Sống sót rồi sống khỏe: Ai làm được việc đó?

TONY ANDREWS 26/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Một trung tâm nghiên cứu về tâm lý đang tìm hiểu: sao có người phục hồi nhanh sau nghịch cảnh, trong khi người khác lại bị nghiền nát?

Ảnh: pinterest.com
Ảnh: pinterest.com

StressNăm 1985, G. Furian (40 tuổi, Đức) bị bắt do một hoạt động bị coi là chống đối. Ông bị tống vào một phòng giam nhỏ xíu, ban đêm bị thẩm vấn hàng giờ, ban ngày không được ngủ, cứ ba phút lại có lính gác như robot đến xem xét phòng giam.

Hơn 30 năm sau, cụ G. Furian đã hơn 70 tuổi, nói về những ngày khó khăn kia: “Tôi cố tình làm mình “đơ” đi. Nghĩ nếu cứ phản ứng theo cảm xúc, mình sẽ hóa điên, tôi bèn đặt mình vào trạng thái chờ”.

Ông đã tự tách mình khỏi cảm xúc. Đám lính gác có như robot đến mấy, Furian cũng không lấy đó làm điều. “Thay vào đó, tôi coi đấy như trong tiểu thuyết của Kafka. Tôi tự nhủ “các vị chỉ là nhân vật, các vị chỉ làm những thứ người ta bảo các vị phải làm””.

Nhưng phần quan trọng nhất trong câu chuyện này không phải ở cảnh ngồi tù mà ở việc Furian đã phục hồi rất nhanh sau đấy, hầu như chẳng oán giận gì, cũng không trải qua cơn stress hậu sang chấn (PTSD) nào.

Sau khi được thả ra vào năm 1988, Furian làm việc cho một đài phát thanh, cả ngày ở trong một buồng thu nhỏ xíu, không cửa sổ mà cũng không liên tưởng gì với phòng giam ngày ấy. Ông thậm chí còn gặp lại những người từng hành hạ mình. “Nói chuyện với họ xong, cảm giác như một cái balô rất nặng vừa được cất khỏi vai” - ông kể.

Đặc tính trời cho

Ông Furian là một thí dụ của một phẩm chất rất được ngưỡng mộ, ngày càng thu hút được sự chú ý của giới học thuật: sự kiên cường, hay khả năng phục hồi sau một chấn thương hay stress trầm trọng.

Năm 2015, trung tâm nghiên cứu đầu tiên của châu Âu về đức tính này đã được mở cửa tại Mainz (Đức). Trung tâm nghiên cứu các yếu tố về gene và thần kinh cho phép một người “hồi lại” sau những biến cố đau buồn mà rơi vào người khác thì đã trầm cảm hoặc tự tử.

Các nhà khoa học của trung tâm sẽ theo dõi 5.000 sinh viên khi họ chuyển từ môi trường học tập sang thế giới của hành nghề, bon chen. Khi các cá thể này kiểu gì cũng phải trải qua khó khăn, một trong những mục tiêu của nghiên cứu là tách ra được xem gene nào khiến họ kiên cường hơn khi đối mặt với nghịch cảnh.

Tuy nhiên, không chỉ giới học thuật quan tâm đến phẩm chất “kiên cường, mau hồi phục”. Theo giáo sư David Nutt - chủ tịch Hội Não châu Âu, có tới hơn 1/3 công dân châu Âu, tức khoảng 180 triệu người (vào năm 2017), chịu các rối loại tinh thần, bệnh về tâm thần và tổn thương não do chấn thương, làm tốn của EU mỗi năm khoảng 800 tỉ euro, hơn bất kỳ loại chăm sóc y tế nào.

Do đó, hiểu và thúc đẩy tính “kiên cường, hồi phục nhanh” ở con người, về mặt xã hội lẫn mặt kinh tế, là việc sáng suốt.

Ở phương diện gia đình, ai cũng hiểu, thí dụ trong nhà có một người trầm cảm kéo dài không gượng dậy nổi, cả nhà cũng trì trệ theo. Ai cũng biết nếu người ấy mạnh mẽ lên, hồi phục được nhanh sau cú sốc thì sẽ rất tốt, nhưng liệu sự kiên cường ấy có tập được không? Hay người yếu đuối mãi chỉ là người yếu đuối?

Ba cột trụ làm nên phẩm chất

Đã hơn 30 năm nay, phẩm chất “kiên cường, mau hồi phục” đã là chủ đề của nhiều nghiên cứu, tựu trung có ba yếu tố sau liên quan:

- Bản thân phải có nghị lực, lòng tự trọng, biết yêu bản thân.

- Có sự trợ giúp của xã hội (về giáo dục, giải trí, y tế...).

- Rất quan trọng: có một mạng lưới nâng đỡ mạnh. (Chẳng hạn với trường hợp của ông Furian, thời gian ở tù ông có gia đình và bạn bè quan tâm. Sau khi ra tù, ông tham gia một dàn đồng ca, cho ông cảm giác sống trong tình bằng hữu).

Nhà tâm lý học người Mỹ Emmy Werner từng khảo sát những người sinh năm 1955 trên đảo Kaui ở Hawaii trong suốt 32 năm. Cuộc sống trên đảo đó thực tồi tệ với nghiện rượu, bạo hành, nghèo đói. Không có gì ngạc nhiên khi 2/3 số trẻ lớn lên thành nghiện rượu, hung tợn nhưng 1/3 còn lại thì không, mặc dù sống cùng hoàn cảnh.

Khác biệt ở đây là: mỗi đứa trẻ “thành công” ấy đều có mối liên hệ tình cảm với ít nhất một người. Đó có thể là chị gái, chú, bác, thầy giáo, linh mục... tất cả các trẻ ấy đều có ai đó giúp chúng đi qua khó khăn. Sự trợ giúp về tình cảm là điểm then chốt để người ta có được lòng yêu bản thân, rồi với tình yêu ấy, họ sẽ vượt qua được khủng hoảng.

Nhưng ba yếu tố đó chưa đủ. Nhà tâm lý học Lisa Lyssenko của Đức thấy rằng để có được tố chất “kiên cường, dẻo dai” kia, không yếu tố đơn lẻ nào trong ba yếu tố trên có thể cáng đáng nổi nếu chỉ dùng một mình.

“Thí dụ, sự trợ giúp của xã hội thường được coi là tốt, nhưng nếu trước giờ bạn lớn lên trong một môi trường đã có người quyết định sẵn cho hết, quyền hạn bị tước mất như thế khiến bạn không còn lòng tự tôn thì hiệu quả cũng bằng âm”.

Tương tự, việc đè nén cảm xúc lâu nay vẫn bị coi là có hại cho sự hồi phục, nhưng nhóm nghiên cứu lại thấy sẽ rất tốt nếu ngay sau một chấn thương biết kìm nén lại ký ức, cố không nhớ nữa trong một thời gian để mà sống tiếp cuộc sống mỗi ngày: sáng sáng dậy thay áo quần, đến sở làm, nuôi dạy con cái.

Cần chấp nhận bản thân

Lâu nay người ta cũng cho rằng để phục hồi được nhanh sau chấn động, lòng tự tôn và tự tin là vô cùng quan trọng. Nhưng Lyssenko đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra “chấp nhận bản thân” còn quan trọng hơn nhiều. Đây là một yếu tố mà Adam Emil đã chiến đấu để có được, sau khi lọt vào một giáo phái kiêm ổ quỷ suốt 6 năm.

Năm 18 tuổi, khi đang là sinh viên, Adam gặp Christopher lớn tuổi hơn, là người tuyên bố đã nhận được thông điệp từ “trển”. Thông điệp, là những lời chỉ dẫn Emil và gia đình cậu cần làm, khiến Emil say mê. Thoạt tiên là những việc rất “lành”, thậm chí có ích: nào là “trển” khuyên thay đổi khẩu phần ăn cho lành mạnh, tới chỉ dẫn nấu dăm món đơn giản rồi phân phát cho người nghèo.

Lúc đầu, bố mẹ Emil mừng vì con trai mình đã tìm được người bạn tâm linh. Rồi thông điệp ngày càng đòi hỏi, quan hệ giữa Emil với Christopher cũng thế. Đến khi “trển” yêu cầu em gái Emil phải tới Afghanistan, bố mẹ Emil nhận ra việc đã đi quá xa.

Họ nói Emil nên cắt quan hệ, nhưng đã quá muộn. Emil đã gọi Christopher là “thầy” và họ chuyển sang quan hệ tình dục. Dần dà, một số người khác gia nhập hội; họ lượn lờ khắp Áo và Đức, ăn trộm ăn cắp để Christopher có tiền chuẩn bị lập một nhóm khác ở Romania.

Emil toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ này, cho rằng những việc mình làm là để thực hiện ước mơ cao cả. “Nếu 95% việc ta đang làm là đúng, sao phải thắc mắc về 5% kia?” - Christopher vẫn hay nói thế.

Nhưng cuối cùng Emil cũng thoát bùa mê. Cậu có việc làm, khi Christopher đòi Emil nghỉ việc, cậu từ chối. Cậu rời khỏi nhóm, dần dần có được đời sống độc lập, nhưng cảm giác về bản thân tan tác, thấy đời mình mất định hướng. Việc đầu tiên để phục hồi là biết chấp nhận bản thân.

“Nhưng tha thứ cho Christopher thì dễ hơn tha thứ cho chính mình” - Emil kể. Càng cố xây dựng lại lòng tự tôn, cảm giác ghét bản thân của Emil càng nổi lên, phá hỏng hết những gì đạt được. “Không tự chấp nhận mình thì không thể sống yên vui” - ý thức được điều đó, Emil nỗ lực. Đến hôm nay, anh đã lập gia đình, có một công ty dịch vụ tài chính thành công ở Berlin.

Bước thẳng vào nỗi sợ

Những trải nghiệm đau đớn kiểu của Emil có một năng lực nghiền nát chúng ta, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra các trải nghiệm ấy cũng có thể khiến chúng ta mạnh hơn, thông qua một quá trình có tên là “lớn mạnh sau chấn thương”. Trong quyển sách David và Goliath, tác giả nổi tiếng Malcolm Gladwell đã khảo sát tác động của London Blitz - trận oanh kích Anh quốc suốt 57 ngày đêm của Đức Quốc xã.

Vào cuối những năm 1930, khi biết chắc London sắp sửa bị giội bom, Chính phủ Anh đã lo rằng dân chúng sẽ hoảng loạn. Nhiều kế hoạch sơ tán đã được triển khai, tuy nhiên điều xảy ra với những người ở lại và chịu đựng những ngày bom giội ấy đã khiến ai nấy sửng sốt: họ không những không sợ mà một số người dường như còn dửng dưng hoàn toàn với tiếng bom! M. Gladwell dẫn lời nhà tâm lý học người Canada JT MacCurdy để giải thích điều này: khi một quả bom rơi, dân tình sẽ chia ra làm ba nhóm.

Nhóm đầu tiên gồm những người chết vì bom. Nhóm thứ hai là “suýt thì trúng” - gồm những người thấy (hoặc cảm thấy) bom nổ; họ mang các triệu chứng của “căng thẳng sau sang chấn” như hay hồi tưởng rồi sợ hãi. Cuối cùng là nhóm “khó mà trúng”: họ nghe ầm ầm bom nổ, tiếng còi báo động hụ vang nhưng tịnh không suy suyển tâm thần.

Bom dường như có một tác dụng ngược đối với họ; khi nhắc lại, họ thường xuyên có cảm giác phấn khích vì đã sống sót, đến nỗi cảm thấy mình như “bất khả chiến bại”. “Tất cả chúng ta ai cũng biết sợ. Chúng ta lại cũng hay sợ rằng mình sẽ sợ, nên việc chiến thắng được nỗi sợ mang đến nỗi hồ hởi” - MacCurdy kết luận về hiện tượng này.

Chấp nhận tôi luyện

Bỏ lòng can đảm qua một bên, chúng ta thảy đều biết chính khó khăn đã tôi luyện nhân cách. Ta ngưỡng mộ người thành công không phải vì họ giàu có mà vì họ đã trải qua những hoàn cảnh cùng cực mà vẫn thoát ra được, mang theo một sự từng trải mà nếu không thế thì không cách nào đạt được.

Nếu coi kiên cường là một trong những phẩm chất đáng quý nhất của thế giới ngày nay thì ta phải chấp nhận một sự thực không hề dễ chịu: để có được phẩm chất ấy, ta không thể né tránh các thử thách tôi luyện nên nó.

Đó là phẩm chất “tìm ra ý nghĩa” từ những gì tồi tệ nhất, thường có ở các vĩ nhân. Như Nelson Mandela đáng ra đã bị nghiền nát ý chí sau 27 năm tù tội, nhưng thay vào đó, ông tuyên bố: “Không chiếc rìu nào đủ sắc để cắt đứt tâm hồn một tù nhân cứ cố mãi, cố mãi; một người được vũ trang bằng niềm hi vọng rằng cuối cùng rồi mình sẽ quật dậy”.

Đó cũng là cơ chế tâm lý của những người như Malala Yousafzai - Nobel hòa bình 2014, là người bị Taliban bắn vào đầu, thay vì rút lui và chìm vào thương thân thì đã coi khó khăn và nguy hiểm chính là một bệ phóng để đi mạnh hơn và xa hơn trong mục đích đấu tranh của cô.

Nhưng con đường để có sự kiên cường, mau hồi phục sau một chấn động có lẽ cần phải có sự lạc quan đơn giản. “Tôi có một niềm tin ngây thơ rằng mọi việc sẽ đâu vào đó - như Gilbert Furian, tù nhân chính trị ở đầu bài, đã nói - Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, tôi vẫn tin rằng cuối cùng mọi thứ sẽ OK”.■

(T.L. lược dịch, theo The Guardian)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận