Bệnh nhân COVID-19: Cuộc sống đảo lộn vì mất khứu giác, vị giác

HỒNG VÂN 08/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Mất đi khả năng ngửi hoặc nếm là hai trong số các triệu chứng liên quan đến COVID-19 xảy ra với nhiều người từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều trường hợp khứu giác và vị giác của bệnh nhân trở lại bình thường sau khi khỏi bệnh nhưng với một số người, hiện tượng bất thường về khứu giác khiến thế giới mùi hương bị méo mó và khác thường.

Con gái của bà Laura Wood giúp mẹ tập ngửi mùi. Ảnh: BBC.
Con gái của bà Laura Wood giúp mẹ tập ngửi mùi. Ảnh: BBC.

Ác cảm với mùi yêu thích

Với Kate McHenry, một thứ rất gần gũi là nước máy giờ đây lại có mùi hôi thối khủng khiếp từ khi cô bị rối loạn mùi hương. Việc vệ sinh, tắm gội hằng ngày bỗng trở thành một sự hành hạ với cô. “Loại dầu gội Aussie từng là loại tôi rất yêu thích nhưng bây giờ thì nó lại là loại có mùi kinh tởm nhất trên đời”, Kate cho biết.

Sau khi bị ốm nhẹ vào tháng 3-2020 nghi do virus SARS-CoV-2, Kate, 37 tuổi, hoàn toàn không thể ngửi được bất cứ mùi gì trong 4 tuần. Sau đó, khứu giác của cô dần phục hồi. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6-2020, mọi thứ “bắt đầu có mùi thực sự kỳ lạ”. Những mùi khó chịu trước đây nay bỗng trở thành mùi hôi “kinh khủng, nồng nặc hóa chất”.

Điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của Kate. Cô bị sụt cân, lo lắng không yên và thèm tìm lại cảm giác ngon miệng khi ăn uống. Vấn đề trầm trọng đến mức tại những nơi nào có nấu thức ăn, cô toàn ngửi thấy những mùi hôi thối. Kate lo sợ mình sẽ ở trong tình trạng khứu giác lộn tùng phèo mãi mãi.

“Tôi rất thích những bữa ăn ngon, thích ra quán xá, nhà hàng, thích uống một ly rượu với bạn bè nhưng bây giờ, tất cả những điều đó đều biến mất. Với tôi, thịt có mùi như xăng, còn một cốc vang trắng lại có mùi táo thối. Khi bạn trai tôi, anh Craig, ăn cà ri, tôi cảm thấy món ăn đó có mùi thật khủng khiếp.

Tôi thậm chí có thể ngửi thấy mùi này từ những lỗ chân lông của anh, vì vậy tôi rất khổ sở một khi phải đứng gần anh. Tôi bực bội mỗi buổi tối khi phải nấu ăn. Tác động của việc khứu giác đảo lộn với tôi là vô cùng lớn”

Theo BBC, những người nhiễm COVID-19 bị mất khứu giác là do bị virus làm tổn thương mô và các đầu dây thần kinh trong mũi họ. Khi những đầu dây thần kinh đó hồi phục, chứng rối loạn về mùi có thể xảy ra khiến não không xác định được đúng mùi của những thứ xung quanh ta.

Tình trạng này đã xảy ra với một số người bị cảm lạnh thông thường, người có vấn đề về xoang hoặc chấn thương đầu. Họ cho biết mình ngửi thấy những mùi rất khó chịu như mùi khét, mùi khói thuốc lá hoặc mùi thịt thối.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, mùi khó chịu kích ứng gây buồn nôn. Dù các chuyên gia hi vọng chứng rối loạn về mùi là dấu hiệu của sự phục hồi khả năng ngửi được mùi của các bệnh nhân, nhưng một số người cho biết họ phải chịu đựng tình trạng này nhiều năm.

Với Pasquale Hester, 34 tuổi, ở Leeds (Anh), kem đánh răng là một trong những đồ vật sử dụng hằng ngày có mùi tồi tệ nhất. Hester đổi sang đánh răng với muối. Giống như nhiều người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, phải mất vài tuần khứu giác của Hester mới được cải thiện.

Nhưng rồi, trong lúc đang ăn cà ri vào sinh nhật hồi tháng 6-2020, cô nhận ra khả năng ngửi mùi hương của mình bị biến dạng. “Tôi đang ăn một loại bánh nướng của Ấn Độ nhưng phải nhổ ra ngay vì nó có vị như sơn. Mùi cà phê, hành tây và tỏi là kinh khủng nhất. Có những ngày tôi chỉ có thể ăn đậu Hà Lan và phô mai”, Hester cho biết.

Brooke Jones, một nữ sinh ngành luật ở Anh, bắt đầu có triệu chứng vào tháng 4 và xét nghiệm dương tính với COVID-19 một tuần sau đó. Cô cho biết căn bệnh khiến hầu hết mọi thứ xung quanh cô có mùi giống như “thịt thối trộn với thứ gì đó ngoài nông trại”.

Cô gái 20 tuổi ở thành phố Bradford này có một danh sách ít ỏi những “thực phẩm an toàn” mà cô có thể chịu đựng: bánh quế nướng, dưa leo và cà chua. Bất cứ thứ gì khác đều làm cô khó chịu phát ốm.

Mặc dù các nhà khoa học chưa rõ số lượng bệnh nhân COVID-19 bị rối loạn về khứu giác, họ đoán con số có thể lên đến hàng trăm ngàn trong số hơn 25 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. Giáo sư Claire Hopkins, chủ tịch Hiệp hội Bệnh mũi của Anh, cho biết: “Chúng ta có một sai lầm phổ biến khi cho rằng tình trạng mất khứu giác do virus corona chủng mới chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Đúng là khả năng phục hồi đối với tình trạng này là cao, nhưng nhiều người có thể bị mất khứu giác trong một thời gian dài và tác động của vấn đề này đã không được chú ý đúng mức”.

*** Error ***

Giáo sư Gottfried Kremsner tiêm vaccine phòng virus corona chủng mới của công ty công nghệ sinh học Đức CureVac cho một tình nguyện viên tạiTuebingen, Đức ngày 22-6-2020. Ảnh: REUTERS

Bệnh nhân cần giúp đỡ

Theo giáo sư Hopkins, mùi có vai trò quan trọng với trí nhớ, cảm xúc và tâm trạng của chúng ta và những người bị mất khứu giác cho biết họ cảm thấy cô độc. Chứng rối loạn về mùi có thể gây hoang mang cho bệnh nhân và những trường hợp cực kỳ nặng sẽ phải điều trị bằng thuốc.

Cũng theo giáo sư Hopkins, tại Anh - nơi có nền y học tiên tiến - các bệnh nhân xác nhận họ cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi gặp các vấn đề về mùi.

Laura Wood, một phụ nữ ở Anh, cho biết bà rất thích nấu ăn nhưng việc bị mất đi khứu giác và vị giác sau khi nhiễm COVID-19 đã lấy đi niềm vui của bà. Từ hành tỏi đến các món chiên, xào, nấu, nướng đều không có mùi. Mất đi khứu giác, vị giác là mất chức năng không dễ nhận ra với đa số người, họ không nhận được sự giúp đỡ cần thiết như đối với các loại khuyết tật khác.

Chrissi Kelly, người sáng lập một tổ chức giúp đỡ những người bị mất khứu giác, cho biết nhóm Facebook của bà tăng từ 1.500 thành viên lên 7.000 thành viên kể từ tháng 3 đến tháng 7-2020.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo: mất khứu giác và vị giác là triệu chứng của bệnh nhân mắc COVID-19. Nếu thấy triệu chứng này xuất hiện mà không kèm theo các triệu chứng khác thì đây là dấu hiệu cần đến các cơ sở y tế để khai báo và tầm soát.

Một bài viết đăng tháng 6-2020 của thạc sĩ Hoàng Phước Minh, giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường ĐH Y dược Huế, trên tạp chí khoa học về dị ứng và miễn dịch học châu Á - Thái Bình Dương (Asian Pacific Journal of Allergy and Immunology), tổng hợp các nghiên cứu trên toàn thế giới chỉ ra tỉ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 có dấu hiệu rối loạn khứu giác và vị giác cao gấp 11 lần so với người âm tính với SARS-Cov-2, cao hơn gấp 4 lần so với người bị nhiễm các virus đường hô hấp khác. Khoảng 50% bệnh nhân COVID-19 mất hoàn toàn chức năng khứu giác hoặc khứu giác thay đổi thể hiện qua 14 báo cáo trên thế giới.■

Tranh nhau cấp phép khẩn sản xuất vaccine

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) cho biết cơ quan này có thể cân nhắc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng COVID-19 trước khi nó hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở người.

Trả lời phỏng vấn The Financial Times số ra ngày 30-8-2020, người đứng đầu FDA Stephen Hahn cho biết việc để ngỏ khả năng cấp phép này không vì sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người liên tục hối thúc đẩy nhanh việc phát hành vaccine càng sớm càng tốt. Quyết định cuối cùng sẽ dựa trên số liệu và cơ sở khoa học.

Trong trường hợp được cấp phép khẩn cấp, vaccine này sẽ được sử dụng cho các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương chứ không dành cho tất cả mọi người.

Ông Peter Marks, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, cho biết ông sẽ từ chức nếu bị bất kỳ áp lực chính trị nào để phê duyệt sớm vaccine phòng COVID-19.

Hiện 3 hãng dược phẩm phương Tây đang thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) trên diện rộng để kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của vaccine, với sự tham gia của hàng ngàn tình nguyện viên, gồm: Công ty Anh - Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với ĐH Oxford của Anh phát triển, vaccine của Hãng dược Moderna phối hợp với Viện Y tế quốc gia Mỹ phát triển và vaccine của liên minh Pfizer - BioNTech.

Hầu hết các nhà phát triển vaccine đều dự kiến đầu năm tới sẽ sản xuất vaccine phòng virus corona chủng mới. Cả Nga và Trung Quốc mỗi nước đã phê duyệt một loại vaccine chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đều bị chỉ trích nặng nề vì cố đi tắt đón đầu trong một quy trình cần sự nghiêm ngặt.

Đến nay, Trung Quốc đã có 3 loại vaccine được phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp nhưng không một loại vaccine nào hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng.

Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova ngày 26-8 cho biết Nga đang chuẩn bị phê duyệt một loại vaccine phòng COVID-19 thứ hai vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. Bà khẳng định các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của loại vaccine do Viện Virus học Vector ở Siberia phát triển sẽ hoàn tất vào tháng 9.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận