Khi Lady A kiện Lady A

NGUYỄN VŨ 21/07/2020 22:07 GMT+7

TTCT - Đời sống văn hóa nước Mỹ đang trải qua một giai đoạn kỳ lạ. Có lẽ câu chuyện của ban nhạc Lady Antebellum là một minh họa đắt giá cho sự kỳ lạ này.

Vào trung tuần tháng 6, cao điểm của Black Lives Matter - phong trào biểu tình phản kháng khắp nước Mỹ chống lại nạn phân biệt chủng tộc, ban nhạc Lady Antebellum quyết định đổi tên. Đây là ban nhạc khá nổi tiếng ở Nashville, từng đoạt nhiều giải Grammy, chuyên hát nhạc đồng quê.

Ban nhạc Lady A và ca sĩ Lady A. Ảnh: Rolling Stones
Ban nhạc Lady A và ca sĩ Lady A. Ảnh: Rolling Stones

Trong lá thư gởi khán giả, ban nhạc này viết: “Con tim của chúng tôi rung động với niềm tin, mắt chúng tôi mở lớn để thấy sự bất công và thiên kiến mà người da đen từng luôn phải chịu đựng và còn phải chịu đựng mỗi ngày”.

Họ nhấn mạnh: “Các điểm mù trước đây chúng tôi không biết có tồn tại nay được hiển lộ. Sau nhiều trăn trở, bàn bạc, cầu nguyện và trò chuyện chân tình với những người bạn da đen thân thiết và đồng nghiệp, chúng tôi quyết định bỏ chữ “Antebellum” ra khỏi tên ban nhạc và sẽ dùng tên “Lady A”, là biệt danh người hâm mộ từng gọi chúng tôi ngay từ đầu”.

“Antebellum” là từ Latin, mang nghĩa “tiền chiến”. Ở Mỹ, từ này được dùng để chỉ miền Nam nước Mỹ thời trước khi cuộc nội chiến Bắc - Nam diễn ra, gợi lên cảnh sống trên những đồn điền mênh mông nơi người da đen bị bắt làm nô lệ.

Từ “Antebellum” thường mang hàm ý lãng mạn hóa cuộc sống thời đó và bỏ qua cảnh đời cơ cực của dân nô lệ. Lúc thành lập ban nhạc vào năm 2006, ba nghệ sĩ lấy tên này để gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà xây dựng với phong cách “tiền chiến” làm hậu cảnh cho những hình ảnh đầu tiên gắn với ban nhạc.

Nếu để nguyên, có lẽ cũng sẽ chẳng có ai nói gì nhưng biết đâu, khi phong trào rà soát lại lịch sử lên cao, nhỡ có người đem tên này ra để kết án ban nhạc “khai thác” hình ảnh dân nô lệ như một số thương hiệu sản phẩm đã phải thay đổi. Ngay cả nhiều loại kem được quảng bá làm trắng da của Johnson & Johnson cũng phải đổi tên. Các hình ảnh dì Jemima, chú Ben là những nhân vật da đen tươi cười quảng bá cho sản phẩm mấy chục năm nay cũng phải xóa đi, và nếu giả dụ loại kem đánh răng Hynos với hình ảnh một anh da đen cười khoe hàm răng trắng rất thịnh hành trước đây còn bày bán ắt phải đổi bao bì ngay.

Thế nhưng quyết định đổi tên của ban nhạc Lady Antebellum thành Lady A gặp rắc rối. Đã có một ca sĩ khác, người da đen, chuyên hát nhạc blues dùng nghệ danh Lady A hơn 20 năm nay. Tên thật của ca sĩ này là Anita White, năm nay đã 61 tuổi.

Khi nghe tin ban nhạc Lady Antebellum đổi tên để bày tỏ sự tôn trọng người da đen, bà này cười mỉa và viết trên Instagram: “Làm sao vừa ủng hộ Black Lives Matter lại vừa đè chân lên cổ một nghệ sĩ da đen khác?”. Trả lời phỏng vấn tờ Rolling Stone, bà bày tỏ sự bất mãn khi ban nhạc kia không thèm hỏi bà một tiếng cho phải phép vì bà đã ra mắt nhiều album dưới tên này. “Đây là cuộc đời của tôi. Lady A là thương hiệu của tôi. Tôi đã dùng nó 20 năm nay và tự hào về những gì tôi làm ra” - bà nói.

Nay tin mới nhất là ban nhạc Lady A kiện ca sĩ Lady A để giành quyền sử dụng tên Lady A! Đơn kiện không đòi bồi thường thiệt hại về tiền bạc nhưng yêu cầu tòa xác định “một thương hiệu chúng tôi đã giữ nhiều năm nay”.

Thiệt không hiểu nổi - một mặt đổi tên để biểu lộ sự đồng tình với sự nghiệp đòi quyền bình đẳng của người da đen, mặt khác lại giành một cái tên bà ca sĩ da đen đã sử dụng 20 năm nay bằng con đường kiện tụng. Nói đúng ra đơn kiện không yêu cầu bà Anita White đổi tên mà chỉ nhằm bảo vệ họ trong tương lai không bị bà kiện tụng.

Nghe đâu trước đó hai bên đã vui vẻ gặp nhau bàn chuyện cùng chia sẻ cái tên Lady A cho hòa thuận. Trên mạng xã hội, một bên khoe, nỗi đau nay đang trở thành niềm hi vọng và một bên nói, giao tiếp là then chốt, thế giới này nếu chung tay thì sẽ thay đổi được…

Và nghe đâu đại diện cho bà Anita White đòi ban nhạc Lady Antebellum 10 triệu đôla để được quyền sử dụng tên Lady A, trong đó 5 triệu cho bà và 5 triệu cho từ thiện. Đụng đến tiền bạc, các lời khen tặng nhau chấm dứt, nhường chỗ cho tranh tụng giữa luật sư của hai bên.

Đến đây thì không còn chuyện “tình người” nữa. Trong đơn kiện, ban nhạc Lady A khoe họ đã bán 18 triệu album, nhạc của họ được “stream” (nghe trực tuyến) đến 5 tỉ lần. Trang Spotify của họ mỗi tháng có 7 triệu lượt người nghe, còn trang của bà White chỉ có 166 lượt. Chỉ có điều trước khi họ đòi đổi tên bà ca sĩ vẫn sống bình yên với nghệ danh Lady A bất kể bà có bao nhiêu người nghe đi nữa.

Dù sao, khi quyết định kiện ra tòa, ban nhạc Lady A hé lộ cho thấy vấn đề chủng tộc ở nước Mỹ còn lâu mới được hòa giải êm thấm và bản chất vấn đề nhiều lúc không phải do màu da mà do tranh giành quyền lợi, tiền bạc và cả danh tiếng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận