"Tâm hồn ăn uống" của dân và lệnh "bóp mồm bóp miệng" của quan

TTCT - Thay đổi cách ăn uống của 1,4 tỉ con người là một thách thức cực kỳ khó khăn. Nhưng đấy là điều mà Chính phủ Trung Quốc, thông qua một chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, đang ra sức thực hiện cho được.

Ảnh:
Ảnh:sciendirect.com)

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đưa ra yêu cầu chống lãng phí thực phẩm, buộc các quan chức lẫn doanh nghiệp phải hộc tốc tìm cách ngăn chặn mọi người “dù bụng đã no, nhưng mắt vẫn còn đói”, trong một vài trường hợp nghiêm trọng hơn, phải giám sát thời điểm… dùng bữa của dân. Cớ sự gì dẫn đến chuyện này?

Thức ăn là một chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc, nơi nạn đói từng cướp đi mạng sống của 45 triệu người trong hai thập niên 1950 và 1960 vẫn còn ghi trong ký ức của nhiều người, và sau hơn 3 thập niên sống trong chế độ tem phiếu lương thực của chính phủ, việc có thể ăn tùy thích, bất cứ lúc nào… được nhiều người xem là dấu hiệu của sự thịnh vượng mới của Trung Quốc.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976), các hoạt động giải trí đại chúng như khiêu vũ, phim ảnh và âm nhạc bị bóp nghẹt. Điều này để lại di sản tồi tệ: ngay cả khi các trò tiêu khiển đại chúng trăm hoa đua nở, nhiều người vẫn không biết làm gì để giải trí, ngoài việc ăn uống.

Đất nước này cũng chứa đựng một nền văn hóa lấy việc quây quần ăn uống là trọng tâm. Đi ăn ngoài quán là chất keo gắn kết đời sống xã hội ở Trung Quốc: bàn ăn là nơi kết bạn và chốt các giao dịch kinh doanh.

Người Trung Quốc cũng nổi tiếng với việc khoái đăng ảnh đồ ăn lên mạng xã hội. Và khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa với thế giới, sự phồn vinh thịnh vượng của thời kỳ này được phô bày qua những món ăn xa hoa. Ăn uống thỏa thích trở thành biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp. Các đại yến với những món ăn cầu kỳ biểu thị cho thành đạt và sang trọng.

Alfred Ngô Mộc Loan, giáo sư kiêm nhiệm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), giải thích rằng gọi thừa thức ăn còn là “vấn đề thuộc về thể diện” - càng gọi món nhiều, theo ông, người ta càng có địa vị cao và được nhiều nể trọng.

Trang gynews.com từng mô tả người dân thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu đãi tiệc một bàn đến 17 món, nhưng chỉ có 4 - 6 người ăn, hầu như món nào cũng chỉ gắp vài đũa. Một gia đình có con đầy tháng đãi cơm 12 người, trong đó có 3 em bé mà gọi hơn 20 món. Khi họ ra về, các món ăn vơi chưa đầy một nửa. Người mời luôn sợ đồ ăn ít làm mất mặt, đồ ăn nhiều cũng ngại đem về vì xấu hổ.

Ảnh:
Ảnh: Bàn ăn lúc nào cũng phải hàng chục món để thể hiện đẳng cấp và thể diện (Ảnh: China Travel Food)

Theo CNN, Trung Quốc đang đương đầu với vấn đề lãng phí thực phẩm vô cùng nghiêm trọng. Theo Tân Hoa xã, giữa hai năm 2013 và 2015, Trung Quốc lãng phí gần 18 triệu tấn thức ăn hằng năm.

Năm 2015, quốc gia này đã đổ bỏ lượng thức ăn đủ để nuôi sống ít nhất 30 tới 50 triệu người - tương đương dân số Úc và New Zealand gộp lại, hoặc dân số của toàn bang Texas (tiểu bang lớn nhất nước Mỹ) - trong suốt một năm.

Nếu xét riêng trên tổng dân số khổng lồ 1,4 tỉ, mỗi người Trung Quốc lãng phí khoảng 33kg thức ăn mỗi năm, theo Chỉ số bình ổn thức ăn do Cơ quan nghiên cứu Intelligence Unit của tờ The Economist công bố năm 2018.

Một nghiên cứu về lãng phí thức ăn do Viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc công bố năm 2015, được trích dẫn lại trên truyền thông quốc gia sau tuyên bố mới đây của ông Tập về chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, cho rằng thủ phạm lớn nhất gây ra lãng phí nông sản tại Trung Quốc chính là ngành công nghiệp ẩm thực ngày càng lớn mạnh, và vấn đề này trầm trọng nhất tại các thành phố lớn.

“Bắc Kinh mỗi ngày sản sinh ra 18.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó một lượng rất lớn là thực phẩm chưa dùng đến như bánh mì, bánh kẹp, thức ăn nhanh, có thể tìm thấy dễ dàng cả những tảng cá và thịt lớn, các bao đựng gạo còn chưa mở” - báo cáo cho biết.

Riêng với thịt heo - thực phẩm được ưa chuộng nhất trong các bữa ăn của dân Trung Quốc, tiêu thụ thịt ở Trung Quốc đã tăng gấp bảy lần trong ba thập niên rưỡi qua. Vào đầu những năm 1980, khi dân số còn dưới 1 tỉ người, trung bình một người Trung Quốc ăn khoảng 13,6 kg/năm. Ngày nay, với thêm 380 triệu người, con số này là gần 64 kg/năm. Nhìn chung, quốc gia này tiêu thụ 28% lượng thịt của thế giới - gấp đôi so với Hoa Kỳ. Và con số này đang tiếp tục tăng.

“Trời đánh còn tránh miếng ăn” - dân Trung Quốc không thích bị bóp mồm bóp miệng

Đại dịch COVID-19 đã buộc các nhà hàng đóng cửa suốt nửa năm qua, nền công nghiệp thực phẩm Trung Quốc đang phải cố gắng hết sức để phục hồi nên yêu cầu nhà hàng phục vụ ít đồ ăn đi ngay sau đại dịch và bảo dân ăn ít đi đã khiến dân Trung Quốc nổi đóa. “Nhà hàng nào lại đi hạn chế khách gọi thêm thức ăn chứ? Chủ nhà hàng nào chẳng muốn buôn may bán đắt” - ông Vương, người Vũ Hán, chủ một nhà hàng, bực tức.

Chỉ đạo này thiếu mất những cách thực hiện cụ thể, chừa chỗ cho các quan chức lẫn các công dân nhiệt tình trên khắp Trung Quốc vận dụng những biện pháp đôi khi quá đà, cốt để đối phó.

Đỉnh điểm là ngày 13-8, một nhà hàng ở tỉnh Hồ Nam yêu cầu thực khách phải cân thể trọng trước khi vào quán, sau đó căn cứ menu có ghi sẵn thành phần calo từng món ăn của nhà hàng để gọi.

Khỏi nói, người ta cáu tiết thế nào. “Cân xong thì làm gì còn tâm trạng để ăn, về giảm béo cho rồi”, “Bắt cân ở nơi công cộng không chỉ làm mất hứng, mà còn xâm phạm quyền riêng tư”, “Vấn đề không phải một mình tôi gọi món, chắc là anh chưa từng được mời cơm, nếu không anh sẽ hiểu khi đã vào bàn ăn thì không thể tự chủ được”, “Cân nặng liên quan gì đến ăn? Người mập chưa chắc ăn nhiều, người gầy chưa chắc ăn ít. Ăn cơm thôi mà cũng phải tiết lộ quyền riêng tư”… các trang nbd.com.cn, guancha.cn trích dẫn bình luận của các cư dân mạng.

Một nhà hàng ở Hà Nam còn lập hẳn đội giám sát. “Cái phao câu gà này anh chặt to quá, còn dính nhiều thịt mà bỏ thì lãng phí. Với lại hôm nay rau có vẻ ít, mà lượng thịt mua vào thì nhiều” - một giám sát nhận xét khi kiểm tra nhà bếp, theo Hà Nam nhật báo. Lòng tốt của giám sát viên thành trò cười của cư dân mạng. “Phao câu không là thịt thì là gì? Cho dù chặt bỏ cỡ nào cũng là lãng phí. Vấn đề là thực khách có thích miếng “thịt” này không” - họ cười cợt.

Một nhà hàng Hồ Bắc là nơi đầu tiên áp dụng chế độ gọi món N-1, tức 10 khách chỉ gọi món cho 9 khách, sau đó Hiệp hội nhà hàng Liêu Ninh khuyến khích áp dụng chế độ N-2, tức 10 khách gọi món cho 8 khách, không đủ mới được gọi thêm. Dân mạng lại nổi đóa: “Nếu hai người đi thì chẳng có món gì để gọi rồi”. “Thế bao giờ các người áp dụng chế độ N-3 đây?”.

Người dân Trung Quốc ăn há cảo vào những lễ hội mùa xuân với niềm tin thức ăn này là cách kết nối họ với các đấng thần linh. Ảnh: Sciencedirect.com
Người dân Trung Quốc ăn há cảo vào những lễ hội mùa xuân với niềm tin thức ăn này là cách kết nối họ với các đấng thần linh. Ảnh: Sciencedirect.com

“Tất cả đều mang nặng tính hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực. Doanh nghiệp ngành ăn uống không nên máy móc, phiến diện lý giải về việc tiết kiệm lương thực chống lãng phí. Bảo vệ an toàn lương thực là chiến lược quốc gia, nhà nước sẽ có biện pháp bảo vệ canh tác, phát triển khoa học. Còn việc tiêu dùng bình thường ở nhà hàng, doanh nghiệp cần khuyến khích thực khách mang về khi ăn không hết, hướng dẫn đúng cách chứ không phải ùn ùn chạy theo phong trào” - giáo sư Chúc Lập Gia, Học viện Hành chánh quốc gia Trung Quốc, chia sẻ trên trang jiemian.com.

Ông Hàn Minh, chủ tịch Hiệp hội nhà hàng Trung Quốc, cũng kiên quyết phản đối chủ nghĩa hình thức trong chiến dịch chống lãng phí đồ ăn này, cho rằng lãng phí lương thực không chỉ ở nhà hàng quán ăn, mà phải quan tâm chống lãng phí ở công đoạn sản xuất, vận chuyển, đóng gói, tiêu thụ, theo Tân Hoa xã.

Rất nhiều người dân hiến kế khác, chẳng hạn thức ăn dư đem đi cân, dư 500 gram phạt 100 tệ (1 tệ khoảng 3.500 đồng), 50 tệ nộp ngân sách, 50 tệ coi như phí phục vụ cho nhà hàng.

Bất chấp các phản đối, sắp tới các biện pháp sẽ còn khắt khe hơn nữa. Cơ quan lập pháp cấp cao của Trung Quốc thông báo sẽ xem xét ban hành luật nhằm ngăn chặn lãng phí thức ăn, còn các nền tảng streaming lớn thì đe dọa sẽ cấm cửa các blogger ăn uống vì ăn quá (trên) mạng.

Sự thể dần trở thành điều mà nhiều công dân Trung Quốc bức xúc gọi là “một giới hạn khác về chính trị áp đặt lên đời sống thường nhật” của họ. Nhưng họ biết điều gì sẽ tới: những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát việc sử dụng Internet, chủ động truy dấu vết “số” của công dân. Hơn 20 triệu camera giám sát đã được lắp đặt ở Trung Quốc vào năm 2017, theo Đài truyền hình quốc gia CCTV, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi nhất cử nhất động của công dân trên cả nước.

Trước khi xuất hiện chiến dịch, ăn uống vẫn là một trong vài điều ít ỏi mà người dân có thể tự do thực hiện, nay thứ tự do ấy cũng chẳng còn. Đầu tháng 9 này, truyền thông nhà nước đưa tin một đơn vị hành chính cấp quận tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã thiết lập “hệ thống phơi bày lãng phí thực phẩm” tại các căngtin của nhà nước bằng cách lắp đặt camera giám sát gần các thùng rác nơi công nhân đổ thức ăn thừa. Những người đổ thức ăn thừa quá ba lần và bị bắt gặp trên camera sẽ bị bêu tên và chê trách công khai, cảnh quay “tội” của họ được phát trên màn hình lắp ở khắp căngtin.

Một số đơn vị hành chính địa phương còn nới rộng giám sát thức ăn lãng phí lên khắp các thành phố, Thượng Hải khuyến khích công dân tố cáo nhau nếu thấy ai ăn quá nhiều hay lãng phí thức ăn.

Các streamer danh tiếng thường live stream cảnh họ ngốn ngấu thức ăn với các mâm thức ăn khổng lồ để mua vui cho người xem đã bị truyền thông nhà nước chỉ trích nặng nề. Các nền tảng video lớn như Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) đã đề nghị kiểm soát các live stream về thực phẩm và khóa các tài khoản phát sóng cảnh ăn uống liên tục.

Lãng Vị Tiên, một vlogger chuyên phát cảnh ăn uống vô độ trên Douyin với 40 triệu lượt theo dõi, chỉ còn lại 6 video trên tổng số hơn 300 video, sau khi chúng bị xóa khỏi nền tảng. Cô từng ăn 10 gói mì ăn liền trong vòng 9 phút, theo lời truyền thông nhà nước. Nhưng những người hâm mộ cô vẫn khăng khăng “Lãng, chúng tôi ủng hộ cô. Up video ăn uống là quyền của cô. Cá nhân tôi không đồng tình với chuyện ăn quá nhiều thức ăn một lúc… nhưng đó vẫn là quyền của cá nhân cô. Cô không phạm pháp và do đó chẳng thể bị đàn áp như vậy” - một fan chia sẻ trên phần bình luận.

Ông Willy Lâm, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (ĐH Trung Quốc Hong Kong), cho biết bên cạnh các thách thức gây ra từ sự mơ hồ trong chính sách của ông Tập, đây còn là một thời điểm đặc biệt không tốt để triển khai chiến dịch, ngay sau những khó khăn mà người dân gánh chịu do phong tỏa vì virus corona gây ra, khi hàng triệu người Trung Quốc không thể rời khỏi nhà suốt nhiều tháng. Rất nhiều người, theo ông Lâm, chỉ muốn ra nhà hàng ăn uống và tận hưởng. “Do vậy mục tiêu tằn tiện hẳn sẽ rất khó đạt được” - ông nhận định.

Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử về việc chiến trận, Khổng Tử đáp: “Trở đậu chi sự, tắc thường văn chi hĩ; quân lữ chi sự, vị chi học dã”, nghĩa là: “Việc trở đậu, tôi thường được nghe; việc quân lữ, tôi chưa được học”. Trở - đậu là cách nói ước lệ: “Trở” là cái mâm dùng đựng muông sinh tế lễ; “đậu” là bát tiện bằng gỗ dùng đựng thức ăn cúng, ý chỉ việc tế tự, lễ nghĩa, gắn liền với đạo đức Nho giáo. Từ cách nói đó, có thể thấy một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một người “quân tử” Nho giáo đúng nghĩa là kiến thức và kỹ năng gắn với đồ ăn thức uống… 

Tầm quan trọng của đồ ăn thức uống và những nghi thức gắn liền với nó được thể hiện rõ qua ghi chép về nhân sự trong hoàng cung ở cuốn Chu lễ. Theo đó, trong gần 4.000 người phụng vụ trong cung điện của nhà vua, gần 60% là những người làm các công việc có liên quan tới ngự trù và ngự thiện phòng - tức đồ ăn thức uống của nhà vua.

Bức tranh mô tả một bữa tiệc do hoàng đế ban cho các học giả và các quan, vẽ trong triều đại nhà Tống (960 - 1279)
Bức tranh mô tả một bữa tiệc do hoàng đế ban cho các học giả và các quan, vẽ trong triều đại nhà Tống (960 - 1279)

Một cớ sự: Khủng hoảng nông nghiệp

Chiến dịch chống lãng phí thức ăn của ông Tập xuất hiện giữa lúc ngành nông nghiệp Trung Quốc đang lao đao sau hàng loạt thiên tai. Trước Covid-19, Trung Quốc phải đương đầu với một đại dịch khác: cúm gia cầm và cúm heo.

Thịt heo là một thực phẩm cơ bản tại nhiều nơi trên đất nước, chiếm khoảng 70% tổng lượng thịt tiêu thụ, theo dữ liệu chính thức năm 2018. Tuy nhiên đợt bùng phát dịch cúm heo năm 2019 đã khiến các nông trại chăn nuôi heo khốn đốn, ước tính tổng đàn heo tại Trung Quốc đã giảm đi 40%, tương đương 130 triệu con (theo phân tích dữ liệu chính thức của CNN Business tháng 11-2019).

Đại dịch corona đã hất ngành nông nghiệp Trung Quốc vào bất ổn trong quý đầu năm 2020. Không thể mang nông sản ra thị trường, nhiều nông dân chỉ còn những cánh đồng nông sản ôi thối, trong khi số khác mất hết tiền bạc và công việc.

Đại dịch vẫn tiếp tục làm gãy vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, và cuộc thương chiến giữa Bắc Kinh và Washington đã gây thiệt hại cho đậu nành và các sản phẩm nhập khẩu khác. Trong khi đó, lũ kỷ lục trên sông Dương Tử mùa xuân năm nay đã tiêu hủy toàn bộ vụ mùa lúa và bắp ở miền trung Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tung ra hàng chục triệu tấn lương thực từ kho dự trữ quốc gia.

Trước tình hình đó, ông Tập đã nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc buộc phải tự cung tự cấp trong sản xuất thực phẩm. Tháng 7 vừa qua, khi tới Cát Lâm, ông Tập đã nói chuyện với nông dân và yêu cầu chính quyền tại địa phương ưu tiên an toàn thực phẩm.

Có điều, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến này của ông Tập sẽ chẳng đi đến đâu. Họ chỉ ra một chiến lược tương tự hồi năm 2013 đã thất bại toàn tập, khi lượng món ăn bị khống chế tại nhà hàng, các quan chức Bắc Kinh phạt các nhà hàng và cơ sở kinh doanh có thức ăn thừa, và ở một số khu vực, các nhà hàng được yêu cầu chỉ phục vụ một nửa phần ăn.

Khi không có một lộ trình mạch lạc, rõ ràng, đối với thay đổi mang tính dài hạn để điều chỉnh tâm thức, thói quen và quan niệm trong xã hội về chuyện ăn uống của người dân, các biện pháp nêu trên đã dần bị lãng quên.■

Thức ăn với người Trung Quốc: đại sứ cho tất cả

1. Thiết lập mối quan hệ con người với nhau và giữa con người với thần linh thông qua trao tặng thức ăn, mời nhau ăn, dâng cúng lễ gồm nhiều thức ăn được cho là thanh sạch, quý giá.

2. Thể hiện mức độ quan trọng của các mối quan hệ: quý trọng bao nhiêu, mời ăn thức ngon và đắt tiền bấy nhiêu. Một bữa ăn bình thường để mời khách quý gồm 4-6 món lạnh, 8-10 món nóng.

3. Thể hiện đẳng cấp địa vị: thức ăn càng quý, càng hiếm, càng độc đáo càng cho thấy địa vị của chủ nhân, bữa ăn đỉnh cao vì thế gồm những món như tổ yến, vi cá mập, tay gấu, nhân sâm hay tôm hùm.

4. Ăn để giữ gìn bản sắc và căn tính dân tộc: nhiều thế hệ người Trung Quốc định cư ở nước ngoài vẫn giữ nguyên thói quen và các món ăn truyền thống trong bữa cơm hằng ngày.

5. Thức ăn là biểu tượng: quả đậu dài là lời chúc sống lâu, hạt đậu là chúc con cái đông vui, cam và hạt dẻ là biểu tượng may mắn…

6. Công cụ để tưởng thưởng hay trừng phạt: một nghiên cứu chỉ ra rằng 29% cha mẹ Trung Quốc dùng thức ăn để động viên khích lệ con, 23% dùng thức ăn để tưởng thưởng thành tích học tập của con, 10% giảm lượng thức ăn như cách trừng phạt con vì học hành kém.

Người dân Trung Quốc ăn há cảo vào những lễ hội mùa xuân với niềm tin thức ăn này là cách kết nối họ với các đấng thần linh. Ảnh: Sciencedirect.com
Người dân Trung Quốc ăn há cảo vào những lễ hội mùa xuân với niềm tin thức ăn này là cách kết nối họ với các đấng thần linh. Ảnh: Sciencedirect.com
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận