Biên tập viên Mỹ

EDUARD LIMONOV (NGA) 01/05/2020 16:05 GMT+7

TTCT - "Đọc tất cả những nhận xét của bà ta ghi bên lề, và đọc giữa những dòng chữ liên quan tới cảnh giết người, tôi bắt đầu nghi hoặc chính nhân vật của mình. “Hay có thể nhân vật của mình không phải là đàn ông thực thụ?” - tôi buồn bã nghĩ. “Phải nhanh hơn!” - nữ biên tập viên nhận xét hợp lý và đầy máu lạnh, cắm phập mũi tên bút chì vào cụm từ: “...những ngón tay tôi lặng lẽ di chuyển về phía cò súng”.

 

---------------------------

Bức tranh “Chân dung nhà báo Sylvia von Harden” của họa sĩ người Đức Otto Dix (năm 1928).
Bức tranh “Chân dung nhà báo Sylvia von Harden” của họa sĩ người Đức Otto Dix (năm 1928).

Các nhà xuất bản, những người biên tập sách là những tạo vật đặc biệt.

“Đây chỗ này của ông rất hay, nhưng cần phải cắt”. “Tại sao phải cắt - tôi hỏi - nếu nó hay?”. “Là vì - bà ta nói - tình huống này dài gần hai phần ba chương, đã phá hủy cấu trúc”. “Nhưng tôi đã đặt nó vào cấu trúc” - tôi nói. “Không được - bà ta bảo - Trong đoạn này ông chuyển hành động lên California, trong khi những hành động còn lại thì ở New York”.

“Chẳng lẽ giờ đây, họ, những nhân vật tội nghiệp của tôi, không thể đi đâu sao, kể cả đi nghỉ?”. Không nghe trả lời. Rõ ràng là không thể.

“Và ông có quá nhiều cảnh làm tình trong sách...”. “Nhưng nhân vật của tôi là một kẻ cuồng dâm”. “Được thôi, hãy để cho hắn ta hai cô, vậy đủ rồi. Còn trong sách của ông họ nhiều quá, ông lặp lại, nhân vật của ông lặp lại”. “Đúng, nhưng nếu tôi chỉ để cho hắn ta hai cô, làm sao hắn trở thành kẻ cuồng dâm được...”.

“Phải cắt những phát biểu chính trị. Nhân vật của ông suy nghĩ quá sức ngây ngô”. “Đúng - tôi đồng tình - Tôi xin lỗi, nhưng hắn có quan điểm cấp tiến, và nói chung hắn là tay biến thái nhân cách và vô chính phủ”. “Không được, các phát biểu của hắn không nghiêm túc”. “Thì cứ để chúng không nghiêm túc, hắn có phải bộ trưởng tài chính mang kính gọng sừng đâu, hắn là kẻ cuồng dục và khoái phiêu lưu, cứ để hắn nói”. “Không, phải dẹp những câu nói này”. “Được thôi, có thể, tôi sẽ dẹp”.

“Đây chỗ này buồn chán, phải bỏ đi”. “Tại sao buồn chán? - tôi hỏi - Nhân vật nam giễu nhại nhân vật nữ... Cô ta vẽ vời các kế hoạch tương lai cùng hắn ta, hắn ta gật đầu, nhưng cùng lúc nội tâm hắn lại phát đi những câu trả lời hoàn toàn khác. Hắn là tên vô lại, một tên vô lại u sầu. Hắn sử dụng nữ nhân vật. Theo tôi, chỗ đó buồn cười chứ...”. “Không. Quá chán”. “...Có thể” - tôi nghĩ. Tôi lấy bản thảo khỏi tay bà biên tập và đi về nhà. Đọc.

Hành trình của các nhân vật về bang Virginia thăm cha mẹ cô ta. Nhận xét của biên tập viên ở bên lề: “Ở đây nhiều chi tiết thú vị, nhưng tốt hơn nên gạt tuyến này đi. Có thể kể sơ rất nhanh về chuyến đi?”. “Tại sao “tốt hơn phải gạt đi” nếu “nhiều chi tiết thú vị”? Lại một lần nữa cách ly, không được đi khỏi New York à? Và kể lại nhanh là kể làm sao? Bằng điện tín à? Chỉ hai từ thôi? Bằng tốc ký sao?”.

“Nói chung, chủ đề nữ nhân vật đơn giản là đề tài chết. Đọc bất cứ thứ gì về cô ta đều chán òm. Tôi không biết khuyên ông thế nào, bỏ hẳn tuyến này đi là không thể, vả lại nó cũng cần như một ý tưởng, nhưng nó khiến độc giả ngáp dài ngáp ngắn. Tôi đề nghị cắt gọt mạnh tay mọi thứ, tất cả những gì liên quan đến cô ta”.

“Nhân vật chính gắn với cô ta. Có thể chúng ta cắt luôn nhân vật chính?” - tôi cay cú nghĩ - Và suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều buồn chán - những nhân vật, những tác giả. Chúng ta đi về, làm việc, giao hoan, dạo chơi... Có gì vui ở đây chứ? Bà ta muốn gì ở chúng ta? Chúng ta phải làm gì để bà ta vui đây?”.

Ở một chỗ nhân vật của tôi nói: “Tôi đã vài lần cố dụ dỗ cô ta làm tình với tôi”. Bên lề dòng chữ ngoáy nhanh của biên tập viên: “Thông tin hoàn toàn không cần thiết”. “Tôi không đồng ý - tôi nghĩ - Theo tôi, chính nó là những thứ cần thiết nhất”.

Nhân vật của tôi làm việc trong nhà hàng. Phản ứng của biên tập viên: “Lẽ ra phải dẹp câu chuyện này đi. Nhưng tiếc”. Tác giả đã quen với việc dẹp câu chuyện này hay câu chuyện khác đi, nhưng mà tiếc. Và dần dần lý tưởng của biên tập viên trở nên sáng rõ - biên tập viên thích một nhân vật ít di chuyển nhất. Thậm chí họ muốn sao cho nhân vật nói chung đừng ra khỏi nhà. Trong cuốn sách có một nhân vật tình huống, cấp thứ năm, ngồi xe lăn - Anthony. Tác giả nghĩ liệu có nên biến Anthony thành nhân vật chính của cuốn sách để tiện hơn cho biên tập viên không. Bởi Anthony không thể bay tới California, không thể đi xe buýt đến Virginia, nhà hàng cũng chẳng nhận hắn ta làm đầu bếp và nhân vật này có thể thoát khỏi nhân vật nữ, một ả người Mỹ khỏe mạnh với cặp mông to. Cô ta chẳng có việc gì với gã tê liệt toàn tập Anthony này. Kể cả đánh bài hắn cũng không chơi được mà.

Sự gắn bó của biên tập viên với nơi cư trú của nhân vật thật không thể tin được. Trang 163 - nhân vật ở Đại lộ Sáu và Phố số 9 bị các thành viên của một công xã tình dục chặn lại, những kẻ muốn chiêu dụ nhân vật về hội của mình. “Mấy em của bọn này khoái cậu rồi đó...” - gã trai công xã râu ria xồm xoàm nói. Khoảnh khắc thèm muốn đã gần kề... Nhưng biên tập viên không ngủ quên, bà ta nắm tay áo nhân vật kéo lại. Bên lề là một ghi chú đáng kinh ngạc: “Đã đến lúc về nhà”. Mẹ nó! Không cho nhân vật chơi bời. Không công xã tình dục nào cả, đi về nhà, cậu thật hoang đàng. Dừng lại trong góc chịch nhau à, chết tiệt!

Chỉ một lần duy nhất biên tập viên đề nghị thêm vào gì đó, chứ không gọt đi, là ở chỗ nhân vật vội vã vào quán bar. Lưu ý bên lề dõng dạc: “Đưa vào đây các ám chỉ về những thất bại khác nhau”... Tại sao vậy?! Chẳng lẽ hắn ta không thể đơn giản vào bar và uống rượu thôi sao? Vì vui. Mà này, xin lỗi nhé, còn có một trường hợp biên tập viên đề nghị bổ sung chứ không cắt đi: cuộc gặp tình huống của nam và nữ nhân vật với anh trai của nữ nhân vật - một nhạc sĩ và con nghiện Michael. Biên tập viên quan tâm viết bên lề: “Bổ sung thêm về các loại ma túy của anh ta. Ở đây ngắn quá”. “Bà ta cần chúng làm gì? Có thể, bà ta cũng là con nghiện, hay có thể, bà ta muốn làm quen với Michael?” - tôi nghĩ. Hoặc giả, bà ta khoái những thông tin hấp dẫn ban đầu mà tôi dẫn dụ ở phần trên cuốn sách? “...Nói ngắn gọn, mái tóc đen ngắn cắt kiểu semi-box, áo thun ngắn tay dưới áo khoác da, mặc ngay trên áo thun - một kiểu bảnh chọe côn đồ. Vài vết cắt của dao cạo trên cổ, mặt không mịn màng, đẹp thô ráp, nam tính...”. Hay có thể mụ ta là kẻ bạo dâm? - tôi nghĩ.

Nhưng không, nào phải thế. Ở trang 180, bà ta đã nhẫn tâm giật bộ tóc giả ra khỏi cái đầu hói của một cô gái Do Thái. Của Sera nào đó vì cái gì chứ? Theo tôi, cô ta dễ thương. Và chủ tâm ném đi tất cả bạn bè của Sera, trong đó có cả tay tàn bạo Rafael - một bản sao tuyệt vời, một món trang sức cho tiểu thuyết của tôi. “Cắt!” - bà ta viết không thương tiếc. “Như một mụ phát xít” - tôi nghĩ. Bà ta nhạo báng.

Dần dà mọi người chung quanh nhân vật ngày càng ít đi. Từ một tay ngu ngơ quảng giao mà tôi nghĩ ra và tạo nên, nhờ hoạt động miệt mài của biên tập viên mà hắn biến thành một kẻ yếm thế cô đơn. Hắn ta chẳng đi đâu, không ra khỏi nhà, không gặp gỡ ai. Để tiện cho biên tập viên, hắn ta gần như chỉ chơi gái một lần trong sáu tháng, mặc dù trước đó hắn không thể sống một ngày mà không làm tình.

“Không thể biến con hầu thành một quý cô!” - tôi thốt lên với một tiếng thở dài ở trang 220. Cụm từ này bị gạch chân - không phải bị gạch bỏ, và bên lề là câu cảm thán của nữ biên tập viên: “Nghe lạ, và ở Mỹ thì rất không thuyết phục. Khát khao biến thành quý cô dường như lớn hơn tất thảy!”.

Tôi với bà biên tập viên của mình khác nhau làm sao. Theo tôi, theo kiểu Nga, có họa bạn mới trở thành quý cô, nếu mang nội tâm của một cô hầu và ra đời cùng nội tâm này đâu đó ở Nam Dakota. Nếu bạn có đôi tay, cặp giò và cái mông của một cô giúp việc... Những ngón tay và bộ móng... Một quý cô thì không thể trở thành, một quý cô cần được tinh tế và êm ái sinh ra, tôi nghĩ với niềm xót thương dịu dàng cho nữ biên tập viên của mình, người không nhận ra điều đó. Và tiểu thuyết của tôi chính là viết về điều không thể đó - nhân vật trong tiểu thuyết của tôi đã cố hết sức từ con hầu của mình trở thành một quý cô, nhưng hỡi ôi... Và dù cô giúp việc rất muốn, nhưng không có khát khao nào, dù mãnh liệt nhất, có thể giúp cô điều đó. Người Mỹ tin mọi việc đều có thể, rằng chỉ cần kết hôn với một tay chủ hãng tất hoặc hãng đồ lót, hãng sốt cà chua là đủ để trở thành một quý bà. Họ là một dân tộc trẻ - mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng. Tôi không tin. Sao mà được chứ? Thậm chí tôi còn không thể bắt mình chạy bộ mỗi sáng để sống được lâu hơn. Tôi nốc, tôi là tay nghiện rượu.

Và đây nói chung là một hành động quái đản. Niềm vui và nỗi tự hào của tôi đã bị gạch bỏ cùng một số trang khác: đó là cảnh mà nhân vật gặp “cô gái trong áo choàng lông” - mơ ước của bất kỳ gã đàn ông nào. Gặp trên một sân gôn rộng, tràn đầy ánh nắng, bên bờ đại dương, nơi diễn ra triển lãm vẻ đẹp ôtô. Biên tập viên quái vật chẳng rủ chút lòng thương mà viết: “Ở đây khá hay, nhưng phải cắt” hoặc “Nhiều điều thú vị, nhưng phải gọt”. Không. Gạch bỏ, trái tim chẳng hề nao núng. Vứt đi chẳng chút đoái hoài những thở than động lòng của nhân vật: “...Với tình yêu cái đẹp, các người nghĩ xem có dễ dàng không khi tôi phải sống trong khách sạn “Diplomat”, nơi gương mặt đẹp nhất là của bọn tú ông khỏe mạnh, trong bất cứ trường hợp nào. Các người nghĩ xem có dễ dàng không, khi luôn nghiêng mình trước cái đẹp, tôi phải chơi ả gái nhảy Rumania Rena với bộ mặt khỉ?”. Khúc tụng ca cái đẹp của tôi chẳng làm bà ta rung cảm, chẳng khiến bà ta dừng lại. Nhân vật xướng tụng ca của mình ở California, nhưng không được biên tập viên cho phép rời khỏi vị trí chiến đấu của mình ở New York, mặc dù tất cả những diễn ngôn ở California là một kiểu bùa thiêng đối với hắn ta. Hắn ta không được phép tới đó. Ngay cả phía bắc New York hắn cũng không được phép léo hánh. Và khi thật không may hắn trở thành tay đào đất, bởi chẳng còn việc làm nào khác, cả nước đang có khủng hoảng, thì người lính canh tận tụy - nữ biên tập viên đã gạch bỏ sự hiện diện của hắn ở cách New York một trăm dặm và trả kẻ đào tẩu trở lại New-Babylon. “Bắt đầu từ đây!” - lệnh khắc nghiệt ban cho tôi ở trang 228.

Ở trang 232, bất ngờ tôi được khích lệ. “Kết thúc hay!” - được phán cho những dòng sau: “Tôi tỉnh dậy trên giường của mình ở Phố 83. Sau vai tôi, ôm lấy tôi, Leshka đang ngủ. Thế đấy, Chúa ơi, mơ được chung chăn gối với mỹ nhân Brasil, thay vào đó lại tỉnh giấc cùng một gã đồng tính đầu bạc khỏe mạnh...”. Theo tôi, chẳng có gì hay ho. Buồn là khác. Một kết thúc tồi. Mà có thể bà ta thù đàn ông nên vui sướng khi có gì đó tồi tệ xảy ra cho họ?

Ở trang 284, bà ta “không cần Stanislav!”. “Bà ta chẳng cần ai... Bà ta phản cảm với các nhân vật của mình...” - tôi buồn bã nghĩ.

Ở trang 326, bà ta thủ tiêu cảnh trò chuyện giữa nhân vật với ả gái điếm trong nhà thổ - nhại một cảnh nổi tiếng trong Tội ác và trừng phạt. “Dẹp!”. “Kinh khủng!”, “Điên lên được!”, “Có thể sống không có trang này!”. Có câu “Nếu muốn chuyển tin - hãy nghĩ đến Western Union - hãy nhớ điều đó!”. Nhận xét cuối cùng của bà biên tập viên về Western Union là cho tình huống, khi nhân vật tranh luận với các trí thức Đan Mạch về vấn đề kiểm soát sinh sản, cùng lúc đó hắn nghĩ nên chăng choạc bà chủ nhà người Ba Lan.

Cảnh cao trào kết thúc cuốn sách của tôi về vụ giết người không thành, theo ý bà ta, nên diễn ra nhanh hơn. Không, bà ta không chống vụ giết người. Bà ta chỉ không hứng thú với những nguyên cớ tâm lý, tất cả những nguyên do đều bị bà ta gạch bỏ, bà ta nhìn vấn đề theo kiểu Mỹ: muốn giết cứ giết, đừng ngẫm ngợi. Bà ta khinh bỉ nhân vật của tôi, nhổ nước bọt vào người phút chót đã không hạ thủ. “Họ biết rõ hơn - tôi rụt rè nghĩ - Ở họ, bắn tổng thống là môn thể thao quốc gia. Họ là dân chuyên nghiệp. Còn mình chỉ là một người châu Âu nhút nhát... - tôi tự ti nghĩ - Sao mà bì với họ!”.

Vậy thì bà ta - biên tập viên Mỹ - thích gì trong cuốn sách của tôi?... Chỉ có một lời khen với ba dấu chấm than tôi tìm thấy, một lần nữa làm đứt quãng bản thảo thống khổ của tôi. Chỉ một chỗ bà ta hoàn toàn đắc ý. Nó đây. Cảnh ở nhà bếp: “Tất cả chúng tôi, ngồi ở bếp trong những tư thế khác nhau, đã lên án hầu tước phu nhân vì cái quần polyester của bà ta và khẳng định người Anh vẫn rất tỉnh lẻ, kể cả các nhà quý tộc”.■

Phan Xuân Loan (dịch)

Nhà văn, nhà chính luận Nga Eduard Limonov (tên thật: Eduard Savenko) vừa qua đời ở Matxcơva hôm 17-3-2020, thọ 77 tuổi, là “một kiểu người Nga cực hiếm”, theo nhận định của nhà văn nổi tiếng Zakhar Prilepin.

Nhà văn Eduard Limonov

Bắt đầu sáng tác cuối thập niên 1960, vì bất đồng chính kiến, Eduard Limonov lưu vong sang Mỹ thập niên 1970. Ở đây, ông hoàn thành một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của mình: Tôi, Edichka, dù nó không được in tại Mỹ do công kích đời sống Mỹ và vì những cảnh mô tả tình dục đồng giới “quá sức tự nhiên”. Cuốn sách được in ở Pháp, trở thành best-seller. Năm 1980, ông chuyển sang sống ở Pháp và nhận quốc tịch Pháp cuối thập niên 1980. Tại đây tiếp tục xuất hiện nhiều công trình nổi tiếng khác của Limonov: Câu chuyện người hầu của hắnNhật ký một kẻ thua cuộc. Đầu những năm 1990, Limonov trở về Nga, một lần nữa trở thành công dân đất nước mình và đẩy mạnh hoạt động chính trị bên cạnh việc sáng tác.

Limonov luôn là nhà đối lập: bị tước mất quốc tịch Liên Xô và làm việc cho một tờ báo lưu vong ở Mỹ, Limonov chỉ trích những ai nói xấu Liên Xô. Nhưng khi trở về Nga và đấu tranh giành lại quốc tịch Nga, Limonov lại trở thành thành viên của Đảng Dân chủ tự do (đối lập) Nga, rồi sau sáng lập Đảng Bônsêvich dân tộc (bị cấm ở Nga). Limonov từng bị bắt ở Nga, ở Kazakhstan, sách ông bị cấm ở Ukraine do quan điểm về vấn đề Crimea...

Truyện ngắn Biên tập viên Mỹ được in năm 1991 trong tuyển tập truyện ngắn Zulali, viết trong thời kỳ nhà văn lưu vong ở Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận