Để có thể “đọc” đô thị như một cuốn sách thú vị

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 24/09/2020 01:09 GMT+7

TTCT - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về quy hoạch đô thị.


 Ảnh: Quang Định

Cuộc trò chuyện trước với anh cách nay đã hơn 10 năm. Hôm nay, lặp lại cảnh xưa, cũng tại bộ bàn ghế mà cha anh - KTS Ngô Viết Thụ, “tác giả Dinh Độc Lập” - từng ngồi tiếp quan chức lớn của Sài Gòn trước 1975 và cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này, chúng tôi lại cùng trò chuyện về những hi vọng một “đại đô thị - TP.HCM” mới.

Sài Gòn đi trước 

Anh có thể tóm tắt những biến đổi về quy hoạch phát triển đô thị để có thể thấy những “đặc thù Sài Gòn” không ạ?

- Thời kỳ đầu tiên, các vua triều Nguyễn đã xây dựng những kiến trúc thành lũy - phòng thủ, và sau này khi Pháp đến có bản “đồ án quy hoạch đầu tiên của Sài Gòn” năm 1862. Người Pháp đã quy hoạch Sài Gòn là một thành phố cho 500.000 dân, với lõi trung tâm tập trung ở khu vực 3 cây số vuông gồm quận 1, quận 3 nội thành.

Các nghiên cứu quốc tế cho rằng các “đô thị đáng sống” thường có dân số không cao, giới hạn trong khoảng ít hơn 3 triệu dân. Nếu đô thị quá lớn sẽ phức tạp, cộng đồng thiếu gắn bó và thiếu bản sắc. Vì vậy, tổ chức đô thị trung tâm phối hợp với các đô thị lớn nhỏ kết nối thành vùng đô thị sẽ tốt hơn nhiều so với việc tổ chức một đô thị cực lớn.

Thí dụ Paris lớn vậy nhưng thành phố này chỉ có 2 triệu dân, nơi tạo điều kiện bảo tồn văn hóa và không có nhiều nhà cao tầng. Để mở rộng đô thị hiện đại, Paris đề ra khu “trung tâm mới” La Défense nhưng lại không thuộc Paris, mà thuộc tỉnh giáp ranh Hauts-de-Seine. Họ hình thành một “đô thị vành đai trong” gồm Paris và 3 đô thị giáp ranh kết nối để tạo thành một đại đô thị lớn.

Đến năm 1975, dân số Sài Gòn khoảng 3 triệu người, vẫn chưa hình thành vùng đô thị hay đô thị vệ tinh, là vấn đề chỉ được đặt ra sau sự bùng nổ phát triển đô thị từ những năm 1990 nhờ chính sách đổi mới kinh tế. Giai đoạn từ năm 1975 đến trước đổi mới là rất khó khăn, TP.HCM có lúc còn giảm dân số do nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Thời kỳ những năm 1990 đổi mới mở cửa đến nay, đô thị hóa lan nhanh mọi phía. Quận 1 và 3 vẫn là lõi trung tâm chính, tuy có nhiều dự án đô thị nhưng lại thiếu hạ tầng xã hội đi kèm, trong khi phát triển tự phát vẫn rất mạnh, không theo tiêu chí nào, do vậy vẫn không góp phần tạo thành hệ thống đô thị đa trung tâm.

Người dân xây nhà lan ra xa để có giá rẻ, nhưng mọi thứ vẫn phụ thuộc vào trung tâm, từ công ăn việc làm, buôn bán nhỏ lẻ đến trường học, bệnh viện... tạo ra nhiều khu “đô thị phòng ngủ” (Bedroom Community) chỉ về đó… để ngủ, người lớn vẫn vào nội thành đi làm, nhiều trẻ em vẫn vào nội thành đi học.

Nay Sài Gòn - TP.HCM tăng lên đến hơn 10 triệu dân, đã là quy mô của một “siêu đô thị” rồi, nhưng đáng tiếc là việc định hướng và quản lý quy hoạch vẫn chưa được bài bản như mong muốn.

Vừa "tiêu cực" vừa "tích cực" 

Nhưng thành phố đã nhiều lần nghiên cứu quy hoạch chung, nhiều quy hoạch chi tiết quận huyện, có đề án chính quyền đô thị… sao vẫn nghe kêu ca lộn xộn, luật lệ nhiều quá, kẹt xe, ngập nước, nhà cao tầng mọc tùy tiện….? “Tắc” chỗ nào ạ?

- Mặt tích cực là chính quyền có sự quan tâm lớn, rất cố gắng đáp ứng nhu cầu và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là quy hoạch ít khi được đi kèm với kế hoạch thực hiện quy hoạch nên không phát huy được tác dụng.

Do đó phát triển vẫn lộn xộn, còn tự phát bởi quy hoạch chưa tạo được định hướng. Nhiều dự án giải tỏa không khả thi vì không nghiên cứu kỹ hiện trạng. Nhiều nhà đầu tư thực hiện không nghiêm dự án đô thị trình duyệt, chỉ lo xây nhà để bán, còn hạ tầng xã hội, đường sá thì không làm, do đó đời sống vẫn không ổn, vẫn còn vấn nạn ô nhiễm vì xả thải, kẹt xe vì giao thông chồng chéo.

Dân vẫn còn xây cất sai phép hoặc không phép như ở Bình Chánh, Gò Vấp… đường sá nhỏ và quanh co, khi có cháy cứu hỏa không vào được. Đường chưa mở cao ốc đã mọc lên. Xây dựng không đảm bảo phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi môi trường.

Theo anh, “cái gốc” nằm ở đâu? Vấn đề kỹ thuật hay quản lý?

- Sau đổi mới, phát triển kinh tế thị trường nhưng tư duy quản lý, quy hoạch vẫn theo lối cũ, nặng về tư duy kinh tế tập trung và bao cấp. Nhiều đơn vị chủ dự án công trình có ngân sách thì làm, không lại… chờ, chứ không tìm cách để tự giải quyết, tạo ra động lực phát triển. Vẫn còn nhiều quy hoạch “treo” do phương án không khả thi, như bố trí cây xanh tại khu dân cư dày đặc.

Với tư duy kinh tế thị trường thực sự, mọi quy hoạch đều phải đi kèm kế hoạch thực hiện và phương án tài chính cùng lúc, khuyến khích thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Quản lý dự án phải đảm bảo làm xong hạ tầng trước khi xây nhà, hạ tầng xã hội phải có trước khi bán nhà. Nghĩa là đảm bảo cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Anh thử nói cụ thể, thí dụ công trình metro hàng tỉ đôla giao cho sở GTVT, phải chờ ngân sách lâu và dự án bị đội vốn. “Tây” họ làm thế nào?

- Đó cũng là thí dụ điển hình về việc cần học hỏi kinh tế thị trường. Tư duy kinh tế thị trường giúp quy hoạch và quản lý tạo được nguồn thu ngân sách để tái phát triển tiếp. “Tây” sẽ không giao dự án metro chỉ cho một sở GTVT, mà phải giao cho nhiều sở, trong đó sở GTVT lo metro, sở kế hoạch - đầu tư và tài chính lo nguồn vốn thực hiện, sở quy hoạch kiến trúc và xây dựng lo quy hoạch xây dựng các dự án khu vực lân cận.

Nếu giá trị đất hai bên dự án metro tăng giá, được giải tỏa, hấp dẫn nhà đầu tư làm cao tầng hai bên đường, nộp ngân sách xong còn dư tiền xây dự án khác.

Điều này nghe cũng dễ hiểu mà sao lại không làm được?

- Việc này cần thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo và phải có “nhạc trưởng” có đủ quyền hạn ngang với trách nhiệm, chức vụ ngang phó chủ tịch UBND TP.

Hi vọng "những đô thị vệ tinh"

Người dân đang chờ “Phố Đông”. Xin anh nói về những đô thị vệ tinh: Nó sẽ thế nào?

- Khác với khu đô thị Nam Sài Gòn do nước ngoài đề xuất, dự án thành phố Đông là dự án thành phố đầu tiên do chính quyền khởi xướng. Nói một cách dễ hình dung hơn, đây là đô thị vệ tinh nằm trong một thành phố đa trung tâm vành đai trong.

Còn vành đai ngoài sẽ là một cụm đô thị kết nối vùng với các tỉnh lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu hay Tiền Giang… với hệ thống đường hướng tâm, đường vành đai. Dự kiến dân số của “Phố Đông” sẽ lên tới 2 triệu người, thu hút dân có trình độ cao. Nhà nước kỳ vọng nó sẽ đóng góp 30% GDP toàn TP.HCM.

Thực ra mô hình đô thị vệ tinh không mới trên thế giới. Nên tham khảo tổ chức của quận 1, 3 được quy hoạch kiểu châu Âu theo nguyên tắc trong bán kính đi bộ, đảm bảo cung cấp tất cả những hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần thiết.

Do đó, con đi học có thể đi bộ, công sở, bệnh viện, chợ búa siêu thị… những cái mình cần đều ở gần nhà, chẳng phải tìm đâu xa. Lấy tư duy đó làm đô thị vệ tinh sẽ thành công, sẽ thu hút được dân cư có trình độ, trí tuệ, chất xám về thành phố Đông để an cư lạc nghiệp.

Anh từng tham gia nhiều dự án quy hoạch đô thị lớn các nước như Phố Đông Thượng Hải, có thể nên học kinh nghiệm gì hay?

- Trung Quốc muốn phát triển Phố Đông Thượng Hải như Hong Kong chỉ trong hai thập niên từ những khu nhà cũ được xóa hết xây lại để chứng tỏ năng lực với thế giới, do đó họ đã ưu đãi nhiều cơ chế đặc thù, khuyến khích tư duy theo kinh tế thị trường.

Được coi là “Thành phố phó tỉnh” nên “thị trưởng” của Phố Đông ngang với chức phó chủ tịch TP Thượng Hải. Đó là một tham khảo tốt hơn so với đề xuất cơ cấu quản lý của Sở Nội vụ TP.HCM hiện nay là gom 3 thành phố lại tương đương một quận lớn mang tên thành phố. Bỏ cấp quận, tôi cho là không nên. Đúng ra nên giảm số phường, giữ cấp quận để hình thành thành phố thông minh.

Sao tiến lên hiện đại người ta vẫn yêu “Sài Gòn xưa”? Làm sao để giữ cho vẻ đẹp đó không biến mất?

- Người trẻ có xu hướng thích sự hiện đại, cái mới. Nhưng những người sâu sắc và có nhiều kinh nghiệm sống thì quan tâm cả đến những dấu ấn đô thị đánh dấu lịch sử phát triển thành phố. Đô thị lâu đời, giàu bản sắc như Hà Nội, TP.HCM nên tham khảo cách làm của thế giới: Giữ những khu vực mang dấu ấn của các thời kỳ, để ta có thể “đọc” đô thị như một cuốn sách thú vị với những “chương” phát triển khác nhau.

Đặc điểm của đô thị xưa là nhà thấp, đường nhỏ, nhiều cây xanh, trái ngược với đô thị hiện đại là nhà cao, đường rộng, nhiều công viên lớn. Xây dựng hiện đại cao tầng nên đặt đúng chỗ, chứ không nên phá hỏng không gian lịch sử. Triết lý phát triển phải đi trước, dẫn đường cho chiến lược phát triển và dự án quy hoạch.

Cảm ơn anh rất nhiều. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận