Về các chủng virus ở Việt Nam: Tiếp tục nghiên cứu làm rõ 

LAN ANH THỰC HIỆN 04/08/2020 20:08 GMT+7

Về các chủng virus ở Việt Nam: Tiếp tục nghiên cứu làm rõ

Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tại thời điểm phân lập được chủng virus ở Vũ Hán. Việc phân lập được chủng virus là tiền đề cho việc sản xuất sinh phẩm xét nghiệm và nghiên cứu phát triển vaccine. Ảnh: L.Anh
Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tại thời điểm phân lập được chủng virus ở Vũ Hán. Việc phân lập được chủng virus là tiền đề cho việc sản xuất sinh phẩm xét nghiệm và nghiên cứu phát triển vaccine. Ảnh: L.Anh

Sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca bệnh lây lan trong cộng đồng, thứ bảy tuần trước Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã công bố ca bệnh 416 xuất hiện tại Đà Nẵng. Đây được xem bắt đầu giai đoạn 3 của dịch COVID-19 ở Việt Nam, với 22 bệnh nhân đều lây tại cộng đồng chỉ trong 4 ngày (tính đến 28-7), trong đó có 5 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.

Có những khác biệt về chủng virus lần này và theo các chuyên gia, chủng này lây lan nhanh hơn. Theo GS.TS Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tại Việt Nam cho đến nay đã ghi nhận “6 chủng virus SARS-CoV-2, trong đó những bệnh nhân mới ở Đà Nẵng mắc chủng được coi là chủng thứ 6, khác 5 chủng trước ở một số đột biến.

Cụ thể là đột biến đó sẽ làm tăng khả năng bám dính của virus vào tế bào và làm lây lan nhanh hơn, nhưng không có đột biến gen độc lực. Nghĩa là chúng ta chưa có bằng chứng cho thấy chủng virus này đã có độc lực mạnh hơn các chủng virus trước đó".

* Với 22 bệnh nhân mới được ghi nhận, có đến 3 bệnh nhân nặng, nếu tính theo tỉ lệ thì con số này chiếm gần 14%. Điều này nên lý giải thế nào, thưa ông?

Trong số 3 bệnh nhân nặng thì 2 bệnh nhân 418, 431 có nhiều bệnh nền (suy thận, suy tim, tuổi cao…), nhiều yếu tố làm tình trạng dễ nặng hơn, còn bệnh nhân 416 (57 tuổi) khi nhập viện khi đã khó thở, sốt, viêm phổi - là tình trạng tương đối nặng và không rõ thời điểm bệnh nhân nhiễm bệnh. Tôi cho đây là trùng hợp thôi, không hoàn toàn do SARS-CoV-2.

* Vậy 6 chủng virus SARS-CoV-2 xuất hiện cho đến nay ở Việt Nam xuất phát từ những vùng địa lý nào và các chủng virus này có gì khác nhau?

Sau khi chúng tôi giải trình tự gen và so sánh với dữ liệu trên ngân hàng gen hiện có (của quốc tế), chủng virus xuất hiện tại Đà Nẵng giống chủng virus ở Bangladesh, thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7. Chúng tôi không khẳng định chủng này xuất phát từ Bangladesh mà chỉ thấy giống chủng ở Bangladesh. Nguồn gốc chủng này ở đâu, hiện chúng tôi chưa xác định được, song theo phán đoán có lẽ nó bắt nguồn từ những người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo con đường không chính thống.

Chủng virus ở Vũ Hán phân lập hồi tháng 2-2020. Ảnh: L.ANH
Chủng virus ở Vũ Hán phân lập hồi tháng 2-2020. Ảnh: L.ANH

Do tất cả trường hợp đi máy bay về Việt Nam đều được cách ly nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Cơ quan chức năng cũng đang phong tỏa những ổ dịch chính ở Đà Nẵng (Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đà Nẵng), xét nghiệm gen để xem mức độ biến đổi như thế nào.

* Về 5 chủng virus trước đây đã có ở Việt Nam, mức độ biến đổi theo thời gian của từng chủng ra sao, thưa ông?

Ở giai đoạn đầu dịch, có ổ dịch ở Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đó là chủng virus ở Vũ Hán, Trung Quốc. Về sau chúng ta có những chuyến máy bay từ châu Âu về, ghi nhận một số lượng lớn bệnh nhân, đó là chủng có nguồn gốc châu Âu. Sau đó có ghi nhận bệnh nhân từ Mỹ về... Còn hiện nay là chủng giống chủng ở Bangladesh.

Như tôi đã nói, nó có khác nhau một chút về sự lây lan, nhưng không có bằng chứng thay đổi về độc lực, biểu hiện lâm sàng trên các bệnh nhân. Tất nhiên là có bệnh nhân nặng, bệnh nhân nhẹ, nhưng ở cùng một chủng đều có tình trạng này chứ không phải do sự khác nhau giữa các chủng virus gây nên.

Đó là các chủng virus đã ghi nhận ở Việt Nam còn trên thế giới thì có nhiều chủng hơn.

* Khi hồi cứu những ca bệnh từ Bangladesh (về Việt Nam đầu tháng 7), có chuyên gia cho rằng bệnh nhân từ Bangladesh có biểu hiện nặng hơn, trong khi bệnh nhân từ Nga về hầu như không có biểu hiện lâm sàng. Hiện nay các ca bệnh ở Đà Nẵng còn rất mới, chưa rõ ràng, các chuyên gia có tiếp tục nghiên cứu để làm rõ nghi vấn này?

Chúng tôi đang tiếp tục giải trình tự gen ở nhóm bệnh nhân dương tính từ Bangladesh về. Sau khi giải trình tự gen xong, có thể so sánh bệnh nhân ở Thanh Hóa với bệnh nhân ở Đà Nẵng (cùng giống chủng virus ở Bangladesh), nghiên cứu để làm rõ. Như ở Đà Nẵng là lấy 10.000 mẫu tại các khu vực nguy cơ cao, bệnh viện, người nước ngoài…

Hiện nay theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia, ngoài làm xét nghiệm Realtime PCR, tổ công tác đặc biệt của viện do phó viện trưởng Lê Thị Quỳnh Mai chủ trì cũng đang có sinh phẩm Elisa. CDC Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ xác định nhóm nguy cơ, các kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu máu, nhỏ vào một phiến nhựa có 96 giếng, mỗi giếng xét nghiệm cho 1 người.

Sau khi lấy máu và cho hóa chất xét nghiệm vào, có thể một số trường hợp có thể nhìn bằng mắt thường, ví dụ như mẫu máu đó đổi màu, sang màu mà mình quy định, các trường hợp chưa rõ ràng thì cho vào máy đọc. Máy đó là Elisa, các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành đều có. Thiết bị này cho độ nhạy, độ đặc hiệu 95% và không có phản ứng chéo với các bệnh khác.■

 

3 giai đoạn của dịch COVID-19 ở Việt Nam (do TTCT tạm chia):

- Giai đoạn 1: Từ khi ghi nhận bệnh nhân đầu tiên (cha con ông Li Ding, người Trung Quốc) đến ngày 26-2 khi bệnh nhân cuối cùng của giai đoạn này (bệnh nhân thứ 16) ra viện.

- Giai đoạn 2: Từ ngày 7-3 (ghi nhận bệnh nhân số 17) đến ngày 16-4 (khi xuất hiện bệnh nhân 268 ở Hà Giang và là bệnh nhân cuối cùng ghi nhận trong cộng đồng). Sau đó là 99 ngày Việt Nam không có ca bệnh nào lây từ cộng đồng.

- Giai đoạn 3: Từ ngày 25-7 với ca bệnh 416 tại Đà Nẵng. Trong 2 ngày (từ 25-27 tháng 7) đã có 15 bệnh nhân được xác nhận, đều liên quan đến một số bệnh viện ở Đà Nẵng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận