Khi kẻ gom hàng chết chìm trong nước rửa tay

T.L. DỊCH 27/03/2020 21:03 GMT+7

TTCT - Câu chuyện dở khóc dở cười của những người bán hàng “nhanh nhạy” trên Amazon giữa cơn đại dịch được Jack Nicas kể lại mới đây…

Matt Colvin và đống nước rửa tay
Matt Colvin và đống nước rửa tay "đầu cơ tích trữ". Ảnh: NYT

Ngày 1-3, một ngày sau khi có thông báo về ca tử vong đầu tiên tại Hoa Kỳ do virus corona, hai anh em Matt và Noah Colvin nhảy lên chiếc SUV bạc rảo khắp Chattanooga (Tennessee, Mỹ). Họ vào một cửa hàng Dollar Tree, một Walmart, một Staples và một Home Depot. Tại mỗi cửa hàng, họ vét sạch nước rửa tay có trên kệ.

Tình thế đảo điên

Trong suốt ba ngày sau đó, ông em Noah Colvin làm một chuyến đi 1.300 dặm (2.080km) dọc ngang Tennessee tới Kentucky, chất đầy chiếc xe tải của họ hàng ngàn chai nước rửa tay và hàng ngàn gói khăn ướt chống khuẩn, “chủ yếu từ những cửa hàng tạp phẩm tí ti bèo nhèo heo hút, chứ các cửa hàng lớn cũng hết sạch rồi” - người anh Matt Colvin kể lại.

Trong lúc Noah vơ vét thì Matt ở nhà chuẩn bị sẵn các kiện khăn giấy với nước rửa tay mà anh đã đặt mua từ trước, bắt đầu rao bán trên Amazon. Matt rao lần đầu 300 chai nước rửa tay và bán hết ngay lập tức với giá 8 - 70 đôla, tính ra là lãi đậm. Với anh, tiền đó đúng là “trên trời rơi xuống”. Với nhiều người khác, đó là lợi dụng đại dịch để kiếm lời.

Hôm sau, các mặt hàng của Matt bị kéo xuống khỏi trang Amazon cùng số phận với hàng ngàn gian bán nước rửa tay, khăn khử trùng, khẩu trang khác. Amazon cho tạm ngưng giao dịch một số gian hàng và cảnh cáo những người bán khác là nếu nâng giá, họ sẽ xóa tài khoản; eBay ngay lập tức cũng theo gương, thậm chí còn ra các biện pháp chặt chẽ hơn...

Giờ đây, trong lúc hàng triệu người khắp nước Mỹ đỏ mắt tìm mua nước rửa tay để bảo vệ mình khỏi sự lan tràn của virus corona thì anh em nhà Colvin ngồi trên hơn 17.700 chai nước rửa ấy, không biết phải đem bán ở đâu.

“Thực điên đảo khủng khiếp - Matt Colvin nói - Đang từ tình trạng có thể khấm khá từ những thứ mình túi bụi mua bán thành: Ối trời, mình biết làm gì với đống hàng này đây?”.

Matt Colvin chỉ là một trong hàng ngàn (có lẽ thế) người bán đã tích trữ nước rửa tay và khẩu trang y tế mà hiện nhiều bệnh viện đang phân phối. Amazon cho biết họ mới loại ra hàng trăm ngàn “listing” hàng và tạm treo hàng ngàn tài khoản vì đã nâng giá “cắt cổ” nhân có virus corona. Amazon, eBay, Walmart và các sàn giao dịch online đang cố gắng ngăn chặn người bán “chặt chém” từ cơn khủng hoảng sức khỏe công cộng. Trong lúc các công ty khuyên người dân chớ nên tích trữ hàng và nâng giá, nhiều người đã nhanh chân vét hết ở các cửa hàng, cửa hiệu địa phương rồi đem bán trên mạng.

Giờ thì các kệ trong cửa hàng lẫn các kệ trên mạng đều trống trơn.

Mikeala Kozlowski - nữ điều dưỡng ở Dudley, Massachusetts - trước ngày sinh con đầu lòng vào hôm 5-3 đã tìm mua sẵn nước rửa tay. Cửa hàng nào chị đi qua cũng hết hàng. Khi lên Amazon, chị không thể mua được chai nào giá dưới 50 đôla.

“Các người thật là ích kỷ, gom hàng để kiếm lợi riêng” - chị thốt lên.

Các trang như Amazon và eBay từ lâu đã để ý tới một phân khúc đang lớn mạnh là những người bán lẻ luôn săn các món giảm giá hoặc khó kiếm tại các cửa hàng rồi đem rao trên mạng, bán khắp thế giới. Quả là một nghề của thế kỷ 21 với khách hàng mua đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ các loại ngũ cốc hiếm tới món đồ chơi đình đám một thời nay không ai chơi.

Người kiếm lời săn lùng bất kỳ thứ gì có thể bán với chênh lệch cao. Mấy tuần qua, họ đã tìm ra cơ hội phải gọi là lớn nhất: một đại dịch toàn cầu. Khi thấy danh sách tìm kiếm nhiều nhất trên Amazon chỉ toàn nước rửa tay Purell, khẩu trang N95, khăn giấy Clorox, những người bán hàng làm đúng theo những gì đã học ở trường đời: gom hết hàng và bán lại với giá thị trường chịu được thì chịu.

Thoạt tiên, chiến lược đầu cơ tích trữ ấy có hiệu quả. Mất mấy tuần trên Amazon, giá tăng vọt với các mặt hàng được săn lùng hàng đầu. Giá cao, người ta vẫn mua ào ào. Amazon bèn giảm giá xuống khoảng 15%, còn eBay khoảng 10%, tùy theo người bán và tùy theo giá hét lên cao thấp. Thế rồi khi Amazon phải ra tay, giá tụt hẳn. Họ gọi “nâng giá cắt cổ” vừa là một vi phạm rõ ràng chính sách của hãng, vừa vô đạo đức và ở một số vùng còn có thể là bất hợp pháp.

Chân dung người gom hàng

Matt Colvin - 36 tuổi, vốn là nhân viên kỹ thuật hàng không - nói anh bắt đầu đua “trend” bán hàng trên Amazon hồi năm 2015, với giày Nike và đồ chơi cho thú cưng. Hồi đầu tháng 2, khi đọc báo thấy nói virus corona lan tràn bên Trung Quốc, Matt nhận ra đây là cơ hội để kiếm lời.

Một công ty gần đó thanh lý 2.000 gói chống dịch, mỗi gói gồm 50 khẩu trang, 4 chai nước rửa tay nhỏ, 1 cái cặp nhiệt độ mà giá có 5 đô. Matt mặc cả xuống được 3,5 đô và mua tất. Anh nhanh chóng bán hết 2.000 gói ấy trên eBay, kê giá mỗi gói lên 40 - 50 đô, thậm chí có lúc cao hơn. Anh không tiết lộ tổng số tiền lời, nhưng bảo đó là một món khá lớn.

Thành công ấy khiến Matt thấy quá ngon ăn. Khi biết dân chúng đang hoảng sợ bắt đầu chụp giật nước rửa tay và khăn lau, hai anh em họ bèn tích trữ. Nhưng giờ các trang mạng bán hàng đã ra tay, và cả luật pháp cũng vào cuộc.

Các văn phòng chưởng lý ở California, Washington và New York đều đang điều tra những vụ “kê giá cắt cổ” liên quan đến virus corona. Luật California cấm người bán tăng giá hơn 10% một khi chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Cũng thế, luật New York cấm người bán hàng tính “giá cao quá đáng” giữa lúc nguy nan.

Một viên chức tại Văn phòng chưởng lý bang Washington nói họ có thể áp dụng luật bảo vệ người tiêu dùng để kiện các chợ online hoặc người bán hàng dù chợ đó, người bán đó không có trụ sở ở Washington, mà chỉ cần họ bán hàng cho người dân Washington.

Tại Tennessee, nơi Matt Colvin sống, có luật chống kê giá cắt cổ, nghiêm cấm việc “tính giá bất hợp lý cho các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, bao gồm cả xăng” giữa lúc phải đương đầu với thảm họa. Hôm 14-3, khi tờ The New York Times đăng bài này, Văn phòng chưởng lý Tennessee nói họ đã gửi các điều tra viên tới nhà Matt Colvin, trao cho anh một thư cảnh cáo và hiện đang điều tra trường hợp của anh.

Lập luận của Matt

Matt Colvin cho rằng mình không tăng giá trục lợi. Tuy trên Amazon anh tính hai chai nước rửa tay Purell giá 20 đô mà thường giá bán lẻ ngoài cửa hàng có 1 đô/chai, anh nói người ta quên mất rằng cái giá anh đưa ra còn phải bao gồm công sức lao động của anh, xăng xe, phí Amazon cùng khoảng 10 đô tiền gửi hàng (nước khử trùng có alcohol bị tính giá cao hơn khi gửi vì bị xếp vào chất có độc).

Theo Matt, luật về kê giá cắt cổ hiện hành không phù hợp với trường hợp của anh. “Người ta làm ra luật ấy là vì trạm xăng Billy Bob tính giá xăng gấp đôi hồi có bão. Còn tôi tốn 2 đô mua ở cửa hàng nhưng tốn tới 16 đô để giao tận cửa nhà anh”.

Thế còn đạo đức ở đâu trong việc vơ vét các sản phẩm có thể ngăn chặn sự lan tràn của virus cốt để kiếm lời? Matt bảo anh chỉ đơn giản là sửa chữa “những khiếm khuyết của thị trường”. Một vài vùng trên nước Mỹ cần những sản phẩm ấy hơn các vùng khác và anh đang giúp đáp ứng nhu cầu. “Hiện thời ở một số thành phố nhu cầu vô cùng lớn” - Matt nói tiếp. Được thể, anh dấn thêm: “Tôi thành thực nghĩ đó là một dịch vụ công. Tôi được trả cho dịch vụ công ấy của mình”.

Về đống hàng tồn, Matt nói chắc anh sẽ cố tìm cách bán trong vùng. “Nếu kiếm được chút lời thì cũng tốt - anh nói - Nhưng tôi không muốn rơi vào tình cảnh nhảy lên trang nhất các báo, bị gọi là kẻ vơ vét 20.000 chai nước tiệt trùng rồi bán gấp 20 lần tiền bỏ ra đâu”.

Sau khi The New York Times xuất bản bài báo này, Matt Colvin nói anh đã quyên góp toàn bộ đống hàng cho những ai cần tới. ■

Cuộc tranh luận của độc giả The New York Times về vụ này là một “pha kinh điển” đã được đưa vào rất nhiều sách kinh tế học với thời điểm thiên tai. Hơn 4.400 bình luận dưới bài báo, một con số cao khác thường, đại khái chia làm hai phe.

Độc giả JC, có lẽ là kinh tế gia thị trường tự do, viết: “Tôi thấy chẳng có vấn đề gì. Nếu người ta trả ngần ấy tiền [để mua nước rửa tay] thì kệ họ chứ... Cứ để người ta mua những gì họ muốn!”. Đây là kiểu lập luận đã quá cũ và quá quen thuộc ở Mỹ sau mỗi lần có thiên tai địch họa: hãy để kệ thị trường điều tiết, để những ai sẵn sàng trả giá cao nhất có được những nguồn lực mà họ muốn.

Tuy nhiên, một độc giả khác, WSC, đã chỉ ra lỗ hổng của lập luận này: ““Sẵn sàng chi trả” không thực sự đúng trong một tình huống khẩn cấp về y tế. “Muốn có” nước rửa tay không còn là một sở thích tiêu dùng cá nhân khi nó đã được các chuyên gia y tế chính thức khuyên dùng để ngăn ngừa một virus lây nhiễm cực cao”.

Thêm một vấn đề nữa mà các kinh tế gia thị trường tự do trong tháp ngà không nghĩ thông suốt: Những người như Matt Colvin, trong khi có thể không vi phạm pháp luật, nhiều khả năng đã vi phạm đạo đức và quan trọng hơn, vi phạm chính nguyên lý mà các nhà kinh tế vẫn ủng hộ.

Matt không chỉ đơn giản gom hàng. Anh ta đã gom hết nước rửa tay trong các cửa hàng ở một vùng địa lý tương đối rộng, tạo ra tình trạng độc quyền, ít ra là tạm thời, với mặt hàng đang có nhu cầu cao này ở khu vực mà anh sinh sống. Mà độc quyền, gần như mọi kinh tế gia hẳn sẽ phải đồng ý, không bao giờ là điều có lợi cho người tiêu dùng và cả thị trường nói chung.

Hay như độc giả Samatha ở West Virginia nói rất hay: “Vấn đề là họ không “sẵn sàng” trả mức giá đó... Họ buộc phải trả. Anh ta thừa nhận đã gom hàng trong mọi cửa hàng của khu vực đó”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận