đe dọa Malaysia, quốc gia Đông Nam Á bị COVID-19 đe dọa nhiều thứ hai sau Singapore, với 119 ca nhiễm.

Kế đến, bài báo nói “ông nhà nước” mới sẽ phải đối mặt các khó khăn kinh tế: “Tình trạng không chắc chắn chính trị kéo dài từ cuối năm ngoái và sự đứt gãy chuỗi cung ứng bởi COVID-19 đòi hỏi tư duy lớn lao. Gói kích cầu là một khởi đầu. Song, để Malaysia tiến về phía trước đòi hỏi nhiều hơn thế. Cuộc sống sau COVID-19 phải được tính đến”. Và nhiệm vụ cấp bách ngay lúc này: “Thị trường tài chính đang đầy lo âu...

Chính sách kinh tế phải được xem xét lại. Nhưng trước tiên, cuộc tranh luận xem nên nghiêng về chính sách tiền tệ hay tài khóa làm liều thuốc giải cho nền kinh tế đang bị COVID-19 tấn công cần phải được nhanh chóng giải quyết”.

Tóm lại, tranh chấp cho đã, giờ có quyền rồi thì phải làm sao cho dân tình yên ổn, chứ giỏi giành giật ghế ngồi, mà không yên được dân thì cũng chẳng thể ngồi lâu đâu!■

Khi ông Muhyiddin, một người Hồi giáo sắc tộc Malay bảo thủ cố cựu, nghe tin mình được chọn làm thủ tướng, ông đã quỳ xuống sàn cầu nguyện. Đoạn video về lòng sùng đạo của ông nhanh chóng lan truyền trên mạng tại Malaysia. Một số nhà quan sát nhận định ông là người có chính sách “người Malay trên hết”.

“Ông ấy nhiều khả năng sẽ hướng đất nước theo con đường bảo thủ hơn, ưu tiên cho người Malay hơn, và Hồi giáo hơn” - James Chin, giám đốc Viện châu Á Tasmania ở Đại học Tasmania, Úc, bình luận. Người Malay, chiếm 69% dân số Malaysia, được hưởng nhiều ưu tiên trong chính sách xã hội dựa trên sắc tộc suốt từ khi lập quốc.

Năm 2018, ông Mahathir đã xây dựng một nội các cởi mở chưa từng thấy, với các bộ trưởng người Sikh, người Hoa, và người Tamil Malaysia chiếm hơn 40% chính phủ, so với dưới 20% của chính quyền trước. Ông Muhyiddin còn là con trai của một giáo sĩ đạo Hồi nổi tiếng và có cơ sở chính trị là Đảng Hồi giáo Liên Malaysia (PAS), vốn từng đề xuất đưa các luật Hồi nghiêm ngặt vào luật hình sự, như ném đá người phạm tội ngoại tình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận