Bác sĩ gia đình ở CuBa:Tuyến quan trọng nhất trong phòng chống dịch bệnh

QUỐC NAM 22/03/2020 22:03 GMT+7

Vốn có nền khí hậu nhiệt đới giống Việt Nam và là nước có nền kinh tế chưa phát triển, nhưng Cuba đang được xem là một trong những quốc gia có nền y tế công cộng ưu việt nhất thế giới. Lý do quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt này là ở mô hình ‘‘bác sĩ gia đình’’.

Bác sĩ Piter Martinez Benitez. QUỐC NAM
Bác sĩ Piter Martinez Benitez. QUỐC NAM

Piter Martinez Benitez là bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp. Ông từ Cuba đến Quảng Bình làm việc theo diện chuyên gia tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới từ đầu năm 2018. Gần ba năm làm việc ở Việt Nam giúp ông nhìn nhận khá rõ sự khác nhau giữa nền y tế công cộng của hai nước Việt Nam và Cuba. Trong đó, mô hình “bác sĩ gia đình” (BSGĐ) là sự khác biệt quan trọng nhất.

Y tế gia đình là “chìa khóa”

“Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Quảng Bình là cánh cổng di tích Quảng Bình Quan ở rìa phía nam thành phố, dẫn thẳng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, một bệnh viện cấp 1, cấp trung ương - ông nói với tôi - Cũng thế, ta có thể hình dung BSGĐ là cánh cổng đầu tiên để đến với hệ thống y tế quốc gia ở Cuba”.

Piter nói rằng sau nhiều năm bị cấm vận, Cuba cũng không khác Việt Nam nhiều ở điểm xuất phát vô cùng thấp của nền kinh tế. Năm 1981, ở Cuba bùng phát một đại dịch sốt xuất huyết, làm chết hơn 100 trẻ em. “Từ đại dịch này, chúng tôi bắt đầu xây dựng những viên gạch đầu tiên của nền y tế công cộng quốc gia” - ông nhớ lại.

Sau đại dịch này, năm 1983-1984, Cuba bắt đầu thay đổi hệ thống y tế. Điều khác biệt nằm ở chỗ: đó hoàn toàn là một hệ thống y tế công, và hệ thống y tế công này bắt đầu từ y tế gia đình. Kể từ đây, chính y tế gia đình đã giúp y tế Cuba lên tới đỉnh cao của y học thế giới.

Trong nền y tế gồm 3 cấp của Cuba, y tế gia đình là cấp quan trọng nhất. Cấp điều trị và cấp nghiên cứu ở trên thường chỉ mang tính hỗ trợ, bổ sung. Trong y tế gia đình, hệ thống BSGĐ được xem là sáng tạo mang lại hiệu quả cao nhất. Mỗi khu vực có một văn phòng chăm sóc sức khỏe. Tại đây luôn có một bác sĩ và một y tá. Những người này sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100 gia đình với 700-1.000 người.

Những văn phòng y tế gia đình này không nhất thiết được phân chia theo địa giới hành chính, mà chia theo khu vực dân cư. “BSGĐ ở ngay trong mỗi khu dân cư. Bác sĩ vừa là bạn, là thành viên của khu dân cư đó nên người này sẽ nắm hết tiền sử bệnh của toàn bộ người dân trong khu vực mình được phân công.

Bao nhiêu người bị bệnh về huyết áp, bao nhiêu trẻ em, bao nhiêu người già, bao nhiêu người mang thai… BSGĐ sẽ kiểm soát hết nguồn bệnh để khi một người có triệu chứng bệnh, bác sĩ không mất nhiều thời gian tìm nguyên nhân và có ngay giải pháp điều trị phù hợp nhất sau đó” - ông giải thích.

Bác sĩ Piter Martinez Benitez khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: QUỐC NAM
Bác sĩ Piter Martinez Benitez khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Ảnh: QUỐC NAM

Kiểm soát bệnh từ gốc

Cũng theo Piter, ở Cuba không tồn tại y tế tư nhân. Toàn bộ hệ thống y tế đều là y tế công và hoàn toàn miễn phí. Chính việc được miễn phí toàn bộ này tạo ra sự tận tâm của y bác sĩ. Từ khi thay đổi hệ thống y tế, Cuba luôn kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Trong vài thập niên gần đây, Cuba rất ít khi để dịch bệnh xảy ra. “Y tế Cuba luôn kiểm soát dịch bệnh từ gốc” - ông cho biết.

Để có được sự kiểm soát từ gốc đó, theo Piter, ngoài nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực dân cư được phân công, hệ thống BSGĐ ở Cuba còn kiêm luôn việc quản lý môi trường trong khu vực đó để bảo vệ sức khỏe cho người dân và ngăn ngừa dịch bệnh. BSGĐ thường xuyên đến thăm khám cho các gia đình.

Công tác dự phòng cũng được thực hiện ngay trong những chuyến đi đó. Bất cứ bất thường nào trong sinh hoạt và môi trường sống của người dân đều được BSGĐ phát hiện và điều chỉnh ngay từ đầu. BSGĐ cũng thường xuyên có những cuộc họp với người dân trong khu vực của mình để hướng dẫn cách sinh hoạt và tạo ra môi trường sống an toàn.

BSGĐ ở Cuba là cấp y tế thấp nhất, nhưng không phải vì thế mà có khoảng cách về mặt chuyên môn. Hệ thống BSGĐ ở Cuba đều gồm những bác sĩ chính quy được đào tạo theo chương trình chuẩn 6 năm của bác sĩ. Và để trở thành BSGĐ, những bác sĩ này còn phải được đào tạo thêm 3 năm nữa.

“Họ là bác sĩ của mọi gia đình, mọi loại bệnh, nên đó là lý do phải học thêm nhiều năm như thế” - Piter giải thích. Lương của BSGĐ ở Cuba không cao nhưng ở một nền y tế công và miễn phí hoàn toàn, họ có thể tập trung hoàn toàn tâm trí cho các vấn đề chuyên môn. “Không ai xem việc khám bệnh như một cách kinh doanh và luôn làm việc bằng tâm huyết, đó chính là lý do đưa nền y tế Cuba lên hàng cao nhất thế giới” - Piter tự hào.

Khi đặt trọng tâm vào y tế cơ sở, tức là các văn phòng BSGĐ, Cuba có thể giải quyết được 90% tình trạng bệnh. Và đó là một hệ thống được tổ chức chặt chẽ với sự tham gia của chính phủ, liên kết giữa các tuyến. Các BSGĐ có mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với phòng khám khu vực. Phòng khám này lại có liên hệ chặt với các tuyến trên.

Các văn phòng BSGĐ hiện chỉ được trang bị thiết bị khám chữa bệnh rất đơn giản, nhưng Piter nói điều quan trọng hơn hết là hiệu quả của việc khám lâm sàng. Sự bám sát thường xuyên ở khu dân cư của các BSGĐ quyết định phần lớn hiệu quả điều trị bệnh cho người dân, bởi chính họ là những người đưa ra quyết định sớm nhất cho việc điều trị dựa trên các thông tin nắm chắc trong tay.

Các tình trạng bệnh có thể điều trị được bằng thuốc hoặc các thủ thuật đơn giản được thực hiện ngay ở các văn phòng BSGĐ. Khi thấy người bệnh cần xét nghiệm máu, BSGĐ sẽ đưa bệnh nhân lên phòng khám khu vực - nơi được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại, có thể thực hiện các xét nghiệm, siêu âm chuyên sâu hơn. Với những trường hợp đặc biệt, bệnh nhân mới được chuyển lên tuyến cao nhất. ■

Kích hoạt toàn hệ thống có dịch bệnh

Theo dõi kỹ diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại VN, Piter nói ông rất ấn tượng với cách VN kiểm soát dịch bệnh, nhất là sự vào cuộc của các đơn vị quân đội cũng như các ngành ngoài y tế trong việc chống dịch.

Ông cho biết ở Cuba, mỗi khi có dịch bệnh nghiêm trọng, ngành y tế sẽ tuân theo một chương trình kiểm soát y tế ở cộng đồng. Toàn bộ hệ thống y tế sẽ được kích hoạt. Những quy trình chung về cách ly, điều trị sẽ được tuân thủ.

Quan trọng nhất vẫn luôn là các BSGĐ. Họ sẽ đi kiểm tra các khu dân cư hằng ngày, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, cách ly và điều trị. Bác sĩ dịch tễ học sẽ được tăng cường để hỗ trợ BSGĐ trong tình huống này. “Vấn đề quan trọng nữa là giáo dục cho người dân cách phòng tránh dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh từ gốc” - ông nói.

Tháng 7-2019, Thông tấn xã Cuba dẫn lời Bộ trưởng Y tế Jose Portal cho biết tỉ lệ bác sĩ trên đầu người của quốc gia này là 9 thầy thuốc/1.000 dân. Tính đến thời điểm đó, đảo quốc này có hơn 100.000 bác sĩ đang làm việc, cao nhất trong lịch sử. Cũng theo Bộ trưởng Portal, toàn bộ hệ thống y tế quốc gia Cuba có trên 485.000 nhân sự, chăm lo sức khỏe cho 11,2 triệu dân. Cuba cũng “xuất khẩu” hàng chục ngàn thầy thuốc sang các nước theo chính sách hợp tác y tế của nhà nước.

Một bài viết trên tạp chí TIME năm 2018 cho biết việc “xuất khẩu bác sĩ” mang về cho Cuba 11 tỉ USD mỗi năm - cao hơn cả doanh thu ngành du lịch. Vào thời điểm đó, TIME cho biết có khoảng 50.000 bác sĩ Cuba làm việc ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quan chức Cuba gọi lực lượng thầy thuốc này là “binh đoàn khoác áo trắng”.

Trong một bài viết năm 2008 nhìn lại chặng đường 30 năm cuộc cách mạng chăm sóc ban đầu ở Cuba, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá hệ thống BSGĐ phủ khắp các cộng đồng là xương sống của hệ thống y tế ấn tượng của Cuba. “Chúng tôi nhận thức rõ phòng bệnh là hòn đá tảng của hệ thống y tế quốc gia” - WHO dẫn lời bác sĩ Cristina Luna, giám đốc chương trình chăm sóc ngoại chẩn quốc gia Cuba (2008), nhấn mạnh. YÊN LAM

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận