Tự động hóa thời dịch bệnh: Vui vẻ để robot thay con người?

YÊN LAM 02/05/2020 18:05 GMT+7

TTCT - Môi trường làm việc nguy hiểm vì có thể tiềm ẩn virus, hạn chế tập trung đông người, mỗi cái tiếp xúc đều có nguy cơ truyền nhiễm, những đặc điểm của nền kinh tế thời hậu dịch bệnh COVID-19 cho thấy dường như máy móc, robot là đối tượng lao động phù hợp nhất thay vì con người.

Robot kiểm tra nhiệt độ tại một bệnh viện ở Thẩm Dương (Trung Quốc). Ảnh: AFP
Robot kiểm tra nhiệt độ tại một bệnh viện ở Thẩm Dương (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Các dây chuyền sản xuất được tự động hóa, robot thay nhân viên trả lời điện thoại, làm việc trong kho hàng không phải chuyện lạ. Đại dịch là cơ hội cho máy móc tham gia sâu hơn vào các ngành dịch vụ mà tiềm năng và nhu cầu đã hiện rõ trong thời gian dịch bệnh hoành hành khắp thế giới: giao nhận, vệ sinh khử trùng, phân loại hàng hóa…

Người lao động có thể không còn phải làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, tạm yên tâm về sức khỏe, nhưng sự xuất hiện của robot cũng đồng nghĩa với việc chủ lao động sẽ không cần họ nữa khi khủng hoảng qua đi và các doanh nghiệp bắt đầu tái thiết với túi tiền vơi đi ít nhiều vì đại dịch.

Nhiều đất cho robot diễn

Hãng nghiên cứu thị trường Fuji Keizai (Tokyo, Nhật Bản) từng dự báo trước khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu rằng thị trường của robot trong ngành dịch vụ trên toàn thế giới sẽ tăng khoảng 2,6 lần trong giai đoạn 2018 - 2025, trị giá khoảng 4.500 tỉ yen.

Theo công ty này, robot trong mảng hậu cần, vận chuyển và thiết bị tự hành sử dụng trong các kho hàng sẽ phát triển mạnh. Hãng tư vấn Boston Consulting Group cũng dự báo nhu cầu robot có thể mang vác hàng và giảm việc thuê nhân công trong nhà hàng và bệnh viện sẽ tăng trong thời gian tới.

Các dự báo trên được đưa ra khi thế giới chưa chứng kiến trận đại dịch khiến việc công nhân chen chúc trong nhà máy hay nhân viên các ngành dịch vụ giao tiếp với khách hàng trở thành điều “cấm kỵ” như hiện nay.

“Robot dịch vụ đã vươn lên từ bóng tối và thu hút mọi sự chú ý như là đối tác đáng tin cậy để bảo vệ con người trước khủng hoảng dịch bệnh” - tạp chí Nikkei Asian Review ngày 26-4 bình luận khi nói đến sự lên ngôi của robot trong thời tiếp xúc giữa người và người cần phải giữ ở mức tối thiểu.

Robot vốn thích hợp nhất để thay con người làm các tác vụ 3D - dull (nhàm chán), dirty (dơ bẩn) và dangerous (nguy hiểm), và dịch COVID-19 đã góp thêm chữ D thứ tư: disease prevention (ngăn ngừa dịch bệnh). “Trong nguy luôn có cơ - Bill Studebaker, chủ tịch Hãng tư vấn Robo Global, nói với Reuters - Các công ty sẽ tự động hóa hơn nữa và xu hướng này sẽ tăng tốc (vì dịch bệnh)”.

Một ví dụ cho công việc 3D là tái chế đồ nhựa. Dịch bệnh đã khiến ngành tái chế tại nhiều thành phố ở Mỹ phải tạm ngưng vì lo ngại công nhân có thể nhiễm virus khi tiếp xúc với chai lọ, hộp đựng thực phẩm dùng rồi. Robot rõ ràng là giải pháp tốt nhất - chúng không bao giờ nhiễm bệnh.

Theo New York Times, kể từ khi COVID-19 “đổ bộ” vào nước Mỹ, số đơn đặt mua robot dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại rác thải nào tái chế được của Hãng AMP Robotics đã tăng đột biến trong khi Hãng Brain Corp, nhà sản xuất phần mềm cho robot lau nhà, cho biết các nhà bán lẻ đang dùng sản phẩm của họ nhiều hơn 13% so với hai tháng trước.

“Trước khi có dịch bệnh, có suy nghĩ rằng con người đang tự động hóa quá nhiều rồi và đại dịch này khiến họ phải nghĩ lại rằng chúng ta còn phải tự động hóa thêm nữa” - Richard Pak, giáo sư Đại học Clemson, chuyên nghiên cứu các yếu tố tâm lý xoay quanh việc tự động hóa, nói.

Người lao động vẫn rầu

New York Times hôm 10-4 cho biết “robot được chào đón khi đến chiếm việc làm” của con người, và rằng cảm giác khó chịu khi bị máy móc cướp “nồi cơm” sẽ biến mất khi con người thấy được lợi ích của việc giảm đến tối thiểu tiếp xúc giữa người với người.

Bài viết dẫn lời các chuyên gia lao động và robot cho biết các lệnh giãn cách xã hội nhiều khả năng sẽ vẫn được giữ một thời gian sau khi dịch bệnh bắt đầu suy giảm, và điều này sẽ thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp tăng tốc tự động hóa.

Có thể hiểu robot được chào đón vì giúp công việc trơn tru mà không cần phải để người lao động chịu rủi ro sức khỏe. Song nếu nhìn xa hơn, thật khó để mong đợi thái độ vui vẻ từ công nhân khi chủ lao động tăng cường tự động hóa vì dịch bệnh.

Sắm sửa robot đâu phải việc có thể nói là làm ngay, nhất là khi tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì COVID-19. Và nếu đã chi tiền cho tự động hóa, liệu doanh nghiệp có còn sẵn lòng đón người lao động trở lại khi khủng hoảng kết thúc?

Huan Liu, đại diện Hãng robot Mujin, cho biết các công ty thường mất hàng triệu đôla để đầu tư vào một dự án tự động hóa đơn giản, thường mất từ 6 tháng đến 1 năm mới hoàn thành. “Vấn đề là doanh nghiệp đặt nặng chuyện gì hơn - thay thế lao động trong thời dịch bệnh hay cân bằng ngân sách vì doanh số giảm sút?” - Liu nói.

Mark Muro, chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động thuộc Brookings Institution, cho rằng với các công ty thâm hụt ngân sách vì virus corona, áp lực thay người lao động bằng máy móc căng thẳng hơn bao giờ hết.

Người lao động giờ đây là một khoản chi phí đắt đỏ, trong khi doanh thu công ty sụt giảm. Vì thế, tự động hóa cũng có nghĩa các công ty nếu có tuyển thêm nhân sự thì tuyển ít hơn trước đây. “Khi kinh tế bắt đầu hồi phục, có thể ta sẽ thấy ít công nhân hơn” - Muro nói với Nikkei Asian Review.

Đâu chỉ có công nhân nhà máy mới phải lo lắng. Giãn cách xã hội khiến nhiều văn phòng, công ty phải đóng cửa, cho nhân viên ở nhà và các phần mềm AI đã thay luôn con người trong việc chăm sóc khách hàng.

Hãng thanh toán PayPal để robot giải quyết 65% yêu cầu bằng tin nhắn của khách hàng trong vài tuần qua “nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho các nhân viên”, còn YouTube cũng dùng công nghệ để kiểm tra và xóa các nội dung vi phạm thay vì cần phải được nhân viên là con người xem qua.

Mặc dù nhiều chủ lao động khẳng định robot đang giúp cải thiện việc làm của người lao động chứ không thay thế họ, nhưng khi cơn hoảng loạn mua hàng tích trữ qua đi và kinh tế sẽ suy thoái vì đại dịch, các công ty đã phân bố lại lao động vì khủng hoảng có lẽ sẽ không cần các nhân viên đó nữa.

Robot vận chuyển thuốc men ở bệnh viện. Ảnh: ABB
Robot vận chuyển thuốc men ở bệnh viện. Ảnh: ABB

Bài học Ebola

Làn sóng tìm đến tự động hóa để giảm việc phải để người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 gợi nhớ đến các kế hoạch hành động từng được đặt ra nhưng không thể đến đích vì thiếu động lực và tài chính trong dịch Ebola hồi năm 2015, theo bài viết của một nhóm nghiên cứu robot trên tập san Science Robotics ngày 25-3.

“Dịch Ebola giúp nhận dạng một phổ rộng các ứng dụng của robot, nhưng tài trợ cho các nghiên cứu đa ngành về lĩnh vực này, vốn đòi hỏi kinh phí lớn, rất khan hiếm hoặc được rót vào các ứng dụng khác” - các nhà nghiên cứu viết.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu được đầu tư đúng mức, thế giới có lẽ đã sẵn sàng để đương đầu với đại dịch tiếp theo thay vì phải loay hoay bắt kịp tình hình mới trong đại dịch như hiện nay.

Theo Guang-Zhong Yang - trưởng khoa nghiên cứu robot tại Đại học Giao thông Thượng Hải, một trong các tác giả bài viết, vấn đề là mỗi khi có dịch bệnh bùng nổ, ta mới nhận ra tầm quan trọng của việc tự động hóa để bảo vệ con người trong lao động.

Nhưng rồi sau một trận dịch hay đại dịch, các mối ưu tiên mới lại xuất hiện, chẳng hạn như khôi phục tình trạng xã hội và nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra, theo Yang, là “làm sao chắc rằng chúng ta sẽ nỗ lực hết mức để ủng hộ sự phát triển bền vững của robot nhằm sẵn sàng khi lại có một cuộc khủng hoảng như thế này xảy ra?”.

“Tôi không cho rằng chúng ta đã sẵn sàng với COVID-19 nhưng hi vọng với nỗ lực chung, chúng ta sẽ sẵn sàng cho lần tới” - Yang nói. Không ai muốn sau COVID-19 lại có thêm một khủng hoảng nào để chứng tỏ lời cảnh báo của giới nghiên cứu robot là đúng, nhưng có lẽ không nên quên bài học Ebola.■

Bệnh viện là một trong những nơi cần robot thay con người nhất trong thời dịch bệnh. Emil Jensen, phó chủ tịch phụ trách kinh doanh thị trường Trung Quốc của Hãng sản xuất robot Mobile Industrial Robots (Đan Mạch), cho biết nhu cầu đặt mua robot quét tia UV để khử trùng phòng ốc từ các bệnh viện đã tăng nhiều lần, trong đó có rất nhiều khách hàng mới.

Và còn nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng khác, khi robot có thể thay con người tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm: kiểm tra thân nhiệt (cả trong bệnh viện lẫn các chốt kiểm tra như sân bay, bến xe), lấy mẫu để xét nghiệm, chuyển thuốc men, thức ăn cho bệnh nhân (y tá, điều dưỡng không cần phải mất thời gian mặc/cởi đồ bảo hộ), xử lý chất thải và thậm chí giám sát việc tuân thủ cách ly.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận