Tôi luôn tự hào mình là một nông dân 

TTCT - Dưới cái nắng nung nứt nẻ những cánh đồng trơ rạ, ông Hồ Văn Tư - 57 tuổi, người nông dân đời thứ 3 sống trên mảnh đất mỗi năm đều gặp phải hạn mặn ở ấp Phong Quới, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre - chia sẻ với TTCT câu chuyện một đời làm nông của mình.

Xin được hỏi tại sao ông lại trở thành... một nông dân?

- Mần ruộng nằm trong máu tui rồi. Cả bên nội lẫn bên ngoại tui hồi xưa đều là người mần lúa ở Bến Tre. Miếng đất nhà tui đây được bà ngoại mần lúa từ thời chiến tranh. Bà ngoại để lại cho má tui một mẫu ruộng (10.000m2 - PV), khi má tui lập gia đình. Cha tui tham gia kháng chiến, má mần ruộng nuôi con.

Ông anh lớn đi bộ đội, ông anh kế mất khi trúng phải bom, tui và mấy đứa em như sinh ra đã biết mần ruộng. Mà hồi nhỏ biết chơi cái gì khác ngoài ra đồng đâu, thấy người lớn mần xúm vô phụ rồi học từ từ. Năm 1975, tui được 12 tuổi, phần thì đường đi học xa xôi, phần khổ quá, tui nghỉ học luôn. Từ đó, tui thành nông dân luôn.

Năm 24 tuổi lập gia đình, má tui chia cho hai công rưỡi đất (2.500m2) để ra riêng. Xứ này đến giờ còn gọi tui là Tư Ma vì hồi trước tui ốm như con cò ma, suốt ngày trên đồng, người ta ghẹo riết chết tên luôn. Mà hồi xưa ai làm nông không đói khổ đâu.

Thời bao cấp, vùng này chỉ trồng mỗi năm một vụ lúa mùa. Tui còn nhớ cái năm 1978, cả vùng bị giặc rầy nâu, lúa hư hết, đói dữ lắm. Thanh niên tụi tui thi thoảng lén đi bẻ dừa trộm vườn người ta để có cái ăn, bị bắt thì giương mặt ra chịu rồi thôi chứ không có cách nào khác.

Cái nhà bằng lá dừa chừng 30m2 lúc đó là cơ ngơi của tui, lợp được cái nhà ở với vợ mừng hết lớn vì đã ổn định hơn nhiều người. Mần ruộng mỗi năm một vụ không ăn nhằm gì, vợ chồng tui phải nuôi vịt, đi phóng lúa (gặt lúa) cho người ta khắp nơi. Tui nghĩ mình mần nông như một “mặc định” vì thời đó có lựa chọn nào khác đâu.

Hơn 30 năm từ ngày ra riêng với số đất được chia, nay cơ ngơi của ông là mơ ước của rất nhiều nông dân?

- Giờ tui có 3 mẫu ruộng ở ba chỗ, mẫu trồng lúa, mẫu trồng dừa, mẫu trồng chanh. Nhưng tiền kiếm được nhiều nhờ cái máy gặt đập liên hợp, mỗi mùa tính ra gặt được cỡ 800 mẫu ruộng cho người ta, kiếm chừng 130 triệu đồng. Cái máy cày cũng kiếm thêm một ít.

Mới đây tui sắm cái máy cuốc đất (máy xúc), tết tới giờ hạn mặn nhưng máy này được gọi mần khắp nơi. Một năm cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Người ta nói tui khá giả bởi theo kiểu nông dân điển hình cơ giới hóa, nhà tui cái máy gì mần nông cũng có (cười).

Nhờ đâu mà ông thành công, sống được với nghề nông sau chừng ấy năm?

- Tui nghĩ mình được tính kiên trì, không bỏ cuộc và luôn tìm mọi cách để xoay xở với nghề nông. Hồi lúc mới ra riêng, lúa tui trúng phải dịch rầy. Tui nhớ năm 1987, thấy con vịt ăn rầy nâu được. Lúc đó, nhà tui có chơi hụi, tháng đóng 5.000 đồng. Tui bàn với vợ hốt hụi, được 75.000 đồng, mua 150 con vịt đem thả đồng. Tui cứ lùa vịt đến mấy cánh ruộng cho ăn để diệt rầy. Người ta cảm ơn và còn cho cơm ăn.

Đợt vịt đó khi đủ thịt đem đi bán đắt như tôm tươi, lời được 200.000 đồng. Mừng húm, vợ chồng lại nuôi các lứa vịt sau. Được cái thời đó cứ hễ vịt tới lứa thịt được là thương lái về giành mua, bao nhiêu họ cũng lấy.

Tui không bán hết cho thương lái mà bán thế công cho nhiều người. Tức là họ tới lấy vịt về đem bán lấy tiền mua gạo, tới mùa gặt thì tới gặt cho tui để trả công. Tui còn lập đội đi gặt mướn, phóng lúa khắp nơi. Bắt đầu dành dụm có tiền, tui mua thêm đồng mà người ta bỏ vì mần không nổi...

Hạn mặn ngày càng gay gắt khiến người có nhiều năm kinh nghiệm làm nông như ông Hồ Văn Tư vẫn phải trăn trở với nghề. Ảnh: M.Trường
Hạn mặn ngày càng gay gắt khiến người có nhiều năm kinh nghiệm làm nông như ông Hồ Văn Tư vẫn phải trăn trở với nghề. Ảnh: M.Trường

Vậy theo ông, người nông dân chỉ cần kiên trì?

- Không chỉ kiên trì, mà phải biết vật lộn với nghề nông. Như tui, mần lúa là việc ổn định, nhưng không nuôi vịt thì chắc tui không thoát khổ nổi. Sau này, tui tập trung tìm hiểu những máy móc cơ giới hóa. Từ đó có được cái lợi khác, cũng của nghề nông. Giờ những máy gặt đập, máy cày, nhứt là máy cuốc đang là cái kiếm thu nhập lớn cho tui quanh năm, trong lúc chờ vụ chính.

Ông có thể nhận xét người nông dân thời trước và bây giờ, có điểm nào giống và khác nhau?

- Nông dân bây giờ kiến thức cao hơn trước. Nếu trước đây mần nông theo kiểu mò mẫm, theo truyền thống thì nông dân bây giờ giỏi giang hơn, am hiểu hơn, được cơ giới hóa hỗ trợ nhiều hơn nên đỡ vất vả hơn trước.

Còn cái giống nhau là làm nông thì thời nào cũng khổ, cũng... hồi hộp nắng mưa và chứa nhiều rủi ro. Nếu không quen hoặc không ưa việc làm lụng ngoài trời thì khó mà theo nghề nông. Nhiều thanh niên hiện nay chọn lối đi làm công nhân. Ngồi ở công ty may 8 tiếng mỗi ngày, tháng đã có lương cao hơn làm 1 công ruộng mà không phải bỏ vốn, không hồi hộp, rủi ro.

Xu hướng giới trẻ chọn đi làm công nhân hơn là ưa thích làm nông, điều này theo ông ảnh hưởng gì đến nền nông nghiệp trong tương lai?

- Có chứ, nếu không muốn nói là có thể thay đổi cả nền nông nghiệp. Người làm nông giờ trung bình lớn tuổi hơn hồi trước nhiều. Người lớn tuổi tuy có nghề, có kinh nghiệm nhưng nói về sức khỏe thì bất lợi.

Nhưng đây cũng là lúc nên hình thành kiểu làm nông mới, khi ruộng đất được tập trung nhiều hơn, gom thành những cánh đồng lớn để thu lợi. Đó cũng là lúc có thể hướng tới việc chỉ trồng một thứ, nuôi một con để sống nhàn. Chứ như hiện nay, nông dân chưa thể yên tâm sống được với việc trồng một thứ, đơn cử như cây lúa.

Vì sao nông dân chưa thể hoàn toàn dựa vào một nghề làm nông nhất định, như trồng lúa?

- Tui không nói về những người có ruộng đất bao la mà đang nói chung. Cái chính bây giờ là rủi ro quá cao, chưa kể thiên tai, thay đổi môi trường ngày một khắc nghiệt thì nghề nông vẫn gặp phải cảnh được mùa mất giá, bấp bênh thường xuyên.

Đơn cử, 1 công ruộng làm trong 3 tháng thì tiền làm đất, mua giống, rải phân, thuốc trừ sâu, công gặt, chuyên chở tốn cỡ 1,5 triệu đồng. Một công ruộng trung bình cho 500kg lúa. Với giá lúa như hiện nay 5.300 đồng/kg thì lời chừng 1 triệu đồng, 1 mẫu ruộng lời 10 triệu đồng. 3 tháng kiếm nhiêu đó là thấp khi phải mần quần quật, đầy rủi ro. Nếu không xoay xở thêm chuyện khác thì khó mà đủ sống, bởi giá cả leo thang từng ngày.

Close up hand holding dry soil at the field in sunrise or sunset time. Growth plant concept
 

Vậy theo ông, phải làm sao để một người nông dân có 10.000m2 đất có thể hoàn toàn sống bằng cây lúa?

- Cái này thì phải nhờ Nhà nước rồi, làm sao để giá lúa cao lên thì sống khỏe thôi. Cả chục năm qua, giá lúa hầu như chững lại hoặc lên xuống thất thường, còn những thứ khác đã mắc gấp đôi, gấp ba...

Chuyện làm sao để giá lúa lên cao thì đã bàn luận nhiều, nhưng tui thấy chưa có đường ra. Nếu nói sống thoải mái với cây lúa, tức là người dân chỉ mỗi việc mần lúa. Họ đâu giỏi tìm đường ra cho cây lúa, đâu giỏi chuyện nghiên cứu thị trường. Còn hiện nay, làm một mẫu ruộng phải kiêm nhiều thứ, giá cả phải theo dõi từng ngày để tính toán.

Ông có 3 mẫu đất lại trồng lúa, chanh, dừa. Sao ông lại chọn trồng 3 thứ khác nhau?

- Tui thấy chỗ nào hợp với cây gì thì trồng cây đó. Nhưng thiệt ra đó là hướng tính toán để an toàn trong tương lai, để hưởng già. Tui sanh ra và làm nông từ nào tới giờ, gần đây thấy hạn mặn ngày càng khủng khiếp nên phải xoay xở, tính toán để bổ trợ nhau, vì chưa thể tin tưởng sống hoàn toàn dựa vào một cây gì được (cười).

Ông có bao giờ nghĩ nghề nông là nghèo hèn và có mặc cảm với nghề?

- Không. Tui luôn tự hào mình là một nông dân. Không phải tự hào vì tui từng có bằng khen của Bộ NN&PTNT, của tỉnh về việc sản xuất giỏi mà tự hào vì mình đã kiên trì trải qua nhiều khổ sở để nuôi gia đình, cho con ăn học tử tế.

Hồi xưa lúc đói khổ, đôi lần tui từng nghĩ sao mình không làm việc khác, hay mơ ước phải chi mình có học để trở thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng việc mần ruộng, việc xoay xở với những lĩnh vực khác của nghề nông bắt tui phải học hỏi không ngừng và quên ngay những suy nghĩ vất vưởng đó.

Ông Hồ Văn Tư với tấm bằng khen của 
Bộ NN&PTNT. Ảnh: M.Trường
Ông Hồ Văn Tư với tấm bằng khen của Bộ NN&PTNT. Ảnh: M.Trường

Những người con của ông, có ai theo nghề nông không?

- Tui luôn đốc thúc con cái học hành đàng hoàng, bởi đó là điều giúp tụi nó có nhiều lựa chọn. Con gái lớn sau khi tốt nghiệp quản trị kinh doanh thì làm văn phòng cho một công ty ở TP.HCM. Con trai tiếp theo đang học năm cuối ngành y.

Còn thằng út, khi nó không đủ điểm vào Đại học Y dược TP.HCM, tui đã lôi kéo nó về mần nông với mình, chỉ nó quán xuyến các máy gặt đập, máy cuốc một tháng cũng kiếm được hơn hai chục triệu rồi.

Nhưng nó mê làm bác sĩ nên kiên trì thi tiếp, nay 26 tuổi mới học năm nhất Đại học Y dược TP. Tui tâm niệm nghề nông là nghề có nhiều cái hay để theo đuổi. Nhưng lớp trẻ hiện nay có nhiều lựa chọn hơn nên mình không bắt buộc chúng theo ý mình được.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận