Trong đại dịch, thiên hạ bận rộn làm di chúc

TRÚC ANH 13/04/2020 01:04 GMT+7

TTCT - Những con số nhảy múa về số ca nhiễm mới, tử vong vì dịch COVID-19 sẽ gợi lên cho mỗi người những suy nghĩ khác nhau, trong đó có cả ý nghĩ có lẽ đã đến lúc sửa soạn chúc thư, phòng khi hữu sự.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Ngày mai không biết sẽ ra sao, bao giờ cuộc sống bình thường trở lại, khi nào thôi phải “ai ở đâu ở yên đó”… có quá nhiều câu hỏi đặt ra trong đại dịch toàn cầu này. Và có vẻ số người cảm thấy các câu trả lời không mấy khả quan không phải là ít, nên nhu cầu làm di chúc đã tăng đột biến, theo số liệu của deVere Group, một trong những hãng tư vấn tài chính lớn nhất thế giới.

Hồi đầu tháng 4, deVere Group cho biết ghi nhận được nhu cầu lập di chúc từ khách hàng của hãng đã tăng 76% trong hai tuần cuối tháng 3. CEO Nigel Green lý giải mức tăng đột biến này do thu xếp kế hoạch tài chính cho tương lai đang choán hết tâm trí nhiều người, do lẽ bệnh dịch ngày càng diễn biến phức tạp.

Điều đáng chú ý, theo Green, là trong số các kế hoạch tài chính cá nhân, lập di chúc trước đây “không phải là việc mà mọi người đổ xô đi làm”. Hoạch định di sản luôn đứng sau chuyện tiết kiệm hay quỹ lương hưu, và người ta ít khi nghĩ đến chuyện di chúc đến khi có biến cố nào đó như bệnh tật.

Tính đến ngày 7-4, toàn thế giới đã có gần 1,3 triệu ca nhiễm và hơn 70.600 người chết vì virus SARS-CoV-2. “Những con số đáng sợ về số người chết vì virus corona, số ca được xác nhận cùng với việc ngày càng có nhiều người dũng cảm chấp nhận rủi ro để giúp đỡ người khác và số khác lại có thời gian rảnh nhiều hơn vì giãn cách xã hội và phong tỏa, đại dịch này đang gây ra hiệu ứng “chiếm tâm trí” tập thể chưa từng có tiền lệ” - Green giải thích vì sao nhiều người nghĩ đến việc lập di chúc trong thời gian qua.

Theo CNBC, không chỉ người già hay người dễ bị tổn thương vì dịch bệnh mới lập di chúc. Các luật sư ở Anh, Mỹ và Úc nói với CNBC khách hàng của họ rất đa dạng về tuổi tác và xuất thân. Chính CEO của deVere Group cũng cho rằng có dịch bệnh hay không cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của di chúc, và việc thu xếp cho tương lai này không chỉ là chuyện của người già.

“Hoàn cảnh có thể thay đổi với bất kỳ ai, bất cứ lúc nào vì nhiều lý do và đại dịch này, thật không may, đã chứng minh điều đó - Green nói - Lập di chúc giúp quý vị có được bình yên tâm hồn vì biết rằng thành quả lao động cả đời sẽ được xử lý đúng như ý nguyện”.

Theo nghiên cứu của trang caring.com, chỉ có 32% người Mỹ trưởng thành có lập di chúc, thấp hơn 25% so với năm 2017. Tỉ lệ này ở Anh hiện dưới 50%. Điều trớ trêu là trong khi dịch COVID-19 khiến nhiều người quan tâm đến việc để lại di chúc, thì các biện pháp chống dịch lại khiến việc hoàn thành thủ tục pháp lý trở nên khó khăn hơn.

Thông thường một bản di chúc chỉ có giá trị pháp lý khi được hai nhân chứng không liên quan đến người lập cùng ký tên một lúc. Điều này là bất khả thi trong thời giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người.

Theo CNBC, các nhà làm luật ở Anh đang cân nhắc áp dụng các biện pháp tạm thời như giảm số nhân chứng cần thiết hoặc cho phép ký “từ xa” qua trực tiếp video. Các bang ở Mỹ cũng áp dụng nhiều giải pháp để chứng thực chúc thư trực tuyến.

Các công ty tư vấn hoạch định di sản cũng nắm bắt nhu cầu, tung ra các dịch vụ viết di chúc trực tuyến, thân chủ không cần tiếp xúc trực tiếp với luật sư, tuy văn bản cuối cùng vẫn cần được hai người làm chứng ký tên.

Dẫu sao thì các giải pháp này cũng khiến khách hàng vừa an lòng về chuyện hậu sự vừa yên tâm không lo mắc bệnh, kẻo di chúc lại được thực thi sớm hơn mong muốn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận