Triển vọng nào cho FTA châu Âu - ASEAN?

CHIÊU VĂN 13/06/2020 23:06 GMT+7

TTCT - Việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này được coi là tín hiệu tích cực giữa bối cảnh các rào cản thương mại đang mọc lên khắp thế giới. Nhưng khả năng đạt được một FTA rộng lớn hơn giữa hai khối đa quốc gia ASEAN và EU vẫn còn nhiều trở ngại.

Cảng Singapore về đêm. Ảnh: Pinterest
Cảng Singapore về đêm. Ảnh: Pinterest

Trong khối ASEAN, ngoài VN, FTA giữa Singapore và EU cũng đã đi vào hiệu lực từ tháng 11-2019. VN và Singapore hiện chiếm hơn 45% tổng kim ngạch thương mại ASEAN - EU. Đó không hề là những cuộc thương lượng dễ dàng: FTA EU - VN mất 7 năm thương thảo. 

Hiệp định với Singapore còn lâu hơn: 9 năm. Tuy nhiên, cả hai phía còn muốn nhiều hơn thế, nhất là trong bối cảnh thương mại quốc tế đang rất bất trắc vì xung đột gay gắt giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới: Mỹ và Trung Quốc.

EU mở lại thương lượng thương mại với các thành viên ASEAN vào năm 2017, đúng lúc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Thái Bình Dương (TTP). Một năm sau, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump bắt đầu đánh thuế ồ ạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại, trong khi EU phải đối mặt cuộc khủng hoảng Brexit.

Bối cảnh hiện giờ đã rõ ràng hơn: Brexit là chắc chắn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được dự báo còn lâu mới kết thúc và COVID-19 vừa giáng một đòn mạnh vào thương mại toàn cầu.

Khúc mắc

Vào giữa tháng 5, phát biểu về những mục tiêu của EU nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, đại sứ EU tại ASEAN Igor Dreismans nói khối này vẫn coi việc đeo đuổi FTA với khu vực Đông Nam Á là mục tiêu quan trọng.

Những thương lượng của EU với Indonesia, Philippines và Thái Lan vẫn tiếp tục dù gặp nhiều khó khăn, trong khi đàm phán với Malaysia đã ngưng trệ nhiều năm, chủ yếu vì lệnh cấm của EU với các sản phẩm dầu cọ do các vấn đề môi trường.

“FTA đang được thương lượng với Indonesia và chúng tôi hi vọng cũng sẽ đạt được bước tiến với Thái Lan, để chúng ta từng bước đạt được một thỏa thuận EU - ASEAN trong trung hạn. Điều này sẽ tốt cho cả nền kinh tế lẫn các xã hội hai bên”, ông Dreismans nói. Bốn nước Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia cộng lại chiếm 50% kim ngạch thương mại EU - ASEAN.

Bốn nước ASEAN còn lại - Brunei, Campuchia, Lào và Myanmar - là khoảng 5%. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN năm 2018, sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch khoảng 263 tỉ đôla Mỹ. EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở ASEAN, với tổng dòng vốn FDI 374 tỉ đôla mỗi năm. Trong dịch COVID-19 vừa rồi, EU đã hỗ trợ các nước ASEAN tổng cộng 350 triệu euro.

Nhưng ngay trong nhận xét của ông Dreismans về việc đối phó dịch bệnh cũng cho thấy một cái nhìn cơ bản về những khác biệt và vướng mắc giữa hai khối. Trong khi nhiều nước ASEAN quan tâm tới cơ hội thị trường và ưu tiên nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa người dân thoát nghèo thì một số bận tâm chính của EU - ngoài kinh tế - còn bao gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, môi trường, nhân quyền...

“Chúng tôi đã chứng kiến một số ứng dụng theo dõi bảo vệ được mạng sống [trong COVID-19] - ông Dreismans nói - Nhưng đồng thời cũng có quan ngại về quyền riêng tư. Ta sẽ không muốn tên mình bị nêu lên nếu ta nhiễm COVID-19. Nên chúng ta cần tìm cách kết hợp được cả hai mục tiêu”.

Ông Dreismans đã tỏ ra rất ngoại giao với nhận xét đó. Cử tri châu Âu, và không ít chính trị gia hàng đầu, thực ra rất dị ứng với mọi sự xâm phạm quyền riêng tư trên mạng, và đây đã trở thành vấn đề mang tính nguyên tắc của khối này.

Nhưng ngay cả đó cũng mới là “chuyện nhỏ” trong quan hệ song phương EU - ASEAN, bao gồm quan hệ thương mại với lắm ràng buộc. “EU sẽ rất miễn cưỡng đồng ý thương lượng FTA với Campuchia và Myanmar - trang bilaterals.org bình luận vào tháng 12-2019 - Cả hai nước này đang gặp rắc rối vì vấn đề nhân quyền”.

EU đã chính thức khởi động quy trình loại Campuchia ra khỏi thỏa thuận thương mại tự do và tháng 8-2018 công bố một báo cáo chỉ trích tình trạng nhân quyền ở nước này. Philippines cũng gặp vấn đề tương tự.

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) - đóng ở The Hague, Hà Lan - đã mở điều tra với các vụ hành quyết không qua xét xử ở Philippines trong chiến dịch chống ma túy của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi thì phải ra ICC giải trình vì vấn đề người thiểu số Rohingya và hứng chịu nhiều chỉ trích trên truyền thông châu Âu.

Với Malaysia và Indonesia là vấn đề dầu cọ đã dai dẳng nhiều năm. Sau khi EU quyết định cấm các nước thành viên sử dụng dầu cọ có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia để chế tạo năng lượng sinh học do những quan ngại về môi trường và lao động, cả hai nước Đông Nam Á đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Malaysia bắt đầu thương lượng FTA với EU trước cả VN, từ năm 2012, nhưng hai năm sau các thương thuyết dừng lại. Tranh cãi mới về dầu cọ có khả năng kéo dài nhiều năm, đồng nghĩa việc nối lại thương lượng sẽ còn xa.

Lo lắng từ phía ASEAN

Tới giờ, EU đã cho thấy họ sẵn sàng hơn với các cơ chế song phương. Sau Singapore và VN, Thái Lan có thể là nước tiếp theo được mời ngồi vào bàn đàm phán. EU và Thái Lan khởi động thương lượng FTA từ năm 2013, nhưng thương thuyết gián đoạn một năm sau vì cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan.

Năm 2017, EU ra điều kiện để nối lại đàm phán: nền dân chủ phải trở lại ở Thái Lan. Hiện giờ, có vẻ như EU đã hài lòng với chính quyền Prayuth Chan-o-cha ở Thái Lan. Cao ủy chính sách đối ngoại và an ninh EU Federica Mogherini đã công nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2019 ở nước này.

Thật ra trong một bối cảnh bất an như hiện tại, nhu cầu FTA là hai chiều. Trong khi EU vẫn phải cố gắng đảm bảo các giá trị của họ, hợp tác thương mại sẽ ngày càng trở nên khó đi kèm các ràng buộc chính trị khi việc chuyển dần sản xuất khỏi Trung Quốc đang trở thành một yêu cầu càng cấp thiết hơn sau đại dịch COVID-19.

Đông Nam Á cũng không còn là khu vực lạc hậu, chia rẽ và yếu ớt như thời trước Thế chiến II hay trong chiến tranh lạnh nữa, mà đang dần nổi lên là khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất toàn cầu.

Giới phân tích cho rằng các FTA đã tạo lợi thế để Singapore và VN đi trước một bước nhưng về lâu dài, một thỏa thuận liên vùng vẫn có lợi hơn cho tất cả. “Điều then chốt ở đây là FTA sẽ mang tới đầu tư và có thể hút vốn khỏi các nước không có thỏa thuận” - Bridget Welsh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học John Cabot ở Rome, nói với báo Nhật Bản Nikkei Asian Review.

Trung tâm Kasikorn ở Bangkok công bố một báo cáo cho biết các hãng sản xuất xe hơi và lắp ráp thiết bị công nghệ ở Thái Lan có thể chuyển hoạt động sang VN hòng tận dụng FTA mới. “Nếu Thái Lan và EU không thể đạt được FTA với một khung thời gian rõ ràng, Thái Lan có thể để lỡ cơ hội nâng cấp lĩnh vực chế tạo của mình theo hướng công nghệ của tương lai”, báo cáo vừa công bố vào tháng 5 viết.

Tuy nhiên, đạt được FTA không có nghĩa VN sẽ chắc chắn làm được điều đó. Thương mại tự do chỉ là điều kiện cần. Vấn đề cốt lõi vẫn là năng lực sản xuất trong nước, trình độ lao động và đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng, tất cả đều là những thách thức mà VN phải xoay xở chật vật nhiều năm qua.

Nghiên cứu của Viện Phát triển bền vững có trụ sở tại Canada tựa đề “Hi vọng và sợ hãi: Những triển vọng của Indonesia trong thỏa thuận thương mại tự do ASEAN - EU” đưa ra cảnh báo về các khía cạnh tiêu cực khác của một FTA liên khối, điều cũng đúng với các FTA song phương: “FTA liên khối sẽ tạo ra những thách thức nghiêm trọng với các nước Đông Nam Á.

Cụ thể hơn, nó có thể đào sâu thêm sự bất đối xứng trong quan hệ kinh tế giữa hai phía, một bên còn nhiều nước đang và kém phát triển”, trong khi bên kia là nền kinh tế hiện đại với sức mạnh “của một siêu cường toàn cầu”.

Nghiên cứu nói các khó khăn mà ASEAN sẽ phải đối mặt là bởi “chi phí điều chỉnh do một FTA như thế này tạo ra”. “Chi phí điều chỉnh” (adjustment costs) là cách nói văn hoa của nguy cơ doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động nếu thị trường mở rộng cạnh tranh cho bên ngoài, điều chắc chắn luôn đi kèm với các FTA.

Ngay cả khi hiệu ứng chung với cả nền kinh tế thường là tích cực, các chính phủ tham gia FTA phải sẵn sàng những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh, cũng như mở sẵn lưới an sinh xã hội cho những ngành nghề trong nước có nguy cơ phải “điều chỉnh” hậu FTA, điều vẫn còn ít được nhắc tới ở VN.■

Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, 71% giá trị hàng xuất khẩu từ VN sang EU sẽ được miễn thuế; ở chiều ngược lại là 65%, hướng tới mốc 99% trong một giai đoạn 10 năm cho VN và 7 năm cho EU.

Nikkei phân tích với dân số 96 triệu người và GDP đầu người khoảng 3.500 đôla (năm 2019), VN đã vượt qua mốc 3.000 đôla mà thường thị trường các sản phẩm chế tạo như xe hơi và đồ gia dụng - hai thế mạnh áp đảo của các nhà sản xuất châu Âu - sẽ cất cánh. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU là 42 tỉ đôla và chiều ngược lại là 15 tỉ đôla.

Cả hai con số dự kiến tăng mạnh sau khi FTA đi vào hiệu lực. Ngân hàng Thế giới ước tính thỏa thuận này có thể giúp tăng GDP của VN 2,4% và xuất khẩu 12% tới năm 2030. Về đầu tư, FDI từ các hãng châu Âu chiếm khoảng 50% tổng dòng FDI 38,2 tỉ đôla vào VN, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận