Virus corona và các mối quan hệ: Keo gắn kết hay chất ăn mòn?

TỊNH ANH 16/04/2020 03:04 GMT+7

TTCT - Trong thời giãn cách xã hội, giềng mối gia đình được dịp thắt chặt hơn vì các thành viên có thể dành trọn cả ngày bên nhau, hay ngược lại, bị xói mòn vì giờ đây không ai còn được khoảng trời riêng nào cho mình?

Ảnh: inquirer.com
Ảnh: inquirer.com

Sẽ thế nào nếu chúng ta gần như không bao giờ được ở nhà một mình? Tờ New York Times đặt câu hỏi này để độc giả chia sẻ việc phải tự cách ly tại nhà đã tác động thế nào lên cuộc sống của họ và của những người chung một mái nhà.

“Một số độc giả cố gắng tránh xa nhau ngay trong không gian nhỏ mà họ cùng chung sống. Nhưng nhiều người khác trân trọng thời gian này như dịp để tìm hiểu nhau thêm lần nữa. Với nhiều độc giả, tự cách ly nghĩa là không hề được gặp những người họ yêu thương” - New York Times viết trước khi trích đăng phản hồi của các độc giả ở Mỹ.

Đó là những câu chuyện có cả vui lẫn buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau, sung sướng và bực bội.

“Nồi áp suất trong nhà"

“Virus corona có thể trở thành bài kiểm tra căng thẳng dành cho các cặp đôi” - Jennifer Senior viết trong bài “Chào mừng đến với hôn nhân thời virus corona” trên New York Times. Nhưng với những đôi mới kết hôn, mọi thứ có thể sẽ không quá tệ.

Argyro Nicolaou vừa kết hôn được 4 tháng và bạn bè đã nửa đùa nửa thật rằng thời gian tự cách ly chính là tuần trăng mật của hai vợ chồng. Ban đầu là những bực mình vì một số chuyện vụn vặt của chồng trong sinh hoạt, nhưng khi vượt qua được cảm giác “phản kháng” chuyện bị cách ly, Nicolaou nhận ra cô thật sự thích thời gian được ở cùng chồng trong căn hộ một phòng ngủ của họ: “Tôi lo là tôi sẽ quen với cuộc sống này luôn mất”.

Một nữ độc giả khác, Bev Buto, chia sẻ câu chuyện trái ngược hoàn toàn khi mô tả những cãi vã liên miên giữa cô và chồng khi cả hai cùng “tự cách ly”: “Giống như có một cái nồi áp suất trong nhà chúng tôi”.

Buto cho rằng cả hai đã ở cùng nhau nhiều quá mức, và việc họ không thể ra ngoài ăn tối hay có những khoảnh khắc hạnh phúc đã bắt đầu cho thấy nó có hại thế nào. “Không rõ chúng tôi có cùng nhau vượt qua nổi đợt cách ly này không” - Buto bi quan.

Còn với những người trẻ phải tạm về ở cùng bố mẹ trong thời dịch bệnh thì sao? Cha mẹ - trước những thông tin tràn ngập về sự nguy hiểm của dịch bệnh - sẽ trở lại bản năng của đấng sinh thành: lo lắng, bảo bọc, song điều đó có thể khiến những đứa con - nay đã ở tuổi trưởng thành - cảm thấy khó chịu. Như câu chuyện của cô gái 24 tuổi Katie Kehoe: “Bố mẹ quay lại làm người bảo hộ và tôi thì trở lại làm trẻ con trong mắt họ”.

Những khoảng lặng

Niềm vui duy nhất còn lại trong đời của cụ ông 77 tuổi Tom Barker là thăm người vợ 82 tuổi bị sa sút trí tuệ nặng ở nhà dưỡng lão cách nơi ông ở 120km thứ hai hằng tuần. Vì giãn cách xã hội, những chuyến thăm đó không còn nữa.

“Tôi ở nhà, không gặp và nói chuyện với ai” - cụ Barker viết cho New York Times. Là nhà toán học, ông cụ biết các biểu đồ diễn biến dịch bệnh hiện tại có nghĩa có thể phải đến tháng 7 ông mới hết phải chịu cảnh này: “Tôi không chắc mình có thể tỉnh táo lâu đến thế nếu cứ suốt ngày không gặp ai thế này”.

Lydia Soto kể chuyện tự cách ly của gia đình 3 thế hệ: “Con gái tôi là nhân viên y tế bị buộc phải về nhà sau khi có bệnh nhân dương tính với COVID-19. Các cháu ngoại tôi rất tội vì chúng không thể ôm hay hôn mẹ. Đêm nào cũng khóc khoảng 30 phút trước khi ngủ thiếp đi”.

Với nhân viên y tế Eric Pierce, COVID-19 tạm cướp đi những cái hôn của anh và vợ sắp cưới: “Chúng tôi đang cân bằng mọi thứ khá tốt và hi vọng thử thách này sẽ giúp chúng tôi sẵn sàng cho những khó khăn khác trong đời. Có điều nội quy bây giờ là: không hôn đến khi có thông báo tiếp theo”.

Thấy cơ hội trong khủng hoảng

Nếu có ai đó hân hoan chào đón lệnh “ai ở đâu ở yên đó” thì chỉ có thể là những người hướng nội. Ann Birner và bạn đời là “hai kẻ hướng nội đã bên nhau 44 năm và giờ đều nghỉ hưu”. Nơi chốn ưa thích của hai người? Nhà họ. Bạn đồng hành hợp cạ nhất? Người này sẽ chỉ vào người kia: “Chúng tôi được sinh ra là cho dịp này. Nhưng hãy còn sớm để vui mừng. Tôi tò mò không biết cảm giác này sẽ kéo dài thêm bao lâu”.

Bà mẹ Carrie Stowers thì tranh thủ thời gian tự cách ly để dạy các con làm vườn, nấu nướng và cả tài chánh cá nhân. Stowers chia sẻ nhờ thời gian này mà bà “gần gũi với người đàn ông của đời tôi hơn bao giờ hết” và hai vợ chồng đã có những “thời khắc hạnh phúc như thế hệ cha ông”.

Câu chuyện “hãy ở nhà” của bạn có được như nhà Stowers không: “Chúng tôi bắt đầu ngày mới với yoga, học chơi ghita trực tuyến, chơi bóng rổ trong sân và xem những bộ phim chúng tôi vẫn hằng muốn xem. Giống như chúng tôi luôn vai kề vai với nhau trong một căn phòng. Tôi biết cảm giác vô tư này không là mãi mãi, nhưng tôi sẽ tận hưởng nó trong hiện tại”.

Khi ở trong nhà cả ngày, ta sẽ thấy mình có nhiều thời gian hơn bình thường. Với Samantha Pinto, đó là một kho báu mà những người trẻ lớn lên ở thị thành đến thời cách ly mới khám phá được. Nhiều thời gian để làm gì?

“Chúng tôi không chỉ kiểm nghiệm xem giả thuyết rằng hai người trưởng thành không thể nằm song song trong bồn tắm, mà còn học được cách xác định những bất đồng về quan điểm của nhau và cùng nhau vượt qua khác biệt” - Samantha Pinto nói.■

Ám ảnh đến bực mình

Diane Evia-Lanevi, người sợ vi khuẩn, đã khiến chồng và con gái phát điên khi liên tục bắt họ rửa tay, giữ khoảng cách khi ra đường, đọc tin tức đáng sợ về dịch bệnh.

Còn đây là lời một người chồng có vợ cũng ám ảnh COVID-19 tương tự: “Vợ tôi để COVID-19 bám lấy đời mình 24/24 giờ. Nếu tôi đang xem vài thứ giải trí, đọc sách hay nghe nhạc, vợ tôi sẽ réo: “Ông biết gì chưa?”, rồi kể tôi nghe tỉ lệ nhiễm và số ca tử vong mới nhất. Tôi sợ con virus này một thì sợ chứng ám ảnh của vợ tôi với nó đến mười”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận