Sống ổn khi cách ly: Hãy cứ việc ai nấy làm

ANH NGUYỄN 19/04/2020 17:04 GMT+7

TTCT - Làm gì thì lẳng lặng mà làm, đừng để người khác chạnh lòng.

Minh họa của NYT

Không ai lường trước khi cả hai vợ chồng cùng làm việc ở nhà thì sẽ có những vui buồn, cãi cọ gì. Thành ra cũng mất vài ngày “xé nháp”, vừa làm vừa điều chỉnh thói quen, hành vi, đặt ra “nội quy” mới để hai người dù ngồi cùng “công ty” nhưng công việc khác nhau có thể thoải mái, chuyên tâm làm việc.

Những vấn đề vụn vặt như giành nhau xem nên mở nhạc của ai bằng dàn loa chung của gia đình, để nhiệt độ máy lạnh bao nhiêu là vừa sớm được giải quyết, và “định luật im lặng” được bảo toàn bằng quy định dù ngồi đối diện nhau nhưng cần gì thì cứ chat.

Trớ trêu là khi cả hai cùng nhau cắm đầu làm việc thì mọi thứ chạy tốt. Vấn đề chỉ xuất hiện khi một trong hai xong việc và bỗng rảnh rang hơn người còn lại. Khi mình xong hết mà “người ấy” vẫn còn họp hành, bù đầu bù cổ, thì mình nằm ườn ra xem phim, đọc sách, thậm chí chơi game, liệu có phải đạo chăng?

Sau vài lần vô tư reo mừng “xong rồi, ngủ thôi”, “dư dả thời gian quá biết phải làm gì”, tôi ăn mắng ngay và nhận được tối hậu thư: muốn làm gì thì cứ lẳng lặng mà làm, đừng để người khác thấy mà chạnh lòng, kiểu bưng bát phở nóng đến trước mặt người đang đói meo mà xì xụp.

Tưởng chuyện này chỉ riêng mình bị, nhưng đọc một bài trên CNBC lại thấy cặp đôi cùng 27 tuổi, vừa mới cưới nhau 1 năm là Chiara và Chris ở Mỹ cũng thế. Cả hai cùng làm việc tại nhà và phát sinh băn khoăn: liệu có nhất thiết hai người lúc nào cũng phải cùng làm một việc hay không. Chẳng hạn lúc Chiara tập thể dục mà Chris lại không tập cùng mà ngồi coi tivi thì có kỳ không?

Và cũng như chuyện nhà tôi, sau thời gian đầu “thử và sai”, Chiara và Chris rút ra kết luận: cứ việc gì cũng cùng làm giống nhau là phi thực tế mà chỉ thêm phiền. “Giải pháp mà chúng tôi tìm được là hãy nhớ rằng không có gì bất thường nếu tôi xếp quần áo trong khi cô ấy tập thể dục” - Chris nói.

Quay lại chuyện mình, tôi nghiệm ra rằng giãn cách xã hội là khi ta xa đám đông mà lại gần nhau hơn. Nhờ làm việc ở nhà mà số lần vợ chồng ăn trưa chung nhiều hơn, chứ không phải chờ đến cuối tuần như trước. Trên tất cả, ta được chứng kiến trực tiếp “con người công việc” của nửa kia của mình, thấu hiểu luôn sự vất vả và những áp lực công việc mà trước giờ chỉ nghe kể và không thật sự mấy quan tâm.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận