Truyện ngắn: 66 ngày

LÊ QUANG 23/04/2020 17:04 GMT+7

TTCT - 66 ngày dài như 66 thế kỷ. 66 ngày bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, chỉ còn Internet như sợi dây rốn nối mầm thai co quắp với cơ thể mẹ. 66 ngày cô đơn trong nhà như sắp phát điên. 66 ngày đằng đẵng, cơ bắp nhão nhoét vì thiếu vận động. 66 ngày luôn bật tivi sáng sớm chỉ để đếm số người bỏ mạng hôm trước

Bức tranh
Bức tranh "11 giờ sáng" (Eleven am) của Edward Hopper.

Cuộc đời Jamila, vì một lý do chỉ có Chúa biết, luôn bị đóng đinh vào những con số. Chúng ám vào đời cô, và ngược lại, Jamila cũng có một thiên tính đặc biệt là nhìn đâu cũng ra những số hay tập hợp số chứa tính logic, thứ logic chỉ mình cô hiểu. Cũng nhờ thế mà Jamila có trí nhớ tuyệt vời, vì cô luôn biết mẹo gắn những điều muốn ghi nhớ vào một số hay chuỗi số nào đó. Ví dụ như lịch đấu trận chung kết Siêu cúp bóng bầu dục gần đây nhất bị hoãn là ngày 02-02-2020, và dù là một ngày hội lớn thì cũng không ai có thể kết hôn hôm đó vì phòng giá thú không làm việc chủ nhật.

Thực ra Jamila cũng chỉ ngấm ngầm để mấy chuyện đó trong bụng, chứ nói ra sẽ chẳng ai hiểu. Người Hi Lạp cổ có khái niệm palíndromos để chỉ những chữ hay số mà đọc xuôi đọc ngược cũng như nhau, và chắc cũng chỉ một mình Jamila để ý là những năm có số palíndromos như 2020 chỉ quay lại 101 năm một lần. Có gì trọng đại vào cái ngày 02-02-2020 ấy đâu, khi trận chung kết bị hủy, còn cưới xin thì không phải chủ đề Jamila muốn nhắc đến: năm nay cô 33 và chưa hề định thay đổi tình trạng độc thân mà cô đã quyết định từ năm 22 tuổi, nhân một bữa tiệc kỷ niệm ngày lén lút bước vào đất Mỹ.

Jamila làm công việc giấy tờ và bán vé tháng ở một phòng dạy quyền anh ở ngoại ô Wilmington, từ sáng đến khi đóng cửa lúc nào cũng chua lòm mùi mồ hôi của các võ sĩ hạng ruồi nhưng giữa các hiệp đấu thì thi nhau gồng lên lấy dáng như Mike Tyson để làm quả selfie. Công việc buồn tẻ nhưng bận rộn, chỉ có mỗi một điểm sáng là cô được ông Tindley cho phép hút thuốc lá trong cái phòng làm việc bé xíu mà chính ông cũng không đặt chân vào, chắc vì không khí ở đây không thể hôi hám hơn được nữa. Jamila rất sợ ngồi nhiều thì dễ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới như mấy bà già da trắng. Cô đọc ở đâu đó là chủng người Mexico thiếu một loại enzym chuyển hóa axit lactic trong hệ tiêu hóa nên không uống được nhiều sữa tươi, bù lại thì phụ nữ Mexico hiếm khi mắc chứng giãn tĩnh mạch. Nhưng cẩn tắc vẫn hơn, cứ giải lao là Jamila gác cả hai chân lên mặt bàn, châm điếu thuốc và chơi trò ghép sự kiện với những con số trong đầu.

Hút thuốc lá đến nỗi vàng khè đầu ngón tay nhưng đã ra khỏi lò võ là Jamila không bao giờ hút. Cô sợ nhất trong nhà có mùi khói thuốc lá, nhất là qua một đêm không chạy lò sưởi là cái mùi bẩn tưởi ấy thấm đẫm vào sofa và thảm. Trên ôtô lại càng không. Con Ford Mustang Turbo 2.2 đỏ tươi như màu son môi Maybelline 220 yêu thích mà nhà xe bắt cô phải đợi hai tháng vì màu này ít được sản xuất. Xe cô lúc nào cũng sạch bong và thơm nức, cô để riêng một đôi giày bệt để thay khi lên xe. Chưa bao giờ cô chở ai lạ. Diandro là người duy nhất được thấy cái xe từ bên trong, chỉ vì anh là thợ sửa xe lậu thuế ở sân sau. Mỗi lần Jamila đến là mắt anh đờ ra thất thần. Jamila biết anh ta mê mình, nhưng cô không ưa giao du với hội đồng hương Mexico ở Wilmington này. Tuy nhiên cô biết anh kỹ tính, tỉ mẩn hút bụi từ những khe sâu nhất và đánh bóng sơn như soi gương trước khi phun một lớp sáp nóng mỏng như sương mù để chống nước. Mỗi lần cô ra lấy xe, anh chỉ tính đúng 22 đôla dù vẫn lấy của người khác ba chục. Thay vì bo thêm vài đồng cho chẵn, lần nào cô cũng đưa anh chai Tequila bị cạn mất một ngụm, và thì thào kèm nụ hôn gió: Diandro, có thể không hẳn thứ anh thích, nhưng trên miệng chai có vết son của em đó! Đi gần đến góc tường Jamila còn thấy trong gương chiếu hậu Diandro đứng ngây thộn trong bộ đồ lao động màu cỏ úa, mắt đờ đẫn dõi theo xe mình. Tuần nào Jamila cũng rửa xe một lần, không rõ Diandro có bao nhiêu chai Tequila uống dở trong tủ?

Hôm nay phải là một ngày đặc biệt, đặc biệt đến phát khóc, vì điểm lại cho đến giờ Jamila mới khóc hai lần trong đời. Dĩ nhiên phải trừ tiếng khóc chào đời, hay xông xênh thêm một chút thì bỏ qua cả những lần khóc nhè hồi bé. Ý của Jamila là cô chỉ đếm những lần khóc có ý thức, vào những dịp để đời. Lần đầu Jamila khóc là buông tay mẹ giữa đêm để cùng cha vượt biên sang Hoa Kỳ trước. Tuy mới hai tuổi hai tháng nhưng con bé đã linh cảm được một sự đứt gãy bi thảm. Và quả thật, mẹ nó hai lần vượt biên đều bị biên phòng Mỹ bắt và trục xuất trở lại Matamoros. Sợ bị bắt lần nữa sẽ ngồi tù nên mẹ nó từ bỏ ý định đoàn tụ gia đình bên Mỹ và mấy năm sau lấy chồng mới. Tối nào nó cũng cầm tấm ảnh sờn nát của mẹ đi ngủ. Nghe tin mẹ mất vì tai nạn, Jamila khóc lần thứ hai và tin chắc không còn tai họa nào tệ hơn nữa trong phần đời còn lại, ít nhất cũng không thể tệ đến mức phải khóc.

Sáng nay Jamila dậy sớm. Như thường lệ, cô đun cà phê với bạc hà sấy khô kiểu Ả Rập trong cái ấm nhỏ xíu bằng đồng. Rồi cô ngồi vào bàn và chải chuốt thật kỹ, dặm phấn nền lâu hơn mọi hôm. Viền thêm một đường son môi. Kim đồng hồ vẫn chậm như đứng yên. Jamila khẽ ư ử một điệu Black Gospel. Và châm một điếu thuốc.

Cô đánh con Mustang khỏi sân và biết vẫn còn quá sớm, nhưng Jamila không muốn đợi lâu thêm. Đúng 11 ngã tư thì quẹo trái tới phòng tập. Quãng đường cô đã đi qua cả trăm bận mà hôm nay lạ lẫm. Trời như sáng hơn vào giờ này, hay mùa hè năm nay bắt đầu sớm? Hình như đây là lần đầu tiên cô thấy một thoáng nụ cười trên mặt viên cảnh sát da đen mặc áo chống đạn đứng chỗ đường US 301N và US 301S chập lại ở Tybouts Corner?

Jamila đỗ xe dưới tán cây phong. Ông Tindley chưa tới để mở khóa phòng tập. Có lẽ đã lâu lắm Jamila mới lại thấy vẻ thân thuộc của căn nhà tróc màu loang lổ. 66 ngày không thấy nó chứ có ít đâu. Jamila ngả lưng ghế ra để nằm và khoan khoái châm điếu thuốc. Rồi bất chợt, không kìm nổi nữa, cô bật dậy úp mặt vào vôlăng và khóc ngằn ngặt như bị cây sắt đè ngang cổ, tức tưởi tựa một đứa bé bị đòn oan, nhưng cũng tràn trề phấn khích bung tỏa như vừa trồi lên khỏi mặt nước sau 22 mét lặn. 66 ngày dài như 66 thế kỷ. 66 ngày bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, chỉ còn Internet như sợi dây rốn nối mầm thai co quắp với cơ thể mẹ. 66 ngày cô đơn trong nhà như sắp phát điên, chỉ thấy qua lỗ khóa mấy hình người trong bộ đồ bảo vệ trắng lốp kín mít từ chân lên đầu, lùi lũi rời khỏi sau khi đặt hộp đồ ăn trước cửa. 66 ngày đằng đẵng, cơ bắp nhão nhoét vì thiếu vận động. 66 ngày luôn bật tivi sáng sớm chỉ để đếm số người bỏ mạng hôm trước, riêng Wilmington đã có đúng 2.002 nạn nhân, khiến đài điện táng phun khói đỏ ngày đêm. Đại dịch COVID-19 hoành hành đủ 66 ngày mới ngừng hẳn, khẽ khàng, kỳ bí và nham hiểm như ngày nó đến, trước khi nhân loại tìm ra thuốc để chữa trị hay chích ngừa.

Và hôm nay là ngày đầu tiên toàn bang Delaware chấm dứt lệnh phong tỏa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận