Cỏ bên kia đồi luôn xanh, nhưng vườn nhà mình cũng đẹp

NGỌC ĐÔNG 28/08/2020 19:08 GMT+7

TTCT - Những blogger du lịch sẽ làm gì khi những chuyến chu du đến những miền đất lạ trở thành điều bất khả vì ngành công nghiệp không khói chới với trong đại dịch? Tuổi Trẻ Cuối Tuần tìm gặp những người trong cuộc.

Sierra tận hưởng staycation. Ảnh: instagram@lilmissadventure
Sierra tận hưởng staycation. Ảnh: instagram@lilmissadventure

“Gãi cơn cuồng du lịch”

Một ngày cuối tuần giữa tháng 8, Sierra check-in tại một resort ở Cần Thơ và thông báo với người theo dõi cô trên Instagram bằng một bức ảnh cùng chú thích “Địa điểm staycation yêu thích của tôi ở miền Tây. Chỉ cần đi xe tầm 3 tiếng từ Sài Gòn là có thể đến đây mà chẳng bị kẹt xe chút nào”, và hashtag #staycation2020.

Sierra không phải là du khách mới đến Việt Nam. Nữ blogger 30 tuổi người Mỹ này đã sống 1 năm ở Hạ Long, 6 năm ở Hà Nội và hiện đã chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh được 1 năm qua. Chồng cô là người Pháp, cũng đã sống ở đất nước hình chữ S này từ năm 2008. Từng ấy năm sống ở Việt Nam cho Sierra được chút “vốn liếng” để cô làm blogger du lịch. Ban đầu đơn thuần chỉ là chia sẻ kinh nghiệm với những người bạn nước ngoài bỡ ngỡ khi đến Việt Nam, về sau blog du lịch trở thành công việc toàn thời gian của cô.

Như bao blogger du lịch khác, Sierra thích đi khắp nơi, khám phá những thành phố, đất nước còn mới lạ với mình, cho đến khi COVID-19 ngăn cô làm điều đó. Đại dịch bùng phát, nhiều nước đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, áp dụng lệnh cách ly cộng với mối lo ngại nhiễm bệnh trên máy bay khiến những cái “chân đi” như Sierra chùn bước. Một tuần, hai tuần, rồi hơn 6 tháng đã trôi qua mà chuyện ngao sơn ngoạn thủy vẫn chưa thấy mấy tín hiệu tích cực. Lúc này, staycation được xem là một giải pháp tình thế cho những con người mê du lịch.

“Trước COVID-19, mỗi năm tôi sẽ chỉ đặt tối đa 2 staycation, 1 ở khách sạn còn 1 ở airbnb. Tuy nhiên hiện nay, staycation lại trở thành một giải pháp hay ho để gãi cơn cuồng du lịch bằng cách đi du lịch ở gần nhà và tận dụng các chương trình khuyến mãi lớn mà nhiều khách sạn hạng sang đang tung ra” - Sierra chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Vậy staycation là gì? Có nhiều định nghĩa cho khái niệm này. Theo tự điển Cambridge, staycation là một kỳ nghỉ tại gia hoặc gần nhà chứ không phải là đi du lịch đến nước khác. Tự điển Oxford cũng có định nghĩa tương tự. Ngẫm lại, chẳng phải staycation đáp ứng được các yêu cầu du lịch trong mùa dịch này hay sao? Vừa thỏa cơn “thèm” du lịch trong khi vẫn đảm bảo hạn chế đi lại (chỉ đi trong nhà hoặc gần nhà), lại vừa dễ dàng hưởng được nhiều món “hời”.

Kể về một trong những chuyến staycation gần đây nhất hồi tháng 7, Sierra vẫn còn hào hứng: “Đó trở thành một trong những nơi yêu thích nhất của tôi ở thành phố Hồ Chí Minh vì không gian khách sạn làm tôi có cảm giác như một phòng tranh vậy, rồi chưa kể đến những ưu đãi như rượu champagne, những set trà chiều siêu đẹp để chụp hình đăng Instagram, và một hồ bơi tuyệt đẹp trên sân thượng mà thường chẳng có ai nữa”.

Leandré Heslop, blogger du lịch người Nam Phi, đóng góp thêm một lợi ích tuyệt vời khác của staycation: ta không cần phải đi xa để có được một kỳ nghỉ, và đây là một giải pháp kinh tế vì giảm được chi phí đi lại. Bản thân Heslop là người không “ưa” staycation mấy vì mê khám phá những vùng đất khác, thế nhưng cũng vì COVID-19 mà phải chọn staycation, vì đây là loại hình nghỉ mát khả dĩ duy nhất trong thời điểm này. “Tôi có nhiều chuyến staycation hơn bao giờ hết trong giai đoạn dịch này và những chuyến đó thật sự mang lại cho tôi cảm giác được nghỉ ngơi” - Heslop nói.

“Được nghỉ ngơi vào cuối tuần” cũng là điều mà Alyshia Turchyn mơ tới khi cô quay trở lại nhịp làm việc bình thường 6 ngày/tuần, sau đợt nghỉ dài vì COVID-19 từ sau tết. Blogger du lịch này bảo mình muốn “trốn đi một tẹo” để thấy được một khía cạnh khác của Sài Gòn, thành phố nơi cô sống gần 3 năm nay. “Tôi chưa bao giờ qua đêm ở quận 1 nên “du lịch” đến đó cho tôi thấy được vẻ đẹp của thành phố ở một góc nhìn rất khác” - Turchyn kể về hai chuyến staycation ở 2 khách sạn khu trung tâm thành phố hồi tháng 6 và tháng 7 mà ở đó, cô được “ăn sáng với view nhìn ra Bitexco rồi lang thang khắp các con đường gần Bảo tàng Mỹ thuật”.

Không chỉ giới travel blogger, bản thân các cơ sở kinh doanh lưu trú cũng cố gắng khai thác thị trường này khi tung ra các chương trình dành riêng cho staycation, khuyến mãi, hay thực hiện các dự án hợp tác với blogger du lịch nổi tiếng.

Với Alyshia Turchyn, những chuyến staycation trong thành phố cho ta cơ hội để ngắm nhìn nơi mình sống qua một lăng kính khác. Ảnh: NVCC
Với Alyshia Turchyn, những chuyến staycation trong thành phố cho ta cơ hội để ngắm nhìn nơi mình sống qua một lăng kính khác. Ảnh: NVCC


Làm du khách ở nơi mình sống

Một lý do không kém phần quan trọng tạo nên ý nghĩa của staycation là nó cho người ta cơ hội để thấy “nhà mình” đẹp như thế nào.

Sống và làm việc ở Sài Gòn, Alyshia Turchyn chẳng bao giờ thấy mình cần phải khám phá thành phố này để làm gì. “Chúng ta làm việc rồi về nhà nghỉ ngơi, rồi vội vàng book những chuyến đi chơi xa. Chúng ta quên mất chuyện chậm lại và trân trọng những thứ đang đợi chúng ta ở khu vườn sau nhà. Tôi nghĩ staycation là cơ hội hoàn hảo để khám phá nét đẹp của khu phố mà chúng ta ở, của thành phố mà chúng ta sống. Biết đâu bạn lại biết thêm được một quán cà phê mà chẳng bao giờ mình biết là có tồn tại, bạn lại cảm thấy mình tò mò muốn hiểu thêm về lịch sử, hay gặp lại một người bạn cũ nào đó thì sao” - Turchyn nói.

Samantha, một travel blogger người Mỹ khác với hơn 41.700 người theo dõi trên Instagram, góp thêm một ý kiến đồng tình khi cho rằng “mỗi thị trấn, thành phố đều có nét quyến rũ riêng của nó”. “Nếu bạn thử nhìn thành phố quê hương mình bằng cái cách mà bạn chiêm ngưỡng một địa điểm mới lạ, tìm một nơi nào đó hay ho để đến, hay một quán ăn ngon nào để ăn, bạn sẽ khám phá được nhiều thứ hơn bạn nghĩ đấy” - cô quả quyết.

Còn Heslop thì cho rằng người ta thường đi tìm cái đẹp bên ngoài thành phố nơi mình ở, và vì thói quen sinh hoạt hằng ngày khiến người ta quá thoải mái và quen thuộc, nên họ không nghĩ đến việc làm du khách trong chính thành phố của mình. “Staycation cho phép bạn thay đổi quan niệm của mình và xem nơi mình ở như một điểm nghỉ mát với nhiều thứ cho mình khám phá” - cô chia sẻ.

Với Sierra, bản thân chuyến staycation đi đâu làm gì không phải là vấn đề, mà điều quan trọng là người ta có thể “phá vỡ các khuôn mẫu và thói quen cũ của mình để khám phá điều gì đó mới mẻ và giúp họ cởi mở hơn”.

Sierra cho rằng staycation là một loại hình du lịch, và đối với cô, bất kỳ loại hình du lịch nào cũng là một điều tốt. “Staycation cũng hỗ trợ nền kinh tế địa phương thông qua việc đảm bảo rằng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường phục vụ khách nước ngoài vẫn có thể hoạt động bình thường nhất có thể” - Sierra chia sẻ.

Samantha cũng cho rằng staycation là giải pháp hay cho cả du khách và ngành du lịch. “Trong khi bạn vẫn có cơ hội để ‘đi du lịch’, và số tiền mà thay vì bạn thường chi ở thành phố hoặc quốc gia khác, bạn đóng góp cho kinh tế địa phương” - cô giải thích.■

Leandré Heslop tận hưởng bữa ăn thịnh soạn khi staycation ở Sài Gòn. Ảnh: instagram@leandreh
Leandré Heslop tận hưởng bữa ăn thịnh soạn khi staycation ở Sài Gòn. Ảnh: instagram@leandreh

 

Định nghĩa staycation của các travel blogger

Staycation là trải qua một hoặc hai đêm trong thành phố hoặc khu vực xung quanh nơi mình ở - Alyshia Turchyn

Staycation là một kỳ nghỉ cho phép bạn rời khỏi thực tại nhưng vẫn ở trong thành phố mà bạn đang sống - Leandré Heslop

Staycation là dành thời gian cho thành phố của bạn như thể bạn là một người lạ cuối tuần đến chơi - Samantha

Staycation thường là một kỳ nghỉ tại gia, thế nhưng sau nhiều tuần phải ở trong nhà, làm sao mà có cảm giác được đi nghỉ ở đó nữa? Nên với tôi, staycation còn có nghĩa là nhìn ngắm nơi mình sống theo một cách khác, ví dụ như thông qua lăng kính của một du khách chưa từng đến thành phố đó bao giờ. Đi đến một nơi khác trong thành phố và thử làm những điều mới lạ mà trước đó bạn có thể chưa bao giờ có cơ hội để làm - Sierra

24 tiếng staycation ở quận 1, Sài Gòn

Bước ra khỏi taxi, mắt chúng tôi bắt gặp tấm biển tên khách sạn sáng đèn neon. Bấm thang máy lên lầu 9, chúng tôi check-in và được hướng dẫn tham quan khách sạn, từ tầng thượng đến khu vực ăn uống, rồi phòng ngủ, tất cả các phòng ở đây đều được trang bị võng, cuối tuần này chắc chắn sẽ là một kỳ nghỉ đáng nhớ đây!

Có rất nhiều góc để khám phá ở khách sạn này. Sân thượng với view tuyệt đẹp, tủ lạnh đa dạng đồ uống, quầy mì ăn liền mở cửa cả ngày và quầy ngũ cốc cũng là một điểm nhấn thú vị nếu bạn đang cần một chút đồ ăn nhẹ cho buổi chiều! Bạn cũng có thể thư giãn trong các ngóc ngách có vẽ graffiti hoặc chơi bi lắc với bạn bè.

Sau một giấc ngủ ngon, chúng tôi đã sẵn sàng đón một ngày chủ nhật tuyệt đẹp. Đầu tiên phải ăn cái đã. Nhấp một ngụm cà phê sữa đá, chúng tôi chọn menu ăn sáng. Bạn tôi chọn cơm tấm còn tôi ăn quesadilla gà. Đúng là không có cách nào khởi đầu ngày mới tốt hơn là một bữa sáng ngon miệng.

Sau khi có một suất massage body 60 phút, chúng tôi quyết định ra ngoài khám phá khu vực nhộn nhịp xung quanh. Băng qua đường một cái là đến Bảo tàng Mỹ thuật. Với những hành lang lộng gió và bậc thang tuyệt đẹp, tòa nhà màu vàng này là nơi mà bạn nên dành thời gian để tham quan.

Cũng không thể không đến chợ Bến Thành khi ở Sài Gòn. Đó là một trải nghiệm không giống bất kỳ chợ nào, không chỉ là chỗ cho bạn “luyện” kỹ năng trả giá, mà còn là nơi để trải nghiệm nhịp sống tấp nập chốn thị thành, và quan trọng nữa là có vô vàn thức ăn ngon.

Tiếp đó chúng tôi đi ăn thịt nướng kiểu Hàn Quốc, mua mấy món đồ vintage, rồi uống cà phê chiều trước khi trả phòng. Cà phê Việt Nam là một trong những thức uống bạn phải thử khi đến Việt Nam, đặc biệt khi bạn muốn cảm nhận được trái tim và tâm hồn của đất nước này.

Trích blog alyshiaturchyn.com

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận