Thấy trời xanh vì trái đất được nghỉ mệt

XUÂN MINH 15/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - “Chấm dứt một thời kỳ? Hai nhà máy điện than lớn ở Vương quốc Anh đóng cửa trong một ngày” - tít báo đầy phấn khởi trên CNBC ngày 1-4 có thể đã lạc giữa rừng thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bầu trời xanh ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 3-4, sau 10 ngày phong tỏa. Ảnh: Shahbaz Khan
Bầu trời xanh ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 3-4, sau 10 ngày phong tỏa. Ảnh: Shahbaz Khan

Nhưng dịch bệnh không hẳn không liên quan đến chất lượng không khí. Hơn 1/3 dân số thế giới đang thực hiện các biện pháp hạn chế, chủ yếu là ở nhà, đẩy lùi sự lây lan của COVID-19 đã khiến chất lượng không khí cải thiện rõ rệt ở khắp nơi, từ châu Á tới châu Âu vì xe cộ ngưng chạy, nhà máy giảm hoạt động.

Nếu đây chỉ là tác động tạm thời thì vẫn có hi vọng vào tương lai bầu trời càng xanh hơn khi nhiều nhà máy điện than trên thế giới được cho về hưu sớm, trong một xu hướng đang mở rộng toàn cầu.

Anh, Mỹ đóng cửa nhà máy điện than

Hai nhà máy điện than được nhắc đến trong bài viết của CNBC là Fiddler’s Ferry (công suất 2.000 MW, hạt Cheshire, Anh) và Aberthaw (công suất 1.560 MW, Xứ Wales), cả hai đều chấm dứt hoạt động vào ngày 31-3. Trước đó, ngày 21-3, Drax, nhà máy điện than lớn nhất Anh, cũng được cho “về hưu”.

Fiddler’s Ferry được xây dựng từ năm 1973 và báo lỗ 49,5 triệu USD riêng trong năm tài chính 2019. Công ty quản lý nhà máy nhiệt điện này mô tả sự kiện đóng cửa là thời khắc mang tính bước ngoặt: “Nhà máy đã có những đóng góp to lớn cho địa phương, nhưng đây là điều đúng đắn phải thực hiện trong bối cảnh Anh tiếp tục chuyển đổi sang các phương hướng sản xuất năng lượng sạch hơn để đẩy lùi biến đổi khí hậu”.

Thống kê sơ bộ của Chính phủ Anh đến cuối tháng 3 cho thấy sản lượng điện than đã giảm gần 60% trong năm 2019 so với năm 2018 ở Anh. Thực tế này xác nhận một xu hướng toàn cầu là điện than đang trở nên ít được ưa chuộng về mặt kinh tế so với điện khí đốt và sẽ không thể cạnh tranh với điện tái tạo trong tương lai ở tất cả các thị trường, theo báo cáo tháng 3-2020 của Tổ chức nghiên cứu Carbon Tracker.

Cũng theo dữ liệu của chính phủ, sự phụ thuộc của Anh vào điện than từ mức 70% của năm 1990 đã giảm xuống dưới 3% hiện tại. London đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn điện than khỏi hệ thống năng lượng vào năm 2025 và đang tham vấn với các chuyên gia để dời thời hạn này lên sớm hơn, ngày 1-10-2024.

Xu hướng đóng cửa các nhà máy điện than không chỉ diễn ra ở Anh, mà còn ở một số nước châu Âu khác. Tháng 1 năm nay, chính quyền liên bang Đức và bốn bang có ngành khai thác than nâu (lignite) trọng điểm đã thống nhất đường hướng trong việc tiến tới ngừng hoạt động các nhà máy điện than.

Hà Lan cũng có kế hoạch từng bước giảm sản lượng và đóng cửa ít nhất 1 trong số 3 nhà máy điện than cuối cùng trong nước, theo một quyết định của tòa án sau 7 năm đấu tranh pháp lý của Tổ chức Urgenda.

Tổ chức này đã kiện Chính phủ Hà Lan từ năm 2013 vì không đáp ứng mục tiêu giảm phát thải CO2 tối thiểu do các nhà khoa học đề ra để ngăn chặn biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho quyền con người của công dân Hà Lan theo luật pháp quốc gia và Liên minh châu Âu.

Tháng 12-2019, Tòa án tối cao ở Hà Lan đã buộc Chính phủ Hà Lan có trách nhiệm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để bảo vệ sức khỏe của người dân, giảm 25% khí gây hiệu ứng nhà kính vào cuối năm 2020 so với mốc năm 1990.

Tại Mỹ, nhà máy điện than cuối cùng của bang New York vừa đóng cửa vào ngày 31-3. Trên thực tế theo Bloomberg, nhà máy có công suất 675MW do Hãng Somerset Operating vận hành này đã không sản xuất điện từ ngày 13-3. Nơi này sẽ được chuyển đổi thành một trung tâm dữ liệu.

Trên toàn cầu, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Ember, sản lượng điện than giảm 3% trong năm 2019 và phát thải carbon từ hệ thống điện toàn cầu giảm 2%, đây là mức giảm lớn nhất trong gần 30 năm qua, do nhiều nước bắt đầu thoái lui với nhiệt điện than.

Sản lượng than ở Mỹ và châu Âu đã giảm một nửa kể từ năm 2007, và tiếp tục mất thêm gần 25% ở EU và 16% ở Mỹ trong năm 2019. Dave Jones, nhà nghiên cứu chính của báo cáo, kêu gọi các chính phủ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi điện để việc sản xuất điện than toàn cầu chấm dứt trước năm 2030. Ông cũng kêu gọi các nước có chính sách thúc đẩy năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nếu không, thế giới sẽ thất bại trong việc đạt mục tiêu về khí hậu.

Nhà máy điện Fiddler's Ferry ở Anh. Ảnh: Getty Images
Nhà máy điện Fiddler's Ferry ở Anh. Ảnh: Getty Images

Lâu rồi mới lại thấy trời xanh

Trên khắp thế giới, từ Bắc Kinh đến Ý, từ Bangalore đến Los Angeles, chất lượng không khí được cải thiện rõ nét chỉ trong vòng một tuần áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Ngày 25-3, Ấn Độ bắt đầu thực hiện biện pháp phong tỏa đất nước, ảnh hưởng đến 1,3 tỉ dân số nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Các dữ liệu sau đó cho thấy rất nhiều thành phố lớn của Ấn Độ đã ghi nhận nồng độ bụi mịn PM 2.5 (bụi có kích cỡ nhỏ hơn 2,5 micromet, gây viêm nhiễm đường hô hấp, làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim) và khí NO2 giảm đột biến.

Lần đầu tiên sau cả chục năm, người dân của đất nước có đến 21 thành phố lọt top 30 địa điểm ô nhiễm nhất thế giới (số liệu năm 2019 từ Tổ chức Chất lượng không khí thế giới - WAQ) thấy lại màu trời xanh. Jyoti Pande Lavakare, đồng sáng lập Tổ chức môi trường Care for Air (Ấn Độ), cho biết: “Tôi đã không thấy màu trời xanh tại Delhi suốt 10 năm qua. Đây là điểm sáng hiếm hoi trong cơn khủng hoảng này. Ít nhất chúng ta cũng có thể ra ngoài và hít thở an toàn”.

Tại thủ đô New Delhi, số liệu quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho thấy nồng độ bụi PM 2.5 giảm 71% chỉ sau 1 tuần - từ 91 microgram/m3 khí ngày 20-3 còn 26 microgram/m3 vào ngày 27-3. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định nồng độ PM 2.5 trên mức 25 microgram/m3 là “thiếu an toàn”.

Tại Trung Quốc, từ ngày 1 đến 20-1, hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy nồng độ khí nitrogen dioxide - NO2 (phát thải từ xe cộ, các cơ sở công nghiệp; gây các bệnh về hô hấp cho con người như ho, hen suyễn…) trong không khí vẫn còn khá cao. Tuy nhiên, từ ngày 10-2 đến 25-2, hầu như không còn dấu vết của NO2, rõ nhất là tại Vũ Hán, nơi phát sinh dịch COVID-19.

Ô nhiễm không khí có xu hướng giảm vào Tết Nguyên đán hằng năm ở Trung Quốc, khi các doanh nghiệp tạm nghỉ hoạt động. Tuy nhiên, mức giảm ô nhiễm không khí năm nay rõ rệt và kéo dài lâu hơn.

Các nhà khoa học của Đại học Hong Kong năm 2018 ước tính khoảng 1,1 triệu người chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm Trung Quốc, việc bầu trời xanh trở lại là một gam màu sáng khi mọi thứ bị bóng đen của dịch bệnh COVID-19 đè nặng.

Hà Lan cũng ghi nhận các biện pháp giãn cách xã hội đã làm mức độ ô nhiễm không khí của nước này giảm 20 - 60%. Theo dữ liệu vệ tinh mới của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), ô nhiễm không khí từ NO2 đã giảm khoảng 40% tại ba thành phố châu Âu là Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha) và Rome (Ý) trong thời gian từ ngày 14 đến 25-3, thời điểm các khu vực này bị phong tỏa trên diện rộng vì COVID-19, so với mức trung bình hằng tháng của năm 2019.

Sự thay đổi trên có thể xem là kỳ tích, song trên tạp chí Time, các nhà khoa học môi trường và chuyên gia chính sách cảnh báo chúng ta chớ vội mừng. Sự cải thiện bền vững về chất lượng không khí và giảm phát thải gây ô nhiễm không nên đi kèm với việc làm xã hội tan vỡ.

“Tôi thấy sự cải thiện về chất lượng không khí nhưng nhìn bầu trời xanh, tôi nghĩ đến những người đang ở trong nhà, cuộc sống và sinh kế của họ đang bị đe dọa và hủy hoại” - Wade McGillis, giáo sư ngành kỹ thuật môi trường Đại học Columbia, Mỹ, nói.

Các chuyên gia cũng nhận định ô nhiễm sẽ quay lại khi virus corona thoái lui, thậm chí có thể dữ dội hơn. Vì thế, câu hỏi lớn đặt ra về dài hạn là liệu các quốc gia trải qua sự kiện này rút ra kinh nghiệm gì và có ủng hộ các biện pháp kích thích xanh để thúc đẩy kinh tế, như nhanh chóng mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hay không?

Trên toàn cầu, những nhà hoạch định chính sách cũng cần trả lời câu hỏi này. Nếu có một nỗ lực tập thể và bền vững để giảm phát thải carbon cho nền kinh tế của chúng ta thì bầu trời xanh mà chúng ta nhìn thấy hôm nay có thể là tương lai sẽ đến bền lâu, dù cần nhiều thập kỷ nữa nhân loại mới nhìn thấy tương lai này. ■

Điện năng tái tạo từ gió và mặt trời đã tăng lên 15% trong năm 2019 và chiếm 8% trong sản lượng điện toàn cầu. Tỉ lệ điện tái tạo cao nhất ở khối Liên minh châu Âu (EU) với khoảng 20%, sau đó là Mỹ với 11%, Trung Quốc và Ấn Độ là hai đại gia điện tái tạo ở châu Á với mức đóng góp 8% và 9% vào điện lưới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận