Trầm tích của yêu thương

QUỐC BÌNH 06/05/2020 17:05 GMT+7

TTCT - Trầm tích yêu thương vẫn vẹn nguyên nơi tầng đáy, chỉ cần chạm nhẹ là mọi thứ lại trào lên, thiết tha...

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Sau năm 1975, gia đình tôi di tản từ Trung vô Nam. Xóm tôi ngày đó đàn ông toàn đi “học tập” hoặc thất nghiệp, gánh nặng mưu sinh dồn cả lên vai những người phụ nữ. Mạ tôi cũng không ngoại lệ, việc gì kiếm được tiền là lao vô quần quật.

Nghe kể thời gian đầu luộc bắp đi bán, không biết canh sao cho chín tới, mạ mua ít thuốc nhừ bỏ vô theo mách nước, kết quả cả nồi bắp rã banh. Trải qua hàng chục nghề, cuối cùng mạ trụ ngay lề đường chan chát nắng với cái tủ kính rộng cao tám tấc. Tám tấc để khi công an tới đủ ôm... chạy.

Mạ bán tất cả những gì mua được, từ bánh trái, thuốc tây, xà bông đến bơ, đường... Bơ, đường không bán theo hộp, mà chia ra từng bịch nhỏ treo lủng lẳng, ai mua thì cắt ngang một bịch. Đường khi đó vàng khè, ẩm mốc, trưa nắng tôi hay phụ mạ đổ ra bancông phơi, trên tay là cây phất trần đuổi ruồi mà tôi chỉ huơ huơ vài nhịp là ngủ gục…

Trên chuyến tàu tản cư chen chúc, anh trai tôi sốt cao, mất khi đến Sài Gòn. Sau đó mạ sinh anh kế, rồi đến tôi “suýt sinh rớt khi đang buôn bán”. Hồi nhỏ tôi thường ốm dặt dẹo nên rất thân thuộc Bệnh viện Nhi Đồng. Tôi nhớ hoài cảm giác nóng hổi gục sấp lưng ba, nhớ mùi ête lành lạnh lúc nửa đêm tỉnh giấc. Nhớ từng mảng gạch men trắng nhỏ viền xanh nhô cao khỏi giường sắt xám. Không cần nhìn ra tôi cũng biết nắng chếch khoảng nào trên mấy cây xà cừ cao vút ngoài ô cửa.

Mạ kể có lần tôi bị sốt ngưng thở giống anh, bác sĩ đã tính chuyển xuống nhà xác, ai ngờ lúc sau tôi bật lên thở lại. Ám ảnh phút sinh - tử đó và là con út nên mạ canh tôi khá kỹ, sẵn sàng xù lên như gà mẹ bảo vệ gà con. Lắm lúc điều này làm tôi ức chế, tôi giận lẫy, không ăn uống, ngồi lì ở bậc thang tối nhất.

Tuy cuộc sống giờ đây khác xưa nhưng tính quần quật, tiết kiệm của mạ không đổi, chưa một lần mạ bước vào nhà hàng sang trọng, hơn chục năm chỉ đi một đôi giày. Cứ tôi soạn đồ cũ vứt đi, mạ sẽ moi lên cất lại. Đồ mua về nếu không xé toang mạ sẽ không dùng.

Tôi rất ngại đưa khách hay bạn thăm nhà vì sau một hồi điều tra lý lịch khách, mạ sẽ níu lại kể chuyện tôi hồi nhỏ. Rồi mạ soạn đồ cho khách, khi cục xà bông, có khi hai bàn chải đánh răng, ai được đặc biệt yêu quý sẽ nhận chai dầu xanh con ó. Có đợt cả nhà nói dối được tặng voucher trọn gói một tuần ở một resort Đà Nẵng để thuyết phục ba mạ đi. Đến ngày thứ ba, mạ phát hiện giá tô mì Quảng và từ đó nhất định không ăn gì. Chưa hết, ở resort nhưng mạ quyết định tự lau sàn, rồi “thấy mọi thứ vẫn sạch” nên mạ không cho thay drap giường, sợ người ta giặt tốn nước. “Tội mấy cô dọn phòng nên mạ dọn giúp luôn”!”.

Hồi nhỏ, mỗi trưa đi học thấy ai tất tả bán hàng rong ngoài phố, tôi lại bùi ngùi. Đôi lúc tự hỏi sao mình dễ xúc cảm với người ngoài mà với mạ lại không, chỉ cau có và giận lẫy? Mình có thật sự thương mạ không? Những câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, dù có cố đào sâu tâm khảm thì nơi ấy cũng chỉ là khoảng trống chơi vơi, bí mật đeo đuổi khiến tôi lẩn thẩn u sầu suốt dọc tuổi thơ. Mỗi khi xem cảnh phim, đọc trang sách hoặc nghe bạn bè nói về lòng hiếu thảo, trong tôi lại dâng lên nỗi mặc cảm không đủ tốt, thấy mình lẻ loi, tội lỗi...

Lúc mới ra trường, tôi có lần tham dự một lớp học kỹ năng mềm với toàn các anh chị CEO đình đám. Bài tập đầu tiên là mỗi học viên phải gọi điện về cho người yêu thương để biểu lộ cảm xúc. Suy nghĩ không ra ai, tôi gọi về cho mạ, vừa nghe tiếng alô, tôi nuốt chữ nói nhanh “Con yêu mạ” rồi vội vàng tắt máy. Không kêu lại được, tưởng thằng con bị cục đá rớt vô đầu, mạ hốt hoảng nhờ người nhà gọi lại hàng chục cuộc!

Bài tập thứ hai là mỗi người phải kể về một “vết thương” riêng. Là người đầu tiên bước lên, tôi bồi hồi nhớ lại lúc tôi 12 tuổi, đang nằm vắt vẻo đọc sách thì cô T. hàng xóm trùm áo mưa ghé qua hớt hải: “Em bé! Ra xem mẹ mày bị gì kìa!”. Tôi líu quýu ra cửa, thấy mạ nước mưa trộn máu tuôn từ trán xuống đỏ một thân áo… Trời đột ngột đổ mưa nên mạ chạy vô một mái hiên trú tạm, bất ngờ con mèo ở đâu rớt xuống, chân bám chặt mặt mạ giữ thăng bằng. Mạ càng hất ra, nó càng hoảng loạn cào cấu. Mạ đứng đó với những vết cào rách toác, tay huơ huơ nức nở: “Con ơi, con ơi…!”. Tôi nhớ lúc ấy mình như đông cứng, mắt ngập nước. Có gì đó vỡ ra, nghẹn thắt lồng ngực. Hẳn ấy là lần đầu tiên tôi cảm nhận được hình hài của yêu thương…

Dạo này tôi không còn gắt lên mỗi khi mạ kêu về sớm, chơi khuya một chút đã muốn quay về. Những cuộc vui, những ly rượu tụ bạ bạn bè thôi không còn lấp lánh, bởi nhìn đâu tôi cũng thấy như ánh mắt mạ dõi theo. Trầm tích yêu thương vẫn vẹn nguyên nơi tầng đáy, chỉ cần chạm nhẹ là mọi thứ lại trào lên, thiết tha…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận