Những tay đua sông nước miệt vườn

BÀI VÀ ẢNH: CHÍ CÔNG 26/08/2020 18:08 GMT+7

TTCT - Một chiếc máy xăng 6HP (mã lực), một chiếc vỏ lãi composite kết hợp với một chút phá cách sáng tạo và sự đam mê, những anh “hai lúa” miền Tây đã “độ” chúng thành các “chiến mã” lướt sóng, tranh tài trên sông…

Chiếc máy độ 6HP “cực chất” giúp anh Trần Văn Thái đoạt nhiều giải thưởng.
Chiếc máy độ 6HP “cực chất” giúp anh Trần Văn Thái đoạt nhiều giải thưởng. (Ảnh: Chí Công)

“Cả đời người rồi tui còn lạ gì ghe, tàu, vỏ lãi nhưng xem đua vỏ lãi trên sông ở Cần Thơ thì tui mới thấy à nghen. Hổng hiểu họ độ máy, độ vỏ lãi sao mà chạy trên sông nhìn thiệt đã con mắt” - ông Phạm Văn Tiềm (Tư Tiềm), ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, vừa kể vừa cho chúng tôi xem một đoạn clip đua vỏ lãi ở miền Tây mà chính ông quay được vào ngày 28-9-2019.

Bỏ tiền tỉ mua vỏ, máy

Theo ông Tư Tiềm, giải đua vỏ lãi đồng bằng được tổ chức ở Cần Thơ từ năm 2018, những cánh tay đua cự phách ở miệt Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang... tụ hội về đây tranh tài rất đông. 

“Ở xóm tui ở có hơn 15 người chơi đua vỏ, toàn dân hai lúa thứ thiệt không, trong đó có thằng Giang, thằng Tiền con tui nữa. Đó... đó... chiếc máy cưng của thằng Tiền đó. Nó mới lại tiệm kêu thợ độ xong. Mới tinh luôn. Nay mai gì nó đi tập với anh em” - ông chỉ tay ra phía hàng ba nhà, nơi để hai chiếc máy xăng cáu cạnh.

Như cái duyên, ông Tư Tiềm nói đợt đua năm 2018 ở Cái Răng, anh Tiền (Phạm Văn Tiền) may mắn mua được chiếc máy xăng 7HP với giá khá mềm, chỉ 2 triệu đồng rồi mang đi độ, tiền công thợ tổng cộng 10 triệu đồng. Còn vỏ lãi composite anh đặt dưới Tắc Ráng, Cà Mau đem về chạy.

Ở trong xóm, anh Tiền là dân chơi vỏ lãi có tiếng. Tuy nhiên, vỏ máy anh sở hữu không nhiều và cũng “chưa là gì” so với những tay đua lão luyện khác ở vùng đất chín rồng. 

Sẵn sàng bỏ cả trăm triệu chơi vỏ máy dù chỉ là người thợ sửa máy ở quê, anh Trần Văn Thái bộc bạch: “Tôi và anh Luận ở Cà Mau rất chịu sưu tầm vỏ, máy. “Mần nông như tụi tui suốt năm chờ mấy vụ lúa mùa, mấy vụ trái cây, ai khá hơn đi buôn trái cây. Nhưng có dư chút đỉnh là dành tiền mua vỏ lãi, máy và xách ra tiệm cho thợ độ. Sơ sơ tui tính cũng gần 20 chai (20 triệu đồng) chứ đâu có ít”, vừa bước vô nhà anh Tiền vừa nói.

Tôi có 6 cái máy độ chạy rất êm. Vỏ lãi thì tôi đi Tắc Ráng, Năm Căn, Giồng Riềng mua, lớn nhỏ có hết”. Ủng hộ chồng theo đuổi đam mê, chị Dương Thị Bé Thư, vợ anh Thái, cười: “Đam mê nhưng ảnh chơi cũng có giờ và không bỏ bê gia đình nên tôi ủng hộ”.

Các tay đua ở Phong Điền chuẩn bị vỏ lãi ra kênh KH9 luyện tập.
Các tay đua ở Phong Điền chuẩn bị vỏ lãi ra kênh KH9 luyện tập.

Là người được dân trong giới nể là chơi đỉnh cao và sở hữu nhiều vỏ, máy độ xịn, ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho hay: “Ai chơi tốc độ cũng phải tốn tiền, tùy khả năng của từng người. Như tôi, tới giờ hơn 10 năm rồi, tôi cũng tậu hơn 40 cái vỏ, cái máy độ của Việt Nam và Thái..., tốn cả tỉ rồi đó”. 

Có tiền chơi lớn như vậy vì ông Hồng có người cậu Việt kiều Mỹ là ông Lê Văn Út rất đam mê tốc độ sông nước. Mỗi lần ông Út về Mỹ hay có dịp sang Thái, ông đều săn những món phụ kiện như chân vịt, cốt, pittông... rồi mang về Việt Nam lắp ráp lại thành máy độ 7HP, 13HP ai nhìn cũng “bựa” đua. “Mấy tay đua ở Cà Mau lên đua giao lưu ai cũng e ngại hết”, ông Hồng cười khà.

Môn chơi nguy hiểm

Có máy, có vỏ... cánh tay chơi vỏ lãi như anh Giang, anh Thái, anh Tiền cứ ít hôm là rủ rê tụ hội chạy năm bảy chiếc ra con rạch KH9 (đoạn gần đình Phong Điền, TP Cần Thơ) để thao luyện và thỏa sức phô diễn tốc độ sông nước. Theo anh Phạm Văn Giang, con rạch KH9 rộng, khuất cây, ít gió, ghe xuồng ít qua lại nên mặt nước êm ru, tha hồ mà chạy.

Ngoài vị trí tập luyện thiệt đã, người chơi đua vỏ lãi trên sông phải có “máu liều”. Anh Giang cho biết thợ độ máy chỉ cần ba bước để biến máy Honda 6HP còn zin thành máy độ với tốc độ lướt nước cực ngầu. 

Đầu tiên, thợ máy sẽ tháo máy ra làm cho pittông máy bự ra. Tiếp theo sẽ thay bình xăng, gắn thêm dụng cụ bơm xăng, cuối cùng là cắt ống khói và buộc dây vào tay ga... cho người đua dễ kéo ga lớn.

“Ở đâu thợ cũng độ y chang vậy. Máy xăng Honda 6HP bình thường kéo lắm chỉ 30-40km/h (tùy thuộc trọng lượng vỏ lãi và người ngồi lái), nhưng khi độ lên tay đua có thể kéo ga đạt 60-80km/h máy 2 thì, 4 thì (mã lực lớn) có thể kéo đến 100-120 km/h.

Còn theo anh Tiền, “lúc mới chơi, tui hăng lắm, nhấp nhấp máy mấy cái, nẹt ga nổ lớn, khoái vô cùng. Nhưng đột ngột làm cái tè, mất tay lái, người và vỏ phóng lên bờ nằm luôn. Hồn vía tui lên mây”. Cũng không ít người đang lái ngon trớn bỗng vướng cọc ngầm, người và vỏ phóng lên cao khỏi mặt nước hai ba mét, chân cẳng bầm giập.

Giới đua vỏ lãi ở miền Tây còn phá cách chỉnh sửa, dùng keo đắp, mài bóng lườn của vỏ lãi để giảm lực cản của nước, tăng tốc độ thêm 5-7 km/h. Ai mới chơi môn đua vỏ lần đầu đều e ngại: ngại uống nước sông bất đắc dĩ, ngại chi tiền sửa máy... “Sơ hở chút là người chơi gặp nguy hiểm liền. Nhẹ thì lật máy, chìm vỏ, nặng thì bị thương. Nhưng lỡ mê rồi nên tụi tui bất chấp”, anh Giang rổn rảng nói. 

“Hầu như ai chơi cũng phải trải qua sự cố. Nhưng để ý mình tập từ từ riết sẽ quen”, anh Tiền nói. Cái quen đó chính là quen với tay lái, quen việc đặt trọng tâm ngồi lái, quen cách phối hợp nhịp nhàng với vỏ, máy...

“Đặt chân vịt sâu thì dễ tắt máy. Còn đặt lơi lơi trên mặt nước thì vỏ lãi không đi, gặp gió lồng, sóng vỗ thì vỏ và người dễ bị úp ngược lắm. Ép người ôm chặt máy là cách tốt nhất để người chơi giữ vững tay ga, xé gió, xông tới. Có lỡ bay luôn thì chân vịt cũng không chém trúng mình”, anh Tiền chia sẻ kinh nghiệm.

Cuộc chiến sông nước

Chiếc máy 2 thì 13HP của một tay đua đạt tốc độ 100km/h.
Chiếc máy 2 thì 13HP của một tay đua đạt tốc độ 100km/h.

Anh Trần Văn Thái, ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết ban đầu anh và mọi người chỉ chơi nghiệp dư cho thỏa đam mê. Sau này giải đua vỏ lãi đồng bằng mở ra ở TP Cần Thơ, các anh mới nâng tầm chơi, trở thành những tay đua chuyên nghiệp.

“Máy độ, vỏ độ ai cũng như ai. Hơn thua nhau ở chỗ người chơi phải hiểu được tánh khí của máy, vỏ và chân vịt của mình đang xài”, anh Thái khẳng định. “Hiểu ở đây là như thế nào?”, tôi hỏi. Anh Thái giải thích: “Máy độ nó muốn hư lúc nào nó hư. Nếu biết chọn máy, vỏ, chân vịt phù hợp và tương xứng thì người chơi sẽ chạy đạt tốc độ tối đa. Ngược lại chân vịt bắt nước yếu nhưng vỏ to... thì thua”.

Có nhiều kinh nghiệm về vỏ, máy nên anh Thái đi đến đâu đều được giới giang hồ sông nước miền Tây nể mặt. Dịp lễ Quốc khánh 2019, anh Thái kết hợp với tay đua ở miệt Cà Mau là anh Lê Chí Luận thuê chiếc xe tải chở 3 cái máy độ, 3 chiếc vỏ lãi đi tranh tài giải đua vỏ lãi Thanh Bình ở Long An.

Đợt đó người đua đông, ai cũng khí thế bừng bừng, họ chạy cột nước cao trắng xóa, tốc độ rất nhanh khiến anh Thái, anh Luận phải e dè. “Nhưng đua ở sông bẫy giăng nhiều lắm. Sau đó có người chạy mắc rác, lục bình, có người đang chạy ngon trớn thì bị chết máy... May mắn, vỏ lãi tui và anh Luận chạy êm, vượt mặt họ nên thắng giải nhất”, anh Thái khoái chí nói.

Đó là cuộc đua vỏ lãi tự do. Còn đua vỏ lãi giải mở rộng ở Cần Thơ, anh Thái cho rằng tùy vào mỗi năm mà ban tổ chức quy định. Các tay đua sẽ tự trang bị vỏ lãi nhưng vỏ phải đúng quy cách về mẫu mã, chiều ngang, dài, trước khi đấu phải qua thẩm định, được niêm phong cẩn thận. Máy của ban tổ chức chuẩn bị, không phải máy độ.

Theo quy định của ban tổ chức, máy xăng 7HP sẽ kết hợp với vỏ lãi 5,9m, trọng lượng 70kg trở lên. Còn máy 15HP sẽ chạy với vỏ lãi 8,1m, trọng lượng 112kg trở lên. Các vận động viên như anh Thái, anh Giang, anh Tiền... thường chạy cự ly từ 650-800m.

“Nghe nói năm nay ở Cần Thơ sẽ thi tự do, vỏ lãi và máy tự mình trang bị. Đoạt giải nhất có thể là một chiếc chân vịt, một chiếc vỏ lãi hay là một chiếc máy xăng mới cáu và một ít tiền kèm theo. So với tiền tụi tui bỏ ra để đầu tư cho việc thi đấu thì không nhiều nhưng đó là niềm tự hào của những người chơi đua vỏ như chúng tôi”, anh Thái nói.

Và ngay lúc này, cứ cách hai ba ngày, con rạch KH9 ở Phong Điền lại sôi động hẳn lên bởi những tay đua đang đua tranh tập dượt.■

Các tay đua trình diễn vỏ lãi tại huyện Phong Điền, Cần Thơ năm 2019
Các tay đua trình diễn vỏ lãi tại huyện Phong Điền, Cần Thơ năm 2019

Đua vỏ lãi gắn với phát triển du lịch

Ông Trần Công Tạo, phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và truyền thanh huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết hai năm qua (2018 và 2019), Cần Thơ đã tổ chức đua vỏ lãi và ghe chèo gắn liền với việc phát triển du lịch sinh thái địa phương. Đây là môn chơi tạo sự thích thú cho du khách và thu hút nhiều vận động viên ở miền Tây tham dự. Dự kiến giải đua sắp tới tổ chức vào quý 1-2021.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận