Đây mới là cuộc sống online và công nghệ hữu ích đích thực 

HOA KIM 10/04/2020 04:04 GMT+7

TTCT - Khi tình huống khẩn cấp vì dịch bệnh đặt con người đằng sau những vách ngăn hữu hình và vô hình, phe bảo thủ trước sự “số hóa” các tương tác xã hội cũng phải thừa nhận công nghệ đang làm tốt sứ mệnh mà nó nhận lãnh từ những ngày đầu: kéo chúng ta lại gần nhau hơn.

Ảnh: New York Times
Ảnh: New York Times

Trong những ngày hầu như chỉ ở nhà vì dịch bệnh COVID-19, cây bút công nghệ Kevin Roose của báo The New York Times ngạc nhiên vì cuộc sống hằng ngày của anh bỗng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, trái với hình dung trước đó về sự buồn chán khi phải tự nhốt mình trong nhà. 

Ban đầu là những tin nhắn đến tới tấp từ bạn bè, chia sẻ tin tức mới nhất về virus corona và hình ảnh những căn bếp đầy ắp thức ăn dự trữ cho mùa dịch. Rồi đến những cuộc gọi video từ những người thân cùng cảnh ngộ hòng giải tỏa sự cô đơn của cuộc sống trong bốn bức tường.

Giữ khoảng cách nhưng không cô đơn

Những lúc không phải ra ngoài mua thức ăn và nhu yếu phẩm, Kevin cập nhật tình hình bạn bè qua Twitter, trao đổi công thức nấu ăn tại gia trên Instagram, và tham gia một nhóm chat của khu phố nơi anh ở trên WhatsApp để cùng hàng xóm trao đổi, hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Tôi thậm chí còn dành nhiều giờ để chơi bài poker cùng những người lạ mặt thân thiện trên một sòng bài ảo thông qua kính thực tế ảo Oculus” - anh viết. “Tôi đã nghĩ tuần đầu tiên thực hiện giữ khoảng cách xã hội (social distancing) sẽ khiến mình cảm thấy... xa cách với xã hội. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình được kết nối với mọi người như lúc này”.

Hòm thư điện tử của Kevin giờ đây tràn ngập lời mời tham dự các sự kiện online - lớp học vẽ từ xa qua Zoom, câu lạc bộ đọc sách họp mặt định kỳ trên Skype, và các buổi trình diễn âm nhạc nghiệp dư được “livestream” trên nền tảng phát video trực tuyến Periscope. Các chuyên gia tận dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin cần thiết và kịp thời về virus SARS-CoV-2 và dịch bệnh COVID-19.

Người có ảnh hưởng thì đứng ra kêu gọi, tổ chức các biện pháp hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kevin nhận thấy mạng xã hội của mình tuy vẫn xuất hiện những thông tin không chính xác, tin giả, nhưng chúng đều bị bác bỏ nhanh chóng bởi các nguồn chính thống.

Dù vậy, anh vẫn thận trọng cho rằng không nên tô hồng thực tế về một đại dịch vốn đã kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng và khiến người dân trên toàn thế giới lao đao. Không một ai có thể miêu tả những gì diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài sắp tới là vui vẻ, dễ dàng, hay bất cứ tính từ nào gần nghĩa với bình thường. “Sẽ còn nhiều người bị tước đi mạng sống, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, và nhiều cộng đồng lâm vào khó khăn tài chính vì COVID-19” - Kevin viết.

Kevin so sánh những gì đang diễn ra trong thực tế với hình ảnh “lành mạnh, nhân văn” mà công nghệ thường được mô tả trong các quảng cáo truyền hình: nơi điện thoại thông minh với chức năng gọi video được dùng để giữ liên lạc giữa con cháu và cha mẹ, ông bà ở xa không thể gặp mặt.

Mạng xã hội dường như cũng đang tự cải thiện mình trong cuộc chiến chống tin giả khi những thông tin đáng tin cậy hơn được thuật toán ưu tiên hiển thị, một điều đáng khích lệ trong bối cảnh đại dịch, Kevin nhận xét. “Dù những sự thay thế cho tương tác trực tiếp này không hề hoàn hảo... chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của sáng tạo khi mọi người tìm cách tận dụng công nghệ làm cầu nối thu hẹp khoảng cách vật lý” - anh viết.

Một thế giới online đầy những điều lành

Người trưởng thành đua nhau viết và chia sẻ “ký sự” về cuộc sống trong tâm dịch trên Facebook. Trẻ em được nghỉ học hẹn nhau trong trò chơi trực tuyến. Một bộ phận giới trẻ ở Trung Quốc nhớ không khí quán bar, vũ trường thì tổ chức những buổi tiệc ảo nơi các DJ phô diễn kỹ năng trên các ứng dụng như TikTok và Douyin trong khi khán giả “quẩy” hết mình từ màn hình điện thoại.

Tại nhiều nước, “số hóa” các loại hình sinh hoạt đông người đang là xu thế tất yếu khi lệnh hạn chế di chuyển và tụ tập được áp dụng để phòng dịch: từ lớp yoga cho đến thánh lễ nhà thờ, không khó để liệt kê những gì đang được “livestream” trong mùa COVID-19. “Đây là những thể nghiệm sáng tạo kỹ thuật số cần thiết, và chúng đang đến vào thời điểm mà ta cần chúng hơn bao giờ hết” - Kevin nhận xét.

Nhà đồng sáng lập trang Vox Ezra Klein cho rằng nhân loại đang đứng trước bờ vực một cuộc “suy thoái xã hội” - một trận “dịch” của sự cô đơn và chia cắt do virus corona mang lại. Cuộc suy thoái này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, đặc biệt là các đối tượng dễ tổn thương như người lớn tuổi, người khuyết tật, và những người sống một mình.

Chừng nào việc tập trung đông người vẫn phải hạn chế thì chừng ấy chúng ta vẫn cần phải tạo ra những không gian ảo để phục vụ cho nhu cầu tương tác với thế giới bên ngoài.

Xây dựng một thế giới ảo để thay thế thực tại khiếm khuyết không phải là ý tưởng mới lạ. Nhiều phim khoa học viễn tưởng đã khai thác đề tài này, mới nhất là Ready Player One (tựa phim phát hành ở Việt Nam mang tên Đấu trường ảo).

Những bộ phim này thường miêu tả một tương lai “phản địa đàng” (dystopia), nơi mà thế giới ảo chỉ đơn giản là sự trốn chạy khỏi thế giới thực đang chìm trong hỗn loạn. Nhưng nếu biết sử dụng đúng cách, công nghệ hoàn toàn có thể giúp củng cố những mối quan hệ ngoài đời.

Một nghiên cứu của Facebook cho thấy những người dùng mạng xã hội một cách chủ động - chẳng hạn bằng cách nhắn tin với những người dùng khác, bình luận trong các bài đăng và trao đổi tích cực trong các nhóm chat - trả lời rằng họ cảm thấy vui vẻ hơn so với nhóm chỉ lướt newsfeed và đọc tin tức, xem các video do người khác đăng tải một cách thụ động.

Đây có lẽ là yếu tố nhiều người nên cân nhắc trước khi dành trọn thời gian cách ly tại nhà để theo dõi các show truyền hình trên Netflix và YouTube: nếu cần khỏa lấp sự thiếu thốn tương tác xã hội thì chừng đó là chưa đủ.

Theo Kevin, khi tin tức đáng lo lắng về dịch bệnh tràn ngập trên mạng, các nhóm chat, hội kín và cuộc gọi video riêng tư được đánh giá là nơi dễ tạo ra những tương tác bình tĩnh và bổ ích hơn so với những chỗ công cộng như Twitter hay Facebook - vốn được thiết kế để khuếch đại những nội dung mang tính chất thái quá, gây chia rẽ hoặc dễ tạo sự chú ý.

Những tương tác tích cực đang nhiều lên. Một công dân bang California, Mỹ mới đây đã thành lập một hội trên Facebook mang tên “California Coronavirus Alerts” để chia sẻ các thông tin gần gũi, thiết thân về COVID-19 cho cộng đồng dân cư nơi anh sinh sống.

Một nhóm giáo viên ở bang Ohio thì tạo một tập tin chung bằng công cụ soạn thảo văn bản đám mây Google Docs, nơi họ chia sẻ các ý tưởng, kinh nghiệm dạy học trực tuyến trong thời gian trường đóng cửa. Kevin cho biết thêm tại khu nhà anh ở thành phố San Francisco, cư dân còn tự xây dựng một cơ sở dữ liệu trên mạng về những người già neo đơn cần giúp đỡ mua nhu yếu phẩm và thuốc men trong giai đoạn này.

Cũng có thể sự gia tăng những hành vi tốt đẹp trên Internet như đã nêu chỉ là tạm thời trong lúc dịch bệnh còn đang hoành hành, và khi hết dịch thì đâu lại vào đấy, Internet lại trở thành một nơi đầy rẫy tiêu cực và tin giả. Nhưng cũng rất có thể sau nhiều năm công nghệ khiến chúng ta xa cách nhau, cuộc khủng hoảng từ dịch bệnh COVID-19 sẽ cho nhân loại thấy Internet vẫn có khả năng hàn gắn các mối quan hệ xã hội và đem con người lại gần nhau hơn.■

“May mắn” và “đại dịch” thường không đi chung với nhau, nhưng có lẽ nhân loại nên cảm thấy may mắn vì ít ra chúng ta đang trải qua đại dịch COVID-19 vào năm 2020 chứ không phải 15 năm trước. Nhà báo Rory Cellan-Jones của BBC đặt câu hỏi thế giới sẽ ứng xử ra sao trước đại dịch nếu virus corona xuất hiện vào năm 2005, trước bình minh của kỷ nguyên điện thoại thông minh?

Những công nghệ phổ biến ngày nay mà ta dùng để duy trì kết nối ngay cả khi phải cách ly với xã hội “hoặc chưa ra đời, hoặc chỉ dành cho một số rất ít người” vào năm 2005. Khi ấy, Facebook vừa tròn 1 tuổi, YouTube mới ra đời, Instagram, WhatsApp và Twitter còn chưa thành hình, trong khi chiếc điện thoại iPhone đầu tiên phải mất đến 2 năm sau mới ra mắt.

Gọi video lúc bấy giờ còn là một khái niệm xa xỉ chỉ dành cho công cán chính thức và đòi hỏi những hệ thống tối tân và đắt tiền. Các dịch vụ streaming hay tivi thông minh chưa ra đời, nên muốn giết thời gian ở nhà thì chỉ còn cách xem truyền hình hoặc thuê băng, đĩa phim về mà “luyện”.

“Những năm gần đây, nhiều người tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng xấu của điện thoại thông minh và mạng xã hội lên cuộc sống. Chúng ta kháo nhau rằng bạn trên mạng không phải là bạn thật sự, không có gì thay thế được tương tác trực tiếp, và suốt ngày dán mắt vào màn hình thì không tốt cho sức khỏe. Rất có thể thứ mà ta học được sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng lần này lại là sự trân trọng dành cho những công nghệ như thế” - Cellan-Jones viết.

Nếu có điều lạc quan hiếm hoi nào trong cuộc khủng hoảng này, thì đó là con virus này đang buộc nhân loại sử dụng Internet theo cách mà nó vốn dĩ sinh ra để được sử dụng - để kết nối người với người, chia sẻ thông tin và tài nguyên, và đề ra các giải pháp tập thể cho những vấn đề cấp bách.

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận