100 năm khác biệt giữa 2 đại dịch toàn cầu

HIẾU THẢO 17/04/2020 21:04 GMT+7

TTCT - Những người đang phải tự cách ly, thực thi giãn cách xã hội hay sống trong những vùng bị phong tỏa để chống dịch COVID-19 ngày nay giống và khác thế nào với những người kinh qua đại dịch cúm Tây Ban Nha tròn 100 năm trước?

Thông báo đóng cửa rạp hát vì lệnh phong tỏa ở Seattle. Ảnh: Bảo tàng Công nghiệp và lịch sử Seattle
Thông báo đóng cửa rạp hát vì lệnh phong tỏa ở Seattle. Ảnh: Bảo tàng Công nghiệp và lịch sử Seattle

Dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish flu) có phần “oan ức” khi tên gọi gắn liền với một địa danh được cho là nơi bùng phát bệnh, vì nhiều yếu tố liên quan đến bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Trên thực tế, các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận gần như đồng thời vào mùa xuân năm 1918 tại nhiều quốc gia khác nhau như Đức, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha.

Tương đồng và khác biệt

Khi việc khuyến khích tự cách ly hay các lệnh phong tỏa được nhiều nơi ban hành để ngăn sự lây lan của COVID-19, người dân khắp thế giới “được” trao cho cơ hội bất đắc dĩ để ở cạnh gia đình, người thân nhiều hơn trong những ngày đó.

Chúng ta ngày nay có lợi thế hơn những người sống 100 năm trước ở chỗ có hàng loạt kênh thông tin về đủ thể loại dịch vụ, hoạt động gợi ý có thể làm tại nhà trong thời gian giữ khoảng cách với xã hội. Trong thời Internet, bất cứ ai cũng có thể trò chuyện, hướng dẫn, trình bày, buôn bán một ý tưởng, suy nghĩ, mặt hàng nào đó với cộng đồng mà không cần sự tiếp xúc trực tiếp.

Vậy khi chưa có sự tồn tại của Internet, thế hệ trước của chúng ta đã trải qua thời kỳ cách ly quy mô lớn như thế nào? Tác giả Noah Kim của tạp chí The Atlantic đã tìm đọc các bài báo, sổ nhật ký ở các vùng có dịch vào năm 1918 và nhận ra có nhiều điểm tương đồng.

“Chuyện đem bệnh dịch ra đùa, các câu chuyện phiếm mà đầy lo lắng và những lời đồn thổi (thời đó) làm tôi nhớ tới cảm giác lướt Twitter trong những tuần qua, xem thiên hạ vật lộn với cuộc sống bị cách ly bằng cách làm ảnh chế cho qua mùa khủng hoảng” - tác giả viết.

Tuy nhiên, Kim nhấn mạnh dẫu có nhiều điểm tương đồng với hiện tại thì việc phong tỏa vào năm 1918, cụ thể ở Mỹ, rõ ràng là “một trải nghiệm cô đơn hơn nhiều” so với ngày nay: “Thiếu những công nghệ giao tiếp giúp chúng ta giữ liên lạc với gia đình và bè bạn ngày nay, những người Mỹ đầu thế kỷ 20 đã phải chật vật với việc mất đi các giềng mối cộng đồng mạnh mẽ, một trải nghiệm mà với nhiều người còn tệ hơn cả nỗi sợ một căn bệnh truyền nhiễm chết chóc”.

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Nhật ký cách ly 1918

Sẽ dễ hình dung hơn nhận định của Noah Kim nếu ta đọc nhật ký của Violet Harris, nữ sinh trung học 15 tuổi vào tháng 10-1918, khi thành phố nơi cô sống Seattle bắt đầu phong tỏa. Violet Harris là bà dì của Elizabeth Weise, phóng viên tờ USA Today. “Với bà, tin tức trọng đại và hạnh phúc nhất chính là trường học sẽ đóng cửa” - Weise viết khi chia sẻ lại nhật ký của bà mình.

Ngày 5-10-1918: Báo chí tối nay đã đăng thông báo rằng tất cả các nhà thờ, chương trình biểu diễn và trường học sẽ bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, để ngăn ngừa cúm Tây Ban Nha lây lan. Thật tuyệt vời! Mấy đứa học trò khác chắc chắn cũng sẽ đồng ý với mình”.

Harris còn thích thú hơn khi có lệnh toàn dân Seattle phải đeo khẩu trang nơi công cộng: “Ghê thật! Mọi người chắc là trông sẽ buồn cười lắm đây, như ma!”. Cô nữ sinh này còn vẽ hình gương mặt đeo khẩu trang vào nhật ký, và dán kèm bản tin cắt ra từ báo về lệnh đeo khẩu trang.

Cha của Harris đã ra ngoài cố gắng tìm mua 7 chiếc khẩu trang cho gia đình, nhưng chỉ tìm thấy 3 chiếc. Tình trạng khan hiếm khẩu trang đã xảy ra gần như ngay lập tức sau khi có thông báo chính thức trên phương tiện truyền thông.

Và đây là lúc cô bé Harris cảm thấy dịch bệnh không còn là chuyện đâu đâu, mà đã dính đến những người thân thiết của mình: “Ngày 18-10-1918: Bạn thân Rena của mình đã mắc bệnh và gần như không thể đi đâu được. Mình rất buồn vì gia đình bạn mình mắc bệnh. Hi vọng họ sẽ sớm hồi phục… Thật tệ, nhưng chẳng ai muốn bị bệnh cả. Căn bệnh này quá nguy hiểm. Mình nghĩ họ sẽ phải đến bệnh viện sớm thôi”.

Còn đây là những gì đang diễn ra ở năm 2020 này: “Ngày 31-10-1918: Tôi ở trong nhà cả ngày và thậm chí còn chẳng thể qua nhà Rena chơi. Dịch cúm đang lan nhanh và mẹ không muốn chúng tôi đi long nhong đâu cả nếu không cần thiết”.

Violet đã ở nhà suốt 2 tuần, đọc sách, may vá và thử nấu nướng các công thức mà cô tìm được trên báo. Nếu có mạng Internet, hẳn cô bé đã có thể thử quay clip Tik Tok hoặc bắt đầu sự nghiệp YouTuber từ những ngày rảnh rỗi này!

Cuối cùng thì sau gần sáu tuần, lệnh hạn chế tụ tập nơi công cộng được dỡ bỏ: “Ngày 12-11-1918: Không còn phải đeo... mặt nạ nữa. Mọi thứ cũng mở trở lại. Bộ phim The Romance of Tarzan sẽ được chiếu tại rạp Coliseum như cách đây khoảng 6 tuần. Tôi muốn xem nó khủng khiếp... Trường khai giảng lại trong tuần này - thứ năm! Như thể họ không thể chờ đợi đến thứ hai vậy!”.■

Nếu như những câu chuyện về các “doanh nhân online xuyên lục địa” nhanh nhạy nắm bắt tình hình và chớp lấy thời cơ kinh doanh muôn hình vạn trạng khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, đã quá quen thuộc với bạn trong mùa dịch này, thì hãy thử tưởng tượng cảnh khẩu trang chống lây nhiễm lần đầu tiên được sử dụng cách đây một thế kỷ và chỉ có ở những quốc gia tiên tiến nhất.

Chẳng hạn việc lực lượng cảnh sát tại Seattle (Mỹ) mang khẩu trang trong khi thi hành công vụ được đăng báo đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ, khiến bao người lầm tưởng nơi đây là tâm dịch (xem ảnh trên).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận