“Tô màu” cho quá khứ: Mò kim giữa dòng chảy lịch sử

LÊ MY 02/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Thật khó xếp công việc phục chế màu cho ảnh đen trắng vào nhóm thuần nghệ thuật hay khoa học. Bởi những người “tô màu” nghiêm túc nhất cần kết hợp giữa nghiên cứu tư liệu, vật lý, công nghệ và mỹ học để thổi sự sống vào lịch sử, biến những gương mặt đơn sắc từ quá khứ thành những con người gần gũi và chân thật.

Chẳng đợi đến bây giờ người ta mới nghĩ tới việc thêm màu sắc cho ảnh chụp trắng đen. Phương pháp tô màu bằng tay đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, khi nhiếp ảnh ra đời không lâu, nhưng kết quả vẫn còn xa với thực tế.

Ngày nay, công nghệ hiện đại và nguồn tri thức to lớn trên Internet đã cho phép chúng ta tái tạo những khoảnh khắc lịch sử đầy màu sắc như nó đã từng.

Sẵn sàng “mò kim đáy bể”

Trong mỗi bức hình đen trắng, chi tiết nào mang màu gì vốn đã được quá khứ quyết định. Việc của người phục chế ảnh là tìm ra những màu sắc đó, bằng cách nghiên cứu thông tin tỉ mỉ, để đảm bảo phiên bản màu mô tả gần đúng nhất những gì diễn ra trong quá khứ.

Điều này đồng nghĩa với hàng giờ đồng hồ “lặn ngụp” trong nhật ký, sách vở, phim tư liệu, thậm chí cần nhờ tới các nhà sử học, trước khi mở photoshop lên và bắt đầu tô màu.

Jordan Lloyd, một chuyên gia phục chế ảnh tại London (Anh), đã tô màu cho bộ ảnh Howard Carter khám phá lăng mộ Tutankhamun - vị pharaoh nổi tiếng của Ai Cập - vào năm 1922. Lloyd đã dựa vào những ghi chép chi tiết bằng tay của nhà khảo cổ học, so sánh chúng với các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, khi nghiên cứu màu sắc cho bộ ảnh.

Howard Carter khám phá lăng mộ Tutankhamun tháng 10-1925. Ảnh: Harry Burton
Howard Carter khám phá lăng mộ Tutankhamun tháng 10-1925. Ảnh: Harry Burton

Và bức ảnh đã được Jordan Lloyd tô màu:

Và ảnh do Jordan Lloyd tô màu.

Đôi khi, biết được “chỗ này cần xanh, chỗ kia cần đỏ” vẫn chưa đủ, bởi đỏ hay xanh cũng có dăm bảy loại màu, chưa kể “50 sắc thái” đậm nhạt.

Khi câu trả lời không có sẵn, một người “tô màu” nghiêm túc cần có một mạng lưới nguồn tham khảo đủ lớn để… đi đường vòng. Đó là cách giúp Dương Minh Trí, một kỹ sư đo lường làm việc tại Hà Nội, mang màu sắc vào hàng trăm bức ảnh tư liệu đen trắng về hai cuộc kháng chiến ở Việt Nam.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Trí cho biết chỉ vì đam mê mà anh dành nhiều năm nghiên cứu chuyện “tô màu” cho quá khứ. “Muốn biết màu thép súng, tay cầm, dây súng… tôi tìm kiếm trên Google bằng tên tiếng Anh và mã, hiệu của chúng - Trí kể - Muốn biết màu quân trang của Quân Giải phóng miền Nam thì khó hơn, do quần áo, mũ cối có thể được sản xuất trong nước hoặc viện trợ từ nhiều nước”.

Ảnh từ quyển Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng (NXB Thông Tấn).
Ảnh từ quyển Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng (NXB Thông Tấn).

Và bức ảnh đã được Dương Minh Trí tô màu:

Và ảnh màu của Dương Minh Trí.
Ảnh màu của Dương Minh Trí.

Thông tin có thể rải rác khắp nơi, Trí thường nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, sách in và trên Internet để đưa ra suy luận hợp lý nhất. “Tôi dựa vào độ đậm nhạt. Ví dụ quân phục nhìn bạc phếch thì chỉ cần màu trắng, có thể thêm chút màu khaki. Quân phục sậm nhất thì cho vào màu nâu hoặc xám, còn lại có thể là màu xanh lá hay vàng nhạt. Với những ảnh chụp năm 1975, tôi cho 90% áo lính có màu xanh Tô Châu, vì khi ấy màu này được phổ biến toàn quân. Với hình ảnh khoảng đầu những năm 1960, màu chủ yếu là màu khaki, lấy chuẩn nhất là từ quân phục của Pháp, vì ta lấy vũ khí địch để đánh địch, quần áo cũng thế”.

Trí cho biết chưa có ý định bắt đầu những chủ đề khác, vì “chắc chắn phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa, trong khi chủ đề chiến tranh Việt Nam còn quá lớn và tôi đã được tiếp xúc từ nhỏ”. Mọi chi tiết trên bức hình trắng đen, dù bạc màu, đều có thể trở thành manh mối, dẫn dắt người phục chế ảnh đến nguồn thông tin, và xa hơn nữa là những câu chuyện thú vị về lịch sử. Chẳng hạn, nếu xử lý ảnh chụp tháp Eiffel vào năm 1888, bạn sẽ cần biết rằng ngọn tháp khi chưa hoàn thành vốn được sơn màu venetian - đỏ hơi nâu.

Còn những bức hình đen trắng của gia đình, chụp những người bình thường giữa đời thường thì sao? Với những người phục chế màu ảnh, bước nghiên cứu đầu tiên không có ngoại lệ. Biết được thời điểm chụp ảnh sẽ giúp xác định thời đại, khung cảnh và phong cách ăn mặc. Với Jordan Lloyd, bảng quảng cáo, tên đường hay bất kỳ chi tiết nào cũng có thể là manh mối săn tìm nguồn tham khảo xác thực nhất.

Một bức ảnh được tô màu dở dang. Ảnh: VOX
Một bức ảnh được tô màu dở dang. Ảnh: VOX

“Tô màu” cũng lắm công phu

Sau nghiên cứu màu gì và sắc chi, hai bước tiếp theo lần lượt là: phục hồi chất lượng ảnh cũ và pha trộn màu. Tất cả vết ố hay trầy xước do thời gian cần được xử lý cẩn thận nhằm cố gắng đưa bức ảnh về chất lượng trắng đen ban đầu.

Tiếp đến, hàng chục hay thậm chí hàng trăm lớp màu khác nhau được thêm vào các chi tiết và hòa trộn với nhau. Chỉ riêng màu da người có thể cần tới 20 lớp màu hồng, vàng, xanh lá cây, đỏ và xanh lam để tái tạo chính xác màu da cần có.

Một bức ảnh lịch sử đang được tô màu dở dang. Ảnh: VOX

Đến đây, công việc phục chế vẫn chưa xong. Để bức ảnh màu đạt được vẻ chân thực, các chuyên gia phải tiếp tục tính toán khía cạnh vật lý của ánh sáng, cụ thể là điều kiện chiếu sáng thực tế khi chụp ảnh ra sao và màu sắc của đối tượng khi đó trông như thế nào. Bởi vì môi trường sáng tối ảnh hưởng khác nhau đến cảm nhận màu sắc của chúng ta.

Họ có thể dựa vào độ dài của bóng cây, bóng người trên mặt đất, phép đạc tam giác (đo đạc khoảng cách bằng cách tính góc), hay vận dụng những hiểu biết tương tự. Từ đó, người xử lý ảnh suy luận là trời đang âm u, giữa trưa hay xế chiều, để tái tạo độ sáng phù hợp.

Thế nhưng, điều kiện thời tiết không phải là yếu tố duy nhất cần xem xét. Ánh sáng phản chiếu từ các vật liệu, hiện tượng nhất định cũng ảnh hưởng đến màu sắc, ví dụ như ánh cam từ đám lửa, hay ánh sáng hắt lên từ tấm thảm đỏ. Vì vậy, có thể mất hàng giờ hay hàng chục ngày để hoàn thành một bức ảnh phục chế.

Đến nay, công nghệ “tô màu” còn được áp dụng với những chất liệu lịch sử phức tạp hơn, như các thước phim đen trắng, tượng đá vôi, mặt nạ ghi lại gương mặt trước khi chôn cất của các vị vua và nữ hoàng.■

Các nhà khoa học đã “huấn luyện” AI để hỗ trợ con người đẩy nhanh tốc độ “tô màu”, thậm chí còn giúp lựa chọn màu sắc hợp lý.

Nhà khoa học cho AI quan sát hàng ngàn đến hàng triệu bức ảnh có màu do các chuyên gia phục chế hoặc chụp từ thực tế, để tăng hiểu biết về màu sắc của thế giới loài người.

Kế đến, AI thực hành phục hồi ảnh cũ, tô màu, chỉnh sáng trên hàng triệu bức ảnh đen trắng để thuần thục.

Những người tô màu nghiệp dư tại nhà cũng có thể sử dụng thành quả công nghệ này. Phần mềm Photoshop Elements (cho máy tính), ứng dụng Colorize (trên iOS) hay Colorize Images (trên Android) đều có thể thay ta tự động thêm màu cho ảnh trắng đen.

Ứng dụng lưu trữ ảnh Google Photos cũng hứa hẹn sẽ chính thức trình làng công cụ “tô màu” trong một tương lai gần.

Trang web MyHeritage In Color (myheritage.com/incolor) thì cho phép người dùng đăng tải trực tiếp bức ảnh đen trắng của gia đình và nhận lại bức ảnh màu ngay sau đó. Tương tự, trang ColouriseSG (colourise.sg) được phát triển đặc biệt dành cho các bức ảnh xưa cũ của Singapore, được trang bị những hiểu biết về lịch sử nước này.

Dĩ nhiên, các công cụ trên không quên cảnh báo: “máy” làm vẫn chưa chuẩn bằng người làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận