Cuộc chiến giá dầu: Tay đôi hay tay ba?

DANH ĐỨC 27/03/2020 23:03 GMT+7

TTCT - Mỗi lần giá xăng tại Việt Nam được giảm, lại đọc thấy nhận xét “giảm ít hơn trên thị trường thế giới”. Cũng có tin bài về trận chiến dầu hỏa giữa Nga và Saudi Arabia. Song, rõ ràng không chỉ có hai ông lớn dầu hỏa đang “lâm chiến”…

Ảnh: The Telegraph
Ảnh: The Telegraph

Nhật báo New Strait Times của Malaysia hôm 9-3 cảnh báo: “Hiện giá dầu thô đang lao dốc, giá dầu Brent là 36 đôla/thùng, giảm quá xa so với giá ước tính ngân sách của chúng ta [tức Malaysia, một nước xuất khẩu dầu mỏ] là 62 đôla/thùng”. Cũng hôm đó, Matt Egan của CNN Business viết: “Giá dầu sụp đổ mạnh nhất kể từ năm 1991, sau khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến giá”.

Dầu sôi lửa bỏng

Giữa lúc thế giới đang giảm tiêu thụ dầu hỏa do tác động của dịch Covid-19, mà giảm nhiều nhất là Trung Quốc, thì hôm 8-3, Saudi Arabia bất ngờ công bố giảm giá 6-8 đôla mỗi thùng cho các khách hàng châu Âu, châu Á, và Hoa Kỳ. Thông báo này khiến giá dầu rơi tự do, kèm theo những hậu quả khác ngay trong ngày hôm đó.

Dầu ngọt nhẹ Texas (WTI), một loại dầu thô được sử dụng làm chuẩn về giá, mất giá 20%. Ngay hôm sau, 9-3, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hứng chịu những tổn thất lớn do cuộc chiến giá dầu cùng lúc với sự bùng phát dịch Covid-19. Một trong những hậu quả đáng để ý là đồng rúp của Nga đã giảm 7%, xuống mức thấp nhất trong 4 năm so với đồng đôla Mỹ.

Hai ngày sau cuộc tấn công giá dầu đầu tiên, Saudi Arabia tiếp tục loan báo sẽ tăng sản lượng từ 9,7 triệu thùng/ngày lên 12,3 triệu thùng/ngày, còn Nga cho biết có kế hoạch tăng sản lượng thêm 300.000 thùng/ngày (Guardian 11-3).

Cả hai nước cùng loan báo tăng sản lượng trong khi nhu cầu tiếp tục giảm mạnh, như một cuộc chạy đua tự sát, mà thường thì bên nào trường vốn bên đó sẽ thắng. Đến ngày 18-3, giá dầu giảm đến mức thấp nhất trong 17 năm qua, trong đó dầu Brent có giá chỉ còn 24,72 đôla/thùng, còn dầu WTI xuống tới mức 20,48 đôla/thùng!

Hậu quả đến ngay. Về phía Saudi Arabia, hãng dầu khí nhà nước Saudi Aramco loan báo cắt giảm chi đầu tư từ 35-40 tỉ đôla theo kế hoạch xuống còn 25-30 tỉ đôla. Chính phủ Saudi Arabia cũng tăng trần nợ từ 30% lên 50% GDP, do tác động của giá dầu và của đại dịch, và dự định cắt giảm chi tiêu thêm 5% vì thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng từ 6-9%.

Chính phủ Nga thì loan báo dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách, trái với dự kiến ban đầu là thặng dư 930 tỉ rúp (11,4 tỉ đôla) trong năm 2020. Đồng rúp, tính từ đầu năm 2020 đến 18-3 đã giảm giá hơn 30% so với đồng đôla, theo Financial Times 18-3.

Bày binh bố trận

Ba ngày trước khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến giá dầu, tức 5-3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) họp phiên thứ 178, được triệu tập bất thường trong tình hình dịch Covid-19 đã bùng phát. OPEC đánh giá rằng dịch Covid-19 sẽ làm giảm cầu dầu hỏa trong quý 1 và quý 2, và cầu trên thế giới trong năm 2020 sẽ giảm xuống còn 0,48 triệu thùng/ngày, chỉ còn không tới một nửa so với dự kiến mới tháng 12-2019 của OPEC là khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.

Chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ 8 các bộ trưởng OPEC và các đối tác, Saudi Arabia và một số nước thuộc OPEC đã đề xuất điều chỉnh giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày cho đến 30-6-2020, trong đó các nước OPEC giảm theo tỉ lệ 1 triệu thùng/ngày, còn các nước không thuộc OPEC giảm theo tỉ lệ 0,5 triệu thùng/ngày, theo tài liệu hội nghị công khai trên trang web của tổ chức này.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị đối tác Nga của OPEC bác bỏ. Sau khi cuộc họp kết thúc, CNBC ngày 6-3 cho biết: “Các cuộc tham vấn của OPEC và các đối tác đã thất bại trong việc nhất trí về quy mô cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh dịch Covid-19, do Nga từ chối bật đèn xanh cho việc cắt giảm nguồn cung sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Cũng theo CNBC, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak giải thích với các phóng viên khi rời cuộc họp ở Vienna rằng “chúng tôi đưa ra quyết định này vì không có sự đồng thuận nào về cách tất cả 24 quốc gia nên đồng thời phản ứng với tình hình hiện tại ra sao”.

Ông cũng không giấu giếm ý định của Nga: “Vì vậy, kể từ ngày 1-4 chúng tôi sẽ không bận tâm đến hạn ngạch hoặc giá đã giảm trước đó, các nước có thể bơm dầu lên bán bao nhiêu tùy thích bắt đầu từ 1-4 tới”.

Vấn đề là cả Saudi Arabia và Nga đều có tham dự cuộc họp, nên mọi tư duy, động thái ở đấy hai nước này đều tường tận chân tơ kẽ tóc. Càng đáng ngại hơn khi họ đang là hai nước xuất khẩu dầu đứng thứ nhất và nhì thế giới - Saudi Arabia năm 2018 chiếm 16,1% lượng dầu xuất khẩu của thế giới, trị giá 182,5 tỉ đôla; còn Nga chiếm 11,4%, trị giá 129 tỉ đôla, theo Investopia.

Trả thù dầu đá phiến?

Có một đối tượng khác ngoài OPEC bắt buộc cả Nga và Saudi Arabia đều phải lưu tâm điều nghiên khi cân nhắc chuyện giá dầu là Mỹ. Hôm 29-1-2020, Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ đã công bố báo cáo “Triển vọng năng lượng 2020” thường niên với nhiều dự báo quan trọng: Sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ dự kiến đạt 14 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và vẫn ở khoảng mức này cho đến năm 2045; sự phát triển liên tục của các nguồn dầu đá phiến… hỗ trợ tăng trưởng sản lượng khí hóa lỏng ở mức 6,6 triệu thùng/ngày vào năm 2028.

Saudi Arabia và Nga chắc chắn phải nghiên cứu kỹ những con số này khi đưa ra các quyết định làm giá dầu lao dốc vừa qua, và không phải ngẫu nhiên mà đến ngày 21-3, trang web chuyên về dầu hỏa oilprice.com lại đặt câu hỏi: “Saudi Arabia và Nga có thực sự muốn giết chết dầu đá phiến của Hoa Kỳ không?”.

Bài báo đặt nghi vấn hai nước này đang câu kết hại Mỹ: “Kể từ năm 2016, với tư cách là nhà lãnh đạo không chính thức của nhóm 13 nước không thuộc OPEC, Nga cũng đã trở thành một nước có thể kiểm soát giá dầu một cách tương đối giống như Saudi Arabia, thành viên OPEC lớn nhất.

Hiện giờ, cả hai bất hòa về cách đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do nhu cầu xăng dầu giảm bởi Covid-19. Saudi nhấn mạnh việc cắt giảm sản lượng tổng thể sẽ được chia sẻ bởi các nước OPEC và không phải OPEC với tỉ lệ 2:1.

Nga thấy không cần phải cắt giảm vì theo quan điểm của họ, các đợt giảm giá trước đó của các nước OPEC và đối tác đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ lấp đầy khoảng trống. Nay giá dầu giảm mạnh, nhiều máy khoan dầu đá phiến quy mô nhỏ ở Mỹ sẽ phá sản như đã xảy ra vào cuối năm 2015, khi Saudi làm tràn ngập thị trường với dầu giá rẻ…”.

Nói cho ngay, đây không phải lần đầu giới dầu hỏa Mỹ nghi kỵ lòng dạ Saudi Arabia. Trên thực tế, nước này không hề là một đồng minh ngoan ngoãn của Mỹ, cho dù có nhiều lĩnh vực có thể được xem như là “làm thay” Mỹ trong khu vực, tỉ như đối kháng với Iran. Giới nghiên cứu Mỹ, như thường lệ, quan sát đồng minh này và nhận ra những điểm trái khoáy.

Christopher Hanewald của Trường Luật Maurer, Đại học Indiana năm 2017 từng công bố nghiên cứu của mình về OPEC với trọng tâm là Saudi Arabia, với tựa đề “Cái chết của OPEC? Saudi Arabia đánh mất địa vị nhà sản xuất làm thay đổi giá thế giới, và sự vô ích của việc đóng băng sản lượng”.

Ngay đầu nghiên cứu, Hanewald đã tố cáo Saudi: “Vào ngày 27-11-2014, OPEC đã họp tại Vienna và chấp nhận lập trường táo bạo tìm cách chống lại việc tăng nguồn cung bên ngoài sự kiểm soát của tổ chức.

Thay vì giảm sản lượng, OPEC quyết định để mặc cho thị trường ấn định giá dầu. Bằng cách này, Saudi Arabia - lãnh đạo thực tế của OPEC - đã đánh cược rằng ngành công nghiệp dầu khí đá phiến đang phát triển ở Hoa Kỳ sẽ không thể đối phó với sự giảm mạnh giá dầu”. Có nghĩa Saudi Arabia, như một tay lái buôn trường vốn, quyết định để mặc cho giá hàng hóa giảm hòng diệt đối thủ cạnh tranh trước đã.

Dầu đá phiến là bước đột phá có lẽ là lớn nhất với ngành năng lượng Mỹ trong nửa thế kỷ trở lại đây. “Việc sử dụng quy trình sản xuất này đã giúp Hoa Kỳ, sau nhiều thập kỷ là nhà nhập khẩu năng lượng lớn, phát triển thành một nước xuất khẩu năng lượng lớn do sản lượng năng lượng nội địa tăng đột biến” (trang 12 nghiên cứu của Hanewald).

Chi phí khoan một giếng cũng giảm dần nhờ công nghệ, từ 4,5 triệu xuống còn 3,5 triệu đôla tại Texas chẳng hạn. Kết quả là “năm 2011, Hoa Kỳ lần đầu tiên xuất khẩu xăng, dầu diesel cùng các nhiên liệu khác nhiều hơn là nhập khẩu, tính từ năm 1949” (trang 17). Một hậu quả khác: Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2015 đã thâm thủng ngân sách đến 20% GDP!

Không khó hiểu vì sao cuộc trả thù dầu đá phiến lại bắt đầu lúc này. World Politics Review 24-3 bình luận: “Về phía Saudi, Thái tử Mohammed bin Salman, thường được gọi là MBS, là nhân vật chủ chốt trong việc phát động cuộc chiến giá dầu. Ông được cho là bị thúc đẩy một phần bởi mong muốn trừng phạt Nga vì Nga đã từ chối tham gia các đợt cắt giảm sản lượng, và một phần để đáp trả những nghi hoặc ngoại giao của Điện Kremlin.

Tất nhiên, chiến lược của Saudi cũng nhằm làm suy yếu các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ, nhưng theo một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với Nga, vốn muốn tránh cắt giảm thêm sản lượng”. Tóm lại là như trong một canh bạc, cuối cùng vẫn là ai trường vốn hơn mà thôi!■

Cuộc cách mạng năng lượng đá phiến ở Mỹ bắt đầu từ năm 2006 đã sâu sắc đến mức thay đổi hẳn cảnh quan năng lượng toàn cầu, khi sử dụng một công nghệ mới gọi là bẻ gãy bằng thủy lực (fracking). Bằng cách bơm hỗn hợp nước và cát xuống các giếng đã được khoan và lắp ống trước đó, áp suất bơm hỗn hợp kết hợp với khả năng hỗn hợp này mở ra hoặc tạo ra các kẽ nứt vốn đã có sẵn trong đá không thấm nước ở độ sâu 1.800-3.000m dưới lòng đất, khiến dầu chảy tự do đủ để được bơm lên mặt đất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận